MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH - AJAHN BRAHM - CHƯƠNG 2 | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Ba, 5 tháng 4, 2016

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH - AJAHN BRAHM - CHƯƠNG 2

MỞ RỘNG CỬA TÂM MÌNH 
OPENING THE DOOR OF YOUR HEART 
And Other Buddhist Tales Of Happiness 
Ajahn Brahm 
Chơn Quán Trần-ngọc Lợi dịch
Nhà xuất bản Tôn Giáo 2010

Chương II 
TỪ BI

11. Thương Vô Điều Kiện
Ba tôi lái chiếc xe “cà tàng” của ông ra ngoại ô thủ đô Luân Đôn. Lúc chạy trên con đường nhỏ trong một phố nghèo, ông quay qua nói: “Con à! Làm gì thì làm, con phải biết nha con. Riêng ba lúc nào cửa nhà ba cũng rộng mở đối với con.”
Bấy giờ tôi mới 13 tôi chưa hiểu hết ý nghĩa câu nói của ông, nhưng tôi biết lời ông quan trọng nên nhớ tới hôm nay. Rồi ba tôi mất ba năm sau đó.
Lúc làm sư trên miền Đông Bắc Thái Lan tôi bỗng nhiên suy nghĩ nhiều đến lời ba tôi dặn. Tôi nhớ lúc ba tôi thốt lời này nhà tôi chỉ là một căn phố trong cư xá thành phố chớ có phải nhà cao cửa rộng gì mà nói cửa rộng mở. Thì ra, Ba tôi muốn nói rằng: “Con à! Làm gì thì làm, con phải biết nha con. Riêng ba, tâm ba luôn rộng mở đối với con.” Một câu nói mà ý nghĩa quý như ngọc và lời êm như nhung bọc lấy ngọc. Một câu nói làm thay đổi hẳn cuộc đời tôi.
Ba tôi dành cho tôi một tình thương vô điều kiện, bất vụ lợi. Ông chỉ biết tôi là con ông, như vậy thôi. Thật đẹp, thực tế và chân thật.
Nói được những lời của Ba tôi – mở cửa lòng mình để lộ tình thương không có chữ “nếu” không phải dễ. Người nói phải có nhiều can đảm và hiểu biết lắm. Thông thường người ta cứ sợ người nói như vậy là muốn cái gì đó. Nhưng đối với tôi thì không, tôi chưa gặp trường hợp trục lợi nào hết. Mỗi khi bạn nhận được tình thương vô điều kiện như vậy, bạn nên trân quý lấy, giữ lấy bên mình kẻo bị mất. Ngay như lúc tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của câu Ba tôi dặn dò, tôi vẫn không dám làm gì để ông buồn. Còn nếu bạn thốt ra những lời như Ba tôi nói với tất cả lòng thành, người nghe sẽ đi lên chớ không đi xuống để xứng đáng với tình thương của bạn.

12. Mở Rộng Cửa Tâm Mình
Vào bảy thế kỷ trước đây có bảy nhà sư sống trong một động nọ trong rừng ở Á Châu. Chư vị quán chiếu về tình thương vô điều kiện mà tôi từng kể trên. 7 vị gồm có sư cả, em sư cả, bạn đạo thân thiết của sư cả, sư thứ tư chống sư cả, sư thứ năm, thứ sáu bị bệnh và cũng có thể chết bất cứ lúc nào, và sư thứ bảy vô tích sự. Vị sư chót này ngáy pho pho lúc thiền, không thuộc kinh kệ, thường đọc không đầu không đuôi và quàng y cũng không nên thân. Sư chẳng những không được sáu vị kia miễn phế mà còn cám ơn nữa vì sư đã dạy họ chữ nhẫn.
Một hôm động bị cướp đến giựt để làm sào quyệt vì địa thế hiểm trở của động. Họ muốn giết các sư. Sư cả dùng tài hùng biện thuyết phục cướp chi giết một sư thôi gọi là để cảnh cáo ai dám tiết lộ sào huyệt của họ. Tài sư chỉ được đến thế không ai biết sư ấy có ẩn ý gì. Sư cả được phép suy nghĩ trong giây lát để quyết định ai là vị bị “tế thần”
Lúc kể chuyện này tôi thường ở đây để hỏi thính chúng ai, ai là người phải chịu chết? Câu hỏi tôi làm nhiều người giựt mình, quên ngủ gục. Và để giúp họ có ý kiến chính chắn tôi nhắc lại là có sư cả, em sư cả, bạn sư cả, người không ưa sư cả, một người già có thể chết và một người vô tích sự. Có phải thính giả lên tiếng trả lời rằng đối thủ sư cả. “Không phải” tôi nói. “Em sư cả.” Cung không phải. Nhiều người nghĩ tới sư vô tích sự - con người thiệt là “ác” họ hay nhắm vào người họ không ưa. Sau một phút “chọc ghẹo” bà con, tôi nói: “Sư cả không chọn được ai hết!”
Sở dĩ sư cả không chọn được ai để “thí” vì sư thương em, bạn thiết, kẻ thù, người già, người bệnh, người dửng dưng như nhau. Tình thương của sư vô điều kiện, lòng của sư rộng mở đối với mọi người, bất luận họ là ai, như thế nào. Thấm thía hơn là sư thương mọi người như sư thương sư vậy. Lòng của sư cũng rộng mở đối với sư nên sư không biết phải chọn sư hay trong sáu bạn đồng tu.
Rồi tôi thuật lại cho thính chúng tôi nghe lời chúa dạy “Hãy thương người láng giềng như thương mình,” không hơn không kém, như nhau. Nói cách khác nhìn người như nhìn mình và nhìn mình như nhìn người.
Vậy tại sao sư cả không tự thí thân mình vì tình thương vô điều kiện của sư đối với đồng đạo, như nhiều thính giả đã nghĩ? Văn hóa chúng ta dạy chúng ta hy sinh cho kẻ khác mà. Hỏi đi cũng nên hỏi lại. Tại sao chúng ta đòi hỏi nơi chúng ta, tự hà khắc và tự phạt mình như vậy? Vì chúng ta chưa học cách tụ thương mình. Nếu chúng ta thấy khó nói câu “tâm tôi rộng mở đối với mọi người dầu họ có nói gì cũng kệ” thì câu sau đây nói với chính mình lại càng khó nói thập bội, “Tôi cái người mà tôi gần gũi nhất bấy lâu nay cửa lòng tôi cũng phải mở và mở rộng nha”
Đó là sự thương mình mà tôi muốn nói: sự tha thứ, thoát khỏi ngục tù tội lỗi, làm lành với chính mình. Nếu bạn nào có đủ can đảm nói lên và nói một cách thành thật với lòng mình, bạn ấy sẽ hướng lên tiếp cận với tình thương cao thượng. Và rồi một ngày nào đó bạn cũng sẽ phải nói thật tâm mình, chớ không thể lẫn trốn nữa. Bấy giờ các bạn sẽ có cảm giác như một phần của bản thân mình được trở về từ bên ngoài giá lạnh sau những năm bị ruồng rẫy. Bạn sẽ là bạn một cách trọn vẹn, hoàn toàn tự do và hạnh phúc.
Và xin các bạn nhớ rằng, bạn không cần là người hoàn toàn, không lỗi lầm mới tự ban cho mình tình thương cao thượng ấy. Vả lại làm gì có sự hoàn toàn mà bạn mong đợi. Chúng ta hãy mở cửa lòng mình bất luận cho chuyện gì.
Nhiều người hiếu kỳ hỏi tôi chuyện gì đã xảy ra cho bảy vị sư bị cướp động thất. Chuyện không có nói tiếp, nhưng tôi suy biết chuyện gì sẽ xảy ra sau đó. Sau khi nói với bọn cướp sư không chọn được ai và sư giảng giải về mối tình cao thượng như tôi đã mô tả với các bạn, bọn cướp rất cảm kích. Họ chẳng những không cướp động, không giết ai mà còn xin xuất gia.

13. Hôn nhân
Từ lúc tôi làm tỷ kheo sống cuộc sống độc thân tôi làm đám cưới cho rất nhiều người vì một phần trong nhiệm vụ của tỷ kheo là chủ lễ hôn nhân. Theo truyền thống của tông phái tôi, cư sĩ làm chủ lễ song nhiều đôi tân hôn cứ xem tôi như vị sư kết nối duyên họ.
Có câu nói mỉa mai bằng tiếng anh rằng “There are three rings to a marriage: the engagement ring, the wedding ring and the sufer-ring!” Tạm dịch là “đám cưới nào cũng có ba nhẫn (rings), nhẫn hỏi, nhẫn cưới và nhẫn đau khổ (suffer = đau khổ, ring = nhẫn). Do đó buồn phiền, khổ đau không sao tránh được trong tình nghĩa vợ chồng. Mỗi khi có vấn đề, đôi vợ chồng tôi vầy duyên cho trước đây thường đến thỉnh ý tôi. Là nhà sư thích sống vui, tôi hay thuyết ba câu chuyện sau trong các lễ cưới với mục đích giúp hai vợ chồng mới cưới và tôi ít bị phiền toái chừng nào tốt chừng nấy lúc về sau. Đây là ba câu chuyện đó.

14. Trách nhiệm
Tôi quan niệm đám cưới như thế này: lúc nào gặp nhau hai bên chỉ gắn kết; sau đám cưới xong họ phải có trách nhiệm với nhau. Lễ cưới có ý nghĩa chỉ khi nào hai bên nhận lãnh phần trách nhiệm mình. Tôi thuyết sự khác biệt giữa thái độ gắn kết với tinh thần trách nhiệm bằng cách so sánh thịt ba rọi muối xông khói và trứng. Nói thực tế như vậy nhiều họ càng thích nghe và chú ý lắm vì họ muốn biết thịt ba rọi muối xông khói và trứng liên quan gì tới hôn nhân. Tôi giải thích: “với trứng, gà dính líu còn với thịt ba rọi muối xông khói, heo có trách nhiệm. Hãy gọi đây là một đám cưới gà-heo.”

15. Gà và vịt
Đây là câu chuyện mà thầy Ajahn Chah của tôi trên miền Đông Bắc Thái Lan rất thích. Có đôi tân hôn đi dạo trong rừng sau bữa cơm chiều hè rất đẹp trời. chàng và nàng sánh bước tay trong tay cho đến khi nghe tiếng “Quác, quác” vọng lại từ phía xa.
“À, kìa anh xem, chắc có con gà”, cô nàng thỏ thẻ.
“Không phải, con vịt” anh chàng đáp.
“Em tin chắc là con gà mà”
“Không thể được. Gà phải gáy ó o chứ. Còn vịt mới kêu quác, quác em ơi”, anh hơi lên giọng. Tiếng “quác, quác” lại vang lên.
“Đó là gà, cưng à” cô nói một cách tự tin trong lúc bước đi nện mạnh xuống đất.
“Nghe nè, cô vợ của tôi. Đó ...là...con...vịt. V.Ị.T, vịt nghe rõ chưa?” Anh trả lời giận dữ.
“Nhưng...con gà” cô nàng tiếp tục chống chế.
“Rõ ràng là con vịt, cô, cô...”
Tiếng “quác, quác” lại vang lên cắt ngang lời mà anh chàng không nên thốt ra trong lúc cô nàng thút thít nói: “Nhưng mà...là...con gà.”
Thấy nước mắt người vợ mình mới cưới, anh nhớ lại lý do tại sao anh cưới cô. Anh dịu giọng và nhỏ nhẹ nói:
“Anh xin lỗi em cưng của anh. Anh nghĩ em nói đúng, đó là con gà”
“Cám ơn anh yêu quý của em” cô nàng vừa nói vừa xiết chặt tay chàng.
“Quác, quác” tiếp tục vang lên cả khu rừng trong lúc chàng và nàng tiếp tục sánh bước với tình yêu đang nở hoa.
Điểm chánh của câu chuyện là anh chàng sau cùng “sáng ra” còn tiếng kêu của gà hay vịt đâu có gì là quan trọng. Quan trọng là sự hòa hợp giữa hai người để họ có thể thưởng ngoạn một buổi dạo nên thơ trong một chiều hè đẹp đẽ. Trong đời có biết bao gia đình tan rã vì chuyện không đâu! Gà hay vịt có quan trọng gì mà phải đi đến ly dị nhau?
Nghe qua câu chuyện này rồi chúng ta nên phân biệt đâu là vấn đề quan trọng. Hôn nhân dĩ nhiên phải quan trọng hơn chuyện gà hay vịt. Hơn thế nữa đã bao nhiêu lần rồi chúng ta tin – tin một cách chắc chắn, tuyệt đối, nhất quán rằng mình đúng để rồi sau cùng thấy mình sai? Ai biết được đâu nào? Có thể có con gà bị biến đổi gen và gáy như vịt kêu!
(Để tôn trọng cả hai phái nam lẫn nữ tôi thường đổi vị trí chớ không nhất thiết bà nói gà ông nói vịt như trong câu chuyện tôi kể trên. Đó cũng là cách bảo đảm sự an tĩnh nội tâm của tôi, một tỳ kheo)

16. Biết Ơn
Vài năm trước đây tôi có dự một đám cưới ở Singapore. Sau khi lễ tất tôi thấy ông cha kéo cậu rể ra riêng để có mấy lời khuyên làm thế nào để giữ hạnh phúc gia đình được bền lâu. Ông nói:
“Con thương con gái Ba nhiều lắm phải không?”
“Dạ thưa đúng” cậu rể đáp.
“Và con cũng nghĩ cô ấy tuyệt nhất trần gian chứ gì?”
“Cô ấy tuyệt vời trên mọi phương diện thưa ba.”
“Do vậy con mới cưới cô. Nhưng con à, sau một thời gian con sẽ bắt đầu thấy những khiếm khuyết của con gái ba. Bấy giờ ba khuyên con nên nhớ điều này. Nếu con gái ba không có khiếm khuyết ấy nó đã lấy người chồng khác, hơn con rồi.”
Cho nên chúng ta phải biết ơn các khuyết điểm của người hôn phối mình vì rằng nếu họ không có khuyết điểm họ đã không là người của mình.

17. Lãng Mạn
Trong thời kỳ yêu đương ta chỉ thấy toàn các viên “gạch tốt” của bạn ta. Đó là tất cả những gì ta muốn thấy và dĩ nhiên ta chỉ thấy như vậy. Ta có tâm phủ nhận. Chừng đưa nhau ra tòa ly dị ta thấy toàn “gạch lệch” nơi bạn ta. Ta mù không thấy được các đức tính bù lại của bạn ta. Ta không muốn nhìn chúng nên không thấy được chúng. Ta lại có tâm phủ nhận một lần nữa.
Tại sao sự lãng mạn lại đến trong quán đêm có đèn mờ ảo, trên bàn ăn tối dưới ánh nến lung linh, hay trong đêm trăng êm dịu? Vì trong các khung cảnh ấy bạn không thấy hết các tàn nhang của nàng hay các răng giả của chàng. Dưới ánh sáng lung linh, óc tưởng tượng của ta tha hồ hình dung và thấy cô nàng ngồi đối diện ta đẹp như siêu mẫu hay anh chàng hùng như ngôi sao điện ảnh. Chúng ta thích tưởng tượng và tưởng tượng để yêu thích. Ít ra chúng ta biết chúng ta đang làm gì.
Các sư không có cái lãng mạn mờ mờ ảo ảo đó. Họ nhìn sự thật dưới ánh sáng rõ ràng. Nếu mộng mơ xin bạn đừng đến tự viện. Năm tôi đắp y vàng đầu tiên là năm tôi tu học trên miền Đông Bắc Thái Lan. Một hôm tôi theo thầy đi trên xe với hai sư người Tây Phương khác. Thầy ngồi cạnh tài xế còn ba chúng tôi ngồi đằng sau. Thầy bất chợt quay xuống chúng tôi, nhìn sadi trẻ người Mỹ ngồi cạnh tôi và nói một câu tiếng Thái. Sư kia dịch:
“Thầy nói sadi đang mơ về người bạn ở Los Angeles”
Sadi há miệng, hàm dưới muốn rớt xuống sàn xe. Thầy đã đọc được tâm anh rất chính xác. Thầy mỉm cười nói:
“Không sao đâu. Chúng ta có cách chữa.” rồi thầy nói tiếp: “Lần tới khi viết về cho cô anh nói với cô gởi qua cho anh một món quà kỷ niệm, món nào riêng tư nhất để mỗi khi nhớ cô anh đem ra nhìn.”
“Thưa thầy, người xuất gia có làm được chuyện này không?” Sadi ngạc nhiên hỏi.
“Được chứ” Thầy đáp.
Có thể nhà sư cũng biết thế nào là lãng mạn à? Nhưng lời Ajahn Chah nói tiếp theo cần nhiều phút mới dịch được, vì sư phiên dịch cười đã rồi mới bắt đầu thông dịch:
“Thầy nói anh nên xin cô gởi cho anh một chai phân của cô ấy. Và, anh mở chai ra mỗi khi nhớ cô”
À há. Đó là rất riêng tư. Mà phải chăng chúng ta thường nói yêu tất cả, yêu không thiếu cái gì, phải không các bạn? Nên nhớ lời khuyên này cũng nên để dành cho tu nữ nữa nếu có vị nào nhớ bạn trai của mình.
Như tôi đã nói, hễ bạn còn mơ mộng lãng mạn, đừng léo hánh tới tự viện.

18. Chơn Tình Yêu
Cái hại của lãng mạn là khi sự tưởng tượng không còn nữa, nỗi thất vọng sẽ dày vò bạn. Trong tình yêu lãng mạn, bạn không thật sự yêu người của bạn mà bạn chỉ yêu cái mà bạn tưởng tượng về người yêu của bạn. Trong thời kỳ yêu thương, tình yêu ấy chỉ là sự say mê - “cái phê” tạo nên bởi sự hiện diện do ta cảm nhận, và như mọi cái phê, “cái phê yêu đương” cũng sẽ chấm dứt sau một thời gian. Vì thế cho nên Ajahn Chah mới tếu bảo người sadi Mỹ xin bạn mình cho một chai ...(xem chuyện trên) để diệt trừ cái nhớ nhung của anh.
Chơn tình yêu là tình thương vị tha, tức cho người khác. Trong chơn tình yêu, chúng ta luôn nói rằng: “Cửa tâm tôi lúc nào cũng rộng mở đối với bạn, dầu bạn làm gì cũng mặc” và bạn thật sự tin như vậy. Bạn luôn luôn muốn người bạn thương hạnh phúc. Chơn tình yêu thường hiếm hoi lắm.
Nhiều người chúng ta nghĩ rằng mối liên hệ đặc biệt là chơn tình yêu chớ không phải mối tình lãng mạn. Đây là một cách thử nghiệm xin hiến bạn thử xem sao.
Hãy nghĩ tới một người bạn yêu. Hình dung nàng trong tâm bạn. Nhớ lại lúc ban đầu gặp gỡ và thời gian bạn sống tuyệt vời với cô nàng. Bây giờ bạn thử tưởng tượng nhận được bức thư nói rằng nàng đã sang thuyền khác với người bạn rất thân của bạn.
Nếu chơn tình yêu, bạn sẽ vui mừng giùm cho nàng vì nàng hạnh phúc với người mới đó hơn với bạn. Bạn sẽ hân hoan thấy hai người bạn thân thiết của bạn giờ đây vui vầy với nhau. Bạn sẽ sung sướng biết họ đang hạnh phúc. Hạnh phúc của bạn có phải là quan trọng trong tình yêu thương chân thật của bạn không?
Chơn tình yêu rất hiếm.
Một hoàng hậu nhìn qua cửa sổ thấy Đức Phật đi khất thực. Nhà vua hờn ghen với tình yêu chân thật bà dành cho vị Đại sư. Ông cho gọi bà và hỏi bà yêu ai nhất, nhà vua hay nhà sư? Là một Phật tử thuần thành nhưng cũng là hoàng hậu đoan chánh, bà rất cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Để khỏi bị rơi đầu, bà thành thật tâu:
“Thưa đại vương, không có ai khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp” (Đó là lời của Hoàng Hậu Mallika tâu lên vua Pasenadi. Xem Tương Ưng Kosala, số 8, Tương Ưng Bộ Kinh, và Kinh Phật Tự Thuyết, chương 5, kinh số 1. Bản dịch của HT. Thích Minh Châu, 1993)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét