Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

GÓP NHẶT - SUY NGẪM 9


1. Hỏi: Những người mới tập thiền phải hành thiền như thế nào?

Đáp: Cũng như những người hành thiền lâu.

(Thiền sư Ajahn Chah)

2. Cỏ hoa, cây cối, núi rừng... sống theo đường lối riêng của chúng. Chúng mọc lên, chúng chết đi cũng theo bản chất riêng của chúng. Chúng sống một cách tự nhiên, vô tri, vô giác, trơ trơ bất động. Chúng ta thì khác, chúng ta quấy động mọi thứ. Nhưng cơ thể  chúng ta cũng chỉ  đi theo đường lối tự  nhiên: sinh ra, trưởng thành, và cuối cùng là chết. Đường lối tự  nhiên của cơ thể  con người là vậy. Ai mong muốn cơ thể đi theo đường lối khác, kẻ đó sẽ đau khổ.

(Thiền sư Ajahn Chah)

3. Một người học trò của Ajahn Chah trong lúc rút dây cắm máy thâu băng ra khỏi  ổ  điện, sơ ý nắm vào chốt điện, và bị  giật nên vội vàng buông bỏ  dây ra. Ajahn Chah, không bỏ  lỡ  cơ hội dạy giáo pháp, bèn nói: "ồ! Sao con có thể  buông bỏ một cách dễ dàng như vậy? Ai dạy con đó?"

(Thiền sư Ajahn Chah)

4. Trong cuộc đời chẳng bao giờ có cái gì là hoàn hảo cả. Tốt hơn cả là đừng nên mong đợi sự hoàn hảo. Tôi không hoàn hảo; tôi sẽ chẳng bao giờ hoàn hảo, và tôi không mong đợi điều đó.

(Thiền sư U Jotika)

5. Nhiều lần lặp lại, tôi phát hiện ra rằng dính mắc dẫn đến đau khổ. Chẳng có lỗi lầm gì trong chuyện đó cả. Hãy canh chừng dính mắc. Lòng tham muốn làm cho bạn tin rằng bạn sẽ hạnh phúc khi sự ham muốn đó được thỏa mãn, nhưng ham muốn thì không bao giờ có điểm dừng. Chúng ta cứ nghĩ rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ hạnh phúc. Một ngày nào đó, một ngày nào đó…và cái ngày đó cứ lùi dần, lùi dần chẳng bao giờ đến. Bạn sẽ là người may mắn khi có thể nói: “Tôi hạnh phúc”.

(Thiền sư U Jotika)

6. Khi bạn cảm thấy bị quấy rầy bởi tâm suy nghĩ, hãy tự nhắc nhở rằng không phải mình hành thiền là để ngăn chặn sự suy nghĩ, mà là để nhận ra và biết rõ suy nghĩ mỗi khi chúng sanh khởi. Nếu không có chánh niệm bạn sẽ không thể biết được là mình đang nghĩ ngợi. Khi nhận ra mình đang suy nghĩ, nghĩa là bạn đã có chánh niệm. Nên nhớ là tâm vẩn vơ suy nghĩ bao nhiêu lần, phóng đi chỗ này chỗ nọ hay bực bội chuyện này chuyện kia - tất cả những điều đó không thành vấn đề, miễn là bạn có chánh niệm, hay biết nó là được.

(Trích từ sách "Đừng coi thường phiền não")

7. Bạn đừng cố gắng bắt buộc mọi thứ phải xảy đến như mình mong muốn, mà hãy cố gắng hay biết những gì đang diễn ra như nó đang là. Nghĩ rằng mọi thứ nhất định phải như thế này thế kia, mong muốn điều này điều nọ phải xảy ra hoặc không được xảy ra, đó là chính mong cầu, mong đợi. Mong cầu sẽ tạo ra lo lắng, bất an và có thể dẫn đến sân. Điều quan trọng là bạn phải ý thức được thái độ của mình như thế nào!

(Trích từ sách "Đừng coi thường phiền não")

8. Theo trung đạo thì yêu, ghét, hạnh phúc, đau khổ, chỉ là những cảm giác thuần túy. Một khi đạt được sự hiểu biết này, tâm sẽ không còn dễ bị lôi cuốn, không còn bị dính mắc vào các cảm giác đó nữa. Đấy là sự thực hành để hiểu rõ tâm không nuôi dưỡng bất kỳ cảm giác nào cũng không chấp giữ, dính mắc vào chúng, được như thế, tâm sẽ tự do trôi xuôi theo dòng nước, không gặp một chút chướng ngại nào, cuối cùng trôi vào đại dương Niết bàn.

(Thiền sư Ajahn Chah)

9. Bất kỳ đang ở nơi nào cũng phải có thái độ tự nhiên và luôn luôn quán chiếu để tự hiểu mình. Nếu hoài nghi phát sanh, hãy để nó đến và đi tự nhiên. Đây là chuyện thật giản dị, hãy xả bỏ tất cả. Cũng giống như đi trên đường, nhiều khi bạn gặp chướng ngại. Khi gặp phiền não, hãy nhìn chúng, chế ngự chúng, rồi xả bỏ, để chúng tự ra đi. Đừng nghĩ tưởng tới những chướng ngại đã qua, đừng lo âu về những chướng ngại chưa đến. Hãy sống trong hiện tại. Đừng quan tâm đến chiều dài của con đường, cũng đừng để ý tới nơi sẽ đến. Mọi chuyện đều thay đổi. Những gì đã gặp qua hãy xả bỏ. Cuối cùng, tâm sẽ đạt được trạng thái quân bình. Bấy giờ dầu bạn đang ngồi nhắm mắt, hay đang rảo bước trong phố thị ồn ào, thì tâm bạn vẫn bình an tĩnh lặng.

(Thiền sư Ajahn Chah)

10. Hãy đọc chính mình chứ đừng đọc sách. Chân lý không nằm bên ngoài, đó chẳng qua chỉ là trí nhớ chứ không phải là trí tuệ. Trí nhớ mà không có trí tuệ thì cũng giống như cái bình thủy trống rỗng, nếu không đổ nước vào bình thì bình sẽ trở thành vô dụng.

(Thiền sư Ajahn Chah)

2 nhận xét: