Jon cứ như một chú cún với sự phấn khích hay hứng thú quá đà đôi lúc khiến bạn cảm thấy khó chịu khi ở gần. Hắn là hàng hiếm. "Này, hắn không thể . . . chán ghét cuộc đời một chút à?" Tôi từng nghĩ vậy. Không giả tạo một chút nào đâu.
Có lẽ tôi ghen tỵ với hạnh phúc của Joh, thật tệ. Thế nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là một kẻ tồi tệ được lâu khi tiếp xúc với Jon. Hắn luôn cực vui nhộn và thú vị - bạn đơn giản chỉ không thể ngừng cảm giác phấn chấn mỗi khi ở gần hắn. Hắn luôn muốn biết về mọi điều diễn ra trong cuộc sống của bạn. Hắn tích cực và luôn động viên người khác. Hắn còn chân thành hạnh phúc và tự hào vì bạn, ngay cả khi chính bạn còn chẳng hạnh phúc hay tự hào vì chính mình.
Rốt cuộc, tôi quyết định rằng Jon chính là một trong những gã may mắn đã nắm được bí quyết cuộc sống. Hắn nằm trong nhóm không bị ảnh hưởng bởi những phần thối tha của cái cuộc đời này. Jon bằng một cách nào đó có lẽ may mắn tới mức đi giữa trời mưa chắc cũng chẳng ướt người. Hắn hiểu rõ sự may mắn của bản thân và dùng phần lớn thời gian giúp mọi người cảm thấy tuyệt vời giống như mình.
Thế rồi một ngày nọ, tôi bắt gặp hắn đang hít liền 1 lúc hai liều ma túy ở phía sau nhà vệ sinh.
Ôi, không! Hắn là gã đã tìm ra bí quyết cuộc sống cơ mà! Là gã ai cũng tin sẽ miễn nhiễm với mọi giây phút yếu lòng đấy!
Hóa ra, Jon chẳng hạnh phúc như chúng tôi tưởng. Cuộc sống gia đình của hắn là một thảm họa. Đời tư của hắn cũng là một thảm họa. Sự lạc quan không dứt và thứ "kẹo hạnh phúc" thi thoảng hắn hít hà là những cứu rỗi duy nhất giúp Jon không sụp đổ hoàn toàn - chúng cũng giống như những mảnh băng dính rách rưới hay sợi dây giày cột cảm xúc của hắn lại một cách tạm bợ vậy.
Và rồi, sau một thời gian dài, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng Jon không hề giỏi giải quyết cảm xúc bản thân. Nghe có vẻ điên rồ - bởi lẽ hắn luôn thể hiện như một phiên bản tất cả chúng ta đều khao khát: hạnh phúc hoàn hảo, yêu đời, lạc quan, giàu cảm hứng và chẳng bao giờ trải qua những giây phút tụt tâm trạng. Nhưng đó là sự thật. Hắn dở tệ trong chuyện xử lý cảm xúc cá nhân và luôn phải sống trong chịu đựng vì điều này.
Cảm xúc có thể làm những gì?
Cảm xúc là kết quả thu được khi tâm trí bạn so sánh môi trường ngoại cảnh với kỳ vọng bản thân.
Giống y như cái cách bạn cảm thấy nóng hay lạnh khi bước ra ngoài (ngay khi bước ra, da sẽ điều chỉnh nhiệt độ tương đối so với thân nhiệt; sau đó gửi tín hiệu thông báo cho não bộ), cảm xúc cũng làm điều tương tự với những hiện tượng tâm lý phức tạp.
Khi bạn bước ra ngoài, cơ thể gửi tới não bộ tín hiệu "Trời lạnh đấy ông ơi!" khiến bạn chạy ngay vào nhà mặc áo ấm. Tương tự, khi bắt quả tang vợ/chồng mình đang ngoại tình, , cơ thể bạn sẽ gửi những tín hiệu cảm xúc tới não bộ thông báo "Cái gì thế này?". Sau đó, bạn sẽ giải quyết hắn, bằng cách ly dị, hay cách nào đó mà cơn sân của bạn chọn giúp.
Trên thực tế, cảm xúc được thiết lập nhằm thúc đẩy chúng ta đưa ra hành động giải quyết mâu thuẫn giữa kỳ vọng và ngoại cảnh. Điều này có thể đạt được bằng cách thay đổi một trong hai yếu tố kể trên.
Để hiểu rõ hơn, hãy cân nhắc trường hợp bạn đang nói chuyện với một đồng nghiệp và phát hiện ra con quỷ cái Betty mới được thăng chức nhờ cướp trắng ý tưởng tuyệt vời của bạn.
Rất có thể trong bạn đột nhiên sẽ ngập tràn những cảm xúc mạnh: tức giận, ghen tị, cảm thấy bị phản bội v.v. Bạn phải hành động và cho con khốn Betty đó (và cả sếp nữa) biết mình đang nghĩ gì. Đừng động vào bạn ở cái công ty này vì không đời nào bạn chịu chấp nhận những điều vô lý tới vậy!
Sự tức giận và đau đớn rất có thể sẽ còn khiến bạn suy nghĩ lại thật kỹ về môi trường làm việc và con đường sự nghiệp của mình. Chúng cũng khiến bạn đề phòng hơn để tránh xa những nỗi đau tương tự. Bạn phải hành động để được chú ý nhiều hơn. Sau tất cả trải nghiệm tệ hại này, cảm xúc sẽ buộc bạn phải giải quyết vấn đề. Và điều này chắc chắn sẽ có lợi cho tương lai.
Đó chính là lý do khiến cảm xúc luôn là yếu tố vô cùng quan trọng và hữu ích. Bất kể tích cực hay tiêu cực, chúng đều đóng vai trò thiết yếu trong việc thúc đẩy chúng ta hành động đúng đắn và đương đầu với những trở ngại.
Duy chỉ có một điều, cảm xúc không thể giúp chúng ta đối mặt với những thứ tệ hại trong cuộc sống nếu chúng không phải là phản ứng chính xác và phù hợp với hoàn cảnh. Nếu tôi buồn chán khi bản thân nên cảm thấy sợ hãi, hoặc hưng phấn cao độ trong khi lẽ ra nên cáu điên, thì làm thế nào cảm xúc có thể giúp tôi giải quyết bất cứ điều gì trong cuộc sống, chưa nói tới sống tốt?
Đây chính là vấn đề với triết lý luôn-cảm-thấy-ổn-bất-chấp-hoàn-cảnh trong cuộc sống. Và cũng là lý do khiến Jon kết thúc trong thảm họa. Thay vì cho phép bản thân tận hưởng cảm xúc đúng đắn và phù hợp, hắn ta lại chỉ cố che đậy mọi thứ dưới một lớp vỏ bọc hào nhoáng và giả tạo.
Tại sao đa dạng hóa cảm xúc có thể khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn?
Trong tâm lý học có một khái niệm gọi là "sự đa dạng cảm xúc". Khái niệm này, giống như tên gọi, nhấn mạnh việc trải nghiệm nhiều cảm xúc phù hợp với nhiều hoàn cảnh. Những người trải qua nhiều tâm trạng tích cực lẫn tiêu cực thường khỏe mạnh hơn cả về tinh thần lẫn thể chất so với những người chỉ thường xuyên trải qua một vài cảm xúc nhất định, tốt hoặc xấu.
Giống như việc một danh mục đầu tư cổ phiếu đa dạng sẽ ít chịu ảnh hưởng khi thị trường biến động mạnh, đời sống cảm xúc càng đa dạng sẽ càng giúp bạn dễ chống chọi hơn với những biến cố lớn trong cuộc đời. Nếu thoải mái với sự giận dữ, bạn có thể "triệu hồi" cảm xúc này khi cần thiết và sử dụng nó. Nếu dễ chịu với niềm vui, cảm giác tội lội hay nỗi buồn, bạn cũng có thể sử dụng chúng theo cách tương tự.
Một cuộc sống đa dạng không được tạo nên chỉ từ một vài cảm xúc "tốt" hay "xấu". Bạn cần phải trải nghiệm những cảm xúc cụ thể hơn: sự thích thú, niềm vui, sự hài lòng, lòng biết ơn, sự tự hào, tình yêu, hy vọng; hay sự tức giận, buồn chán, cảm giác tội lỗi, khinh bỉ, lo lắng, ghê tởm, xấu hổ v.v.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những cá nhân trải qua nhiều cảm xúc cụ thể có khả năng đối mặt với nghịch cảnh tốt hơn; vì họ giỏi nhận ra những yếu tố tạo nên một tâm trạng hơn người khác. Khi biết rõ tác động khiến bản thân nảy sinh một cảm xúc bất kỳ, bạn sẽ phản ứng dễ dàng và chính xác hơn.
Những người thực hành đa dạng cảm xúc thường đủ tỉnh táo để nhận ra nguyên nhân sâu xa của mọi vấn đề, từ đó đưa ra được cách ứng xử phù hợp. Điều này khiến họ kiểm soát tốt hơn cuộc sống của mình - yếu tố cần thiết cho một cuộc sống hạnh phúc và khỏe mạnh.
Trải qua nhiều xúc cảm còn khiến bạn thấu hiểu rằng tất cả chỉ mang tính thời điểm và sẽ nhanh chóng qua đi. Khi chỉ cho phép bản thân cảm nhận một hay hai cảm xúc ở một thời điểm, bạn sẽ bắt đầu lầm tưởng rằng chúng là bất tận (hoặc nên là bất tận). Thế giới luôn tồi tệ. Hoặc cuộc đời luôn luôn rất tuyệt vời. Bạn luôn cảm thấy có lỗi vì là một kẻ tồi tệ. Hoặc luôn tự hào với chính mình, ái kỷ tới mức có thể tự thỏa mãn khi ngắm nhìn ảnh chụp bản thân trong kỷ yếu thời cấp 3.
Vì đắm chìm trong lối suy nghĩ một-cảm-xúc-định-nghĩa-thế-giới này, bạn quên mất rằng cảm xúc chỉ là những thứ hời hợt nhất thời, quên mất rằng chúng chẳng mang ý nghĩa gì cả.
Đa dạng hóa cảm xúc cho chúng ta thấy rằng cảm xúc đến và đi như một lẽ tự nhiên. Bạn đang cảm thấy tức giận? Chuyện bình thường. Một vài giờ nữa cơn giận sẽ qua. Bạn đang hạnh phúc? Hay ho đấy. Cứ tận hưởng nó đi vì những vật lộn kế tiếp đang tới rất gần. Bạn cảm thấy tội lỗi hay buồn chán? Cũng thường thôi. Mọi thứ sẽ khá hơn trong tương lai gần.
Câu hỏi ở đây là: Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu đa dạng hóa đời sống cảm xúc của chính mình?
Trở thành một Ninja Cảm xúc
Bước đầu tiên để sở hữu đa dạng cảm xúc là cải thiện nhận thức tự thân của chính bạn. Hãy chú ý và chấp nhận cảm xúc khi chúng tới.
Điều này nghe đơn giản tới mức ngớ ngẩn. Thế nhưng hãy cứ thử xem, rất có thể bạn sẽ nhận ra nếu chối bỏ một cảm xúc đủ lâu, bản thân bạn sẽ không thể nhận ra khi nó tới nữa.
Tôi đã từng nói rằng nhận diện và "tháo ngòi nổ" cảm xúc là một phương pháp quan trọng giúp mỗi cá nhân thấu hiểu cảm xúc của chính mình. Còn đây là bước cao cấp hơn: Học cách nhận diện cảm xúc và tách biệt chúng khỏi quá trình đưa ra quyết định của bạn.
Đó là khác biệt giữa việc muốn đấm vỡ mặt một thằng đểu và việc thực sự ra tay. Đấm người là việc làm khó chấp nhận. Nhưng muốn đấm lại là một phản ứng tự nhiên của con người (trong một vài trường hợp).
Một khi đã tách ngòi nổ cảm xúc khỏi việc ra quyết định, bạn sẽ cảm nhận được tâm trạng của mình một cách sâu sắc và tinh tế hơn. Ví dụ, nếu làm điều này khi cảm thấy tuyệt vọng, bạn có thể sẽ nhận ra rằng bản thân còn cảm thấy tức giận với thứ khiến mình chán nản nữa. Vậy là chúng ta đã tiến được thêm một bước.
Thay vì nằm chán nản và tự nhủ rằng cuộc đời này thật vô nghĩa - để làm gì nhỉ? - sự tức giận mới phát hiện này có thể thúc đẩy bạn hành động để thay đổi hoàn cảnh. Thay vì trốn chạy khỏi cuộc đời, giờ đây bạn lại chủ động tìm cách hòa nhập với nó.
Đây mới đích thực là kỹ năng của một người giỏi thích nghi cảm xúc. Không phải người tỏ ra hạnh phúc hay hài lòng mọi lúc; mà là người có khả năng nhận ra những tầng lớp cảm xúc của chính mình và tận dụng chúng một cách hữu ích. Sự tức giận có thể thúc đẩy hành động. Nỗi buồn có thể dẫn đến sự chấp nhận. Cảm giác tội lỗi dẫn tới thay đổi. Còn sự phấn khích lại đem đến động lực.
Kiểm soát cảm xúc là điều bất khả thi. Chúng tới và đi như một lẽ tự nhiên, bất chấp bạn có muốn hay không.
Điều hướng cảm xúc lại là kỹ năng có thể làm chủ được, mặc dù mỗi cảm xúc lại cần cách tiếp cận hoàn toàn riêng biệt. Giống như học cách sử dụng côn khác hẳn sử dụng gậy hay kiếm samurai trong chiến đấu, điều chỉnh mỗi cảm xúc đặc thù để thúc đẩy hành động phù hợp cũng khác hẳn nhau. Dẫu vậy, tất cả cần được luyện tập và làm chủ thông qua các trải nghiệm thực tế trong cuộc sống.
Tới khi đã thuần thục toàn bộ, bạn sẽ trở thành một ninja cảm xúc có khả năng thích ứng và xử lý mọi nghịch cảnh trong cuộc sống.

Tác giả: Mark Manson
Lược dịch
0 nhận xét:
Đăng nhận xét