Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

BĂN KHOĂN CỦA BẠN AN LÊ GỬI TGĐT





Bạn An Lê có gửi băn khoăn của mình đến Thiền giữa đời thường như sau:

"Mong ước để cho mọi người, đặc biệt là những người thân của mình biết tu tập hiểu Phật Pháp để trừ dần khổ,..vv chắc vẫn là tâm Tham các bạn nhỉ? Vậy có nên mong ước như vậy tiếp và cố làm những việc phục vụ cho cái mong ước đó hay không? Đây đang là vấn đề của tôi, mong các bạn cho lời góp ý. Cảm ơn và chúc các bạn tinh tấn."

Đây cũng là băn khoăn nhiều bạn đạo hữu của TGĐT đã và đang gặp phải. Là một thiền sinh Vipassana, bạn sẽ giải quyết vấn đề này như thế nào? Các bạn hãy cho bạn Le An lời khuyên nhé.

Chia sẻ từ các thành viên Thiền Giữa Đời Thường:


Hương thiền
Có những ước muốn đúng đắn dựa trên trí tuệ, không phải tất cả đều xuất phát từ tâm Tham bất thiện, nhưng cũng rất dễ bị tham xen vào khi bạn chỉ muốn tốt cho người thân... 


Trong trường hợp cúa bạn An Lê thì cần xem xét nhiều yếu tố Nhân – Quả trước khi tiếp tục thuyết phục người thân. Bạn hiểu những điều kiện nào đưa đến tình trạng họ không muốn tìm hiểu Đạo Phật, nhờ đó bạn dần dần tạo ra điều kiện mới để giúp họ tiếp cận và thực hành Phật Pháp.

Ngoài ra nếu bạn thuyết phục ai đó bằng phản ứng yêu- ghét, dính mắc hay nóng giận thì sẽ không đạt kết quả, chính bạn với tâm lý thoải mái tùy điều kiện, không chấp chặt ý kiến của mình sẽ là tấm gương cho họ. Thay cho việc nóng vội bạn có sự kiên nhẫn, cần cù, chấp nhận trước những phản ứng của họ.

Tại sao chúng ta chỉ nghĩ đến người thân khi muốn tốt hơn, điều đó đúng, nhưng chưa đủ, bởi vì có sự dính mắc, phân biệt nên có Thân- Xa. Nếu được, hãy xác định việc giúp đỡ, chỉ dẫn là dành cho tất cả mọi người, không giới hạn và với một cái nhìn dài hạn.


Mây trắng bay: 
Trong đạo Phật mình hay nghe đến tự giác,rồi sau đó mới đến giác tha.Tức là đầu tiên học hỏi giáo pháp,tu tập đem laị trí tuệ giải thoát,an vui cho chính mình,trong quá trình tu tập ấy thấy cái con đường giải thoát rồi vì lòng từ bi,tình thương muốn mọi người thoát khổ mới mở rộng khuyến khích,dẫn dắt mọi người đi đến với đạo.

Khi mình chưa có trí tuệ chưa thoát khổ,e rằng chưa đủ khả năng giúp đỡ mọi người,dễ thối tâm bồ đề,nên phải no tự giác cho đủ khả năng,khi đó tùy duyên mà khuyên răn cũng như giúp đỡ mọi ngươì.


Giới Lê: 
Người Phật tử không nhìn vấn đề theo hướng phiến diện một chiều, vị ấy có chủ trương phân tích. Những dục nào mà liên hệ đến dục ấy làm cho các pháp ác, bất thiện được tăng trưởng và thiện pháp bị đẩy lùi thì dục ấy cần phải được từ bỏ. Những dục nào mà liên hệ đến dục ấy, các thiện pháp tăng trưởng và ác pháp, bất thiện pháp bị đẩy lùi thì dục ấy nên được hành trì một cách khéo léo.

Trong Tứ Thần Túc có nói đến "Dục định tinh cần hành", tức là có được tâm thanh tịnh nhờ ước muốn kết hợp với sự nỗ lực cố gắng. Như vậy ước muốn trong "Dục định tinh cần hành" cũng chính là dục đấy thôi, nhưng Đức Thế Tôn vẫn nói rằng đó là một con đường mà người Phật tử thực hành để có được tâm thanh tịnh. Cũng như trong Đạo gia có nói: "Người hiểu biết chỉ có một ước muốn duy nhất đó là không còn có ước muốn gì cả", ý nghĩa câu này tương đương với "Dục định tinh cần hành" vậy.

Do vậy các bạn chớ nên lo lắng khi những dục trong ta liên hệ đến tâm định, tâm từ, tuy nhiên cũng cần lưu ý là đừng để dục này chi phối, trói buộc. Như thế nào là bị chi phối trói buộc, ví như bạn Le An ước muốn vậy mà khi ước muốn đó được thành tựu thì bạn cảm thấy vui mừng phấn chấn, còn khi ước muốn ấy không được thành tựu bạn lại cảm thấy ưu phiền, buồn bã, đó chính là biểu hiện của tâm bị chi phối bởi dục này vậy, và đây cũng là biểu hiện của "vô sắc ái" đấy, tức sự trói buộc bởi tinh thần, sự trói buộc của pháp.

Các bạn lưu ý điều này là được rồi. Nếu ước muốn của bạn Le An và các bạn thành hiện thực thì tốt, còn nếu không được thì các bạn nên an tâm trú xả, không để mình bị trói buộc bởi điều gì.



0 nhận xét:

Đăng nhận xét