Thứ Năm, 25 tháng 10, 2012

TÔI ĐANG HỌC CÁCH THU THÚC NHÃN THỨC NHƯ THẾ NÀO?



Tôi là người phải lái xe nhiều, khi ra đường tôi rất hay thất niệm, không ghi nhận được thân tâm mình. Tâm luôn bị hướng ra ngoài, nhất là nhãn thức, đặc biệt với gái xinh hay xe đẹp…tạo cho tôi những cảm thọ dễ chịu, vì vậy tâm bị hút rất nhiều vào đối tượng. Những lúc đường đông xe, hoặc có ai không tuân thủ luật giao thông thì tôi bị phản ứng, phán xét rất nhiều.

Thi thoảng tôi cũng có ghi nhận được thân tâm, tôi thấy thật căng thẳng và mệt mỏi, tôi không muốn điều đó. Tôi bắt đầu học cách thay đổi từ cái nhìn. Khi mắt nhìn thấy một hình ảnh dễ chịu hoặc khó chịu tôi tự nhắc mình “tập trung vào việc lái xe, không nhìn hình ảnh đó nữa, hoặc thu tầm nhìn lại chỉ đủ cho việc lái xe, nhìn theo hướng khác….. miễn sao hình ảnh đó không đập vào mắt nữa mà vẫn đảm bảo cho việc lái xe là được”.

Khi đó tôi ghi nhận được hai trạng thái tâm, một là thân tâm ít bị cảm thọ dễ chịu hay khó chịu chi phối, do không có sự so sánh đánh giá; nhưng thường thì tâm luôn muốn hướng ra phía đối tượng, lúc đó tôi lại tự nhắc nhở mình. Khi đó tôi cảm nhận được như đang có sự giằng co nhau giữa hai trạng thái muốn nhìn và không được nhìn.

Lúc đầu sự nhắc nhở đó thật khó khăn, vì theo thói quen cũ tâm luôn hướng ra ngoài để đánh giá và phán xét, và những thói quen cũ thường chiến thắng. Nhưng dần dần thì sự nhắc nhở cũng bắt đầu có tác dụng và nhãn thức cũng thu thúc được hơn, do đó ít các phán xét, đánh giá và các cảm thọ dễ chịu hay khó chịu cũng ít dần đi. Tôi cũng không biết làm như vậy là đúng hay sai nhưng tôi thấy rằng khi ở trạng thái tâm ít phán xét thì thân tâm sẽ thoải mái và dễ chịu hơn, sự dễ chịu này khác hẳn so với sự dễ chịu của thích hay không thích. Sau đó tôi có được gặp Ngài Jatila, ngài nói (tôi không nhớ chính xác lắm) "Từ khi tôi đi tu, tôi ít nhìn ngang, dọc, trước, sau, vì vậy tôi ít phán xét mọi người và mọi thứ xung quanh hơn". Khi đó tôi tự thấy hình như mình cũng đang đúng đúng

-Chia sẻ từ bạn Pannasara Ninh- Thành viên TGĐT


Xin mời các bạn cùng chia sẻ câu chuyện thực tế về kinh nghiệm thực hành, những ứng dụng đạo Phật và Thiền vào cuộc sống về địa chỉ email thiengiuadoithuong@gmail.com kèm 1 ảnh chân dung, hoặc bạn có thể giấu danh tính nếu không muốn lộ diện. Chúng tôi sẽ lựa chọn các câu chuyện và đăng tải trên Facebook hoặc Blogspot Thiền Giữa Đời Thường để mọi người có thể cùng nhau chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm. Chúc các bạn luôn an vui!

2 nhận xét:

  1. Sadhu! Sadhu! Sadhu!

    Trả lờiXóa
  2. Hành thiền là để khởi sinh trí tuệ. Trí tuệ ở đây là gì, chỉ đơn giản là biết thế nào là đúng sai, việc gì nên làm hay không nên làm..biết nhân quả. Mình không nhớ rõ khái niệm trí tuệ trong đạo Phật , chỉ nhớ mang máng là như vậy.

    Dù bạn có thực hành theo bất kì phương pháp nào, điều cốt tủy của tất cả các phương pháp đó đều dẫn đến mục đích cuối cùng là để khởi sinh trí tuệ. Trí tuệ nó sẽ thấy rõ , biết rõ việc phải làm.

    Mình đang suy tư , chỉ là suy tư về một điều mà mình chưa trải nghiệm một điều mà mình chỉ nói trên mặt lý thuyết, do vậy có thể mình nói sai mà mình không biết, có lẽ chỉ là chia sẻ như vậy. Nếu mình biết là mình đang nói sai , có lẽ là mình sẽ không chia sẻ nữa.


    Phần lớn các công việc trong ngày là ta làm việc với tâm tham sân và si, và không có trí tuệ trong đó. Chỉ khì nào không còn tham sân và si thì trí tuệ mới sinh khởi được.

    Vậy làm thế nào để trí tuệ sinh khởi đây, đó chính là chánh niệm, tinh tấn và tỉnh giác. Trí tuệ chỉ có thể sinh khởi trong môi trường với các dẫn xuất dung môi, hay có sự xuất hiện của các yếu tố chánh niệm, tinh tấn và tỉnh giác. Đó là môi trường nuôi dưỡng trí tuệ . Khi có chánh niệm, tinh tấn và tỉnh giác xuất hiện , thì rất khó để các tâm bất thiện sinh khởi , đó là tham sân và si, nguồn gốc của các phiền não.

    Vậy việc hành thiền là để làm gì, hay bất cứ hình thức tu tập nào cũng sẽ hướng tới một mục đích là cho trí tuệ chưa sanh khởi được sanh khởi , trí tuệ sanh khởi rồi tiếp tục tăng trưởng, và khi trí tuệ được duy trì một cách thuần thục. Trí tuệ tăng trưởng một cách mạnh mẽ, nó sẽ cắt đứt tất cả các phiền não.

    Mình chợt nhớ tới hình ảnh đi xe đạp, để đi được xe đạp ta phải đi một con đường trung đạo cân bằng , không quá nghiêng về khổ hạnh, và cũng không quá nghiêng về lợi dưỡng, không nghiêng về bên nào, luôn luôn chánh niệm , tỉnh thức và tinh tấn, nếu không se đạp sẽ bị đổ.

    Sorry trong lúc hâm hâm mình đã viết những thứ này.

    Trả lờiXóa