Chủ Nhật, 8 tháng 7, 2018

NGHIỆN RƯỢU, TRẦM CẢM VÀ ...THIỀN

Một người bạn của tôi, thực hành thiền đã lâu rồi, trước kia hút thuốc và uống rượu rất nhiều, lần đầu tiên đến học thiền anh ấy nói: tôi không thể bỏ rượu được, nhưng tôi muốn học thiền, có được không? Tôi nói: OK, được. Hành thiền trước đã. Thế là anh ấy bắt đầu thực hành thiền, và tôi nhắc anh ta rằng mỗi khi cơn thèm thuốc hay thèm rượu khởi lên, hãy quan sát cái thèm đó thật kỹ, đừng đầu hàng nó ngay lập tức. Hãy thong thả, không cần phải vội vàng.Hãy hứng thú với chính cái thèm ấy.Thực ra cái tâm tham, cái thèm muốn rất thú vị.Tham là một trạng thái tâm rất thú vị.Anh ấy là một người nhiệt tâm và trung thực.Mỗi khi cơn thèm thuốc, thèm rượu khởi lên, anh ấy quan sát trạng thái tâm ấy thật lâu, nhưng sau một lúc thì không thể chịu được nữa.Vì vậy tôi lại hướng dẫn cho một bài tập khác. Được, nếu anh muốn uống rượu quá, nếu anh thực sự quyết định mình nhất định phải uống, hãy uống đi, nhưng phải làm thật chánh niệm, cầm chai rượu, lấy cốc, thật chánh niệm, rót rượu ra cốc, thật chánh niệm, cầm cốc lên, thật chánh niệm, đưa lên môi, thật chánh niệm, uống một ngụm, thật chánh niệm, nhưng đừng có nuốt vội, hãy giữ nó trong miệng một lúc và xem bạn cảm thấy như thế nào. Anh ấy thử làm theo. Anh giữ ngụm rượu trong miệng và cẩn thận quan sát cái gì đang diễn ra.Miệng trở nên rất nóng.Cổ họng nóng và ngực cũng nóng bỏng. Rồi anh nuốt ngụm rượu thật chậm, và anh nói khi tôi uống rượu trong chánh niệm, tôi không thể uống được nhiều như trước kia nữa. Chỉ hớp vài hớp là tôi đã cảm thấy thoả mãn rồi và phải đổ chỗ rượu thừa vào chai cất đi.

Vì vậy chánh niệm hạn chế bạn lại.
Nếu bạn làm việc gì bất thiện, chánh niệm sẽ hạn chế nó.

Sau khi thực hành thiền chánh niệm cả một thời gian dài, có lẽ phải đến hai năm, anh ấy vẫn uống rượu nhưng rất nhiều lần nói sẽ từ bỏ rượu.Anh ấy nói điều ấy nhiều lần lắm.Tôi chuẩn bị bỏ rượu đây. Anh ta nói với vợ mình như thế nữa: anh sẽ bỏ rượu. Nhưng rồi sau đó vẫn cầm chai uống, vợ anh ta nói: Anh bảo bỏ rượu bao nhiêu lần rồi cơ mà. Thế khi nào anh mới bỏ thật đây?Sao anh nói bỏ rượu lâu rồi mà đến bây giờ anh vẫn còn uống? Và anh ta rất bực mình. Anh ta nói: “Đừng có lên mặt dạy bảo tôi, bởi vì cô cứ lên giọng dạy tôi đừng có uống, nên tôi phải uống nữa”. Vì vậy anh ta tiếp tục uống. Nhưng bởi vì có hành thiền, nên cơn thèm rượu cứ giảm dần, giảm dần và cuối cùng anh ta không muốn uống nữa. Một ngày, anh ấy nói: “Từ ngày hôm nay, tôi sẽ không uống nữa”. Và anh ấy thực sự dừng lại, không uống nữa, nhưng để thử thách mình xem lòng quyết tâm có thực sự mạnh mẽ hay không, anh vẫn giữ một chai rượu trong tủ lạnh. Chỉ như là một sự cám dỗ, để xem mình có thể thực sự cai rượu được không. Nhưng đúng là anh ấy đã bỏ hẳn rượu.Cho đến tận bây giờ, anh ấy không bao giờ uống một giọt rượu nào nữa.

Và một người phụ nữ khác tôi gặp ở Mỹ cũng thế, câu chuyện của cô ấy rất thú vị. Cô ấy nghiện ma tuý, nghiện rượu và tâm lý cũng không được ổn định lắm, cô ấy không bao giờ làm được công việc gì lâu dài, không thể hoà hợp được với mọi người. Cô ấy đến chùa, và tôi hỏi: “Tại sao cô đến chùa?” Cô ấy trả lời: “Tôi không ngủ được”. Tôi nói: OK, nếu không ngủ được thì OK, có một loại thiền cô có thể thực hành để ngủ được. Thể loại thiền đó là gì?Các bạn có biết không?Nếu thực hành loại thiền đó bạn sẽ ngủ rất ngon, và không có ác mộng...A... trước khi tôi nói hết, chắc các bạn đã đoán ra cả rồi.Thiền tâm từ, tất nhiên rồi. Khi thực hành thiền tâm từ, bạn trở nên rất dịu dàng, bạn cảm thấy bình yên, và bạn dễ ngủ, không có ác mộng, bạn thức dậy tươi mới và sảng khoái. Vì vậy tôi dạy cô ấy thiền tâm từ, rồi bảo cô ấy ngày hôm sau quay lại. Hôm sau cô ấy đến và nói: “Ngài thực hành thiền của ngài như thế nào? Tôi không thể thực hành được thiền tâm từ”. Tôi hỏi: “Tại sao cô không rải tâm từ cho chính mình? Nguyện cho tôi được hạnh phúc và bình an. Nguyện cho tôi mạnh khoẻ.Nguyện cho tôi có được tất cả những gì tốt đẹp mà tôi mong muốn.Tất cả mọi người đều thích làm như vậy”. Cô ấy nói: “Tôi không muốn nghĩ về bản thân mình, tôi ghét bản thân tôi”. Tôi hỏi: “Thế còn bố mẹ cô thì sao?”. Cô ấy trả lời: “Bố tôi chết đã lâu rồi. Ông ấy nghiện rượu và tôi căm ghét ông ấy bởi vì khi chúng tôi còn nhỏ, ông ấy không bao giờ nhìn ngó gì đến chị em chúng tôi”. “Thế còn mẹ cô thì sao?”, cô ấy nói: “Mẹ tôi cũng chẳng bao giờ quan tâm đến chúng tôi, vì vậy tôi cũng chẳng muốn nghe giọng bà ấy nữa. Khi bà ấy gọi điện thoại cho tôi, chỉ cần nghe thấy giọng bà ấy là tôi đã cúp điện thoại ngay rồi.Tôi không muốn nói chuyện với bà ấy”. Tôi hỏi: “Thế còn các thầy cô giáo của cô ở trường?”.“Chẳng có ai làm cho tôi cảm thấy tốt đẹp khi nghĩ đến cả”. “Còn bạn bè thì sao?”. Cô ấy nói: “Tôi không có bạn”.

Wow, tôi nghĩ, đây quả thực là một ca khó đây. Tôi chưa bao giờ gặp một trường hợp nào như vậy trước đây. Thế rồi tôi nói: “Tôi rất ngạc nhiên khi nghe cô nói như thế. Tôi không trách cô nhưng đây là lần đầu tiên tôi nghe một người nói rằng không có một người nào họ có thể yêu thương như vậy”. Cô ấy lặng yên ngồi nghĩ ngợi một lát rồi nói: “À, tôi có yêu một con chó nhỏ, nó là con chó của bạn tôi”. Không phải là con chó của cô ấy, mà làcon chó của bạn cô ấy. “Khi chơi với nó, tôi cảm thấy rất hạnh phúc”. Tôi nói: “Ồ, vậy thì ít nhất cô cũng có một sinh vật để yêu thương. Vậy bây giờ hãy nghĩ đến con chó ấy và rải tâm từ cho nó”.
Yêu thương con chó hay yêu thương con người thì cũng như nhau, cùng là một trạng thái tâm.Dần dần, tôi dạy cô ấy phát triển tâm từ - tình thương và lòng nhân hậu - và cả thiền chánh niệm nữa.Tâm cô ấy đờ đẫn và buồn ngủ suốt ngày, bởi vì đã dùng quá nhiều ma tuý và rượu, rất khó để ngồi thiền.Tôi hướng dẫn cô ấy tập đi kinh hành (thiền trong tư thế đi) một cách chánh niệm, chỉ đi chân trần trên nền xi măng ráp. Cô ấy thực hành rất chăm chỉ, cố gắng rất nhiều, tập trung hết sự chú ý vào từng bước chân nhấc lên, đặt xuống, cảm nhận những cảm giác trên bàn chân. Cô ấy thực hành đêm ngày, và một ngày đến gặp tôi và nói: đêm qua tôi thức giấc lúc nửa đêm, lúc mọi người đã ngủ sâu, và đêm ấy là đêm rằm. Tôi muốn ra ngoài, vì vậy tôi bước ra và ngắm trăng. Thật đẹp. Mặt trăng sáng trong.Tôi nhìn cây cối trong rừng, bởi vì chùa ở trong một khu rừng lớn, rừng tùng. Cô ấy nói: tôi nhìn những cái cây và thấy chúng đẹp quá, chúng rất sống động, tôi có cảm giác chúng như là những sinh vật sống như con người. Tôi cảm nhận được sự bình yên của chúng.Những cái cây ấy thật bình yên.Và tôi bắt đầu đi thiền hành, cô ấy nói, tâm tôi trở nên vô cùng yên tĩnh và bình yên.Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận được sự bình yên của tâm hồn.

Kể từ ngày ấy, cô ấy thực hành ngày càng tích cực hơn, sau một vài tháng cô ấy đã hoàn toàn bỏ hẳn ma tuý, rượu và mọi thứ khác. Trước đó cô ấy sử dụng rất nhiều loại ma tuý khác nhau, cần sa, heroin... Bởi vì nghiện ma tuý và rượu nên cô ấy không ăn được, người chỉ còn da bọc xương, rất nghèo, không có một xu dính túi.Sau khi bỏ rượu và ma tuý, cô ấy khoẻ mạnh trở lại, ăn được và có viết thư cho tôi.Bây giờ đã tăng được 9 kg. Cô ấy tăng cân, hạnh phúc hơn, khoẻ mạnh hơn và bắt đầu có thêm nhiều bạn bè, tìm được một công việc mới, làm kế toán, bởi vì trước kia cô ấy có bằng kế toán. Khi tôi quay lại Mỹ năm 2001, lần đầu tôi gặp cô ấy là năm 1983 và tôi rời Mỹ năm 1984, mãi đến năm 2001 tôi mới quay trở lại. Cả một thời gian 17 năm.Khi tôi đến đó, cô ấy tìm ra tôi ở đó và đến gặp, tôi thấy cô ấy và rất vui.Tôi chào cô ấy.Thầy còn nhớ con không? Tôi nói: tất nhiên là tôi nhớ cô chứ. Cô bây giờ trông thật khoẻ. Cô ấy nói: vâng, bây giờ con rất khoẻ, con chăm sóc bản thân con rất tốt. Con ăn uống tốt, hành thiền mỗi ngày, đi kinh hành mỗi ngày hai lần, một lần buổi sáng và một lần buổi tối, con có một công việc và có một ngôi nhà.

Bạn thấy đấy, cuộc đời cô ấy đã hoàn toàn thay đổi. Thiền đem lại cho cô ấy sự tự tin, sức mạnh, sự dũng cảm, quyết tâm, kiên nhẫn và kỷ luật, tất cả mọi thứ, vì vậy cô ấy có thể hoạch định cho cuộc sống và thay đổi cuộc sống của mình. Tôi rất vui khi gặp lại cô ấy.Và một điều nữa cô ấy nói là cho đến bây giờ cô ấy vẫn không hề uống rượu trở lại.Cô ấy nói thế, cô ấy rất hạnh phúc khi nói điều đó.Tôi không uống rượu nữa. Nghĩa là cô ấy cai rượu từ năm 1984 và đến tận lần cuối cùng tôi gặp cô ấy năm 2001, cô ấy không hề đụng đến một giọt rượu nào. Cô ấy trông rất khoẻ.
 Một điều nữa cô ấy nói là, con có một chỗ thờ Phật nho nhỏ trong phòng làm việc.Tôi không cố cải đạo cho cô ấy thành một Phật tử.Tôi chỉ dạy cô ấy sống một cuộc đời lành mạnh, làm cho tâm cô ấy tĩnh lặng và bình yên hơn, trở thành một người hạnh phúc và một lối sống lành mạnh.Tôi chỉ giúp cô ấy làm như vậy.Nhưng sau đó, cô ấy đã phát triển tình thương và lòng kính trọng, đối với Đức Phật và cả các nhà sư. Khi gặp lại, cô ấy đảnh lễ với sự khiêm nhường thực sự, với lòng biết ơn chân thành và tôi cảm thấy rất hạnh phúc, không phải vì cô ấy đảnh lễ tôi, mà tôi cảm thấy hạnh phúc và vui mừng cho trái tim cô ấy, cho sự biết ơn, cho Giáo Pháp và Đức Phật.

Trích: KHÔNG THỂ SỐNG THIẾU THIỀN
Thiền sư Sayadaw U Jotika

0 nhận xét:

Đăng nhận xét