Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

ĐỪNG HOANG TƯỞNG


Gs. Ts. Đại đức Thiện Minh
Ghi chép: Quang Đức

Thời Pháp do Đại đức, TS Thiện Minh giảng nhân Khóa Tu 1 Ngày – Bát Quan Trai Giới lần thứ 57 (29 tháng 8 năm Ất Mùi, dương lịch 11/10/2015) tại chùa Bửu Quang (hẻm 353 Trần Xuân Soạn, phường Tân Kiểng, quận 7, Tp HCM).

Namo Tassa bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!

Thưa quí vị, hôm nay chúng tôi chia sẻ với quí vị một thời Pháp ngắn – Đừng Hoang Tưởng vì nhận thấy rằng cuộc sống càng hiện đại, càng vật chất đủ đầy thì tâm quí vị càng mê đắm hoang tưởng. Tâm quí vị đi xa khỏi bản chất thật của các giá trị cốt lõi để rồi vọng tưởng xa ngoa. Có một câu nói mà chúng tôi cảm thấy rất sâu sắc rằng: “The most dangerous liars are those who think they are telling the truth”, chúng tôi tạm dịch là: “Những người nói dối nguy hiểm nhất là những người đang nghĩ rằng họ đang nói lên sự thật”.

Đúng vậy đó thưa quí vị, khi tâm của quí vị hoang tưởng quá nhiều thì tâm hoang tưởng này chi phối toàn bộ ý thức và hành vi của quí vị. Quí vị có sự tin tưởng cố định, vững chắc như một chân lý không thể bác bỏ được dẫu rằng thực chất những cơ sở logic trong lập luận của quí vị đã bị rối loạn.

Điều đáng sợ nhất ở đây chính là tâm hoang tưởng, tâm vô minh mà quí vị cứ tưởng là quí vị đang nghĩ đúng, đang làm đúng và đang tu đúng. Cái sự tưởng của quí vị sẽ gây ra rất nhiều các quyết định, hành động sai lầm cho chính bản thân và cả những gì liên quan đến cuộc sống xung quanh quí vị. Đó chính là lý do tại sao ngày hôm nay quí vị có buổi tu học nhằm khống chế tâm hoang tưởng và giữ cho thân tâm được trong sạch.

“Như tảng đá kiên cố
Gió thổi không lay động
Người trí tâm an định
Bất động trước khen chê
Như hồ nước rất sâu
Trong lặng sáng một màu
Người trí liễu tri pháp
Tâm thanh tịnh hết sầu”.

Thưa quí vị, để loại bỏ tâm vô minh, hoang tưởng thì quí vị phải biết tu – biết học và hành theo đúng chánh pháp của Đức Phật. Giáo pháp của Đức Thế Tôn là “Thiết Thực Hiện Tại” nghĩa là giáo pháp của Ngài có khả năng sống trong thực tại, có khả năng chuyển hóa vào cuộc sống – chuyển hóa vào chính mỗi phút giây ngay thời điểm hiện tại này. Đây chính là đặc tính khác biệt hoàn toàn giữa giáo pháp của Ngài và các học thuyết khác. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc quí vị cảm nhận được sự vận hành của thân tâm ở phút giây hiện tại, không để tâm mong cầu hoang tưởng.

Tất cả các học thuyết hay tôn giáo khác đều dạy con người phải biết sống tốt nhưng để chuyển hóa thân tâm cho đạt được sự an lạc ngay phút giây hiện tại thì chỉ có giáo pháp của Đức Phật chỉ dạy rõ. Đức Phật dạy rằng con người chúng ta, từ bậc thánh đến người phàm đều cần phải trải qua quá trình học pháp và hành pháp để đạt được sự thanh lọc tâm. Thanh lọc là để tâm quí vị sáng, tâm quí vị thấu triệt được vấn đề, tâm quí vị không còn hoang tưởng. Không hoang tưởng là quí vị không còn dính mắc vào quá khứ, không mong cầu, chờ đợi các chuyển hóa trong tương lai, đó chính là quí vị đang thực hành chánh niệm cho thân tâm qúi vị được trong sạch ngay phút giây hiện tại, là biết đích xác những gì đang diễn ra ở thân và tâm.

Nếu quí vị không có chánh niệm, không cảm nhận được những gì đang xảy ra ngay giây phút hiện tại, là quí vị đang để tâm mải miết quay cuồng, mải miết chạy đua với thời gian. Quí vị miệt mài lao về phía trước mà không có chút thời gian chậm lại để nhìn, chậm lại để nghe, chậm lại để thưởng thức, chậm lại để yêu thương, và chậm lại để cảm nhận sâu sắc hơn bằng thân tâm trong sạch ngay giây phút hiện tại của chính mình. Sự thật là quí vị có tỏ ra bồn chồn, lo lắng, vội vã, và gấp rút đến đâu thì quí vị cũng chỉ có hai bàn tay, hai bàn chân, hai con mắt, hai lỗ tai… và hai mươi bốn giờ mỗi ngày như vậy thôi. Gấp gáp đến bao nhiêu thì mọi sự cũng chỉ vừa đủ khi duyên thời của nó đến. Vậy nên bản chất của sự quay cuồng đó chính đều từ tâm mê đắm, tâm hoang tưởng của quí vị mà ra.

Tâm hoang tưởng là tâm có những ý tưởng, phán đoán sai lầm không phù hợp với thực tế khách quan nhưng người hoang tưởng lại cho là hoàn toàn chính xác. Tâm hoang tưởng hay còn gọi là “Tri giác sai lầm” đã gây ra bao cảnh trớ trêu từ cổ chí kim và đang càng ngày càng xuất hiện với tần suất dày đặc hơn trong xã hội hiện đại.

Trên thế giới, tại các quốc gia tiên tiến nhất, hay ở Việt Nam cũng đã và đang xảy ra các vụ án mạng trớ trêu, đau xót vì chứng hoang tưởng mà ra. Ví như: có người tự mổ bụng mình vì hoang tưởng rằng có một con gì đó trong bụng đang lăm le chọc thủng bụng mình, nên mổ bụng để lấy ra; có bà mẹ thì hoang tưởng về đứa con sanh ra làm chồng có bồ nhí, gia đình làm ăn lụn bại nên cũng ra tay tàn độc với chính con ruột của mình; có đứa con thì vác dao chém chết cả gia đình bố mẹ anh chị em và cháu; có kẻ thì nã súng giết hại các trẻ em, học sinh trong trường học ở Mỹ; có người lại ở trên tòa nhà lao xuống vì tưởng mình có cánh biết bay; có ông chồng thì đốt cháy cả nhà, gia đình và bản thân vì cho rằng vợ có bồ; có em sinh viên tạt axit vào thầy cô giáo của mình vì tưởng rằng thầy cô cố tình gây khó, chèn ép mình; có viên phi công lái máy bay đâm thẳng vào vách núi cướp đi chính sanh mạng của bản thân và hàng trăm người khách khác vì hoang tưởng về một sự nổi tiếng nào đó; có những công dân rất trẻ của Nhật Bản tự tử vì hoang tưởng bản thân không đáp ứng lại nhu cầu xã hội, là vết nhơ uế, không xứng với một cường quốc hiện đại như Nhật Bản; lại có đứa trẻ thì bế đứa em mẹ mới sanh ném qua cửa sổ vì tin rằng em bé đã cướp đi tình yêu mẹ dành cho mình…

Nhẹ hơn của chứng hoang tưởng là là tâm trí tưởng tượng, nghi ngờ, sợ hãi đủ điều. Nhìn sự vật mà không nhìn thấy bản thể thật của sự vật lại để tâm trí tưởng tượng, ám ảnh và tin vào những mù mờ, mê tín lệch xa. Như có nhiều người đi lại vào ban đêm, nhìn vào cành cây tưởng con rắn, nhìn vào bóng nhà lại tưởng bóng ma, nghe tiếng gió rít lại ngỡ tiếng quỉ thần; có những người lại tưởng ra mình là hạt bắp nên đi sợ con gà; có người khỏe mạnh lại luôn nghĩ rằng mình bệnh sắp chết; có người lại luôn sống trong tưởng tưởng mình là tiên đang xuống trần giúp người; ngay cả giáo pháp của Đức Thế Tôn vẫn đang còn xảy ra nhiều tranh cãi vì nhiều vị liễu tri Pháp rồi cho rằng phần hiểu biết (còn nhiều phần hạn hẹp) của bản thân là tối thượng mà áp đặt và bác bỏ đi những ý kiến của các bậc minh sư khác…

Ngoài ra, các nhà khoa học trên thế giới vẫn đang còn nhiều tranh luận và nghiên cứu về một hội chứng của hoang tưởng: thuyết Rối Loạn Đa Nhân Cách (Multi Personality Disorder- MPD) là bệnh hay sự tưởng tượng thái quá? Tiêu biểu cho chứng MPD này là câu chuyện về cô gái Ashey Patterson với ba con người khác nhau ở những thời điểm khác nhau. Tuổi thơ của nàng thật bi thảm. Nàng bị cha đẻ xâm phạm thân thể từ năm lên sáu tuổi, bị mẹ ghét bỏ, luôn phải chứng kiến bố mẹ cãi vã bởi những lý do mà suốt đời nàng không hiểu. Vậy mà lớn lên nàng vẫn thông minh, xinh đẹp, hấp dẫn và đặc biệt là tấm lòng vị tha, tính nết dịu dàng. Thế nhưng một ngày, nàng phải ra đứng trước vành móng ngựa và bị kết tội hạ sát tới năm người đàn ông. Song, cuối cùng nàng vẫn được toà tuyên trắng án vì bác sĩ tâm lý đã dùng thuật thôi miên chứng minh được nàng bị bệnh đa nhân cách. Không phải nàng giết họ mà là những nhân cách khác của nàng đã làm việc đó, nàng không hề biết gì…

Các nhà khoa học cho rằng, con người ngay từ khi sinh ra đã mang trong mình nhiều “mầm nhân cách” khác nhau, giống như mang nhiều hạt giống. Hạt giống nào phù hợp với cơ thể, điều kiện sống và giáo dục thì sẽ phát triển trở thành nhân cách của con người. Khi ấy, họ “bỏ quên” các nhân cách khác kém hoặc không phát triển. Tuy có quá trình “chọn lọc tự nhiên” tính cách như vậy nhưng những mầm nhân cách kia không bị mất đi hoàn toàn mà nấp ở đâu đó trong tiềm thức. Gặp được hoàn cảnh thích hợp, các nhân cách còn lại kia trỗi dậy.

Thế mới thấy được tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng và rèn luyện nhân cách tâm tánh. Tâm trong sạch, an định thì không bị những hoàn cảnh xã hội đưa đẩy. Còn vẫn tiếp tục giữ cái tôi quá lớn thì tâm sẽ phải cột chặt vào cuộc sống, không buông xả được. Tâm càng dính mắc thì càng hoang tưởng nhiều. Quí vị phải nhớ rằng tâm dính mắc là tâm bị gò bó, hẹp lượng, không lối thoát. Quí vị cứ tưởng tượng rằng một cái garage chứa xe mà chỉ có xe chạy vào không có chạy trở ra thì cái garage đó chỉ chứa được chừng đó chiếc xe mà không có thêm chiếc xe nào vào được cả. Nó sẽ hoang tưởng rằng đó đã là cả thế giới nhưng thực chất nó chỉ là cái garage khiêm tốn trong ngàn vạn cái khiêm tốn giống vậy thôi. Vậy thì tâm con người cũng thế, nếu quí vị từ trước nay vẫn tin tưởng điều gì đó là đúng, hành động nào đó là hoàn toàn đúng mà quí vị không chịu mở lòng mình ra, đặt mình ở các hoàn cảnh ngược lại để nhìn nhận vấn đề một cách đa chiều hơn thì tâm của quí vị là tâm bảo thủ, tâm hạn hẹp và tâm không thể tiến bộ, không thể tiếp nhận thêm cái mới vì tâm quí vị quá hoang tưởng cho mình đã là “biết tuốt”, đã là quan trọng nhất, đã là thông minh nhất, đã là giỏi giang nhất nên không cần phải học thêm gì từ ai.

Sự hoang tưởng đó vô cùng nguy hại thưa quí vị. Trong dân gian vì thế mà cũng đã có rất nhiều những thoại ngữ khuyên răn sự lầm tưởng của tâm:

“Đừng tưởng cứ vội thì nhanh
Cứ tranh là được, cứ giành thì hơn
Đừng tưởng giàu hết cô đơn
Cao sang hết ốm, tham gian hết nghèo” …

“Dưa vàng đừng tưởng đã chua
Sấm rền đừng tưởng sắp mưa ngập trời
Khi vui đừng tưởng chỉ cười
Lúc buồn đừng tưởng chỉ ngồi khóc than” …

“Đừng tưởng chẳng có thì không
Chẳng trai thì gái, chẳng ông thì bà
Đừng tưởng chẳng gần thì xa
Chẳng ta thì địch, chẳng ma thì người” …

Trong đời sống hàng ngày, nếu quí vị không có tu, không có chánh niệm thì quí vị khó mà không sinh tâm phiền não do các ham muốn lầm tưởng. Bởi bản chất thật của sự vật thường bị năm sự ham muốn – năm thứ dục lạc của trần cảnh che mờ.

Chính năm cái ham muốn:

•Sắc dục: ham muốn sắc đẹp, ưa thích tướng tốt;
•Thinh dục: ham muốn tiếng hay, dịu ngọt;
•Hương dục: ham muốn mùi thơm ngạt ngào;
•Vị dục: ham muốn đồ ăn thức uống ngon ngọt;
•Xúc dục: ham muốn sự đụng chạm mềm dịu.

Khiến quí vị khởi sanh ngay phiền não ngay khi vừa thức dậy mỗi sáng. Năm cái dục lạc này dính chấp, trói chặt thân tâm quí vị. Như: Mắt thấy cảnh sắc mà “đẹp” tâm tham, “xấu” tâm sân; tai nghe thấy lời nói “thích”, tâm tham, “không thích” tâm sân; mũi ngửi mùi “thơm” tâm tham, “hôi” tâm sân…Thực tế thì khi tâm quí vị còn đề mục vào “đẹp, xấu”, “thích, không thích”, “thơm, hôi”… là quí vị đang dính chấp vào tham vào sân và chính là để tâm quí vị si mê hoang tưởng. Nên quí vị phải có tu, có chánh niệm là để quí vị bớt đi cái tâm nghi kị, bỏn sẻn, tà kiến, hoang tưởng, để Đừng:

“Đừng phản cảm những lời vô ý thức
Đừng để lòng những bực tức vu vơ
Đừng bận tâm những thái độ hững hờ
Đừng sân giận những người hay gây sự
Đừng chua chát khi gặp điều thất bại
Đừng đắng cay khi duyên đã không còn
Đừng ngậm ngùi vì lời hứa sắt son
Đừng oán trách tình đời sao bạc trắng
Đừng đau khổ khi gặp điều nghiệt ngã
Đừng lạnh lùng như sương gió mùa đông
Đừng thở than khi họ đã thay lòng
Đừng luyến tiếc những gì không còn nữa
Đừng thù hận những người làm mình khổ
Đừng phân bua với những chuyện thị phi
Đừng bức xúc những việc chẳng ra chi
Đừng bất mãn khi gặp nhiều chướng ngại
Đừng lầm tưởng mọi điều không nhân quả
Đừng quên rằng tất cả cũng duyên sinh
Đừng để tâm nổi sóng gió bất bình
Đừng chấp thủ để tâm hồn thanh thản.” (Xin Đừng, Tường Vân)

Quí vị không chỉ tu để cho tâm được trong sáng, thanh tịnh, không hoang tưởng mà xa hơn nữa là để quí vị hoàn toàn tận diệt tham, tận diệt sân, tận diệt si nhằm đạt được sự giải thoát ngay ở giây phút hiện tại. Tại sao? Vì nếu quí vị không tận diệt được tham, sân, si thì tâm của quí vị không hoàn toàn loại bỏ được sự hoang tưởng mê đắm. Cũng như quí vị nhìn thấu được qui luật của cái khổ mà không biết cách tận diệt nó thì đó chính là bi kịch lớn nhất. Như câu chuyện về nhà tâm lí học nổi tiếng nhất (the best psychiatrist) ở London, bác sĩ Rober Greenbaum. Ông là bác sĩ tâm lý danh tiếng và chữa bệnh cho biết bao nhiêu là người nhưng lại bất lực đối với chính tâm lý của bản thân. Chuyện kể rằng nhân một tối chủ nhật tại một quán rược (bar) ở London, bác sĩ có tán ngẫu với một người đàn ông lạ. Ông bác sĩ bảo rằng: “Life is terrible, everything in the world is really boring!” (Cuộc sống thật không còn ý nghĩa gì nữa, mọi thứ trên đời đều vô vị). Người bạn kia nghe vậy mới đưa ra thật nhiều lời khuyên nhưng chẳng có lời khuyên nào có thể giảm bớt phiền não cho vị bác sĩ này. Lời khuyên nào đi nữa thì vị bác sĩ kia đều đã hiểu rõ tường tận và đã chiêm nghiệm qua. Cuối cùng người bạn kia đành bất lực mà thốt lên: “I think that you’re very ill. Only the best psychiatrist in London can help you. Go to see Dr GreenBaum in Harly Street” (Tôi nghĩ rằng ông thật sự có vấn đề về tâm lí rồi và chỉ còn duy nhất một người có thể giúp đỡ cho ông. Hãy đến và gặp bác sĩ tâm lý học tốt nhất của London, bác sĩ Dr GreenBaum ở đại lộ Harly)…

Bi kịch của bác sĩ Rober Greenbaum là ông có thể thấu hiểu căn nguyên của tâm lý mà ông lại không có biện pháp để đoạn tuyệt với tâm hoang tưởng của bản thân. Vì ông là vị bác sĩ tài ba, bác sĩ tâm lí học giỏi nhất ở London và ông lầm tưởng cái biết của mình đã là đủ, cái biết của mình đã là đúng, cái biết của mình đã là chân lý. Chính cái tôi quá lớn, cái bản ngã quá lớn, cái tâm hoang tưởng quá lớn khiến ông không nhận thấy được rằng: cuộc sống này không còn mục đích gì để sống, không còn niềm vui gì để níu kéo, không còn khát vọng nào nữa để vươn lên – chính là tâm lí tham, sân, si.

Tham & sân: vì ông có nhiều hơn những gì người bình thường có nhưng ông không cảm thấy thỏa mãn. Vẫn trông chờ, mong đợi một thứ gì kỳ diệu, một thứ gì làm thỏa mãn trí tưởng tưởng, một thứ gì cao siêu… Tâm lí tham, sân này khiến ông bác sĩ cảm giác không còn tha thiết gì với cuộc sống này. Đây là tâm lí sống trong hi vọng, hi vọng về một mong cầu đặc biệt nào đó theo trí tưởng tượng của tâm và khi hết hi vọng thì ngay lập tức muốn chấm dứt sự sống.

Si: vì ông bác sĩ đã đạt được những thành tựu nhất định trong cuộc sống. Ông cảm thấy như vậy đã là đủ, tự mãn với bản thân và cảm thấy không còn điều gì cao siêu hơn những gì mình đã biết nữa. Tâm hoang tưởng này đã ngăn chặn ông mở mang tầm hiểu biết, mở mang tâm mình để nhận thấy rất nhiều các giá trị tốt đẹp hơn của cuộc sống mà ông ta chưa từng cảm nhận được từ cái tâm bó hẹp.

Như trong Trung Bộ Kinh, Phẩm 30 - Lõi Cây, Đức Phật có dạy: Nhiều người đi tìm lõi cây: có người tìm giác cây, có người tìm vỏ trong, có người tìm vỏ ngoài, có người tìm cành lá…mà cứ tưởng mình đã tìm được lõi cây; từ đó sanh ra kiêu mạn, khen mình chê người…Cũng như những người tu: có người chỉ mới nhận được sự tôn kính khi xuất gia, có người thành tựu giới đức, có người thành tựu thiền định, có người thành tựu tri kiến. Do những thành tựu đạt được, họ tỏ ra kiêu mạn, biến nhác, khen mình chê người…Tất cả những sự tự kiêu tự đại ở đây đều từ tâm hoang tưởng mà ra. Người tìm được lõi cây cũng ví như người tu mà:

•“ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc, do ly dục sanh, có tầm có tứ”;
•“diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỉ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm”;
•“ly hỉ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba”;
•“xả lạc, xả khổ, diệt hỉ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh”; •“vượt lên mọi sắc tưởng, diệt trừ mọi chướng ngại tưởng, nghĩ rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ”;
•“vượt lên mọi Không vô biên xứ, nghĩ rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức là vô biên”;
•“vượt lên mọi Thức vô biên xứ, nghĩ rằng: “Không có vật gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ”;
•“vượt lên mọi Vô sở hữu xứ, chứng và trú Phi tưởng Phi phi tưởng xứ”;
•“vượt lên mọi Phi tưởng Phi phi tưởng xứ, chứng và trú Diệt thọ tưởng (định), sau khi thấy với trí tuệ, các lậu được đoạn trừ”.

Kết lại: Tiếp nhận trí kiến của mỗi người là khác nhau, tâm hoang tưởng cũng ở nhiều mức độ khác nhau. Để hạn chế tâm hoang tưởng quí vị cần chuyên cần học pháp, hành thiền, thực tập tâm từ bi, vô tư, đơn giản. Thực hiện nếp sống lành mạnh, đạo đức, lương thiện để tâm luôn được điềm đạm, an vui. Hạnh phúc sẽ luôn bên quí vị khi tâm quí vị thanh tịnh, an lạc.

“Không làm các điều ác
Thành tựu các hạnh lành
Giữ tâm ý trong sạch”

Chính là ba phương pháp giúp quí vị dứt trừ Hoang Tưởng.

Cảm ơn quí vị đã góp phần làm nên thành tựu bằng việc nghe pháp và kính pháp trong ngày tu học hôm nay. Chúc cho thân tâm quí vị luôn an vui, hỉ lạc nhờ phước đức tu tập này.

Namo Tassa bhagavato Arahato Sammāsambuddhassa!

0 nhận xét:

Đăng nhận xét