Tâm ganh tị: | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

Tâm ganh tị:

Tâm ganh tị là một loại phiền não, chúng ta nên biết loại phiền não này để tránh nó.  Ganh tị là một pháp trói buộc con người. Tâm ganh tị có rất nhiều trong con người, kể từ khi mở mắt thức dậy buổi sáng. Nếu quý vị quan sát trong tâm sẽ thấy tâm ganh tị xuất hiện rất vi tế. Tâm so đo, hay dòm ngó. Chẳng hạn thấy người khác đẹp hơn mình là mình so, thấy người khác giàu hơn bèn ngó tới ngó lui, thấy người khác đi xe đời mới hơn bắt đầu ngó rồi nói những lời bóng gió, mỉa mai. Những điều trên thề hiện tâm ganh tị. Trong cuộc sống thấy người khác hơn mình là khó chịu. Khi con người ganh tị càng nhiều thì khổ đau càng nhiều, ganh tị nhiều sẽ dẫn đến thủ đoạn và tiêu diệt. Tâm ganh tị sẽ đi đến triệt phá người khác cho hả dạ. Con người càng ganh tị nhiều chừng nào, cũng giống như người phun nước miếng vào mặt người khác mà mặt mình thì ngửa lên trời nên nước miếng rớt xuống mặt mình, người ganh tị cuối cùng sẽ tự chuốc lấy hậu quả đắng cay.

Thời Đức Phật Thích Ca có một câu chuyện xưa, liên quan đến cổng chùa Kỳ Viên.  Ở Ấn Độ xưa có hai vợ chồng không có con, người vợ phải tự đứng ra làm đám cưới cho chồng lấy vợ nhỏ. Tâm ganh tị bên trong của người vợ lớn luôn rình rập người vợ nhỏ để tìm dịp hãm hại. Một hôm người vợ nhỏ có thai, người vợ lớn nhiều đêm ngủ không được vì lo nghĩ chồng sẽ không còn thương mình nữa, lo tài sản sẽ về tay đứa con trong bụng người vợ nhỏ. Do vậy người vợ bèn giả bộ thương yêu người vợ nhỏ. Người vợ nhỏ tin tưởng, chuyện gì cũng kể cho người vợ lớn nghe, kể cả chuyện đang mang thai. Biết người vợ nhỏ của chồng mình đang có thai, người vợ lớn bèn bỏ thuốc phá thai vào nước cho cô vợ nhỏ uống. Kết quả là người vợ nhỏ bị hư thai. Hai lần hư thai như vậy nên đến lần có thai thứ ba, người vợ nhỏ giấu không cho người vợ lớn biết. Cho đến khi cái thai lớn lên không che dấu được thì người vợ lớn tức tối bèn tăng liều thuốc nhiều hơn, mạnh hơn. Lần này khi bị lừa uống thuốc thì không chỉ sanh mạng đứa bé trong bụng mà ngay cả tánh mạng của người vợ nhỏ cũng bị nguy ngập. Người vợ nhỏ trước khi chết đã tức tưởi nguyền rủa người vợ lớn rằng:  “ Mi đã ba lần giết con ta, nay ta chết cũng vì mi quá độc ác, ta hận mi, ta sẽ trả thù mi, không bao giờ tha thứ cho mi’’.

Người vợ nhỏ chết và tái sanh làm con mèo ngay trong căn nhà đó. Người chồng một hôm bực mình đánh người vợ lớn chết. Bà ta chết đi sau tái sanh làm con gà cũng sống trong căn nhà cũ. Bao nhiêu trứng gà đẻ ra lại bị mèo ăn hết. Gà con cũng luôn bị mèo ăn. Cho đến lần thứ ba gà mẹ quyết bảo vệ bầy gà con. Hễ thấy mèo là gà xông vào cắn xé. Con mèo bị đá, bị cắn đau, tức quá bèn ăn luôn con gà mẹ.

Gà mẹ tức hận, chết sanh làm con cọp. Sau này con mèo chết sanh làm con nai bi cọp ăn. Con nai chết cũng tức tưởi, nguyền rủa con cọp và tái sanh làm dạ xoa. Trong kinh nói mắt thường không ai nhìn thấy được dạ xoa, dân gian thường gọi dạ xoa là chằn. Còn cọp chết tái sanh làm thiếu nữ. Thiếu nữ sanh con ra  hai lần đều bị chằn ăn. Lần thứ ba, thiếu nữ về ngoại sanh con để tránh chằn. Trên đường về ngang qua tịnh xá Kỳ Viên, thiếu nữ xuống hồ sen rửa mặt thì nghe sấm sét gió hú, thiếu nữ thấy điềm này biết là có dạ xoa đến. Thiếu nữ sợ hãi ẳm đứa nhỏ chạy vào Kỳ Viên Tịnh xá và đặt đứa trẻ xuống trước mặt Đức Thế Tôn. Dạ xoa cũng vừa tới trước cửa chùa la hét nhưng không vào được vì nơi đây có hộ pháp ngăn không cho dạ xoa vào.  Đức Thế Tôn cho người đưa dạ xoa vào nơi Ngài đang thuyết pháp. Đức Thế Tôn bèn gọi cô thiếu nữ và dạ xoa ra nói: “ Hai con không gặp Như Lai thì mối thù này không bao giờ chấm dứt, giống như lấy máu rửa máu thì mối thù tiền kiếp không bao giờ ngưng. Trên thế gian này, sân hận không bao giờ dập tắt sân hận, chỉ có tình thương mới dập tắt sân hận. Lấy oán báo oán thì oán kia chồng chất. Lấy ơn báo oán thì oán đó mới tiêu tan.” Sau đó Thế Tôn kể lại tất cả những kiếp trước của dạ xoa và thiếu nữ. “ Gặp Như Lai là phúc lành của hai con.” Khi dạ xoa nghe lời kệ bỗng nhiên bừng tĩnh. Sau đó Đức Phật kêu thiếu nữ đưa con cho dạ xoa ẳm mà không sợ bị trả thù như xưa nữa.

Chúng ta biết khi tâm ganh tị nổi lên không có chi dập tắt được, nó như lửa nóng thiêu đốt những gì tốt đẹp, gây nhiều hậu quả không sao cứu vớt được.
 Gs. Đại đức Thiện Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét