Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

GÓP NHẶT - SUY NGẪM 10


1. Kẻ ngu khóc than về cái chết. Họ không khóc về cái sinh. Nhưng chết bắt nguồn từ đâu? Không phải từ sinh sao? Thay vì khóc than về người chết, lẽ ra bạn nên khóc cho người mới sinh ra?. Khi thấy ai sinh ra, bạn nên khóc cho họ: “Ồ không, cô ấy lại sinh ra, rồi lại chết đi nữa!”. Nói như vậy mới đúng thực tế. Sinh rồi chết.

(Thiền sư Ajahn Chah)

2. Hạnh phúc là một thứ thật đơn giản: bạn hạnh phúc khi không còn cố để hạnh phúc nữa. Hạnh phúc đích thực không phải là thứ có thể tạo ra, hay chế biến được, không phải là thứ bạn có thể sở hữu.
Tại sao tôi hạnh phúc như vậy ư? Hãy xem, khi bạn hạnh phúc bạn cứ muốn biết tại sao mình hạnh phúc! Đó là cái mánh khóe của tâm – luôn luôn muốn biết tại sao.

(Trích từ sách Tuyết giữa mùa hè)

3. Thư giãn và chánh niệm là những điểm cốt yếu, song có thái độ hành thiền đúng đắn và biết đặt tâm mình trong một khuôn khổ thích hợp cũng là điều rất quan trọng. Thái độ đúng đắn nghĩa là gì? Thái độ đúng đắn là một cách nhìn nhận sự việc, sao cho bạn luôn cảm thấy bằng lòng, tri túc-biết đủ, thoải mái và dễ chịu với bất cứ điều gì bạn đang trải nghiệm. Những quan kiến sai trái (tà kiến), những thông tin lệch lạc hay sự dốt nát, thiếu hiểu biết về những phiền não đang có trong mình sẽ có ảnh hưởng xấu đến thái độ của bạn.

Tất cả chúng ta đều có những thái độ sai lầm; bởi chúng ta không thể không có chúng. Vì vậy, đừng cố để có được thái độ đúng đắn ngay lập tức, mà thay vào đó bạn hãy cố gắng nhìn nhận rõ xem: mình đang có thái độ đúng đắn hay sai lầm. Biết mình đang có thái độ đúng đắn là điều quan trọng, song nhận rõ và thẩm ngiệm, xem xét những thái độ sai lầm của mình còn quan trọng hơn. Hãy cố gắng hiểu rõ hơn về những thái độ sai lầm của mình; phát hiện xem chúng ảnh hưởng đến sự thực hành của mình như thế nào, chúng khiến mình cảm nhận ra sao. Do vậy, bạn hãy luôn quan sát bản thân mình, luôn nhìn lại và kiểm tra xem mình đang thực hành với thái độ như thế nào.

(Trích từ sách Đừng coi thường phiền não)

4. Khi mới bắt đầu, tu tập thiền định là việc khó. Bất cứ việc gì cũng đều khó nếu ta không biết cách làm. Nhưng nếu chịu tập luyện thì sẽ có thay đổi. Việc gì hữu ích thì cũng đáng làm hơn những thứ vô ích. Chúng ta thường sợ phấn đấu—đó là thói thường, và chúng ta cần phải vượt qua nó. Do vậy, sự học tu và tập luyện một thời gian là điều cần thiết. Cũng giống như mở một con đường băng qua rừng rậm. Lúc đầu thật khó khăn, gặp nhiều chướng ngại, vật cản. Nhưng cứ quay lại làm tiếp, phát hoang, chặt bỏ cây cối, di dời đá núi, đắp đường, làm cầu...dần dần người ta sẽ mở ra được con đường. Đó cũng giống như cách tu tập cái tâm. Cứ tu tập kiên trì, tâm sẽ được phát quang, phát sáng. Đức Phật và các vị đại đệ tử ngày xưa cũng là những người bình thường, nhưng họ đã tu tập bản thân để tiến triển đến những tầng giác ngộ. Họ làm được nhờ tu tập, luyện tập.

(Thiền sư Ajahn Chah)

5. Chúng ta được sinh ra làm người. Chúng ta có trách nhiệm làm sao để sống với cái tâm hạnh phúc. Chúng ta làm mọi việc theo hướng có trách nhiệm đó. Khi gặp thứ gì khó khăn, chúng ta tập tính chịu đựng. Làm những công việc nghề nghiệp chân chính (chánh mạng) là một cách thực hành Giáo Pháp, thực hành lối sống đạo đức. Sống một cách hạnh phúc và hòa hợp như vậy đã là điều khá tốt.
Tuy nhiên chúng ta thường để mất. Đừng để mất!. Nếu ta đến thiền tập ở chùa hay thiền viện, sau đó về nhà lại cãi nhau, tranh đấu, đó là sự để mất. Quý vị có nghe rõ điều tôi nói không?. Làm vậy thì chỉ để mất chứ chẳng đạt được gì. Nếu cứ làm vậy, cứ tu tập rồi sống kiểu đó, thì quý vị không nhìn thấy một chút nào của giáo pháp—chẳng mang lại một chút lợi lạc nào.

(Thiền sư Ajahn Chah)

6. Suy nghĩ là một hoạt động của tâm. Nếu bạn là người mới tập hành thiền thì không nên cố gắng theo dõi sự suy nghĩ một cách liên tục. Cũng đừng cố né tránh sự suy nghĩ bằng cách quay trở lại ngay lập tức với đề mục chính. Khi nhận ra là mình đang suy nghĩ, việc đầu tiên bạn cần làm là chú ý vào chính suy nghĩ đó, rồi sau đó tự nhắc nhở mình rằng suy nghĩ chỉ là suy nghĩ. Đừng cho rằng đó là “suy nghĩ của tôi”. Rồi sau đó, bạn mới quay trở lại với đề mục chính.

(Trích từ sách Đừng coi thường phiền não)

7. Phóng tâm không thành vấn đề; mà chính thái độ cho rằng không nên có phóng tâm mới là vấn đề cần phải giải quyết. Đối tượng hoặc đề mục không quan trọng; cách bạn nhìn nhận hoặc quan sát đề mục đó mới  thực sự là quan trọng.

(Trích từ sách Đừng coi thường phiền não)

8. Hãy để cho cây mọc tự nhiên

Đức Phật dạy rằng sự vật diễn biến theo đường lối riêng của nó. Một khi bạn đã làm điều gì, bạn chẳng cần phải nhọc công theo dõi kết quả của nó, hãy phó mặc cho thiên nhiên, để cho nghiệp lực tự vận hành và tích lũy. Nỗ lực tinh tấn không ngừng, đó là việc của bạn. Còn chuyện trí tuệ đến nhanh hay chậm chẳng cần để ý làm gì. Bạn không thể thúc ép nó được. Chẳng khác nào khi trồng cây bạn không thể thúc ép cây mọc nhanh hơn. Cây có bước tiến của nó. Nhiệm vụ của bạn là đào lỗ, trồng cây, tưới nước, bón phân, trừ sâu, v. v. Nhưng cây mọc thế nào là chuyện của cây. Việc hành thiền của bạn cũng vậy. Bạn hãy vững tin là mọi chuyện sẽ tốt đẹp: cây của bạn sẽ mọc tốt.
Thế nên bạn phải biết việc làm của bạn khác với việc làm của cây. Hãy để cho cây lo cho cây và bạn làm bổn phận của bạn. Nếu tâm không biết làm việc gì nó cần phải làm thì nó sẽ thúc ép cây mọc nhanh, đơm hoa kết trái trong vòng một ngày. Đó là quan kiến sai lầm, nguyên nhân của đau khổ. Cứ hành thiền đúng và để phần còn lại cho nghiệp lực của bạn. Và, dầu cho nó có trải qua một đời, trăm đời hay ngàn đời đi nữa cũng chẳng ăn nhằm gì, việc hành thiền của bạn sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp.

(Thiền sư Ajahn Chah)

9. Các pháp trên thế gian hiện hữu qua sự thay đổi. Bạn không thể chống lại hay ngăn cản chúng. Hãy nghĩ xem, bạn có thể thở vào mà đừng thở ra được không? Làm như vậy có cảm thấy thoải mái không? Hoặc thở ra mà đừng thở vào sẽ như thế nào? Chúng ta không muốn chuyện đổi thay nhưng sự vật không ngừng thay đổi!

(Thiền sư Ajahn Chah)

10. Thỉnh thoảng tôi đi thăm những chùa tháp cổ. Một vài nơi bị đổ vỡ. Có thể một trong những người bạn tôi sẽ than: "Thật đáng tiếc." Tôi trả lời rằng: "Nếu không có sự đổ vỡ, thì chẳng có Đức Phật, chẳng có Giáo pháp. Nó đổ vỡ như thế vì nó hoàn toàn phù hợp với những lời Phật dạy.

(Thiền sư Ajahn Chah)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét