Thứ Năm, 5 tháng 4, 2018

TẢNG ĐÁ NẶNG CHỨ



Chúng ta nói những thứ này là là các đối tượng có sức mạnh, nhưng chỉ đơn giản rằng tâm của chúng ta yếu. Giống như thầy của tôi, ngài Ajahn Chah, thường nói. Ngài thường chỉ một tảng đá và nói: "Tảng đá đó có nặng không?" Tất nhiên, mọi người sẽ nói, "Đó là một tảng đá lớn, con nghĩ chắc chắn nó phải nặng." Và ngài nói, "Chỉ khi nào các ông cố gắng để nhấc nó lên. Tôi không thấy nặng chút nào hết.” Vậy thì sức nặng của tảng đá nằm ở đâu? Nó chỉ nặng đối với những người dở nó lên và khiêng đi. Như vậy tất nhiên, nó nặng.

Đâu là sức mạnh của món đồ đó, sức mạnh của tình huống, sức mạnh của điều kiện? Sức mạnh chỉ có khi tâm bám níu và  mang chúng đi theo với nó, bị cuốn hút vào trong đó và phản ứng. Sức mạnh đến từ tâm, không phải đến từ đối tượng. 

Đây là nói trong ý nghĩa thực tại rốt ráo. Tôi không bỏ qua thực tế rằng chúng ta nên sửa đổi các điều kiện xung quanh chúng ta và rằng  quan trọng là cố gắng  và tạo các điều kiện tốt cho cuộc sống. Đó cũng là điều quan trọng, và thậm chí ngay cả trên con đường tâm linh này, chúng ta nhấn mạnh nhiều đến các điều kiện phù hợp, hành vi đúng đắn và v.v…; nhưng tối nay tôi đang chỉ đến cội nguồn (đau khổ) của mọi sự, và rốt cục  phải quay trở lại với vấn đề này.

Nếu tôi có thể , tôi sẽ đưa  các quảng cáo khác lên truyền hình. Tôi muốn có những quảng cáo tạo ra sự an tịnh với những người sống đơn giản, nói năng dễ thương,  thực hành thiền, và cảm thấy mãn nguyện... và sẽ có ai đó sẽ nói, "Mình đã có đủ, mình thực sự không cần gì thêm. Hãy tự làm cho mình bình an; mình không cần một chiếc xe hơi mới, mình không cần phải say xỉn, mình không cần phải hút thuốc, mình không cần phải làm  tất cả những điều này. Hãy tận hưởng cuộc sống, hãy bình yên, mình đã có đủ "Ừm, biết đâu được, việc gì cũng có thể xảy ra.

Tối nay tôi không quan tâm nhiều đến việc đó đó, mà quan tâm đến cái ý tưởng làm sao có thể đến được cội nguồn của mọi sự nhiều hơn. Tâm trí chúng ta là nơi mà sự nô lệ tột cùng bắt đầu và kết thúc. Đây là nơi chúng ta có sự lựa chọn cuối cùng. Chúng ta không thể kiểm soát tất cả các điều kiện bên ngoài, đó là điều không thể. Như tôi đã nói, ngay cả những bậc  giác ngộ có thể bị bỏ tù, bị làm cho tàn phế  và bị hạn chế bởi các điều kiện bên ngoài. Họ không thể kiểm soát tất cả mọi thứ, nhưng họ có thể kiểm soát được tâm, đó là một vấn đề khác.

Bên trong chúng ta, có một sự lựa chọn, nhưng rất ít người có thể đòi cái quyền đó và thực hiện sự lựa chọn đó. Nó đòi hỏi phải có sự huấn luyện, và chỉ khi nào sự huấn luyện viên mãn thì người ta mới có được sự tự do tột bực.

Tuy nhiên, chỉ cần bắt đầu sự huấn luyện là bước một bước tiến tới sự tự do. Giai đoạn đầu tiên là quay vào bên trong, để nhìn và thấy những gì đang xảy ra trong tâm. Hãy bắt đầu nhận thấy các sinh hoạt  của tâm, để có thể thấy sự khác biệt giữa một cái tâm an bình, tĩnh lặng và một cái tâm xao động, ồn ào. Từ cái mốc –  một cái tâm an bình, tĩnh lặng - để lấy làm cơ sở so sánh đó, chúng ta sẽ có một quan kiến rõ ràng về sự vận hành của tâm. Nếu chúng ta chỉ trải nghiệm tiếng ồn và những sinh hoạt bên ngoài chung  quanh ta, chúng ta sẽ không có quan kiến, và nếu  không có quan kiến, chúng ta không cách nào hiểu được tình huống  hoặc kiểm soát được nó.

Chúng ta phát triển quan kiến này như thế nào? Học cách để trở nên an tịnh, học để trở nên tĩnh lặng, học cách lắng nghe những  tiếng ồn ào, lao xao bên trong tâm, quan sát quá trình tư duy, suy nghĩ. Cái làm công việc quan sát đó là gì?  Phẩm chất của nó rất quý giá. Chức năng của phẩm chất đó đơn giản là biết. Nó khác với ý thức bình thường, bởi vì ý thức bình thường  có thể có hoặc không có cái phẩm chất này.  Bạn có thể biết suốt ngày ngoại trừ những lúc bạn chợp mắt, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn tỉnh táo hoặc có ý thức theo nghĩa là có sự lắng nghe vào bên trong, quan sát bên trong. Rất hiếm người kinh nghiệm được cái phẩm chất này. 

Đó là bởi vì chúng ta đã không phát triển cái khả năng này, rằng chúng ta đang làm nô lệ, rằng chúng ta đang phục tùng dưới sức mạnh  của thói quen và bản năng của  chính chúng ta, và rằng chúng ta có thể bị thao túng bởi các tình huống và những người xung quanh chúng ta. Tình cảm, ý nghĩ của chúng ta  vì lẽ đó rất dễ đoán được.

Hãy xem xét phẩm chất  này: Bạn đang suy nghĩ gì? Khả năng lắng nghe , khả năng biết  những gì đang hiện hữu trong tâm gì tại thời điểm này,  được gọi là nhận thức, hay chánh niệm. Chính qua phẩm chất  này mà chúng ta có thể nhận biết những gì đang xảy ra trong tâm và có được một quan kiến về quá trình tư duy. Chúng ta có thể thấy ham muốn và dục vọng sinh khởi và chúng ta có thể thấy hậu quả của chúng. Chúng ta có thể  thấy và quán chiếu bản chất của sự sân hận, nó đến như thế nào, nó đến từ đâu và hậu quả của nó. Chúng ta có thể phản tỉnh về bản chất của cảm xúc. Cảm xúc không phải là thứ gì quá bí ẩn, chúng ta có thể hiểu rõ chúng. Chúng đơn giản chỉ là những cơ cấu của tâm thức. Chúng không khác biệt lắm so với tiến trình suy nghĩ, tư duy bởi vì cảm xúc trong thực tế là  kết quả của một quá trình suy nghĩ và cảm nhận.

Nếu chúng ta có thể đầu tư một ít sự quan tâm và năng lượng vào việc thiết lập và duy trì phẩm chất  của sự nhận thức này trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta sẽ học được rất nhiều điều về tâm  và về những gì xảy ra với chúng ta. Chúng ta sẽ biết cách làm thế nào để không trở thành nô lệ cho  sức mạnh của những trạng thái tâm này và tiến trình tư duy này  và bởi các điều kiện bên ngoài, bởi vì khi tâm chúng ta tỉnh táo, chúng ta có thể lựa chọn. Chúng ta có thể chọn để suy nghĩ hay không suy nghĩ. Chúng ta có thể chọn để  theo đuổi một chuỗi suy nghĩ đặc biệt  nào đó hay từ chối làm như vậy. 

Nó đòi hỏi chánh niệm, tỉnh giác và kỷ luật về mặt tinh thần mà chúng ta gọi là sự tập trung (định). Đây là chính xác những gì chúng ta phát triển qua thiền tập. Nhưng không nhất thiết bạn phải hành thiền trong  nhiều năm trước khi có thể trải nghiệm được điều này. Bạn có thể trải nghiệm nó ngay bây giờ và mỗi ngày. Những gì đòi hỏi bạn phải có là khả năng tập trung và sự tỉnh giác, dù chỉ trong một khoảnh khắc.

Tiếp đến là vấn đề về các giá trị. Những gì là quan trọng đối với bạn? Nếu chúng ta cảm thấy rằng tự do hay sự an bình là điều quan trọng nhất, chúng ta sẽ chọn lựa không cho phép mình chìm vào các trạng thái giận dữ, ham muốn và nhầm lẫn. Đây có phải là sự ép buộc không? Không, nó chỉ là một sự lựa chọn, cũng giống như bạn chọn đến đây tối nay.  Bạn thực hiện một sự lựa chọn. Luôn luôn có một sự lựa chọn. Cũng giống như quyết định đi theo một hướng cụ thể nào đó, bạn đi theo con đường đó, bạn thực hiện một sự lựa chọn. Nếu sự lựa chọn bị ảnh hưởng bởi sự sợ hãi và sự thiếu hiểu biết, thì đó là một sự lựa chọn không khôn khéo. Một sự lựa chọn khéo léo đến từ sự hiểu biết .
Nếu bạn muốn được tự do, bạn phải mạnh mẽ. Bạn phải có  năng lực tinh thần hướng đến sự tự do. Sức mạnh tinh thần này chính là sự huân tập hai phẩm chất  biết (chánh niệm) và sự tập trung (định), đó là hai phẩm chất đặc biệt quan trọng cần cho mọi loại tình huống xảy ra cho cuộc sống chúng ta ngày hôm nay. Trong hai phẩm chất, chánh niệm thì quan trọng hơn. Bạn có thể trau dồi chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày của bạn, bạn có thể đưa phẩm chất  biết này vào tâm. Tất cả những gì bạn cần phải làm là nhớ luôn có sự tỉnh giác và biết điều gì đang xảy ra trong hiện tại. Trong lúc này, bạn đang trải nghiệm những gì?    Bạn đang suy nghĩ gì 

Những gì gây trở cho việc thực hành chánh niệm này? Quên là chủ yếu, tâm chạy  theo nếp phản ứng và tạo tác một cách bản năng và máy móc. Đây là một lực vô cùng mạnh, nó không phải là thứ có thể khắc phục một cách dễ dàng. Việc này đòi hỏi rất nhiều sự trung thực. Nếu bạn muốn có sự tự do về mặt tinh thần, bạn sẽ phải đầu tư năng lượng và có sự quan tâm để làm việc đó. Bạn phải phấn đấu để thực sự nhận ra cái khả năng  đó bởi sự tỉnh giác ngay trong khoảnh khắc hiện tại, qua những gì bạn đang làm.

Đây là một số thí dụ minh họa cho những gì tôi muốn nói:

Ngay lúc này  trời đang nóng. Không phải là  nóng  quá đỗi, nhưng hãy tưởng tượng rằng thực sự rất nóng và bạn đang bắt đầu đổ mồ hôi và cảm thấy khó chịu. Điều gì sẽ xảy ra với bạn? Bạn có thể nói rằng cơ thể đang nóng và ra mồ hôi, vâng, nhưng điều gì khác sẽ xảy ra? Tâm bắt đầu phản ứng "Tôi không muốn điều này. Thật là khủng khiếp Tôi muốn ra khỏi đây. Hãy để tôi ra khỏi đây. Tại sao không có máy điều hòa không khí? Thật là hết thuốc chữa ... Tôi không biết, những Phật tử này, họ không thể tổ chức khóa tu tốt hơn được sao? Tại sao họ không gắnmột cái máy lạnh ở đây? " Tâm của bạn thực sự có thể đi xuống thị trấn. Trong khi đó tôi đang nói và tâm bạn thì là một nửa ở đây và một nửa ở kia, suy nghĩ, suy nghĩ, suy nghĩ, với sự bực bội , với sự chán ghét, với sự thiếu kham nhẫn, nhẫn nại...

Đó là những gì có thể xảy ra nhưng thường thì bạn không biết  nó đang xảy ra. Nói cách khác bạn đang ở trong nó, đồng hóa với nó, chết đuối trong nó, nhưng bạn không biết rằng bạn đang chết đuối trong đó. Đây là vấn đề đầu tiên, bạn không biết rằng bạn đang chết đuối. Đó là lý do tại sao bạn bị chết đuối thường xuyên - bởi vì bạn không biết bạn đang chết đuối. Cá ở trong nước, nhưng nó không có khái niệm gì về nước. Có phải đây là những gì đang xảy ra? Chúng ta đang trải nghiệm một trạng thái tinh thần bực bội, thiếu kiên nhẫn hoặc chán ghét, nhưng chúng ta không biết ... Thật  là đau khổ.

Nhưng sau đó một lúc bạn tỉnh ra: "Tôi thực sự thấy nóng ở dưới cổ áo - không chỉ thân nóng thôi đâu,  mà còn cái nóng do tức giận, mất kiên nhẫn và khó chịu."Sau đó là gì nữa? Thông thường, bạn lại tiếp tục rơi trở lại vào  trạng thái chết đuối. Điều gì xảy ra nếu bạn có thể duy trì sự hay biết đó với một thái độ khác? Tâm có cần phải ở trong các trạng thái tiêu cực đó không?  Nếu thân nóng bức tâm có cần phải nóng nảy, bực bội như vậy không?  Vậy hãy ngừng lại! Thân nóng, đổ mồ hôi – chúng ta gọi đây cảm thọ khó chịu, nhưng vẫn chịu đựng được mà. Hãy ngưng cái tiến  trình  tiêu cực đó trong tâm: Những suy nghĩ tiêu cực, sự khó chịu, bực bội và mất kiên nhẫn. Nếu bạn ngưng tiến trình đó, tâm sẽ trở nên an tịnh và yên lặng. Có thể có những khó chịu trong thân nhưng tâm thì vẫn thanh tịnh. 

Tâm thậm chí, nếu bạn muốn, có thể  điều chỉnh để phản ứng  theo một hướng khác: "Ồ,  thật là đáng yêu, những Phật tử  thật tử tế này đã tổ chức một  khóa tu như thế để  quán chiếu các đề tài quan trọng và sâu sắc này. Thật là tuyệt vời khi có những người tốt như vậy trong xã hội của chúng ta. "Bạn cảm nhận lòng tốt, tinh thần đoàn kế, lòng biết ơn; bạn thậm chí còn có thể được đưa từ địa ngục lên thiên đàng.

Hoặc bạn có thể dừng lại và để cho tâm trống rỗng, tỉnh táo và an tịnh. Một trạng thái tâm như vậy sẽ không tạo ra địa ngục hoặc thiên đường, nhưng nó tỉnh giác, nhạy cảm, và an tịnh. Nếu bạn có thể giữ trạng thái tâm đó khi quan sát một đối tượng thì bạn có thể áp dụng nó với mọi đối tượng khác. Bạn làm được bao nhiêu, nhiều ít tùy thuộc vào mức độ bạn huấn luyện tâm của bạn, tùy thuộc vào mức độ tỉnh giác, trí tuệ và định tâm mà bạn  huân tập được.
Kinh nghiệm đầu tiên của tôi về điều này là khi tôi đã  làm  một nhà sư đã được một năm rưỡi. Khi ấy tôi đang sống trong một tu viện ở đông bắc Thái Lan . Đó là một tu viện nhỏ chi nhánh của  tu viện chính nơi thầy  của tôi, người mà tôi yêu thương và kính trọng, đang sống. Tôi có sự tín nhiệm và niềm tin nơi vị thầy này,  nhưng tôi không đánh giá cao vị thầy tại  tu viện chi nhánh , và các vị sư ở đây  dường như chẳng  quan tâm gì đến việc hành thiền. Tôi cảm thấy bị bỏ rơi, và tôi thực sự chẳng thấy mình phù hợp với những gì đang diễn ra trong tu viện.  Nó giống như một trại lao động. Có rất nhiều công việc tay chân phải làm mà tâm tôi quyết liệt chống đối . Tôi không trở thành một nhà sư để mà lao động. Nếu tôi muốn trở thành một người lao động tôi chỉ có thể quay trở lại Úc và làm việc. Công việc lao động  không phải là những gì tôi thấy mình cần phải làm. Tuy nhiên, vì đây là một tu viện mới nên có rất nhiều việc phải làm - một thực tế mà tôi đã không thích.

Rồi thầy  của tôi đã đến thăm và tôi  quá đỗi vui mừng khi đến gặp người . Tôi nghĩ rằng tôi sẽ nhận được một số sự khuyến khích từ người. Nhưng khi thầy tôi vừa đến,  dân địa phương tới gặp ngài và tôi thậm chí không thể tới gần ngài. Ngài phải  nói chuyện với họ cũng là lẽ tự nhiên. Ngài nói và nói , giờ này sang giờ khác, và lúc đó chúng tôi  ngồi ở một nơi giống như một nhà hát ngoài trời, không có tường, chỉ có mái lợp bằng thiếc và sàn bằng ván  ghép lại.

Chúng tôi đang ngồi trên sàn bằng ván không được bằng phẳng. Thầy của tôi thuyết giảng vượt  qua thời gian dự kiến - cũng giống như tôi, thuyết giảng  và thuyết giảng cho các cư sĩ -  những người rất thích được nghe Pháp. Họ quá thích thú đến nỗi họ quên  mất các tu sĩ khác đang ngồi ở đó. Chúng tôi chỉ ăn một bữa mỗi ngày, vào buổi sáng khoảng 8 giờ. Hôm đó, chúng tôi thức dậy vào lúc 3 giờ sáng, và chúng tôi đã lên ngồi trên đó suốt cả ngày, vì vậy ngồi trên sàn bằng ván đến gần 10g tối thật là  khó chịu hết sức. Lại còn đám muỗi nữa. Muỗi  liên tục chích và bạn không được phép  giết chúng; bạn có thể phủi để chúng bay  đi nhưng bạn không được phép  giết chúng. Chúng tôi đói, mệt mỏi và buồn ngủ và tôi chỉ cảm thấy chán ngấy với toàn bộ mọi thứ.
Qua vài giờ, tâm của tôi trở nên hết sức tức giận , hết sức tiêu cực, hết sức thất vọng và hết sức đau khổ , với quá nhiều các  suy nghĩ rối bời về những gì tôi muốn - tôi muốn quay trở về và ngủ, tôi chán ngấy và đói ... "  Ít ra họ phải cho mình thứ gì đó để uống, nước giải khát hoặc một cái gì đó ...   đuổi những con  muỗi này đi ...  cái đau ở chân của mình... tại sao thầy phải nói chuyện lâu như vậy? ... những người này, tại sao họ không về nhà và để yên cho các nhà sư?" Tâm của tôi như vỡ ra.

Các nhà sư có bổn phận phải ngồi đó và không được thể hiện bất kỳ thái độ bất thiện nào, chỉ ngồi đó và chịu đựng. Bạn có thể mỉm cười, nhưng bạn không được phép  thể hiện bất kỳ sự tức giận nào . Bởi vì tất cả những điều đó đang diễn trong tâm không được thể hiện ra ngoài nên chúng sôi lên trong tôi.  Không có lối thoát , tôi bị mắc kẹt trong đó . Mọi sự  trở nên tồi tệ đến mức dường như muốn trào cả ra ngoài, bỗng  tâm  của tôi chợt bừng lên một sự nhận thức  sáng chói: "Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy? " Mọi việc chẳng qua là do tôi đã chết đuối trong một trạng thái tâm, không nhận thức những gì đã xảy ra. Tôi chỉ đơn giản là bị chết đuối, và sau đó là tiến tới một sự nhận thức rõ ràng: "Tôi đang chết đuối! Chuyện gì đang  gì xảy ra ở đây? Đây là một sự đau khổ".

Và rồi tôi  suy nghĩ , " Vâng, tại sao mình lại đau khổ quá như vậy? " Tôi nhìn  lại những gì đã diễn ra, cái tâm không ngừng lải nhải,  sự chán ghét: Không muốn cái này, muốn cái kia, mong muốn thoát ra khỏi tình huống, muốn đi ngủ, muốn ở một mình, muốn tránh xa những người này, cái  đau này , đám muỗi kia - tâm đã ở  trong tình trạng hỗn loạn như vậy đấy. Nhìn lại, tôi nhận rõ ra rằng, " Ồ, đây là khổ, đây là cách nó  được tạo ra , đây là cách tôi tạo ra địa ngục. Chuyện gì xảy ra nếu tôi  ngừng cái muốn và không muốn lại? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi  giữ im lặng và ngồi yên?”

Tôi đã trải qua những điều khác nhau mà tôi muốn: Tôi có thể làm mà không có chúng. Những điều mà tôi không muốn : Tôi có thể chịu đựng chúng, chúng  không phải là xấu. Bằng cách chấp nhận sự vật như chúng thực là, rằng tôi không thể thay đổi chúng, tôi dừng lại các phản ứng ám ảnh  tâm của tôi, những phản ứng đã tạo ra tất cả mọi thứ đau khổ.

Chỉ  bằng cách cho phép tâm lắng đọng,  quay về gần với trạng thái chơn nguyên của nó hơn, là đã có sự bình an. Trong tình huống đó,  không có gì thay đổi bên ngoài, nhưng bên trong,  kinh nghiệm là một sự thay đổi từ sự nóng nảy sang tươi mát. Cũng giống như một bước đi trong cái nóng hầm hập  vào giữa trưa  - 49 độ , thật là khủng khiếp - sau đó bạn đi vào bóng râm, vào thiền đường, không khí mát mẻ và yên bình. Đó chính là sự khác biệt xảy ra trong tâm .

Đây là một bài học rất quan trọng. Đây là những gì chúng ta cần phải học hỏi, trải nghiệm và sống trong suốt cuộc đời của chúng ta. Chúng ta có thể làm rất nhiều điều để thay đổi và cải thiện thế giới bên ngoài , nhưng chúng ta  không bao giờ có thể kiểm soát nó hoàn toàn. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về tâm của chúng ta để được trở nên tự do, bằng không những kinh nghiệm của cuộc sống sẽ luôn luôn làm tâm trở nên rối rắm, phức tạp, tạo ra thiên đường và địa ngục. Chúng ta  tạo ra nó, vì vậy chúng ta có thể dừng nó lại. Tâm trí có sức mạnh để ở trong trạng thái tự do  nếu chúng ta phát triển được sự nhận thức này, sự hiểu biết về Chánh kiến, và biết được các giá trị nào là đúng. An bình và tự do là những gì quan trọng nhất.

Xin đừng nghĩ rằng bằng cách sống an bình bạn sẽ trở thành vô trách nhiệm và buông xuôi , để mặc cho mọi thứ ra sao thì sao. Ngược lại, khi tâm có sự an bình và trong sáng, khi tâm được tự do để đáp ứng, bạn sẽ ở trong tình trạng tốt nhất. Những gì bạn quyết định làm sẽ đến từ nơi an bình và trí tuệ đó. Nó sẽ cái tốt nhất của bạn, bạn sẽ đối phó với các tình huống một cách  trôi chảy, bạn sẽ làm những gì cần phải làm  và bạn sẽ làm điều đó một cách đúng đắn nhất.

Tôi đưa vấn đề  này ra để các bạn xem xét. Đây là một sự lựa chọn mà bạn có thể thấy  quan tâm. Nếu bạn có sự quan tâm, tôi khuyến khích bạn làm theo nó. Có một con đường và bạn có thể đi trên con đường đó. Có nhiều cách huấn luyện  và bạn có thể chọn sự huấn luyện đó. Có những thành quả của sự huấn luyện và mỗi con người có thể thực hiện được những thành quả này.


Theo: True Freedom

Chuyển ngữ: Supañña Thiện Trí

0 nhận xét:

Đăng nhận xét