Chủ Nhật, 3 tháng 6, 2018

Chánh niệm khó quá hả con?

Con thân mến,

Chánh niệm khó quá hả con?

Thế thì chắc đó không phải là chánh niệm thật sự rồi.

Ngồi thiền mà thấy mệt và sân, vậy là hành thiền sai rồi. Cách hiểu về thiền của con sai hoàn toàn rồi.

Con thử sờ tay lên mặt xem, làm ngay bây giờ xem nào. Có thấy cảm giác gì không? Cảm giác làn da mềm, ấm, cảm giác bàn tay lạnh, ráp.... con có cảm nhận được không? Có khó không? Có mệt không? Chánh niệm đấy!

Khi con ngồi hoặc nằm, con có cảm nhận được thân mình đang ngồi hay nằm không? Có cảm nhận những chỗ đau nhức, mỏi trong mình, những nơi tiếp xúc giữa thân mình với mặt đất, chân tay với nhau? Có cảm nhận được khuôn mặt, các cảm giác ở vai, tay, lưng không? Có khó không? Chánh niệm đấy!

Khi đi lại, con có cảm nhận được các cảm giác dưới chân mình và các chuyển động không? Khi ăn, khi nói con có cảm nhận được chuyển động của miệng, các mùi vị không? Khi lái xe, đánh răng, tắm rửa, làm việc vặt con có cảm nhận được các cảm giác và cử động của thân hay không? Những sự cảm nhận ấy có làm con mệt và sân không?

Khi tay tiếp xúc với da mặt, tự động đã có một cảm giác xúc chạm phát sinh, dù chúng ta muốn hay không, trừ người chết hay bất tỉnh. Nhưng tại sao khi con chống cằm nói chuyện hay đọc sách con lại không cảm nhận được sự xúc chạm đó? Hoặc đôi khi lái xe, đôi lúc con quên hẳn mình đang lái xe, đi quá chỗ cần rẽ mới giật mình nhớ ra? Có khi nào con đọc cả trang sách xong mà vẫn không biết mình đã đọc cái gì không?

Đó là vì không có sự chú ý. Khi thầy bảo con chạm tay vào mặt, đó là hành động có chú ý nên con cảm nhận được sự xúc chạm ấy. Lúc khác, con không chú ý hoặc sự chú ý dành cho việc khác bên ngoài, con  sẽ khômg cảm nhận được, giống như người chết hoặc bất tỉnh. Những khoảnh khắc đánh mất sự chú ý vào bản thân mình như thế trong cuộc sống hàng ngày là cực nhiều. 

Điều quan trọng nhất ở đây là sự chú ý.

Chánh niệm là sự chú ý, chú ý vào các cảm nhận trong mình.

Khi thực hành, chúng ta rèn luyện thói quen hướng sự chú ý vào các cảm nhận. Nên nhớ nhiệm vụ của mình là chú ý chứ ko phải cố gắng cảm nhận, đây là sai lầm của rất nhiều thiền sinh và của con nữa. Đó là nguyên nhân làm con căng thẳng, mệt và sân.

Mỗi khi tâm lang thang, lại nhẹ nhàng hướng sự chú ý vào thân mình. Quyét qua toàn thân để xem : Trong thân đang có những cảm giác gì? Có chỗ nào căng thẳng, đau, nhức, mỏi hay không? Có cảm nhận được thân mình đang ngồi đây, đang đi, đứng, nằm đây không? Rà soát - Cảm nhận - Thả lỏng. Lặp đi lặp lại.

Những yếu quyết cơ bản thầy đã dạy nhiều trong các bài pháp:

Rà soát - cảm nhận - thả lỏng

Thư giãn - thoải mái - biết mình

Không mong cầu - không chống đối - không tìm cách thay đổi.

Sự thực hành thật ra rất đơn giản. Nhưng con không làm như thế. Thay vì nhẹ nhàng và thư giãn hướng sự chú ý vào bên trong để biết mình, như ngồi nghỉ ngơi sau 1 chuyến đi dài, thì con lại cố gắng cảm nhận, và tệ hơn nữa là cố gắng tập trung, cố gắng đánh đuổi suy nghĩ. Có lẽ trầm cảm và stress lâu ngày làm tâm con, từ trong vô thức luôn cuống cuồng tìm mọi cách để được an ổn, dù là an ổn giả tạo, và có thái độ chống đối quyết liệt  với những thứ làm con bất an (như suy nghĩ) thay vì chấp nhận nó và nhẹ nhàng buông bỏ để quay lại thân mình. Xu hướng vô thức ấy phá hoại sự thực hành, do vậy phát hiện và điều chỉnh xu hướng này là nhiệm vụ chính của con, nó sẽ rất lâu dài và cần nhiều kiên nhẫn.

Tâm thiếu chú ý và thiếu ổn định, các cảm nhận thường rất hời hợt, mơ hồ. Vì mơ hồ, nên không tập trung, dễ bị suy nghĩ cuốn đi. Cái vòng luẩn quẩn này lặp lại bởi vì các năng lực tâm linh, tức là 5 nền tảng sức mạnh: Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ quá yếu ớt. Các sức mạnh này cần tu tập đúng phương pháp, liên tục cả một thời gian dài để làm vững chắc và tăng trưởng dần. Nhưng mọi người cứ muốn "làm ít, ăn nhiều", không muốn đầu tư công sức lâu dài, nên họ thường áp dụng một phương pháp thô bạo là ép mình tập trung, ép mình cảm nhận rõ nét một đối tượng nào đó (như hơi thở hoặc phồng xẹp ở bụng chẳng hạn), hung hăng sử dụng sức mạnh ý chí để bắt mình ngồi yên, ngồi lâu, đè nén mọi suy nghĩ khởi lên. Điều đó chỉ gây thêm căng thẳng, mệt mỏi. Ép không được thì sân, chán, rồi bỏ cuộc.

Thiền là một nghệ thuật nghỉ ngơi trong tỉnh thức. Con không nghỉ ngơi, mà lại biến thiền thành một cuộc chiến đấu tơi tả.

Nhưng cái hiểu sai này vẫn không phải là điều chủ yếu khiến con không thực hành được. Hầu như tất cả mọi người ít nhiều đều bị hiểu sai như vậy khi mới thực hành, và qua nhiều lần va vấp, họ mới dần dần điều chỉnh để thực hành đúng.

Cái chính là con không nhiệt tâm.

Nếu thực sự thực hành, nếu thực sự đầu tư tâm huyết thì khi gặp khó khăn, người thiền sinh sẽ tìm mọi cách để tìm hiểu vấn đề và vượt qua khó khăn đó. Trình pháp với thầy, nghe pháp, tìm hiểu và thử nghiệm, 1 lần không được thì 5 lần, 10 lần, hàng trăm lần..... Những khó khăn đó có ai là không gặp đâu. Những gì thầy dạy trong các bài pháp, các bức thư...đã quá đủ để thực hành, mọi vấn đề và cách giải quyết đều nằm trong đó. Trong đó là kết tinh những kinh nghiệm và hiểu biết của thầy, đã được trả giá bằng bao nhiêu tháng năm tuổi trẻ, khước từ vô số cám dỗ của thế gian, bao nhiêu lần vấp ngã, bao nhiêu gian khổ, mồ hôi và nước mắt. Rất nhiều người nói với thầy, khi gặp khó khăn, họ nghe pháp, đọc lại những gì thầy viết và thấy mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, họ tìm được hướng giải quyết cho vấn đề của mình, tìm được động lực để tiếp tục đứng lên. Nhiều học trò của thầy thực hành rất tốt, trưởng thành rất nhiều còn chưa bao giờ gặp thầy, họ chỉ nghe pháp trên mạng và hỏi qua email, trong khi có những người gặp thường xuyên thì vẫn chẳng khá hơn tý nào. Sẵn có quá thì họ không biết quý trọng, ỷ lại, không tự mình đầu tư tâm huyết để thực hành.
- Sưu Tầm-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét