Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

THAM - TÁC HẠI VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐỐI TRỊ

Nội Dung Buổi Chia Sẻ Phật Pháp của nhóm TGĐT





1. Tham là gì?
Tham (lobha) bắt nguồn từ “Lubh” nghĩa là bám chặt vào, hay cột lại, cũng có thể hiểu là luyến ái hay bám víu vào đối tượng. Tham thành tựu khi tâm không dứt bỏ được cảnh, chế ngự tâm, bám vào tâm. Nguyên nhân có tham do đối tượng hợp với sở thích, mong muốn.

2. Quá trình phát triển tham.
Tham được thể hiện ở mức độ khác nhau từ vi tế đến hiển lộ rõ ràng. Sau mỗi giai đoạn cùng với sự tăng dần của tham thì mức độ ham muốn tác động đến bản thân và mức độ tác động của người khác cũng tăng dần theo. Bắt nguồn chỉ là sự ưa khi gặp vật vừa ý, dẫn đến thích, ham muốn, ham muốn tội lỗi nhưng khi phát triển đến tham lam quá độ thì bất chấp tất cả.

3. Nguyên nhân của tham:
- Nhân gần của tham do sự ham muốn (ái).
Trong khi tìm kiếm thích thú và dục lạc, con người không ngừng chạy theo, và cố bám chấp lấy những đối tượng tương ứng của lục căn. Con người không biết rằng không hoàn toàn thỏa mãn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Chỉ vì thỏa mãn ham muốn mà con người chìm trong vòng luân hồi sinh tử không biết bap giờ mới thoát ra được.
- Nhân xa do thiếu hiểu biết (vô minh) về sự thật (tam tướng: khổ, vô thường, vô ngã).
+ Tin vào sự tồn tại trường tồn vĩnh cửu. Cho rằng mọi thứ vĩnh hằng, mãi mãi nên khi mọi thứ biến đổi sinh ra tâm sân hận, không muốn chấp nhận thực tại, muốn níu kéo, giữ mãi mọi thứ bên mình.
+ Cho rằng không có kiếp sau, kiếp này chết mọi thứ tan biến hết. Do ngã mạn, tự cao tự đại, luôn muốn hơn người khác nên làm việc bất thiện chỉ để thỏa mãn dục vọng của mình.

4. Pháp đối trị:
Mỗi giai đoạn tham có cách đối trị khác nhau. Đừng để phát triển đến giai đoạn tham lam quá độ thì rất khó kiểm soát. Vì vậy ta tập trung nhận biết ngay từ giai đoạn ưa thích.
Khi các căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) tiếp xúc với đối tượng (sắc, thanh, hương,vị, xúc, pháp) ưa thích sinh ra cảm giác thọ hỷ muốn níu giữ đối tượng nên sinh ra bám chấp. Khi ta hay biết, ghi nhận cảm thọ, ham muốn đang khởi lên, đồng thời chúng ta biết ham muốn này sẽ là nguyên nhân có thể đến hành động bất thiện để thõa mãn tham ái của mình, bên cạnh đó đối tượng luôn thay đổi, giả tạm, nhất thời, chúng ta tham đắm  vào chúng sẽ phiền não khổ đau khi gặp sự bất toại nguyện. Vì vậy chúng ta nên dừng lại ở cảm thọ ưa thích ban đầu, không nên dính mắc dễ sinh ham muốn gây ra ác nghiệp tội lỗi. Cũng có mong muốn chính đáng khi phấn đấu nỗ lực đạt được bằng chính công sức của mình, không làm hại đến mình và người khác khi chăm chỉ học tập để có tương lai tốt đẹp, công việc ổn định… v.v Nhưng hãy dè chừng, nếu chúng ta không biết thiểu dục, tri túc (ít muốn, biết đủ) thì mong muốn có chính đáng cũng sẽ là nhân cho những ham muốn sau phát triển.
Khi tham đã đến giai đoạn mạnh thì chúng ta cần quán sát trực tiếp vào nó, chỉ cần chúng ta nhận biết được nó là nó đã yếu đi phần nào rồi, nếu như tâm tham mạnh hơn sự quán sát của chúng ta (càng quan sát càng thấy nó mạnh) thì lúc này chúng ta có thể kết hợp thêm quán niệm hơi thở để tâm bình tĩnh hơn.Lúc này ta đưa thêm những chánh kiến về nhân quả, nghiệp báo, về sự vô thường của ham muốn vào sẽ làm cho tâm tham giảm mạnh
Khi tâm tham quá mạnh đã khiến tâm trí lu mờ thì điều chúng ta cần là tránh né, cách li mình ra khỏi đối tượng gây ham muốn để tâm có thể bình tĩnh lại, lúc này có thể tìm đến bậc thiện tri thức nhờ khuyên bảo để kiểm soát tâm tham
Chúng ta cần lưu ý là những biện pháp trên đây chúng ta cần sử dụng kết hợp và sử dụng linh hoạt tùy từng trường hợp

5. Tâm tham trong cuộc sống
Chúng ta ở đây là thiền giữa đời thường nên việc diệt tâm tham em xin không nói đến. Điều em muốn nói đến ở đây là việc chúng ta ứng xử với tâm tham sao cho phù hợp. Để ứng xử đúng chúng ta cần trả lời câu hỏi sau : tham là nên hay không nên?
      Đối tượng                 Mức độ
       Tốt                          vừa phải
       Xấu                         Quá mức

Ví dụ như:
Hành thiền    +  vừa phải = rất khuyến khích, thân tâm mạnh khỏe, tu tập tinh tiến
Hành thiền  +  quá mức = nên kiềm chế vì không đạt kết quả, gây tâm sân hận

+ Từ sơ đồ trên chúng ta có thể thấy là dù với đối tượng nào việc quá dính mắc vào nó, quá cố chấp vào đó là điều hoàn toàn không nên, chúng ta phải biết sống biết cố gắng đạt được điều mình muốn (chính đáng) nhưng khi không đạt được điều đó thì chúng ta vẫn phải biết chấp nhận rằng mình chưa đủ duyên, đủ phước để bỏ qua nó và sống tiếp.
+ Nhưng đa phần trong cuộc sống của chúng ta các đối tượng là nửa tốt nửa xấu, và mức độ cũng không rõ là vừa phải hay quá mức thì là nên hay không nên. Lúc này quan trọng nhất chính là thái độ.
Ví dụ: một chàng trai yêu một cô gái, rất trong sáng nhưng khi cô gái không yêu thì quay ra đòi tự tử (đã xảy ra rất nhiều) nên tuyệt đối tránh. Nhưng nếu chàng trai biết điểm dừng, yêu nhưng không quá tham đắm, (không yêu trả dép tôi về ) thì lại bình thường.
+ Như trên đã nói chúng ta chưa bàn đến việc diệt tâm tham vì nó xa với tầm của chúng ta. Hiện giờ điều mình muốn chia sẻ đó là chúng ta luôn có tâm tham trong cuộc sống hàng ngày vậy thì thay vì để cái tâm tham ấy nó tự tung tự tác thì chúng ta hãy hướng nó đến những đối tượng thích hợp. Thay vì để nó quay cuồng trong những xem phim, những quần áo đẹp, người yêu hoàn mĩ,game,…chúng ta hãy hướng đến những hành thiền, bố thí,….hay đời thường hơn như làm giàu chính đáng để có tiền cúng dường tam bảo, hay bố thí cho người nghèo. Điều này có nên không ạ, theo quan điểm cá nhân của mình thì là nên. Dĩ nhiên chúng ta phải luôn giữ tâm tham ở mức độ ưa thích và luôn quán chiếu tâm mình, chỉ cần lơ là một chút là cái mục đích trên sẽ trở thành cái bình phong để che đi cái tham ái vô bờ của mình.
 + Có được sự hướng tâm như vậy sẽ có những ích lợi gì?
- Khi có được một trục hướng tâm tốt và mạnh mẽ, nó sẽ giúp chúng ta làm giảm được các tham ái khác rất là nhiều
- Khi có trục hướng tâm mạnh mẽ sẽ hỗ trợ chúng ta đạt được các mục tiêu (tốt) hơn và cuộc sống của chúng ta sẽ có ý nghĩa hơn. Vì nếu khi không có sự hướng tâm như vậy thì tâm ta sẽ bay nhảy rất lung tung, và sẽ rất khó được thành tựu.
+ Đôi điều về thiểu dục tri túc:
Thiểu dục là ít muốn, tri túc là biết đủ.
Cái mong muốn của chúng ta thường to lớn nhưng nhiều khi lại xa vời, không thực tế. Chúng ta thường so sánh với người khác, mong muốn ta hơn họ hoặc ít ra phải bằng họ, nếu không được vậy ta cảm thấy thật thấp kém. Nhưng khi đạt được mục tiêu đề ra thì chúng ta có thể thấy thành công đó không có lợi ích, có khi làm hại mình chỉ để thỏa mãn ham muốn nhất thời. Ví dụ như chúng ta nhìn bạn bè nhà giàu có, xe đẹp, điện thoại sành điệu v.v… và ta có mong muốn sớm đạt được như họ, thậm chí có thể hơn họ bằng con đường nhanh nhất với những hành động như vay tiền nóng, lừa đảo, chiếm đoạn… Khi đạt được kết quả, chưa được hưởng thụ thì ta phải trả giá vì những hành vi tội lỗi của mình. Vì vậy mọi người nên ít muốn biết đủ, nhìn hoàn cảnh nhiều người còn nghèo khó mà cảm thấy mình đang hạnh phúc sung sướng đầy đủ hơn nhiều. Như vậy lòng tham sẽ giảm bớt, và tâm sẽ bình an hơn.

Tài liệu tham khảo:
1. Tam độc và pháp đối trị, Maha ThongKham Medhivongs. (http://www.budsas.org/uni/u-tamdoc/tamdoc01.htm)
2. Vi Diệu Pháp trong đời sống hằng ngày, Nina Van Gorkom, Tỳ kheo Thiện Minh dịch. (http://www.budsas.org/uni/u-vdp-doisong/vdp-04.htm)
3. Tâm sở, Nina Van Gorkom, Tỳ kheo Thiện Minh dịch. (http://www.budsas.org/uni/u-vdp-sht/chuong-15.htm)
4. Vi Diệu Pháp Nhựt Dụng, Hòa thượng Janakabhivamsa, Cư sĩ Thiện Nhựt dịch. (http://www.budsas.org/uni/u-vdp-nd/vdpnd02.htm)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét