Chủ Nhật, 26 tháng 11, 2017

GÓP NHẶT - SUY NGẪM 6


1. Hãy sống thật đơn giản bằng cách đặt xuống mọi sự và hiểu rõ những gì mình đang làm. Ông cũng chẳng cần phải cân đong đo đếm mức độ tu tập của mình rồi bận tâm vớ vẩn. Mọi sự luôn tự có một vị trí và giá trị cho riêng mình. Bất cứ cái gì xảy đến trong cuộc tu, cứ để mặc chúng qua đi. Ta chỉ việc hiểu rằng cái gì cũng là bất toàn và vô thường. Hãy nhớ thật kỹ, cái gì cũng vô thường. Hãy sống trọn vẹn với tinh thần đó. Đây chính là con đường dẫn tới cái mà ông gọi là Ý Thức Nguồn Cội đấy!

(Trích từ sách "Họ đã nghĩ như thế")

2. Đừng dính mắc vào hình ảnh hay ánh sáng trong lúc thiền; đừng lên xuống theo chúng. Bộ thấy ánh sáng trong lúc thiền vĩ đại lắm sao? Cái đèn bấm của tôi cũng có ánh sáng vậy. ánh sáng hay hình ảnh trong tâm trong lúc hành thiền không giúp chúng ta chấm dứt phiền não.

(Thiền sư Ajahn Chah)

3. Đừng nghĩ rằng chỉ cần ngồi nhắm mắt là hành thiền. Nếu nghĩ như vậy thì hãy gấp rút thay đổi tư tưởng đó đi. Hành thiền đều đặn là giữ chánh niệm trong mọi lúc, dầu đang đứng, đang đi, đang ngồi hay đang nằm. Sau giờ ngồi thiền đừng nghĩ rằng bạn đã xả thiền; phải biết rằng đó chỉ là là sự thay đổi tư thế thôi. Nếu được như vậy bạn sẽ có bình an thực sự. Dầu đang ở đâu bạn cũng phải luôn luôn sống trong thiền, luôn luôn giữ tâm chánh niệm.

(Thiền sư Ajahn Chah)

4. Bây giờ thì chúng ta đừng bận lòng quá nhiều về đời sống nữa. Chúng ta chẳng nên bàn chi tới cái Đẹp, Xấu, dễ yêu hay đáng ghét của nó. Chỉ nên nhìn ngắm thôi. Đúng, chúng ta chỉ việc chú ý quan sát đời sống, quan sát vùng nước mà mình đang bơi lội. Đời sống cảm quan chúng ta thực ra chỉ là cái thế giới của những cảm giác chúng ta sinh ra trong đó và cảm nhận. Ngay từ lúc vừa lọt lòng mẹ, chúng ta đã là một sinh thể độc lập để một mình cảm nhận trọn vẹn những nóng, lạnh, đói khát, buồn, vui… Rồi khi lớn lên, thế giới cảm xúc của chúng ta càng rắc rối hơn nữa. Ngũ quan chưa đủ, chúng ta còn sống bằng cả những ý thức để suy nghĩ, ghi nhớ, quan niệm… Tất cả đều là cảm giác. Chúng có thể là những niềm vui, những kinh ngạc mà cũng có thể là những áp lực, giằng xé. Tất cả những xúc tác đó của đời sống cảm quan chỉ đơn giản là vậy. Chúng là chúng. Đau khổ là đau khổ và hạnh phúc là hạnh phúc. Cả xả thọ cũng vậy.

(Trích từ sách "Họ đã nghĩ như thế")

5. Khi cảm thấy làm biếng ta phải hành thiền. Không phải chỉ những lúc cảm thấy đầy năng lực hay thoải mái mới hành thiền. Đó là thực hành theo lời Phật dạy. Chúng ta chỉ chịu hành thiền khi cảm thấy thoải mái. Nhưng phải đi đâu để tìm sự thoải mái. Muốn cắt đứt tham ái mà bạn lại thực hành theo tham ái vậy sao?

(Thiền sư Ajahn Chah)

6. Dính mắc vào sự an tịnh còn tệ hại hơn là giao động bất an. Bởi vì ít ra bạn còn muốn thoát khỏi giao động, trong khi đó bạn hài lòng với an tịnh và không tiến xa hơn. Khi hành thiền mà tâm an lạc tĩnh lặng thì hãy thản nhiên tiếp tục việc hành thiền mà đừng dính mắc vào chúng.

(Thiền sư Ajahn Chah)

7. Chúng ta muốn tìm một con đường dễ dàng. Nhưng không có đau khổ thì không có trí tuệ. Để cho trí tuệ chín muồi bạn phải ngã đổ và khóc than nhiều lần trong khi hành thiền.

(Thiền sư Ajahn Chah)

8. Hãy nhớ rằng không phải chúng ta đang cố gắng Để Trở Thành một ông thánh hay một cao nhân nào cả. Chúng ta cũng không nổ lực Để Tống Khứ một ác pháp nào hết. Hãy sống hồn nhiên và thoải mái. Cảnh giới nội tâm của chúng ta Là Như vậy. Nó có thể là bất tịnh hay trong sáng và đó là một cặp hành trang đối đãi nhau qua ý thức. Thấy rõ Chúng như là Chúng, thấy rõ Chúng luôn vô thường, vô ngã thì đó chính là trí tuệ vậy. Trong khi đó, bằng một ý thức ngã chấp, chúng ta cố gắng mong mỏi “ Tôi sẽ phát triển những gì thanh tịnh, tống khứ những gì không thanh tịnh” thì lập tức cái không thanh tịnh sẽ xuất hiện và kềm hãm chúng ta. Chúng ta lại vấp vào khối đá thất vọng trên đường đi của mình, thế là tiếp tục đau khổ. Hãy cẩn trọng với hai tháng cấm túc này. Vô minh luôn sẵn sang khiến cho chúng ta tự chuốc lấy những khổ lụy.

(Trích từ sách "Họ đã nghĩ như thế")

9. Khổ chỗ này người ta chạy đến chỗ kia. Chỗ mới này khổ họ lại chạy nữa. Họ tưởng rằng chạy thoát khỏi khổ đau, nhưng thực ra không phải vậy. Họ mang đau khổ đi mọi nơi mà không biết. Không biết đau khổ sẽ không biết nguyên nhân của khổ đau. Không biết nguyên nhân của khổ đau sẽ không biết chấm dứt đau khổ. Do đó không có cách gì để thoát khỏi khổ đau.

(Thiền sư Ajahn Chah)

10. Không phải thầy bảo trái cây ngon ngọt là tin ngay mà không cần biết gì nữa. Tự mình nếm thử để biết hương vị thật sự thì mọi nghi ngờ sẽ tiêu tan.

(Thiền sư Ajahn Chah)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét