Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Thứ Tư, 17 tháng 10, 2018


Kinh Thiện Sanh, là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ đó một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế.


Bấy giờ, đã đến lúc đức Thế Tôn khoác y – bát lên đường vào thành khất thực, trên đường đi, đức Thế Tôn thấy một chàng thanh niên đang lễ bái, là người con có hiếu nên nghe theo lời dạy của cha trước khi mất, cứ mỗi sáng, sau khi tắm gội xong anh ta ra đường thực hành việc lễ bái sáu phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới. Cuộc gặp gỡ là duyên khởi cho bản kinh Thiện Sanh ra đời.


Đây là một bản kinh nguyên thủy, ngắn gọn, ghi lại lời Phật dạy cách đối nhân xử thế, cách thực thi các bổn phận và trách nhiệm của người Phật tử đối với bản thân, gia đình và xã hội, rộng hơn là Phật dạy cách kiến tạo một xã hội hài hòa, một cuộc sống đầy an lành và hạnh phúc.

Trong tạng A-hàm, theo bản dịch Việt từ Hán mới nhất của Thượng tọa Tuệ Sỹ thì Kinh Thiện Sanh thuộc No.16, Phần II, Trường A-hàm. Trong tạng Nikaya, theo bản dịch Việt từ Pali của Hòa Thượng Thích Minh Châu, tương đương kinh Thiện Sanh là Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt (Sigàlovàda sutta) thuộc No.31, Trường Bộ Kinh. Bài viết chủ yếu trích từ ấn bản điện tử từ trang nhà Phatviet.com của TT.Tuệ Sỹ, tất cả các đoạn trích đều được đóng mở “.”, phần lễ bái sáu phương, hầu hết lấy nguyên văn trong kinh.

Tránh bốn việc ác và sáu việc làm hao tổn tài sản


Khi Phật ở tại núi Kỳ-xà-quật, dẫn đầu đoàn khất thực với đại chúng hai ngàn năm trăm vị Tỳ-Kheo đi vào thành, đức Thế Tôn thấy một gia chủ tử tên Thiện Sanh đang lễ sáu phương, Ngài hỏi:

“Vì sao, ngươi vào buổi sáng sớm ra khỏi thành, đi đến khu công viên, với cả người còn ướt đẫm, mà ngươi lại lạy các phương như thế?”

Thiện Sinh bạch Phật:

“Khi cha con sắp chết có dặn: “Nếu con muốn lạy, trước hết hãy lạy các phương Đông,Tây, Nam, Bắc, trên và dưới”. Con vâng lời cha dạy không dám chống trái”.

Phật bảo Thiện Sanh:

“Này con trai trưởng giả! Quả có cái tên các phương đó chứ không phải không. Nhưng trong pháp Hiền Thánh của ta chẳng phải lễ sáu phương như thế là cung kính đâu”.

Thiện Sinh thưa:

“Cúi xin đức Thế Tôn thương dạy cho con cách lễ sáu phương theo pháp Hiền Thánh”.

Phật bảo Thiện Sinh:

“Nếu trưởng giả hay con trưởng giả nào biết tránh bốn nghiệp kết không làm ác theo bốn trường hợp và biết rõ sáu nghiệp hao tổn tài sản. Như thế, này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả nào tránh được bốn việc ác là lễ kính sáu phương”.

Bốn nghiệp kết mà Phật dạy: Sát sinh, trộm cắp, dâm dật, vọng ngữ, đây là bốn điều xấu ác mà bất cứ ai cũng nên tránh, hàng ngày đọc báo chúng ta vẫn thường thấy nhan nhãn các tội phạm phạm bốn điều trên: giết người, cướp của… gây cho xã hội những bất an thường nhật. Rõ thấy, những điều mà Phật dạy chẳng có gì khác ngoài những chuyện thực thường ngày ở thế gian.

Bốn trường hợp ác: tham dục, sân hận, sợ hãi, ngu si. Về tham dục, không phải cứ tham dục là điều xấu, mà tham dục cần phân biệt có hai loại, loại tham dục phục vụ ngũ dục (tài, sắc, danh, thực, thùy) khiến cho tâm trí mê mờ, dẫn đến những vọng tưởng điên đảo, sân hận, sợ hãi và ngu si… loại tham dục này thì cần phải loại bỏ, loại tham dục thứ hai phục vụ cho chánh kiến, chánh tư duy, chánh nghiệp… cho sự học hành, phát triển nhân cách, tinh thông trí tuệ, nâng cao dân trí, sự phồn thịnh xã hội, sự bình an, sự hạnh phúc... thì cần thực hành và phát huy.

Sáu nghiệp hao tổn tài sản cần tránh:

1. Đam mê rượu chè.

2. Cờ bạc.

3. Phóng đãng.

4. Đam mê kỹ nhạc.

5. Kết bạn người ác.

6. Biếng lười.

Phật bảo Thiện Sinh:

“Này Thiện Sinh, nếu trưởng giả hay con trai trưởng giả biết rõ bốn kết hành không làm ác theo bốn trường hợp, lại biết sáu nghiệp tổn tài ấy là, này Thiện Sinh, tránh được bốn trường hợp, cúng dường sáu phương, thì đời này tốt đẹp, đời sau tốt đẹp; đời này căn cơ và đời sau căn cơ; trong hiện tại được người trí ngợi khen, được quả báo bậc nhất; sau khi chết được sanh lên trời, cõi thiện”.

Như vậy, Phật dạy người nào tránh được bốn nghiệp kết, bốn việc ác, sáu nghiệp hao tổn tài sản thì không những đời này đẹp và cả đời sau cũng được hưởng những quả tốt đẹp, đời này có duyên lành và đời sau cũng có duyên lành, trong hiện tại được người ngợi khen, xã hội ngợi khen, gia đình ngợi khen và trên hết phương ấy được an ổn, xã hội ấy được tốt đẹp, không lo sợ…

“Người nào không làm ác,

Do tham, hận, sợ, si,

Thì danh dự càng thêm,

Như trăng hướng về rằm”.

Bốn hạng kẻ thù và bốn hạng người đáng thân

Trong Trung Hoa Kim Cổ Kỳ Nhân có thuật lại tình bạn giữa Bá Nha – Tử Kỳ, một tình bạn đẹp lưu danh muôn thuở. Bá Nha là một vị quan làm đến chức Thượng đại phu, còn Tử kỳ chỉ là một chàng nông dân kém Bá Nha chục tuổi. Nhưng chỉ mỗi Bá Nha hiểu được tiếng đàn của Tử Kỳ, từ đó hai người trở thành tri kỷ, khi nghe tin Tử Kỳ chẳng may qua đời, Bá Nha đã cầm đờn đập mạnh vào tảng đá,cây đờn vỡ tan, sau đó đọc bốn câu thơ:

“Dao cầm đập nát đau lòng phượng,

Đã vắng Tử Kỳ đàn với ai?

Gió xuân bốn mặt, bao bè bạn.

Muốn tìm tri âm, thật khó thay!”

Trong cuộc sống ai cũng cần có bạn, tình bạn kiểu Bá Nha – Tử Kỳ thuộc dạng xưa nay hiếm, nhưng cũng cần phải lựa bạn tốt mà chơi, vì nếu “giao du với bạn xấu có sáu lỗi: 1, tìm cách lừa dối; 2, ưa chỗ thầm kín; 3, dụ dỗ vợ người; 4, mưu đồ chiếm đoạt tài sản của người; 5, xoay tài lợi về mình; 6, ưa phanh phui lỗi người”. Đó là sáu tai hại về bạn xấu. Nếu chúng ta làm bạn với kẻ ác mãi thì gia sản mỗi ngày mỗi tiêu tán”.

Phật bảo Thiện Sanh.

“Có bốn hạng kẻ thù mà như người thân, ngươi nên biết. Bốn kẻ ấy là những ai? 1, hạng uý phục; 2, hạng mỹ ngôn; 3, hạng kính thuận; 4, hạng ác hữu.

[(1) “Hạng úy phục thì thường hay làm bốn việc: một, cho trước đoạt lại sau; hai, cho ít mong trả nhiều; ba, vì sợ gượng làm thân; bốn, vì lợi gượng làm thân.

(2) “Hạng mỹ ngôn thì thường hay làm bốn việc: một, lành dữ đều chiều theo; hai, gặp hoạn nạn thì xa lánh; ba, ngăn cản những điều hay; bốn, thấy gặp nguy tìm cách đùn đẩy.

(3) “Hạng kính thuận thì thường làm bốn việc: một, việc trước dối trá; hai, việc sau dối trá; ba, việc hiện dối trá; bốn, thấy có một chút lỗi nhỏ đã vội trách phạt".

(4) “Hạng bạn ác thì thường làm bốn việc: một, bạn lúc uống rượu; hai, bạn lúc đánh bạc; ba, bạn lúc dâm dật; bốn bạn lúc ca vũ.”

“Có bốn hạng người thân đáng thân vì thường đem lại lợi ích và che chở. Những gì là bốn? Một, ngăn làm việc quấy; hai, thương yêu; ba, giúp đỡ; bốn, đồng sự. Đó là bốn hạng người thân đáng thân cận”.

1) Này Thiện Sinh, hạng ngăn quấy thì thường làm bốn việc đem lại nhiều lợi ích và hay che chở: thấy người làm ác thì hay ngăn cản, chỉ bày điều chánh trực, có lòng thương tưởng, chỉ đường sinh Thiên. Đó là bốn trường hợp ngăn cản việc quấy đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

(2) Hạng thương yêu thì thường làm bốn việc: Mừng khi mình được lợi, lo khi mình gặp hại, ngợi khen đức tốt mình, thấy mình nói ác thì tìm cách ngăn cản. Đó là bốn điều thương yêu đem lại nhiều lợi ích và hay che chở.

(3) Hạng giúp đỡ có bốn việc. Những gì là bốn? Đó là: che chở mình khỏi buông lung, che chở mình khỏi hao tài vì buông lung, che chở mình khỏi sợ hãi, khuyên bảo mình trong chỗ vắng người.

(4) Hạng đồng sự thì thường làm bốn việc: không tiếc thân mạng với bạn, không tiếc của cải với bạn, cứu giúp bạn khỏi sợ hãi, khuyên bảo bạn lúc ở chỗ vắng người.”]

Lễ bái sáu phương hay cách thức xây dựng một xã hội hạnh phúc

Sáu phương là gì, tại sao phải lễ bái sáu phương như chàng Thiện Sanh đã làm, anh ta làm vì nghe lời cha mà không hiểu ý nghĩa của việc lễ bái đó. Phật dạy: “Sáu phương là gì? Phương Đông là cha mẹ, phương Nam là sư trưởng, phương Tây là thê thiếp, phương Bắc là bạn bè thân thích, phương trên là các bậc trưởng thượng, Sa-môn, Bà-la-môn, phương dưới là tôi tớ”. Bài dạy lễ sáu phương là cách mà Phật dạy đạo làm người.

Đạo hiếu làm con, phận làm cha mẹ.

Kẻ làm con phải kính thuận cha mẹ với năm điều:

1. Cung phụng không để thiếu thốn.

2. Muốn làm gì thưa cha mẹ biết.

3. Không trái điều cha mẹ làm.

4. Không trái điều cha mẹ dạy.

5. Không cản chánh nghiệp mà cha mẹ làm.

Kẻ làm cha mẹ phải lấy năm điều này chăm sóc con cái:

1. Ngăn con đừng để làm ác.

2. Chỉ bày những điều ngay lành.

3. Thương yêu đến tận xương tủy.

4. Chọn nơi hôn phối tốt đẹp.

5. Tùy thời cung cấp đồ cần dùng..

Này Thiện Sinh, kẻ làm con kính thuận và cung phụng cha mẹ, cha mẹ thương con, bảo bọc cho con thế thì gia đình ấy được hạnh phúc, xã hội bình an, phương ấy được an ổn không có điều lo sợ.

Đạo nghĩa thầy trò

Đệ tử cung phụng sư trưởng có năm điều:

1. Hầu hạ cung cấp điều cần.

2. Kính lễ cúng dường.

3. Tôn trọng quí mến.

4.Thầy có dạy bảo điều gì không trái nghịch.

5. Thầy có dạy bảo điều gì nhớ kỹ không quên. Kẻ làm đệ tử cần phải thờ kính sư trưởng với năm điều ấy.

Thầy cũng có năm điều để săn sóc đệ tử:

1. Tùy thuận pháp mà huấn luyện.

2. Dạy những điều chưa biết.

3. Giải nghĩa rành rõ những điều trò hỏi.

4. Chỉ cho những bạn lành.

5. Dạy hết những điều mình biết không lẫn tiếc.

Nếu đệ tử kính thuận, cung kính nghe lời sư trưởng, thầy thì thương trò, chỉ bảo dạy dỗ tận tình cho học trò thì nền giáo dục xã hội ấy phát triển, phương ấy vững bền, an ổn không có điều lo sợ.

Đạo nghĩa vợ chồng

Chồng phải có năm điều đối với vợ

1. Lấy lễ đối đãi nhau.

2. Oai nghiêm không nghiệt.

3. Tùy thời cung cấp y, thực.

4. Tùy thời cho trang sức.

5. Phó thác việc nhà.

Vợ cũng phải lấy năm việc cung kính đối với chồng


1. Dậy trước.

2. Ngồi sau.

3. Nói lời hòa nhã.

4. Kính nhường tùy thuận.

5. Đón trước ý chồng.

“Chồng đối với vợ thương yêu, tôn trọng, vợ đối với chồng cung kính đối đãi nhau, như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ”.

Quan hệ bạn bè, tình làng nghĩa xóm

Người ta phải lấy năm điều thân kính đối với bà con

1. Chu cấp.

2. Nói lời hiền hòa.

3. Giúp ích.

4. Đồng lợi.

5. Không khi dối.

Bà con cũng phải lấy năm điều đối lại

1. Che chở cho mình khỏi buông lung.

2. Che chờ cho mình khòi hao tài vì buông lung.

3. Che chở khỏi sự sợ hải.

4. Khuyên răn nhau lúc ở chỗ vắng người.

5. Thường ngợi khen nhau.

“Tình người, tình làng nghĩa xóm, biết thân kính bà con như vậy thì phương ấy được yên ổn không điều chi lo sợ”.

Quan hệ chủ tớ, trên dưới

Này Thiện Sinh, chủ đối với tớ có năm điều để sai bảo

1. Tùy khả năng mà sai sử.

2. Tùy thời cho ăn uống.

3. Phải thời thưởng công lao.

4. Thuốc thang khi bệnh.

5. Cho có thời giờ nghỉ ngơi.

Tôi tớ phải lấy năm điều phụng sự chủ:

1. Dậy sớm.

2. Làm việc chu đáo.

3. Không gian cắp.

4. Làm việc có lớp lang.

5. Bảo tồn danh giá chủ.

“Này Thiện Sinh, nếu chủ đối với tớ được như vậy thì phương ấy được an ổn không điều chi lo sợ”.

Quan hệ giữa đàn việt với Sa-môn

Kẻ đàn việt cung phụng hàng Sa-môn với năm điều.

1. Thân hành từ.

2. Khẩu hành từ.

3. Ý hành từ.

4. Tùy thời cúng thí.

5. Không đóng cửa khước từ.

Sa-môn, Bà-la-môn cũng khuyên dạy theo sáu điều:

1. Ngăn ngừa chớ để làm ác.

2. Chỉ dạy điều lành.

3. Khuyên dạy với thiện tâm.

4. Cho nghe những điều chưa nghe.

5. Những gì đã được nghe làm cho hiểu rõ.

6. Chỉ vẻ con đường sanh thiên.

“Này Thiện Sinh, nếu đàn việt kính phụng hàng Sa-môn, Bà-la-môn như thế thì phương ấy được an ổn không điều gì lo sợ”.

Bấy giờ Thiện Sinh bạch Phật:

“Lành thay, bạch Thế Tôn! Thật quá chỗ mong ước của con xưa nay, vượt xa những lời dạy của cha con. Như lật ngửa những gì bị úp xuống; như mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy. Những gì được Như Lai thuyết giảng cũng như thế; bằng vô số phương tiện khai ngộ cho kẻ ngu tối; làm rõ pháp thanh bạch. Phật là Như Lai, Chí Chân, Đẳng Chánh Giác, do đó có thể chỉ bày, hướng dẫn cho đời. Nay con xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Cúi xin đức Thế Tôn chấp thuận cho con được làm ưu-bà-tắc ở trong Chánh pháp. Kể từ hôm nay cho đến trọn đời, con nguyện không giết, không trộm, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.”

Đọc toàn bộ nội dung kinh, một bản kinh ngắn, súc tích, ngôn ngữ Phật dùng rất rõ ràng mà bất cứ ai đọc cũng có thể nắm bắt, lời dạy như luồng sáng mở ra những gì bị đóng kín; như người mê được tỏ, đang ở trong nhà tối được gặp đèn, có mắt liền thấy, rất thiết thực, căn bản, rất cần cho chúng ta trong ứng xử với các mối quan hệ thường ngày trong cuộc sống.

Các pháp đều nương với nhau mà tồn tại, cũng vậy, mỗi người trong cuộc sống cũng đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm về một điều gì đó với một ai đó, mỗi một ai đó sẽ là phần còn lại về nghĩa vụ và trách nhiệm của người nào đó, suy ra sẽ nhìn thấy một ma trận ngang dọc, ma trận vuông tròn các quan hệ. Quan hệ cha mẹ, con cái, ai cũng ít nhất một lần làm học trò, ai cũng ít nhất có một người bạn, ai cũng phải làm một việc gì đó để sống… vì vậy cần phải ứng xử sao cho hợp đạo hợp nghĩa, đúng mực để tự bảo vệ bản thân tức là bảo vệ cho gia đình, cho xã hội.

Kinh Thiện Sanh, là bản kinh căn bản dạy cho ta biết cách giữ gìn các mối quan hệ đó một cách tốt đẹp, ở đó ta thấy được các quan hệ được Phật dạy đều theo hai chiều rất tinh tế, như đời: “đường hai nẻo xuống lên”.

Thứ Tư, 22 tháng 8, 2018


(Siṅgalovādasutta)

Tôi nghe như vầy,

Một thời đức Thế Tôn trú tại chùa Trúc-Lâm gần thành Vương-Xá. Vào buổi sáng Ngài đắp y mang bát đi khất thực. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn trông thấy thanh niên Sin-gá-lá lễ bái sáu phương đông, nam, tây, bắc, trên, dưới. Ngài hỏi, tại sao làm thế?

Sin-gá-lá trả lời: Khi thân phụ lâm chung, nhắn nhủ phải thường lễ bái sáu phương.

Ðức Thế Tôn dạy rằng: Cách thức lễ bái sáu phương trong đạo lý thánh hiền không giống như vậy.

Thanh niên Sin-gá-lá thỉnh cầu đức Phật giảng dạy đạo lý ấy.

Ðức Phật dạy rằng: Nầy gia chủ,

Phương đông  được hiểu là cha mẹ.

Phương nam   được hiểu là thầy tổ.

Phương tây     được hiểu là vợ chồng.

Phương bắc    được hiểu là bạn bè.

Phương dưới  được hiểu là người giúp việc.

Phương trên    được hiểu là sa-môn.

Nầy gia chủ, đối với phương đông tức cha mẹ, người con nên làm năm việc: Một là phụng dưỡng cha mẹ. Hai là làm công việc thay cha mẹ. Ba là gìn giữ gia phong. Bốn là khéo quản trị tài sản thừa kế. Năm là tạo phước hồi hướng.

Ðáp lại, đối với con, cha mẹ nên làm năm việc: Một là ngăn con không làm điều ác. Hai là dạy con làm việc lành. Ba là hướng dẫn nghề nghiệp. Bốn là tác thành gia thất. Năm là trao tài sản thừa kế khi thích hợp.

Ðó là cách lễ bái phương đông tức đạo nghĩa cha mẹ con cái. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.

Nầy gia chủ, đối với phương nam tức thầy tổ, người học trò nên làm năm việc: Một là giữ lòng kính trọng. Hai là quan tâm săn sóc. Ba là chăm chỉ học hành. Bốn là đáp ứng khi cần. Năm là hấp thụ những gì được truyền dạy.

Ðáp lại, đối với trò, thầy nên làm năm việc: Một là dạy trò những chuyên môn của mình. Hai là dùng phương pháp dễ hiểu. Ba là không giấu nghề. Bốn là giới thiệu tiến thân. Năm là bố trí an toàn cho trò.

Ðó là cách lễ bái phương nam tức đạo nghĩa thầy trò. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.

Nầy gia chủ, đối với phương tây tức vợ chồng, thì người chồng nên làm năm việc: Một là đối xử hoà ái. Hai là không bạc đãi khinh khi. Ba là một dạ thủy chung. Bốn là giao quyền nội chính. Năm là tùy khả năng mua sắm tư trang cho vợ.

Ðáp lại, đối với chồng, người vợ nên làm năm việc: Một là quán xuyến công việc gia đình. Hai là cư xử với hai họ một cách đồng đều. Ba là một lòng tiết hạnh. Bốn là gìn giữ tài sản. Năm là cần mẫn trong bổn phận.

Ðó là cách lễ bái phương tây tức đạo nghĩa vợ chồng. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.

Nầy gia chủ, đối với phương bắc tức bạn bè nên làm năm việc: Một là rộng rãi. Hai là nhã nhặn. Ba là quan tâm lợi ích của bạn. Bốn là đồng cam cộng khổ. Năm là thành thật.

Ðáp lại, đối với một bạn tốt, nên làm năm việc: Một là cảnh giác bạn trước những cám dỗ. Hai là giữ hộ tài sản khi bạn sa ngã. Ba là làm nơi nương tựa cho bạn lúc sa cơ. Bốn là không bỏ bạn lúc nguy biến. Năm là cư xử tốt với người thân của bạn.

Ðó là cách lễ bái phương bắc tức đạo nghĩa bạn bè. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.

Nầy gia chủ, đối với phương dưới tức người giúp việc thì người chủ nên làm năm việc: Một là không giao việc quá sức. Hai là trả thù lao tương xứng. Ba là chăm sóc khi đau yếu. Bốn là chia sớt món ngon vật lạ.Năm là không bắt làm việc quá giờ.

Ðáp lại, đối với chủ, người giúp việc nên làm năm việc: Một là thức trước chủ. Hai là ngủ sau chủ. Ba là không lấy những thứ không cho. Bốn là siêng năng làm việc. Năm là giữ tiếng tốt cho chủ.

Ðó là cách lễ bái phương dưới tức đạo nghĩa chủ tớ. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.

Nầy gia chủ, đối với phương trên tức sa môn thì người cư sĩ nên làm năm việc: Một là cử chỉ thân thiện. Hai là lời nói thân thiện. Ba là tư tưởng thân thiện. Bốn là luôn mở rộng cửa đón tiếp. Năm là cúng dường tứ sự.

Ðáp lại, đối với cư sĩ, sa môn nên làm năm việc: Một là hướng dẫn cư sĩ xa điều ác. Hai là hướng dẫn cư sĩ làm việc lành. Ba là luôn cư xử với tâm từ ái. Bốn là giảng giải đạo lý tường tận. Năm là chỉ đường an vui đời sau.

Ðó là cách lễ bái phương trên tức đạo nghĩa tăng tục. Làm như vậy được an lạc không gì lo lắng.

Nghe đức Thế Tôn dạy như vậy, thanh niên Sin-gá-lá bày tỏ niềm hoan hỷ: Thật vi diệu, bạch đức Thế Tôn, Chánh Pháp được giảng dạy như người lật lên những gì bị úp xuống, phơi bày những gì bị che phủ, chỉ đường cho người lạc lối, đem ánh sáng vào chỗ tối.


Con xin qui y Phật, con xin qui y Pháp, con xin qui y Tăng. Xin Ngài nhận biết cho con là đệ tử từ nay cho đến trọn đời.

Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2018

Việc thực hiện con đường đi ra khỏi tham, sân, si, luôn luôn được đức Phật quan tâm và khuyến khích chư đệ tử của mình hành trì để từ đó các pháp an lạc được tăng trưởng và các pháp khổ đau được diệt trừ.

 Nếu không khéo hành trì thì không những các khổ đau tăng trưởng mà các thiện pháp cũng bị tiêu trừ. Ðể giới thiệu cho chúng ta có một phương pháp hướng thượng đó, trong kinh Saleyyaka (Trung bộ, kinh số 41), đức Thế Tôn chỉ dạy cho chúng ta hành mười thiện nghiệp và loại trừ mười ác nghiệp.

Trong mười thiện nghiệp và mười ác nghiệp, đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy tất cả đều phát xuất từ thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Thân nghiệp có 3, khẩu nghiệp có 4 và ý nghiệp có 3. Ðể xác chứng lại những lời dạy của Thế Tôn chúng tôi xin tuần tự đi vào nội dung của từng ác nghiệp và thiện nghiệp.

I. Mười ác nghiệp

A. Ba ác nghiệp của thân:

1) Có người sát sanh, tàn nhẫn , tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình.

2) Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy.

3) Người ấy sống tà hạnh với các dục lạc, liên hệ đến dục tình với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

B. Bốn ác nghiệp của khẩu:

1) Có người vọng ngữ đến chỗ tập hội, chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết". Dầu cho người ấy không biết, người ấy vẫn nói: "Tôi biết"; dầu cho người ấy biết, người ấy vẫn nói: "Tôi không biết"; hay dầu cho người ấy không thấy , người ấy vẫn nói: "Tôi thấy"; hay dầu cho người ấy thấy , người ấy vẫn nói: "Tôi không thấy". Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.

2) Và người ấy là người nói "hai lưỡi". Nghe điều gì ở chỗ này, đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này; nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này, để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp, hay xúi giục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại,nói những lời đưa đến phá hoại.

3) Và người ấy là người nói lời thô ác . Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy.

4) Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp,nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời, nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích.

C. Ba ác nghiệp của ý:

1) Có người có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!".

2) Lại có người có tâm sân, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: "Mong rằng những loài hữu tình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt, hay bị tàn hại, hay mong chúng không còn tồn tại".

3) Lại có người có tà kiến, có tưởng điên đảo như: "Không có bố thí,không có kết quả của bố thí, không có tế lễ, không có cúng dường, các hành vi thiện ác không có kết quả dị thục,không có đời này, không có đời sau, không có mẹ, không có cha, không có các loại hóa sanh, trong đời không có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chính hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau".

Ðấy là mười ác nghiệp do thân, khẩu và ý tạo tác nếu không đoạn trừ mười ác nghiệp này thì sẽ đem lại khổ đau ngay trong đời sống hiện tại và sau khi thân này kết thúc phải đọa vào trong cõi dữ , ác thú, đọa xứ,địa ngục.Như đức Thế Tôn đã khẳng định: "Do nhân hành phi pháp, phi chánh đạo, có một số lớn loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung phải đọa vào trong cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục."



II. Mười thiện nghiệp

A. Ba thiện nghiệp của thân:

1) Có người từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ,sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loại hữu tình.

2) Từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy.

3) Từ bỏ sống theo tà hạnh đối với các dục, không liên hệ đến dục tình với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có mẹ cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa.

B. Bốn thiện nghiệp của khẩu:

1) Có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc,hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết". Nếu biết, người ấy nói: "Tôi biết" , nếu không biết, người ấy nói : "Tôi không biết"; hay nếu không thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy"; nếu thấy,người ấy nói : "Tôi thấy". Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ,hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.

2) Từ bỏ nói"hai lưỡi", tránh xa nói"hai lưỡi". Nghe điều gì ở chỗ này, không đi nói với những người kia để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp,thích thú hòa hợp, nói đến những lời đưa đến hòa hợp.

3) Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói nhu hoà, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy.

4) Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, người ấy nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi.

C. Ba thiện nghiệp của ý:

1) Có người không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, không nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!"

2) Lại có người không có tâm sân,không có khởi lên hại ý, hại niệm,nghĩ rằng: "Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù,không nhiễu loạn,được an lạc,lo nghĩ tự thân!"

3) Người ấy có chánh kiến, không có tư tưởng điên đảo: "Có bố thí, có kết quả của bố thí,có tế lễ, có cúng dường,các hành vi thiện ác có kết qủa dị thục,có đời này,có đời sau, có mẹ,có cha,có các loại hóa sanh,trong đời có các Sa-môn,Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu,sau khi tự tri,tự chứng lại tuyên bố cho đời này và đời sau".



Ðấy là mười thiện nghiệp, nếu như chúng ta thực hiện mười thiện nghiệp này thì không những trong đời sống hiện tại được hạnh phúc an lạc mà sau khi thân này kết thúc sẽ được sanh vào cảnh giới an lành. Như đức Thế Tôn đã tuyên bố: "Do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, ở đây, một số lớn loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, đời này."

Trong kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Phẩm Nghiệp đạo, đức Thế Tôn khẳng định rằng đối với ác nghiệp này, Tỳ kheo nào thành tựu bốn pháp: tự mình làm, khích lệ người khác làm, chấp nhận làm và tán thán làm, thì sẽ bị rơi vào địa ngục; nếu Tỳ kheo nào thành tựu bốn pháp: tự mình từ bỏ, khích lệ người khác từ bỏ,chấp nhận từ bỏ và tán thán từ bỏ, thì sẽ sanh lên cõi trời.

Giáo lý duyên khởi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy: "Khi cái này có mặt, cái kia có mặt. Khi cái này không có mặt , cái kia không có mặt". Khi Vô minh xuất hiện thì Ái, Thủ v.v... đều xuất hiện. Khi Vô minh diệt thì Ái, Thủ v.v... cũng theo đó mà diệt.

Như thế, chúng ta có thể xem mười thiện nghiệp là các nhân tố của vô minh đưa con người đến hố sâu tội lỗi, gây ra khổ đau cho bản thân, cho gia đình và làm rối loạn cho xã hội . Hậu quả của mười ác nghiệp ấy sẽ là:

Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong.
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay tán loạn ý tán tâm.
Hoặc tai hại từ vua,
Hay bị vu trọng tội.
Bà con phải ly tán.
Tài sản bị nát tan.
Hoặc phòng ốc nhà cửa,
Bị hỏa tai thiêu đốt.
Khi thân hoại mạng chung
Ác tuệ sanh địa ngục. (Pháp cú 138-139-140)

Khi thấy rõ sự nguy hiểm của mười ác nghiệp, đức Phật khuyên chúng ta nên xuất ly chúng và thực hành mười thiện nghiệp để đem lại an lạc cho tự thân,gia đình và góp phần an lạc cho quê hương và thái bình cho xứ sở.

Xã hội ta ngày nay đang trên đà phát triển về mọi mặt, kinh tế, chính trị,văn hoá, giáo dục v.v... thế nhưng sự khủng hoảng về tinh thần không phải là ít. Chẳng hạn như nạn tham nhũng, ma túy, rượu chè, cờ bạc, mãi dâm vẫn luôn luôn là vấn đề nóng bỏng cần được giải quyết. Nếu thật sự thấy được sự nguy hiểm của mười ác nghiệp chắc hẳn rằng con người sẽ hành mười thiện nghiệp, vì sự an lạc của đời này và đời sau. Kinh Pháp cú dạy:

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nói lên hay hành động,
Với tâm ý thanh tịnh
An lạc bước theo sau.
Như bóng không rời hình. (Pháp cú:2)

Làm được như vậy thì các cá nhân sẽ có phần đóng góp ý nghĩa và quan trọng cho sự nghiệp phát triển xã hội ta trong hiện tại.

HT. Thích Minh Châu

Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2018

BỒ TÁT LÀ AI?
MUỐN THÀNH PHẬT, PHẢI PHÁT NGUYỆN TU HÀNH RA SAO ?
Muốn thành Phật trước hết phải là Bồ Tát, để là Bồ Tát phải có hạnh nguyện trở thành Phật. Đầy đủ 8 yếu tố cực kỳ khó khăn để người đó thành 1 vị Bồ Tát
MỖI VỊ BỒ TÁT (SAU NÀY TRỞ THÀNH PHẬT) ĐỀU CÓ LỊCH SỬ GHI LẠI NƠI SINH, DÒNG DÕI, XUẤT GIA TẠI ĐÂU, THÀNH ĐẠO SAU BAO LÂU…VV. Ngày nay có rất nhiều Bồ Tát do người đời sau dựng nên đề thờ cúng van xin nhưng không có lịch sử và giáo lý truyền dạy. Chỉ có duy nhất giáo lý của Phật hiện tiền: Đức Thích Ca Mâu Ni là pháp tối thượng, đem đến chân lý và giải thoát rốt ráo mà thôi. Mọi người hãy cẩn thận để hiểu cho đúng điều gì ích lợi cho mình mà gắng công tìm hiểu, thực hành theo.
xxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
Có 8 yếu tố để trở thành Bồ Tát: Trong đó có điều rất khó khăn đó là phải gặp được 1 vị Phật còn sống và phát nguyện trước mặt vị Phật hiện tiền này. Vị ấy phải có sự mong muốn mãnh liệt đến độ sẵn sàng đi bộ từ đầu thế giới này đến đầu thế giới kia trên than đỏ để đạt chí nguyện. Quyết tâm dâng hiến mạnh mẽ, kể cả tính mạng mình để đạt quả vị Phật và có tiềm năng trở thành A la Hán giải thoát hoàn toàn.
Khi nào được Đức Phật hiện tiền tiên đoán (hay thọ ký) trở thành một vị Phật trong tương lai thì vị đó mới chính thức trở thành 1 vị Bồ Tát.
Sau đó vị Bồ Tát phải kiện toàn 10 ba la mật để trở thành Phật phải tích lũy nhiều đời, nhiều kiếp, tính theo A tăng kỳ kiếp trái đất và hàng trăm ngàn đại kiếp
Ví dụ về A tăng kỳ kiếp: Phật dạy một tảng đá vuông vức một do tuần (16 cây số ) cứ 100 năm , có một vị Chư Thiên bay xuống lấy tấm lụa quét qua một lượt . Bao giờ tảng đá mòn bằng mặt đất , được gọi là một A TĂNG KỲ .
Đại kiếp trái đất gồm 4 giai đọan Thành- Trụ -Hoại- Không của Trái đất
Nguồn: http://www.budsas.org/…/u-chanh-giac-tong/chanh-giac-03.htm…
và: http://www.thuviennguyenthuy.com/hieu-biet-tron-ven/
xxxxxxxxxxxxxxxxxxx
ẢNH: Xa xưa, Tiền Thân Đức Phật Thích Ca, Lấy Thân Trải Đường Cúng Dường Đức Phật Dipankara (Nhiên Đăng)Prabhapàla và được Phật Nhiên Đăng thọ ký: "Ông hoàng kia là một vị Phật tương lai. Bốn a tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp sau này ông ta sẽ thành Phật tên Cồ-đàm". Ðó là lời của Phật Nhiên Ðăng thọ ký cho ông hoàng Sumedha, sau này trở thành vị Thầy của chúng ta: Phật tổ Thích Ca.

Thứ Hai, 16 tháng 7, 2018

Chúng ta có quyền sử dụng thân tâm này, quan hệ này, tài sản này, thời gian này, địa điểm này...vv nhưng không có quyền sở hữu (kiểm soát, khống chế, quyết định tất cả), bởi vì trên hết, tất cả mọi thứ, mọi người, mọi loài đều phải tuân theo quy luật Vô thường sinh diệt và 1 luật nữa không phải dễ thấy, là luật của Nghiệp: Luật nhân quả nghiêm minh!
Vì không có quyền sở hữu nhưng lại khao khát điều khiển, chi phối, nên chúng ta khổ
Học cách sử dụng Quyền Sử Dụng đi thôi, đó chính là sử dụng cho đúng, cho hợp chân lý.
Sử dụng cho điều thiện
Sử dụng để cảm nhận và học hỏi
Sử dụng để biết, không dính mắc và để học buông.

Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

Trả lời cho những vấn đề nhức nhối:
CÁI CHẾT THỰC SỰ LÀ THẾ NÀO?
LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI CÁI CHẾT
VẬY CON NGƯỜI LÀ CÁI GÌ?
BẢN NGÃ- CÁI TÔI
xxxxxxxxxxxxxxxxxxxx
1. TÁI SINH
- Theo đạo Phật, không có đời sống vĩnh viễn trên thiên đàng hay địa ngục. Dù ở cõi chư thiên hạnh phúc thì hết phước cũng lại sinh tử luân hổi. Sinh rồi tử, tử rồi sinh, tái sinh tùy thuộc vào Nghiệp. Đây là Quy luật tự nhiên không do thượng đế hay Đức Phật tạo nên.
- Tái sinh là sự tiếp diễn của đời sống khi kiếp sống hiện tại chấm dứt. Ðời sống không phải chấm dứt hoàn toàn lúc chết mà tiếp diễn tái sinh vào kiếp tiếp sau
- Luồng nghiệp và lòng tham ái khát khao là động lực làm cho đời sống trôi chảy như vậy
- Sự sinh hiện tại do nghiệp tham ái quá khứ đưa đến. Sự bám víu vào đời sống hiện tại sẽ trổ quả là sự tái sinh vị lai. Chính vô minh và tham ái đẩy chúng ta chết là tái sinh ngay.
- Có thể nói chúng ta sống và chết từng khoảnh khắc. Sự sinh và diệt trong đời sống luôn tiếp nối nhau như các ngọn sóng tiếp nối nhau trên đại dương. Đây là tiến trình liên tục, không có một khoảng cách nào ở giữa.
-Trong tiến trình sinh tử không có linh hồn thường còn, bất biến chuyển sinh từ kiếp nầy đến kiếp khác. Đó chỉ là sự làm việc cúa luồng tâm
LUỒNG TÂM
Tâm không phải là một cục hay một khối cứng ngắc, mà là một luồng tư tưởng hay một chuỗi dài những chập tư tưởng sinh diệt. "Trong tiến trình luôn luôn biến đổi của đời sống, mỗi chập tư tưởng khi diệt, chuyển tất cả năng lực và những cảm giác thâu nhận cho chập tư tưởng kế tiếp. Mỗi chập tư tưởng mới gồm những tiềm năng do chập tư tưởng trước trao lại ". Một chập tư tưởng sau không hoàn toàn khác chập trước mà cũng không tuyệt đối là giống. Cũng vậy một chúng sinh kiếp này khi chết chuyển tất cả nghiệp lực sang một chúng sinh kiếp tới. Hai chúng sinh này không hẳn là một mà cũng không phải là khác, bởi vì cùng nằm trong một luồng nghiệp, và một luồng tâm.
Tâm là nguồn lực linh động trôi chảy liên tục, chứa đựng tất cả kinh nghiệm ghi nhận trong hiện tại và vô lượng kiếp quá khứ. Khi Ðức Phật đề cập đến chúng sinh hay một cá nhân, là tổng hợp Thân và Tâm, là sự thay đổi liên tục của các động năng, điều nầy rất phù hợp với khoa học ở thế kỷ 20.
CÁI CHẾT THỰC SỰ LÀ THẾ NÀO?
Cái chết chẳng phải là sự tiêu diệt hoàn toàn của một chúng sanh, bởi mặc dầu chập sống cuối cùng đã chấm dứt, nhưng năng lực thúc đẩy chập sống ấy vẫn còn nguyên vẹn. Tâm thức hiện tại khuất đi, để nhường chỗ cho tâm thức mới sanh lên trong một đời sống khác. Sự tái sanh xuất hiện tức khắc, bất kể chỗ nào, như một làn sóng điện được phát ra trong không gian, tức khắc được thâu vào một máy vô tuyến điện.
"Người vừa mới chết và người vừa mới tái sanh không phải cùng một người và cũng không phải hai người khác nhau. Có sự tái sanh nhưng không có "người" tái sanh. Ðây là tánh không trong tái sanh
Phật Giáo nguyên thủy không công nhận rằng tâm thức của người quá vãng phải tạm trú một nơi nào, để chờ lựa chỗ đi luân hồi, lập trường tạm trú 7 ngày, hoặc 49 ngày là trái hẳn với giáo lý của Ðức Phật
Ví dụ như một người sắp chết
- Trong tâm người hấp hối này đã hiện ra một nghiệp tướng (Kamma nimitta) hoặc một biểu tượng thọ mạng (Gati nimitta). Những hiện tượng nghiệp này phát sanh do hành động tốt xấu trong lúc sanh tiền, hoặc tức khắc trước giờ cuối cùng.
- Nghiệp tướng (Kamma nimitta) là những biểu tượng xuất hiện trong tâm thức của người hấp hối vì họ ấn tượng mạnh nhất: ví như thấy một con dao và những thú chết trong trường hợp anh đồ tể; hoặc là thấy bịnh nhân, nếu là một vị y sĩ dễ thương; hoặc là thấy vật sùng bái, nếu là một người mộ đạo,...
- Biểu tượng thọ mạng (gati nimitta) có nghiã là một dấu hiệu của cảnh giới sắp tái sanh vào. Những cảnh tượng hạnh phúc hay khổ não thường hay biểu hiện trên sắc diện của người hấp hối. Khi triệu chứng của kiếp vị lai phát sanh, nếu thấy xấu có thể sửa chữa kịp thời, bằng ảnh hưởng cảm hóa tư tưởng của người sắp chết. Dấu hiệu báo trước những điều sẽ đến cho thọ mạng thường là lửa, rừng núi, vú mẹ, thiên cung, v.v...
"Người vừa mới chết và người vừa mới tái sanh không phải cùng một người và cũng không phải hai người khác nhau. Có sự tái sanh nhưng không có "người" tái sanh. Ðây là tánh không trong tái sanh
Hỏi: Kiếp sau tôi là người khác và không nhớ về những hành động xấu, tốt cúa mình ở kiếp này, thì sao lại phải chịu kết quả của những hành động ở kiếp này:
Đáp: Nếu người kia trong lúc đang ngủ mà đứng dậy đi trên lan can và té xuống đường rồi gãy tay hay gãy chân. Khi nằm trên giường bệnh, ông không còn nhớ gì đến sự đi trên lan can, vừa đi vừa ngủ, nhưng dĩ nhiên, ông phải nhận và biết hậu quả của việc làm ấy.
Với cái chết cũng vậy, khi tái sinh thành 1 người khác, tuy hình thể bề ngoài có biến đổi, nhưng luồng tâm trôi chảy liên tục (citta santati), không bị cái chết làm gián đoạn, vẫn tiếp tục diễn tiến, và mang theo tất cả cảm giác do ngũ quan đã thâu nhận.
Sự quên mất dĩ vãng của mình không gây trở ngại nào cho sự vận hành của định luật Nghiệp Báo. Chính nhờ sự hiểu biết lý nhân quả, đã gieo nhân thì phải gặt quả, lúc nào cũng trong vòng luân hồi, mà người Phật tử cố gắng tu dưỡng tâm tánh mình.
LÀM SAO ĐỂ THOÁT KHỎI CÁI CHẾT
Có thể khắc phục cái chết không? Câu trả lời là - Có thể!
Sở dĩ có chết là bởi vì có sanh. Tình trạng lặp đi lặp lại nầy được gọi là vòng luân hồi sansàra. Nếu vòng quanh những kiếp sinh tồn nầy ngưng lại, chấm dứt, nó chỉ có thể bị cắt đứt ở giai đoạn Vô Minh (Không hiểu biết) và ái Dục (Tham ái) -- Ðó là hai cội rễ của vòng luân hồi mà ta phải tận diệt. Như vậy, nếu tận diệt ái Dục và Vô Minh ắt ta chế ngự "sanh", chinh phục "tử", và vượt ra khỏi vòng luân hồi, thành tựu Niết Bàn.
Cho đến khi, và ngoại trừ khi thành tựu giải thoát ra khỏi thế gian những sự vật được cấu tạo, ta còn phải đối diện với cái chết, trở đi trở lại. Và trên phương diện nầy cũng vậy, vai trò của sự chết rất là rõ ràng. Nếu ai cảm thấy rằng chết là điều không thể chịu đựng, hãy cố gắng chuyên cần khắc phục vòng quay sanh và tử.
VẬY CON NGƯỜI LÀ CÁI GÌ?
Phật giáo cho rằng con người được cấu tạo do hai thanh phần: tinh thần và vật chất (Nàma và Rùpa). Hai thành phần này ở trong trạng luôn thay đổi không ngừng nghỉ:
* Thành phần vật chất (Sắc - Rùpa) bị chi phối bởi 4 yếu tố:
1) Nghiệp (Kamma): kết quả của những hành động trong quá khứ;
2) Tâm (Citta):những thánh phần tinh thần;
3) Nhiệt năng (Utu): yếu tố nhiệt lượng;
4) Chất dinh dưỡng (Ahara): yếu tố dinh dưỡng của thức ăn.
* Thành phần tinh thần (Danh - Nàma) là phần quan trọng nhất của bộ máy con người, gồm có:
1) Thọ hay cảm giác (vedanà);
2) Tưởng hay tri giác (sannà);
3) Hành (Sankhàrà) những sinh hoạt tâm có tác ý;
4) Thức (vinnàna). Nhận thức đối tượng
Bốn loại hiện tượng tinh thần ấy, phối hợp với hiện tượng vật chất ở trên, tạo ra năm uẩn (ngũ uẩn)>>>Con người chính là vật cấu hợp phức tạp ấy.
BẢN NGÃ- CÁI TÔI
"Cái mà chúng ta gọi là 'Bản Ngã', giống như một vật sáng hình thành bởi nhiều đốm sáng liên tục tiếp nối một cách thật nhanh, đến nỗi mắt con người không có khả năng phân biệt thành từng đốm riêng biệt". Cũng như thế ấy, không có một linh hồn trường cữu nằm bên trong sự vật qui ước được gọi là "CÁI TÔI", mà thực tế chỉ là sự kết hợp của Ngủ Uẩn (Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức). Chúng ta không thể nói mùi hương của một cái hoa nằm trong cánh hoa, hoặc trong nhụy hoa, hay trong màu hoa, nó nằm trong toàn thể cái hoa. Tương tự như thế, một cá thể được qui định bởi sự phối hợp của năm thành phần nói trên.
Chính cái giáo lý Vô Ngã, Vô Linh Hồn (Anattà) là đặc thù chính yếu của Phật Giáo.

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018


Người ta thấy chúng tôi tu hành, họ hay hỏi tu là gì? để được gì hay tu để thành ai?
Tu để được cái gì thì vẫn còn ham muốn, tâm tham sở hữu cho mình, ☺Tu chính để không còn ham muốn nữa.
☺Tu hành để không còn ý muốn trở thành ai cả!
Tu hành không để gặp Phật mà là để gặp chính mình, gặp chính mình trong mọi ng và gặp mọi ng trong chính mình
➡ Tu mới đầu là hành động, suy nghĩ, nói năng thiện, sau đó là hành động, suy nghĩ, nói năng hợp với Sự Thật tuyệt đối (chân lý cuộc sống luôn luôn thay đổi không ngừng, không thể điều khiển và luôn hướng đến sự trống rỗng không thật)
➡ Tu hành cũng không ở chùa, không ở chợ, cũng chẳng phải ở nhà, tu hành tại thân tâm này, mà 2 thứ đó ở đâu chẳng có, chỉ là ta không thấy mà thôi
➡ Mới đầu tu là sửa những hành động, lời nói từ bất thiện thành thiện
Tiếp theo thì tu chỉ là Biết, khi tâm có tham, sân, si hay từ bi, hỷ, xả cũng chỉ Biết mà thôi. Nếu còn muốn sửa thì sẽ tăng thêm cái bản Ngã tự cao tự đại của mình mà thôi
Để tham khảo, mời quý vị đọc lời Phật Thích Ca thuyết giảng, trong kinh Trung bộ và Trường bộ do hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.:
hhttp://www.budsas.org/uni/u-kinh-truongbo/truong22.htm
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-trungbo/trung38.htm

Khi chưa thiền: Tham mà không biết, bị tham dẫn dắt để nghĩ, nói, hành động mà không hay
Khi mới thiền: Biết tham nguy hại, mê mờ... nên Tham sự vô Tham.
Khi biết cách thiền: Biết có Tham và Chấp nhận tham vì chỉ có tâm Tham, không có Tôi tham.
Và làm thiện pháp với hiểu biết đó! Sự chấp nhận đó
Thiện pháp = bố thí, giữ giới, hành thiền.

Thứ Năm, 12 tháng 7, 2018

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH 
Và Những Mẫu Chuyện Phật Giáo Nói VềHạnh Phúc 
Ajahn Brahm 
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch 
-----

Đời là một câu chuyện đan xen chớ không phải là một chuỗi quan niệm. Tư tưởng là những khái niệm luôn xa rời thực tại. Một câu chuyện với chi tiết chi li và ý nghĩa dồi dào mới đáng gọi là gần với thực tại của cuộc đời. Do đó chúng ta thuật chuyện dễ hơn là lý luận trừu tượng. Và chúng ta thích chuyện trò huyên thuyên là vì vậy.
Chuyện trong sách này được tôi lượm lặt trong lúc tôi tu theo tông phái tu trong rừng của Phật giáo Theravada là môn phái lớn nhứt tại Thái Lan, Miến Điện (nay là Myanmar), Sri Lanka, Campuchia và Lào. Hiện nay Theravada đang phát triển mạnh bên phương Tây và dưới phương Nam, kể cả Úc châu là nơi mà tôi đang hoằng pháp.
Tôi thường được hỏi về sự khác biệt giữa các tông phái – Theravada, Mahayana, Vajrayana va Zen (Xin tạm dịch là Nam Tông hay Nguyên Thủy, Bắc Tông, Kim Cương Thừa và Thiền Zen). Tôi trả lời bằng cách ví tất cả như một thứ bánh có nhiều lớp kem khác nhau. Bên ngoài ta thấy khác và ăn biết khác nhưng mùi vị căn bản vẫn như nhau: vị tự do hay giải thoát. Chỉ có một đạo Phật ngay từ lúc bắt đầu.
Đức Phật chu du hoằng pháp trên miền Đông Bắc Ấn Độ cách nay hơn 2600 năm – một trăm năm trước Socrates (Socrates c.569 BC – 399 BC là nhà triết học cổ điển Hy Lạp, được xem như một trong các triết gia sáng lập triết lý phương Tây). Ngài dạy không những Tăng ni mà luôn cả dân thường như nông dân, kẻ quét đường, cả gái lầu xanh. Ngài không phải là một siêu nhơn mà là một bậc giác ngộ từng quán chiếu thâm sâu bản thể của đời sống. Lời dạy của Ngài xuất phát từ tâm Ngài, cái tâm được mở rộng nhờ thiền. Như Ngài từng bảo: “…chính trong thân thể dài một tầm có tưởng, có ý này, Ta tuyên bố thế giới, nguyên nhân của thế giới, sự đoạn tuyệt thế giới và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thế giới. (theo một bản dịch của H.T Thích Minh Châu, Rohita Sutta, phẩm các ngoại đạo, Tương Ưng Thiên Tử (S.i.61), tức Devaputta Samyutta, Sutta No. 26 ghi bởi tác giả).
Giáo pháp của Đức Thế Tôn đặt trọng tâm nơi Tứ Diệu Đế, được sắp xếp theo thứ tự như sau:
1. Lạc hay Hạnh Phúc
2. Nguyên nhân của Lạc
3. Sự vắng mặt của Lạc
4. Nguyên nhân của sự vắng mặt ấy.
Các mẩu chuyện trong quyển sách này xoay quanh sự thật thứ nhì: Nguyên nhân của Lạc.
Đức Phật thường giảng dạy bằng tâm ẩn dụ. Bổn sư tôi là Ajahn (Thầy) Chah sống tu trên miền Đông Bắc Thái Lan cũng dạy bằng ẩn dụ. Cứ sau mỗi bài pháp Ngài thường lấy một ví sụ để minh họa và tôi nhớ hầu hết các ẩn dụ Ngài dùng, nhứt là các ẩn dụ ngộ nghĩnh. Hơn thế nữa, chính các ẩn dụ này mới phổ cập được các ý nghĩa thâm áo của con đường dẫn đến Hạnh Phúc. Ẩn dụ là sứ giả truyền đạt lời dạy của Ngài.
Tôi cũng dùng ẩn dụ để giảng dạy Phật học và thiền ở Úc, Singapore và Mã Lai Á trong hơn 20 năm qua, và tôi cũng xin cống hiến quý đọc giả một số câu chuyện xem như đã nói lên ý nghĩa của nó rồi nên không có ý định dẫn giải thêm. Ngoài ra ý nghĩa của mỗi câu chuyện được hiểu ở nhiều mức độ khác nhau nên chi càng đọc các bạn sẽ càng thấy sự thật thêm rõ ràng hơn.
Mong quý bạn đọc cũng như quý bạn nghe các câu chuyện về hạnh phúc chân thật kể sau đây thành tựu tâm hoan hỷ. Và rất mong các câu chuyện này giúp quý vị thăng hoa đời mình cũng như đời của nhiều người khác.
Ajahn Brahm
Perth, tháng năm 2004.

LỜI NGƯỜI DỊCH

Ajahn Brahmavamso Mahathera (thường được gọi là Ajahn Brahm), thế danh Peter Betts, sanh tại Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 7 tháng tám 1951. Hiện nay Ngài là sư trụ trì Tự Viện Bodhinyana tọa lạc tại Serpentine, Tây Úc. Ngoài ra, Ngài còn là Giám Đốc tinh thần của Hội Phật giáo Tây Úc (The Buddhist Society of Western Australia), Cố vấn tinh thần của Hội Phật Giáo Victoria (The Buddhist Society of Victoria), Cố vấn tinh thần của hội Phật Giáo Nam Úc (The Buddhist Society of South Australia), Bảo trợ tinh thần Ái Hữu Phật giáo Singapore (The Buddhist Fellowship in Singapore), và Bảo trợ tinh thần của Trung tâm Bodhikusuma tại Sydney (The Bodhikusuma Center in Sydney).
Ajahn Brahm theo học Phật với Ajahn Chah (1918 -1992), một đại trưởng lão Thái Lan, trong suốt 9 năm tại miền Đông Bắc Thái. Như bổn sư mình, Ajahn Brahm có cuộc sống thanh đạm nhưng trí tuệ cao vời. Lời dạy của Ngài lấy cuộc sống “hôm nay và tại đây” làm căn bản nên rất dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành. Tu phải tập hay tu phải hành. Quan niệm này được thể hiện rõ ràng trong một trăm lẻ tám câu chuyện – đắng cay có, khôi hài có và sâu sắc cũng có - Ngài kể trong quyển Opening The Door Of Your Heart xuất bản năm 2005 mà tôi xin mạo muội phỏng dịch dưới đây để cống hiến quý bạn đọc.
Tôi dùng hai chữ “Phỏng dịch”, nhưng thật sự tôi không dám bỏ sót ý chánh nào của tác giả hết. Tôi chỉ mạo muội nói cắt xén những trùng lấp (vì tác giả viết như nói) hoặc thêm chút ít giải thích cho rõ nghĩa hoặc sắp xếp lại một đoạn văn cho suông tai người Việt mình mà thôi. Nhưng dầu sao đi nữa, tôi biết không sao tránh khỏi sơ suất nên kính mong quý bậc thức giả lượng tình tha thứ và chỉ dạy giùm để lần ấn tống sau thêm hoàn chỉnh. Trân trọng đa tạ.
Tôi thành kính ghi ơn tác giả Ajahn Brahm, người dùng trí tuệ minh sát để viết ra những câu chuyện khai tâm thú vị này làm say mê người đọc trong quyển sách quý giá này của Ngài. Quyển sách này tôi có được nhờ duyên may: Chị Phước Huệ Huỳnh Ngọc Diệp, Rạch Giá rất tâm đắc với sách và mong muốn dịch ra Việt ngữ để ấn tống hầu chia sẻ với độc giả Việt Nam, nên đã trao cho nguyên bản nhân dịp tôi ghé lại Rạch Giá trên đường đi hành hương ở Hà Tiên hồi cuối năm 2009. Chị còn dịch giùm bài thơ của Jonathan Wilson-Fuller trong “Hy vọng quá nhiều”, số 43, bỏ công đọc bản thảo và sửa chính tả. Chân thành cám tạ chị Phước Huệ Huỳnh Ngọc Điệp.
Tôi xin cám ơn Chơn Quang Trương Nguyệt Thu, người bạn đời và cũng là bạn đạo của tôi, đã đọc bản thảo và đóng góp nhiều ý hay và lời đẹp giúp bản dịch thêm phần lý thú.
Tôi không bao giờ quên được công lao của Ban biên tập và nhất là Ông Bình Anson (đọc bản thảo và dàn trang và cô Nguyễn Thị Tú Anh (thiết kế bìa). Không có các bàn tay khéo léo của quý Thân hữu này, quyển sách đây không thể được ấn tống như ý muốn
Cẩn ký,
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi
Chùa Vạn Hạnh,
Lansing, Michigan, USA
Tháng Tư, 2010

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2018




Với mình, một trong những lợi ích của việc hành thiền là đối trị được với những cảm giác sợ hãi. Mình xin chia sẻ với các bạn kinh nghiệm về “sự sợ ma” của mình.

Từ nhỏ đến lớn, mình rất sợ ma. Trong một khóa tu ở chùa Linh Ẩn, mình ngủ cùng một cô lớn tuổi. Nửa đêm mình bị đánh thức khi thấy có ai chạm vào người. Giật mình tỉnh dậy, mình kinh hãi khi cô ấy nhìn mình chằm chằm, tay như đang vồ lấy mình vậy. Mình sợ hãi hét to, cô ấy cũng giật mình, ngạc nhiên không hiểu tại sao cô ấy lại làm vậy, và cô cũng đang sợ hãi. Cả đêm ấy, mình bị ám ảnh, cứ nhớ lại cảnh đó là mình run rẩy, không dám cựa quậy. Mọi chuyện mờ ảo như trong câu chuyện ma nào đó mà hồi xưa mình đã từng nghe. Vì thế mình càng trở nên sợ hơn và cố xua đuổi cảm giác ấy đi.

4h sáng hôm sau, khi thức dậy và đi ra ngoài hành lang, mình đứng trước bóng tối bao trùm, nỗi sợ hãi từ nửa đêm vấn ám ảnh làm mình nghĩ đang có ai đó trong bóng tối và họ đang theo dõi mình. Bất chợt, mình nhớ lại một buổi chia sẻ về “nỗi sợ hãi” của nhóm Thiền Giữa Đời Thường mà mình từng tham gia. Mình bắt đầu trấn tĩnh lại, thở mạnh hơn và bắt đầu quan sát, tự hỏi rằng “Có thật trong bóng tối ấy có gì đó không? Mình đang sợ hãi, sợ hãi có thật không? Hay chỉ là do tâm vẽ vời?” Sau đó mình nhìn thẳng vào bóng tối, nơi mình nghi ngờ và chờ đợi xem có gì xảy ra không. Và kết quả không là có gì cả, nỗi sợ hãi cũng biến mất khi mình hay biết được rằng nguyên nhân của nỗi sợ hãi là do nỗi ám ảnh từ nhỏ khi bị người lớn dọa ma, vì hình ảnh đáng sợ, ẩn hiện của những con ma trong phim. Và vì mình luôn sợ cái không rõ ràng, cái mình chưa từng tận mắt chứng kiến. Tất cả tạo nên những cảnh tượng ghê sợ mà tâm đang thỏa sức vẽ vời nên, từ đó tạo ra sự sợ hãi cho bản thân. Mình nhận ra rằng, khi dám đối diện với sự sợ hãi bằng sự quan sát và sự hiểu biết. Mình sẽ không còn sợ ma nữa ^^ -

Chia sẻ từ bạn Thảo Hub - Thành viên Thiền Giữa Đời Thường

Xin mời các bạn cùng chia sẻ câu chuyện thực tế về kinh nghiệm thực hành, những ứng dụng đạo Phật và Thiền vào cuộc sống về địa chỉ email thiengiuadoithuong@gmail.com kèm 1 ảnh chân dung, hoặc bạn có thể giấu danh tính nếu không muốn lộ diện. Chúng tôi sẽ lựa chọn các câu chuyện và đăng tải trên Facebook hoặc Blogspot Thiền Giữa Đời Thường để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Chúc các bạn luôn an vui!


Tôi là người rất hay lo xa, và thường xuyên lập kế hoạch, dự định cho tương lai. Thời gian gần đây tôi nghỉ sinh con. Con tôi ra đời, cháu không khỏe, thường xuyên ốm đau luôn nên tôi chưa tìm được việc làm vì phải liên tục để trông con. Gần đây chồng tôi cũng gặp rắc rối trong công việc, những kế hoạch cho tương lai của chúng tôi đều đang bị trì hoãn, tôi rất choáng váng và lo lắng.

Khi gặp thiền, tôi bắt đầu học cách sống trong hiện tại nhiều hơn, bớt lo xa tính toán hơn, và tôi thấy tôi thích nghi nhiều hơn với hoàn cảnh không còn cứng nhắc như xưa nữa. Tôi hiểu những gì đang xảy ra là những cơ hội mới cho tôi.

Càng ngày, tôi càng thấy mình tích cực hơn rất nhiều so với trước khi hành thiền. Ví dụ thay cho việc sợ thất nghiệp, tôi vẫn đi xin việc, nhưng tôi cảm thấy không còn áp lực căng thẳng như trước, tôi thoải mái hơn vì coi đây là cơ hội được gần bên chồng con nhiều hơn.

Trước đây, tôi thấy cuộc sống thất nghiệp ở nhà với đứa con đau ốm thật sự đáng sợ, nhưng nay tôi nhìn thấy ở đó những cơ hội để làm những việc mà nếu phải đi làm hang ngày tôi không thể làm được. Tôi ít lập kế hoạch xa xôi hơn, mà tìm cách hiểu hơn về hiện tại và chỉ hướng tới những mục tiêu ngắn hạn nhưng khả thi, tôi thấy rất nhiều kế hoạch nhỏ được thành công, còn những kế hoạch lớn lao, dài lâu tôi vẫn giữ trong lòng và cố gắng vì điều đó nhưng chúng không còn làm tôi lo lắng, áp lực như trước kia nữa.

Cảm ơn thiền Vipassana, cảm ơn duyên lành đưa tôi tới gặp được facebook TGĐT và gặp các Sư. Cảm ơn Sư cô đã hướng dẫn tôi học thiền- học cách sống tích cực trong hiện tại.

Thứ Hai, 9 tháng 7, 2018





Khi màn đêm buông xuống, tôi trở về giường ngủ sau những thời thiền liên tục trong ngày, tỉnh táo và sáng suốt, khá lâu tôi mới đi vào giấc ngủ. Và sau đó tôi choàng dậy bởi cơn mơ, bởi những ký ức xa xưa hiện về, và theo dòng hình ảnh từ trong mơ tiếp diễn ra ngoài đời thực, tôi tiếp tục suy nghĩ những gì đang dang dở trong giấc mơ. Đó là câu chuyện quá khứ với trọn vẹn sự đau đớn mà tôi và họ đã đem đến cho nhau từ hơn 10 năm trước, nay hiện về rõ mồn một. Những suy nghĩ kèm theo những cảm xúc ức chế, đau đớn, khó chịu, ghen tỵ, giận dữ trào dâng…dâng mãi dâng mãi, và tôi vẫn nhận ra được những dòng thác tư tưởng ấy đang chi phối mình như thế nào, câu chuyện đau khổ mà tôi chưa tha thứ được cho họ và cho tôi nay đang trở về nguyên vẹn, mới tinh như hôm qua.

Là 1 người đã xuất gia, nhưng suy nghĩ ấy hiện về như mới, làm tôi nghĩ rằng” tu sỹ mà nghĩ linh tinh vậy sao” tôi toan tìm cách khống chế và cắt đứt nó, nhưng một tiếng nói khác lên tiếng” hãy để kỷ niệm trào lên và học hỏi xem sao”, tôi thả lỏng thư giãn, tự nhắc mình nhẹ nhàng hồi phục chánh niệm và để tâm được tự nhiên, tâm chánh niệm nhẹ nhàng dõi theo để thấy toàn bộ dòng suy nghĩ và cảm xúc đang lồng lộn, trào dâng, khi lên đỉnh điểm nước mắt trào ra cay nghiệt nhưng tôi chợt…cười, ồ vâng, suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, cảm xúc chỉ là cảm xúc, mỗi thứ là nền tảng để phát khởi cái kia, chỉ la những tiến trình tự nhiên làm việc như một cỗ máy.

Chợt nhận ra rằng vào thời điểm đó, với hoàn cảnh đó, với suy nghĩ đó, tính cách đó, những gì tôi và họ đã làm là hoàn toàn hợp lý, vì một thái độ khác sẽ đòi hỏi một sự hiểu biết khác dựa trên những kinh nghiệm và điều kiện khác. Tôi đã không sai, họ cũng không sai, chúng tôi đã tự làm khổ mình và làm khổ nhau bởi sự thiếu hiểu biết, bởi chúng tôi đã tin vào những dòng suy nghĩ và cảm xúc đang chi phối mình khi đó, không ai biết cách hiểu chúng như đúng bản chất của chúng. Chúng tôi không có lỗi, và sau kinh nghiệm ấy tôi có thể thực sự tha thứ được cho mình và cho họ.

Và tôi đã vượt qua được nỗi đau khổ sâu sắc đó bởi sự hiểu biết thực sự về sức mạnh nào đang chi phối mình, bởi tôi có 1 sức mạnh riêng được vun bồi qua những năm tháng tu tập: sức mạnh của Thiền chánh niệm (Vipassana).

- Chia sẻ từ Sư cô Hương Thiền -

Xin mời các bạn cùng chia sẻ câu chuyện thực tế về kinh nghiệm thực hành, những ứng dụng đạo Phật và Thiền vào cuộc sống..về địa chỉ email thiengiuadoithuong@gmail.com kèm 1 ảnh chân dung, hoặc bạn có thể giấu danh tính nếu không muốn lộ diện. Chúng tôi sẽ lựa chọn các câu chuyện và đăng tải trên Facebook TGĐT để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Chúc các bạn luôn an vui!

Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

Một người bạn của tôi, thực hành thiền đã lâu rồi, trước kia hút thuốc và uống rượu rất nhiều, lần đầu tiên đến học thiền anh ấy nói: tôi không thể bỏ rượu được, nhưng tôi muốn học thiền, có được không? Tôi nói: OK, được. Hành thiền trước đã. Thế là anh ấy bắt đầu thực hành thiền, và tôi nhắc anh ta rằng mỗi khi cơn thèm thuốc hay thèm rượu khởi lên, hãy quan sát cái thèm đó thật kỹ, đừng đầu hàng nó ngay lập tức. Hãy thong thả, không cần phải vội vàng.Hãy hứng thú với chính cái thèm ấy.Thực ra cái tâm tham, cái thèm muốn rất thú vị.Tham là một trạng thái tâm rất thú vị.Anh ấy là một người nhiệt tâm và trung thực.Mỗi khi cơn thèm thuốc, thèm rượu khởi lên, anh ấy quan sát trạng thái tâm ấy thật lâu, nhưng sau một lúc thì không thể chịu được nữa.Vì vậy tôi lại hướng dẫn cho một bài tập khác. Được, nếu anh muốn uống rượu quá, nếu anh thực sự quyết định mình nhất định phải uống, hãy uống đi, nhưng phải làm thật chánh niệm, cầm chai rượu, lấy cốc, thật chánh niệm, rót rượu ra cốc, thật chánh niệm, cầm cốc lên, thật chánh niệm, đưa lên môi, thật chánh niệm, uống một ngụm, thật chánh niệm, nhưng đừng có nuốt vội, hãy giữ nó trong miệng một lúc và xem bạn cảm thấy như thế nào. Anh ấy thử làm theo. Anh giữ ngụm rượu trong miệng và cẩn thận quan sát cái gì đang diễn ra.Miệng trở nên rất nóng.Cổ họng nóng và ngực cũng nóng bỏng. Rồi anh nuốt ngụm rượu thật chậm, và anh nói khi tôi uống rượu trong chánh niệm, tôi không thể uống được nhiều như trước kia nữa. Chỉ hớp vài hớp là tôi đã cảm thấy thoả mãn rồi và phải đổ chỗ rượu thừa vào chai cất đi.

Vì vậy chánh niệm hạn chế bạn lại.
Nếu bạn làm việc gì bất thiện, chánh niệm sẽ hạn chế nó.

Sau khi thực hành thiền chánh niệm cả một thời gian dài, có lẽ phải đến hai năm, anh ấy vẫn uống rượu nhưng rất nhiều lần nói sẽ từ bỏ rượu.Anh ấy nói điều ấy nhiều lần lắm.Tôi chuẩn bị bỏ rượu đây. Anh ta nói với vợ mình như thế nữa: anh sẽ bỏ rượu. Nhưng rồi sau đó vẫn cầm chai uống, vợ anh ta nói: Anh bảo bỏ rượu bao nhiêu lần rồi cơ mà. Thế khi nào anh mới bỏ thật đây?Sao anh nói bỏ rượu lâu rồi mà đến bây giờ anh vẫn còn uống? Và anh ta rất bực mình. Anh ta nói: “Đừng có lên mặt dạy bảo tôi, bởi vì cô cứ lên giọng dạy tôi đừng có uống, nên tôi phải uống nữa”. Vì vậy anh ta tiếp tục uống. Nhưng bởi vì có hành thiền, nên cơn thèm rượu cứ giảm dần, giảm dần và cuối cùng anh ta không muốn uống nữa. Một ngày, anh ấy nói: “Từ ngày hôm nay, tôi sẽ không uống nữa”. Và anh ấy thực sự dừng lại, không uống nữa, nhưng để thử thách mình xem lòng quyết tâm có thực sự mạnh mẽ hay không, anh vẫn giữ một chai rượu trong tủ lạnh. Chỉ như là một sự cám dỗ, để xem mình có thể thực sự cai rượu được không. Nhưng đúng là anh ấy đã bỏ hẳn rượu.Cho đến tận bây giờ, anh ấy không bao giờ uống một giọt rượu nào nữa.

Và một người phụ nữ khác tôi gặp ở Mỹ cũng thế, câu chuyện của cô ấy rất thú vị. Cô ấy nghiện ma tuý, nghiện rượu và tâm lý cũng không được ổn định lắm, cô ấy không bao giờ làm được công việc gì lâu dài, không thể hoà hợp được với mọi người. Cô ấy đến chùa, và tôi hỏi: “Tại sao cô đến chùa?” Cô ấy trả lời: “Tôi không ngủ được”. Tôi nói: OK, nếu không ngủ được thì OK, có một loại thiền cô có thể thực hành để ngủ được. Thể loại thiền đó là gì?Các bạn có biết không?Nếu thực hành loại thiền đó bạn sẽ ngủ rất ngon, và không có ác mộng...A... trước khi tôi nói hết, chắc các bạn đã đoán ra cả rồi.Thiền tâm từ, tất nhiên rồi. Khi thực hành thiền tâm từ, bạn trở nên rất dịu dàng, bạn cảm thấy bình yên, và bạn dễ ngủ, không có ác mộng, bạn thức dậy tươi mới và sảng khoái. Vì vậy tôi dạy cô ấy thiền tâm từ, rồi bảo cô ấy ngày hôm sau quay lại. Hôm sau cô ấy đến và nói: “Ngài thực hành thiền của ngài như thế nào? Tôi không thể thực hành được thiền tâm từ”. Tôi hỏi: “Tại sao cô không rải tâm từ cho chính mình? Nguyện cho tôi được hạnh phúc và bình an. Nguyện cho tôi mạnh khoẻ.Nguyện cho tôi có được tất cả những gì tốt đẹp mà tôi mong muốn.Tất cả mọi người đều thích làm như vậy”. Cô ấy nói: “Tôi không muốn nghĩ về bản thân mình, tôi ghét bản thân tôi”. Tôi hỏi: “Thế còn bố mẹ cô thì sao?”. Cô ấy trả lời: “Bố tôi chết đã lâu rồi. Ông ấy nghiện rượu và tôi căm ghét ông ấy bởi vì khi chúng tôi còn nhỏ, ông ấy không bao giờ nhìn ngó gì đến chị em chúng tôi”. “Thế còn mẹ cô thì sao?”, cô ấy nói: “Mẹ tôi cũng chẳng bao giờ quan tâm đến chúng tôi, vì vậy tôi cũng chẳng muốn nghe giọng bà ấy nữa. Khi bà ấy gọi điện thoại cho tôi, chỉ cần nghe thấy giọng bà ấy là tôi đã cúp điện thoại ngay rồi.Tôi không muốn nói chuyện với bà ấy”. Tôi hỏi: “Thế còn các thầy cô giáo của cô ở trường?”.“Chẳng có ai làm cho tôi cảm thấy tốt đẹp khi nghĩ đến cả”. “Còn bạn bè thì sao?”. Cô ấy nói: “Tôi không có bạn”.

Wow, tôi nghĩ, đây quả thực là một ca khó đây. Tôi chưa bao giờ gặp một trường hợp nào như vậy trước đây. Thế rồi tôi nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi nghe cô nói như thế. Tôi không trách cô nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe một người nói rằng không có một người nào họ có thể yêu thương như vậy”. Cô ấy lặng yên ngồi nghĩ ngợi một lát rồi nói: “À, tôi có yêu một con chó nhỏ, nó là con chó của bạn tôi”. Không phải là con chó của cô ấy, mà làcon chó của bạn cô ấy. “Khi chơi với nó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”. Tôi nói: “Ồ, vậy thì ít nhất cô cũng có một sinh vật để yêu thương. Vậy bây giờ hãy nghĩ đến con chó ấy và rải tâm từ cho nó”.
Yêu thương con chó hay yêu thương con người thì cũng như nhau, cùng là một trạng thái tâm.Dần dần, tôi dạy cô ấy phát triển tâm từ - tình thương và lòng nhân hậu - và cả thiền chánh niệm nữa.Tâm cô ấy đờ đẫn và buồn ngủ suốt ngày, bởi vì đã dùng quá nhiều ma tuý và rượu, rất khó để ngồi thiền.Tôi hướng dẫn cô ấy tập đi kinh hành (thiền trong tư thế đi) một cách chánh niệm, chỉ đi chân trần trên nền xi măng ráp. Cô ấy thực hành rất chăm chỉ, cố gắng rất nhiều, tập trung hết sự chú ý vào từng bước chân nhấc lên, đặt xuống, cảm nhận những cảm giác trên bàn chân. Cô ấy thực hành đêm ngày, và một ngày đến gặp tôi và nói: đêm qua tôi thức giấc lúc nửa đêm, lúc mọi người đã ngủ sâu, và đêm ấy là đêm rằm. Tôi muốn ra ngoài, vì vậy tôi bước ra và ngắm trăng. Thật đẹp. Mặt trăng sáng trong.Tôi nhìn cây cối trong rừng, bởi vì chùa ở trong một khu rừng lớn, rừng tùng. Cô ấy nói: tôi nhìn những cái cây và thấy chúng đẹp quá, chúng rất sống động, tôi có cảm giác chúng như là những sinh vật sống như con người. Tôi cảm nhận được sự bình yên của chúng.Những cái cây ấy thật bình yên.Và tôi bắt đầu đi thiền hành, cô ấy nói, tâm tôi trở nên vô cùng yên tĩnh và bình yên.Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được sự bình yên của tâm hồn.

Kể từ ngày ấy, cô ấy thực hành ngày càng tích cực hơn, sau một vài tháng cô ấy đã hoàn toàn bỏ hẳn ma tuý, rượu và mọi thứ khác. Trước đó cô ấy sử dụng rất nhiều loại ma tuý khác nhau, cần sa, heroin... Bởi vì nghiện ma tuý và rượu nên cô ấy không ăn được, người chỉ còn da bọc xương, rất nghèo, không có một xu dính túi.Sau khi bỏ rượu và ma tuý, cô ấy khoẻ mạnh trở lại, ăn được và có viết thư cho tôi.Bây giờ đã tăng được 9 kg. Cô ấy tăng cân, hạnh phúc hơn, khoẻ mạnh hơn và bắt đầu có thêm nhiều bạn bè, tìm được một công việc mới, làm kế toán, bởi vì trước kia cô ấy có bằng kế toán. Khi tôi quay lại Mỹ năm 2001, lần đầu tôi gặp cô ấy là năm 1983 và tôi rời Mỹ năm 1984, mãi đến năm 2001 tôi mới quay trở lại. Cả một thời gian 17 năm.Khi tôi đến đó, cô ấy tìm ra tôi ở đó và đến gặp, tôi thấy cô ấy và rất vui.Tôi chào cô ấy.Thầy còn nhớ con không? Tôi nói: tất nhiên là tôi nhớ cô chứ. Cô bây giờ trông thật khoẻ. Cô ấy nói: vâng, bây giờ con rất khoẻ, con chăm sóc bản thân con rất tốt. Con ăn uống tốt, hành thiền mỗi ngày, đi kinh hành mỗi ngày hai lần, một lần buổi sáng và một lần buổi tối, con có một công việc và có một ngôi nhà.

Bạn thấy đấy, cuộc đời cô ấy đã hoàn toàn thay đổi. Thiền đem lại cho cô ấy sự tự tin, sức mạnh, sự dũng cảm, quyết tâm, kiên nhẫn và kỷ luật, tất cả mọi thứ, vì vậy cô ấy có thể hoạch định cho cuộc sống và thay đổi cuộc sống của mình. Tôi rất vui khi gặp lại cô ấy.Và một điều nữa cô ấy nói là cho đến bây giờ cô ấy vẫn không hề uống rượu trở lại.Cô ấy nói thế, cô ấy rất hạnh phúc khi nói điều đó.Tôi không uống rượu nữa. Nghĩa là cô ấy cai rượu từ năm 1984 và đến tận lần cuối cùng tôi gặp cô ấy năm 2001, cô ấy không hề đụng đến một giọt rượu nào. Cô ấy trông rất khoẻ.
 Một điều nữa cô ấy nói là, con có một chỗ thờ Phật nho nhỏ trong phòng làm việc.Tôi không cố cải đạo cho cô ấy thành một Phật tử.Tôi chỉ dạy cô ấy sống một cuộc đời lành mạnh, làm cho tâm cô ấy tĩnh lặng và bình yên hơn, trở thành một người hạnh phúc và một lối sống lành mạnh.Tôi chỉ giúp cô ấy làm như vậy.Nhưng sau đó, cô ấy đã phát triển tình thương và lòng kính trọng, đối với Đức Phật và cả các nhà sư. Khi gặp lại, cô ấy đảnh lễ với sự khiêm nhường thực sự, với lòng biết ơn chân thành và tôi cảm thấy rất hạnh phúc, không phải vì cô ấy đảnh lễ tôi, mà tôi cảm thấy hạnh phúc và vui mừng cho trái tim cô ấy, cho sự biết ơn, cho Giáo Pháp và Đức Phật.

Trích: KHÔNG THỂ SỐNG THIẾU THIỀN
Thiền sư Sayadaw U Jotika

Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2018



Chồng tôi là một người yêu thương vợ con, nhưng rất hay ghen. Khi ghen, chồng tôi trở nên rất ghê gớm và độc đoán. Từ ngày lấy chồng, tôi dường như mất hết tự do, không còn bạn bè, làm gì cũng bị kiểm soát. Về phía tôi, tôi cũng dựa vào chồng quá nhiều, luôn cần đến anh ấy, không có cuộc đời tiêng của mình.

Từ khi gặp Thiền, tôi quay lại sống với thế giới bên trong, tôi bắt đầu dành thời gian cho riêng mình mà anh ấy không thể ghen được vì tôi ko cần phải gặp gỡ hay làm gì đặc biệt, Cho đến 1 ngày anh ấy nhận ra rằng tôi không còn cần anh ấy lo cho tôi quá nhiều, ko cần dựa vào anh mới có hạnh phúc, mà cũng không cần một người nào khác. Tôi có cuộc sống riêng mà nếu không hiểu về cuộc sống ấy, anh ấy sẽ mất tôi.

Chồng tôi thay đổi dần dần thái độ, để có được tình cảm và sự quan tâm của tôi, anh ấy bắt đầu đi đến thiền viện để hành thiền cùng tôi, mặc dù không thật sự thích thú. Tuy nhiên, chồng tôi rất sợ tôi sẽ vào đó ở lâu dài, nên anh quan tâm chăm nom tôi và sống trách nhiệm hơn. Tôi vẫn rất yêu chồng con và lo lắng cho gia đình, đồng thời tôi có sự tự do của riêng tôi, nhờ đó chồng tôi cũng tôn trọng tôi hơn, cần đến tôi hơn. Chúng tôi bắt đầu quan tâm đến nhau hơn. Tôi rất biết ơn Thiền vì điều đó.

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018



 Có nhiều lúc tôi cảm thấy mình là một thiền sinh rất tệ. Có những ngày tôi ngồi thiền nhưng chẳng có chút gì là chánh niệm( ghi nhận quan sát thân tâm mình). Tôi tự hỏi, không biết mình có cố gắng đủ hay không? Tôi có lười biếng quá không? May mắn thay, vì được dạy rằng mình cần phải biết rộng lượng và tha thứ cho những thất bại của mình trên con đường tu học, nên tôi cũng không cảm thấy buồn nản cho lắm. Nhưng cũng có thể vì vậy mà tôi thiếu sự tinh tấn chăng? Sự thật là nhiều năm trước đây, tôi nhận thấy thật ra mình cũng không thể nào kiểm soát được những gì xảy ra trong lúc ngồi thiền - tôi chỉ có thể có mặt ngồi nơi tọa cụ mà thôi. Trong thời gian đầu, tôi vất vã cố gắng để thực hành theo lời hướng dẫn - theo dõi hơi thở, khi nào tâm ta lo ra, buông bỏ tư tưởng ấy và trở lại với hơi thở của mình - nhưng chẳng có gì đặc biệt xảy ra hết. Thật ra, tôi cảm thấy rất bất an trong những lúc ngồi thiền. Sau đó, tôi cảm thấy khá hơn một chút, nhưng cái kinh nghiệm ấy tự nó vẫn là khó chịu. Nhưng cuối cùng rồi thì tôi cũng vượt qua, và bắt đầu có được những kinh nghiệm tĩnh lặng và sáng tỏ. Và trong suốt nhiều năm, và các khóa tu, kế tiếp, tôi cố gắng giữ một sự quân bình trong sự thực tập của mình, "dụng công nhưng không dụng lực."

 Khi nào tôi thể hiện được điều này thì mọi việc dường như đều rất trôi chảy, tôi cảm thấy mình có một sự tỉnh thức tự nhiên và buông bỏ nhẹ nhàng. Và ngược lại, những khi thất bại, tôi cảm thấy mình lạc lõng, bối rối và tràn ngập bởi những tư tưởng và cảm giác rằng mình hoàn toàn mất sự tự chủ. Và rồi từ đó tôi lại tự hỏi không biết phương cách thực tập này của tôi có thích hợp không.

 Gần đây, tôi có đọc được bài kinh mở đầu trong Tương Ưng Bộ Kinh (Samyutta-Nikáya). Trong bài kinh ấy có người hỏi đức Phật bằng cách nào để ngài vượt qua được dòng nước lũ, ý nói về sự giác ngộ của ngài. Câu trả lời của Phật thật vô cùng đơn sơ: - "Này Hiền giả, không đứng lại, không vội vã, Ta vượt khỏi dòng nước lũ." - "Thưa ngài, làm sao không đứng lại, không vội vã, Ngài vượt khỏi dòng nước lũ?" Người ấy hỏi. - "Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta bị chìm xuống. Khi Ta vội vã, thời Ta bị cuốn trôi; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không vội vã, Ta vượt khỏi dòng nước lũ." Tôi nghĩ câu trả lời của đức Phật diễn tả được điều mà tôi đang cố gắng để đạt đến trong sự thực tập của chính mình. Tôi cứ tiếp tục có mặt nơi toạ cụ của mình, dù cho chuyện gì xảy ra, nhưng không cố sức quá.

 Trong thời gian qua, tôi cũng có thực tập theo chương trình Twelve-Step programs, họ có một câu châm ngôn là "chỉ từng ngày một." Tôi nghĩ câu ấy có nghĩa là, ta đừng cố gắng phải giải quyết hết mọi vấn đề trong cùng một lúc - hay là đạt giác ngộ - chỉ cần ta chăm sóc cho những gì cần thiết trong ngày hôm nay. Hôm nay ta chỉ cần ngồi trên toạ cụ của mình theo thời gian hạn định. Đừng tự trách móc hay phê phán về buổi ngồi thiền ấy là thành công hay thất bại. Đó không phải là chuyện của mình. Chuyện của mình là có mặt và ngồi ở đó. Nếu bạn bỏ sự thực tập vì nó không đạt đúng với "tiêu chuẩn" của mình muốn, như đức Phật dạy, bạn sẽ bị chìm xuống.

 Đức Dalai Lama cũng có khuyên chúng ta không nên lúc nào cũng cứ xem xét và phê phán sự thực tập của mình. Ngài dạy, chúng ta chỉ nên nhìn lại sau một thời gian dài, như là năm hay mười năm, chừng ấy ta mới thật sự thấy được sự tiến triển của mình. Tôi nghĩ có lẽ ý ngài cũng khuyên chúng ta đừng nên dừng lại. Nhưng dù vậy, trên con đường thực tập, có những lúc tôi nhìn chung quanh và thấy hoang vu, không có gì thay đổi hay khác biệt. Tôi có tự dối gạt mình hay không? Tôi có thật sự cố gắng đủ chưa? Có lúc, tôi thực tập với một vị thầy dạy cho tôi những phương pháp thực hành gắt gao hơn, nhưng rồi tôi vẫn trở về với đường lối nhu hoà của mình. Đó có phải là phản ảnh của một tính khí yếu đuối chăng? Có lẽ tôi cần phải nên cố gắng nhiều hơn để tăng trưởng định lực và chánh niệm của mình. Vấn đề là mỗi khi tôi cố gắng gò bó mình, cuối cùng tôi lại cảm thấy còn tệ hại hơn trước. Chắc có lẽ tôi chỉ có thể là vậy thôi.

Đứa con gái của tôi khi lên sáu, mỗi lần bị la rầy nó hay nói, "Con đâu phải là chủ của đầu óc của mình." Nghe thấm thía làm sao. Tôi là một giáo thọ, tôi đi hướng dẫn các khóa tu, vì vậy cho nên tôi thuộc vào hạng "Bác sĩ, hãy lo chữa bệnh cho mình đi!" Thật ra thì tôi cũng hiểu về những ý nghĩ ngờ vực này của tôi lắm chứ. Nhưng vấn đề tôi muốn nêu ra là thế nào là Chánh Tinh Tấn? Thật ra đó không phải là một vấn đề của riêng tôi. Trong những khóa tu, tôi thường khuyên người khác nên từ tốn với chính mình, có niềm tin vào sự thực tập, nhìn mọi việc xảy ra trong một không gian rộng lớn, và nhớ rằng cái gì cũng rồi sẽ qua. Hãy có niềm tin vào đạo pháp, cho dù ta không có niềm tin nơi mình. Đó là lời khuyên mà tôi có thể dùng được!

 Là một giáo thọ, tôi không tránh khỏi ghi nhận những hình ảnh của các vị giáo thọ khác, và thấy rằng gương mặt họ lúc nào cũng tươi sáng và nở nụ cười. Hình như họ có một thông điệp là, "Nếu bạn thiền tập như tôi, bạn sẽ có hạnh phúc!" Và những lời hướng dẫn thiền tập cũng vậy, có vẽ như rất hoàn hảo, không có chút gì là bất toàn hết. Đôi khi tôi tự hỏi, ta có nên ghi thêm những câu này trong các khoá tu không: "Những kinh nghiệm thật sự của bạn trong khóa tu này sẽ tùy thuộc vào những nghiệp quả trước đó, karma, của bạn. Các vị thầy và trung tâm này không thể bảo đảm về sự giác ngộ của bạn (hoặc là bạn có vui thích hay không)." 

Cuộc đời của tôi có biết bao những thăng trầm - buồn vui, căng thẳng, hân hoan, mệt mỏi. Và tất cả những trạng thái ấy đều được phản ảnh trong buổi ngồi thiền hằng ngày của tôi. Đôi khi, tôi muốn sự thiền tập của mình hoàn toàn cách biệt hẳn với chúng, như là một trạng thái nhiệm mầu nào đó mà tôi có thể bước vào và lánh xa hết tất cả. Nhưng thật ra thiền tập không phải là một sự trốn tránh thực tại, mà ngược lại, nó là một nhận thức về thực tại sâu sắc hơn. Và nếu ta nhìn cho sâu và cho thật rõ, bên dưới cái thực tại bất an ấy là một thực tại tĩnh lặng, tuệ giác và hạnh phúc. Đó mới chính là chân thực tại. Và nếu tôi không dừng lại và cũng không vội vã, sự tĩnh lặng và tuệ giác này này sẽ tự nhiên hiển lộ -- theo thời điểm của nó, chứ không phải của tôi.
Chuyển ngữ sang tiếng Việt: Nguyễn Duy Nhiên
 Theo: Buddhasasana
HỎI:
Con có quen biết 1 đôi vợ chồng diễn viên nổi tiếng, họ giàu sang, xinh đẹp, tài năng nên là niềm mơ ước của nhiều người nhưng con thấy họ sống rất căng thẳng, mệt mỏi, cả 2 đều ngoại tình, lăng nhăng nên chính họ khổ, con cái cũng khổ, nhiều lúc con thấy họ còn đáng thương hơn con là người bình thường nhưng sống vui vẻ.
ĐÁP:
- Mở đầu xin hỏi, với 1 chân đi trên thảm đỏ êm ái và 1 chân còn lại đi trên đá nóng, cứng, rát, lúc đó quý vị thấy sao? Có thực sự sung sướng ???.Và họ cũng vậy, dù họ đẹp, giàu có, nổi tiếng, nhưng cũng khổ vì áp lực của sự nổi tiếng, căng thẳng, khủng hoảng, đố kỵ, ghen ghét.
- Họ tìm kiếm những mối quan hệ ngoài luồng vì cảm giác chán ghét cái cũ, cái ko ưng ý để tìm cầu cái mới lạ, ưng ý mà thôi, rồi cái mới trở thành cũ, cái ưng ý lộ ra những điều không ưng ý mới….vòng quay lại lặp lại. Ngay từ khi cưới vợ dựng chồng, nếu họ biết sẽ có 1 ngày mọi thứ sẽ đổi thay, có lẽ nhiều điều sẽ khác, trải qua nhiều những cuộc tình, biết nó sẽ thế nào....có lẽ họ sẽ phản ứng khác
- Tuy có 1 khối tài sản lớn, tài năng vượt trội nhưng họ vẫn đau khổ bởi không thể kéo dài mãi niềm vui, không thay đổi được mình và người khác như mong muốn. Chúng ta cũng vậy, có chăng chúng ta học Phật để xây dựng được cho mình khả năng chấp nhận sự thay đổi ấy
- Cái cần ghìn giữ không phải là cảm giác thích thú, ưng ý trong các mối quan hệ, mà là sự tự trọng, sự chân thực, sự vị tha, tính thông cảm trong mỗi người mà Phật giáo gọi chung là Giới Hạnh
- Tài sản lớn>>> Dễ thỏa mãn giác quan>>> Lòng ham muốn càng nhiều>>> càng phải biết cách kiểm soát, chế ngự, điều tiết các trạng thái tâm >>> càng phải phát triển hiểu biết đúng về chính mình và mọi người. Điều này Phật giáo gọi chung là Trí Tuệ.
Chẳng phải người giàu sang mới cần phát triển điều này, tất cả đều cần phát triển Giới Hạnh và Trí tuệ, nhưng giàu lên bao nhiêu thì khả năng đối diện với những sự " hiểm nguy trong vị ngọt ẩn tàng" cũng phải cao dường như thế.
- Sư cô Hương Thiền -

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2018

Phi như lý tác ý (chú tâm không khôn ngoan), đến các đối tượng gây ra nghi ngờ là yếu tố chính hoặc ‘dưỡng tố’ dẫn đến sự hiển lộ hoài nghi . ‘Phi như lý tác ý’, ayoniso manasikāra, là duyên sinh ra hoài nghi. Ngược lại, ‘như lý tác ý’, chú tâm khôn ngoan hay chú tâm thấu đáo, yoniso manasikāra, phải được điều hướng để phân biệt giữa cái gì là thiện lành và không thiện lành, cái gì là đáng chê trách và đáng khen ngợi, cái gì là cao thượng và hạ liệt, cái gì là tối tăm và trong sáng. 

Như thế, cần phải ghi nhận ở đây là yếu tố ‘như lý tác ý’ một mặt được sử dụng để đoạn trừ hoài nghi và một mặt khác, được dùng để phát triển trạch pháp.

Trạch pháp sinh khởi dựa vào niệm. Điều này cho thấy rằng loại thẩm tra cần thiết để vượt qua sự hoài nghi có quan hệ gần gũi với niệm, theo ý nghĩa ‘thẩm tra’ với nhận thức rõ ràng về bản chất thực sự của ‘pháp’.

 Một khía cạnh khác của trạch pháp là thẩm tra về lý thuyết. 
Quy trình hóa giải hoài nghi thông qua thẩm tra được mô tả trong nhiều bài kinh, qua đó, nên gặp gỡ bậc thiện trí để được giải thích, làm rõ các câu hỏi, để xua tan những nghi ngờ của mình (


Người nào quen nghe Pháp trong kiếp nầy sẽ tiếp tục hưởng được lợi ích cho cuộc sống trong các kiếp sau, bởi vì người ấy sẽ dễ dàng tiếp nhận nếu có dịp được nghe Pháp mà không do dự, cũng giống như những ai đã từng nghe âm thanh tiếng trống hoặc tù và sẽ không nghi ngờ hoặc phân vân về bản chất của âm thanh vừa nghe
 
Chỉ khi nào hoài nghi được khắc phục theo cách này, mới có thể diệt trừ tham, sân và si. Những lợi ích khác của việc khắc phục hoài nghi là hành giả sẽ bình tĩnh, không sầu khổ khi lâm bệnh trầm trọng, và vị ấy có thể sống ở những nơi hẻo lánh trong khu rừng hoang dã mà không sợ hãi, khiếp đảm