Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2017

ĐỘNG CƠ Tại sao thực hành thiền?

Tìm một cái gì đó thực
Cho dẫu chúng ta cố đi tìm mọi niềm vui và các tiện nghi vật chất mà thế gian này mang lại cho chúng ta, một ngày nào đó chúng ta sẽ phải bỏ mọi thứ lại đằng sau. Khi chúng ta thực sự quán chiếu điều này, chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng rằng những thứ mà chúng ta tìm kiếm thì không có thực, bản chất của nó là không bền vững. Động cơ của sự thực hành đến từ việc tìm một cái gì đó có thực và bền vững. Đó là sự giác ngộ. Níp-bàn (Nibbāna). Nó là một thứ hạnh phúc thường hằng không bao giờ diệt mất, một nơi an bình hoàn hảo.
Khi chúng ta bắt đầu thực hành, sẽ có những lúc chúng ta cảm thấy không chắc chắn hoặc hoài nghi về một số mặt nào đó của Giáo pháp và đây cũng là điều tự nhiên. Nhưng những gì chúng ta nên làm là sẵn sàng tiếp thu cái mới và tiếp tục thực hành. Chúng ta không cần phải tin tưởng hoàn toàn hoặc bác bỏ hoàn toàn. Chúng ta học để tiếp thu những lời dạy của Đức Phật và phát triển sự hiểu biết của chính chúng ta qua sự thực hành. Cuối cùng, nơi mà chúng ta có thể hiểu được những sự thật này là ngay trong tâm của chính chúng ta.

Một cảm giác tách ra
Khuynh hướng tự nhiên của tâm là bám vào bất cứ những gì mà nó tiếp xúc – bất cứ đối tượng nào mà nó kinh nghiệm. Khi mắt thấy cảnh, tai nghe âm thanh, mũi ngửi mùi hương, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm với những cảm giác khác nhau là cảm xúc sinh khởi. Chỉ trong một ngày chúng ta có thể chứng kiến không biết bao nhiêu lần các giác quan đã tiếp xúc với cảnh cũng như chứng kiến không biết bao nhiêu kích thích đã đi qua tâm. Cho dẫu là tại nơi làm việc hay là một nơi yên tĩnh để hành thiền, chúng ta thường bị cảm xúc giày vò. Nếu chúng ta không thiết lập chánh niệm tại những thời điểm tiếp xúc (giữa các giác quan và cảnh), tâm sẽ tiếp tục chạy theo và bám víu vào những cảm xúc này.
Tuy nhiên, nếu chúng ta thiếp lập chánh niệm tại điểm tiếp xúc, chúng ta sẽ kinh nghiệm một sự mới mẻ, một sự tách ra khỏi những cảm xúc. Chúng ta càng duy trì nhiều cảm xúc tách ra – khi tâm trở nên mát mẻ và có thể quan sát sự vật một cách khách quan – thì chúng ta càng ít bị rơi vào những tâm trạng dính mắc hoặc sân hận, những trạng thái này làm cho tâm của chúng ta nóng nảy. Cho dù đó là những tâm trạng tham, sân hoặc si, nó đều làm cho tâm nóng nảy và dẫn đến sự bất mãn. Ngài Ajahn Chah nói đây là chỗ mà chúng ta phải quán chiếu, phải thật sự quan sát tiến trình này để thấy đau khổ sinh khởi như thế nào.
Vì vậy trong việc tu tập chánh niệm và trí tuệ, nhiệm vụ của chúng ta là quan sát tâm. Tại mỗi khoảnh khắc khi các giác quan tiếp xúc với cảnh chúng ta quan sát tâm của chúng ta. Khi mắt nhìn cảnh vật, tai nghe âm thanh, lưỡi nếm vị, mũi ngửi mùi hương, thân xúc chạm và tâm tự bản thân nó tiếp xúc với các khái niệm và ý tưởng, chúng ta hãy quan sát tiến trình này, nơi mà sự lôi cuốn và ác cảm sinh khởi. Đây chính là nơi mà chúng ta học để thiết lập chánh niệm và canh chừng bảo vệ tâm qua ý thức về một cái biết tách ra đứng bên ngoài để quan sát. Giống như một đứa trẻ cần một ai đó để canh chừng, dạy dỗ và bảo vệ nó, với tâm cũng vậy. Bởi vì một cái tâm không được bảo vệ sẽ tự đưa đẩy nó vào đủ mọi chuyện rắc rối.
Nếu chúng ta tiếp tục duy trì và nuôi dưỡng chánh niệm, chúng ta sẽ thấy được bản chất thật của mỗi trạng thái tâm – mọi tâm trạng và mọi ý nghĩ là không có gì chắc chắn, nó có thể thay đổi. Nếu chúng ta không thích một cái gì đó, nó cũng không chắc chắn, nó có thể thay đổi. Chúng ta yêu, chúng ta ghét: Tất cả những tâm trạng khác nhau mà chúng ta trải qua đều là vô thường. Chúng chẳng có thực, chẳng có chút thực chất nào đáng để cho chúng ta tin hoặc bám víu vào đó. Nếu chúng ta thấy được sự thật này và luôn áp dụng chánh niệm vào trong đời sống hàng ngày thì khuynh hướng bất thiện của tâm thường đưa chúng ta đến sự căng thẳng và đau khổ sẽ bắt đầu mất đi sức mạnh đối với chúng ta. Và khi chúng suy yếu dần và hoại diệt, chúng ta lại tiếp tục thay thế chúng bằng năng lực chánh niệm và trí tuệ ngày càng mạnh mẽ hơn để giúp đưa tâm đến trạng thái an tịnh. Khi chúng ta thấy được kết quả này của sự thực hành, chúng ta có thể nói: “Ái chà, vậy đây là cách mà tôi có thể thực hành để phát triển sự định tĩnh và cái biết trong sáng trong cuộc đời mình.” Đây chính là cái giữ cho chúng ta ở lại với sự thực hành, tiến tới sự chứng nghiệm của việc chấm dứt khổ. Đây là mục đích của sự thực hành.

Sự viên mãn của Pháp (Dhamma)
Lần nọ một nhóm Phật tử Hàn Quốc đến viếng ngài Ajahn Chah. Họ đã đến gặp nhiều vị thầy ở Thái Lan để hỏi một loạt câu hỏi có nội dung như nhau: “Tại sao chúng ta phải thực hành Pháp? Chúng ta phải thực hành Pháp như thế nào? Và một khi đã thực hành Pháp, chúng ta mong đợi sẽ được kết quả gì từ việc thực hành này?” Ngài Ajahn Chah không trả lời thẳng vào câu hỏi, ngài trả lời bằng cách đưa ra cho họ một loạt câu hỏi khác. Ngài hỏi: “Tại sao các ông ăn thức ăn? Các ông ăn như thế nào? Và sau khi đã ăn, các ông cảm thấy thế nào?”
Điều này làm cho bọn họ rất vui. Đây là một câu trả lời họ chưa từng nhận được trước đây, nhưng họ nhanh chóng hiểu điều mà ngài đang chỉ ra và họ lấy làm rất thỏa mãn. Họ hiểu rằng chúng ta ăn vì chúng ta đói, chúng ta ăn bằng cách đưa thức ăn vào cơ thể, và một khi chúng ta ăn, chúng ta thấy no bụng và cơn đói của chúng ta bay biến. Tương tự, chúng ta thực hành Pháp bởi vì chúng ta đau khổ, chúng ta thực hành bằng cách tu tập theo lời dạy của Đức Phật, và một khi việc thực hành của chúng ta tròn đủ, chúng ta sẽ đến một điểm nơi mà tất cả những đau khổ của chúng ta không còn nữa.

Đại đức Ajahn Anan Akiñcano

0 nhận xét:

Đăng nhận xét