Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2016

SÁCH: THÁI ĐỘ TIÊU CỰC - Thiền sư Sayadaw U Jotika (Phần I)


Ngày hôm nay là một ngày thật bình yên, tiếng mưa đang rơi trên mái nhà và trên những ngọn cây. Nghe thật mê ly làm sao. Trong buổi sáng Chủ Nhật bình yên này, tôi muốn nói về một vấn đề lại chẳng bình yên chút nào.

Tôi thích nói về những điều tích cực, những tư tưởng tích cực, những ý tưởng đẹp bởi vì khi chúng ta suy nghĩ và nói nhiều về những điều tích cực, thì sẽ càng có nhiều điều tốt đẹp đến với cuộc đời chúng ta. Điều này thực sự rất quan trọng. Tôi nhận thấy nhiều người rất hay suy nghĩ đến những điều tiêu cực – những điều tiêu cực về mọi người, về cuộc đời của họ, về hoàn cảnh, về chính bản thân mình, về thời tiết, về chính phủ, về cả thế giới này. Tất nhiên là có rất nhiều điều tiêu cực đang diễn ra - ở bên trong chúng ta và xung quanh chúng ta. Nhưng nếu suốt ngày chỉ đào sâu vào những điều tiêu cực đó thì chẳng lợi ích chút nào cả. Song dù sao những việc như vậy vẫn cứ thường xảy đến trong cuộc đời chúng ta, vì vậy chúng ta không thể phớt lờ nó, không thể che đậy những điều đó.


Chúng ta nên chú ý hơn nữa, hãy nhìn
mọi thứ thật cẩn thận, hiểu rõ chúng và xem
 có thể giảm bớt những tiêu cực đó trong cuộc sống của mình hay không.

Luôn luôn có một điều tiêu cực nào đó xảy đến – trong cơ thể của chúng ta, trong tâm chúng ta, ở môi trường, ở xung quanh chúng ta. Ngay cả khi nói về những điều tiêu cực, chúng ta không chỉ phàn nàn, mà còn cố gắng tìm xem mình có thể làm được gì để giải quyết nó hay không, do đó nó lại chính là tích cực. Khi chúng ta nói hay suy nghĩ về những điều tiêu cực và dừng lại ở đó, thì đơn thuần chỉ là tiêu cực mà thôi. Nó chẳng có lợi ích gì cả. Nhưng khi chúng ta suy nghĩ hay nói về những gì đang diễn ra trong chính mình và ở xung quanh chúng ta – những điều tiêu cực – và cố gắng thấu hiểu chúng một cách sâu sắc để xem mình có thể làm được gì và làm cách nào để giảm thiểu chúng, thì đó chính là tích cực. Đó là điều chúng ta nên làm.

Và bạn thấy trong Tứ Diệu Đế - Bốn Sự Thật Cao Thượng, sự thật cao thượng thứ nhất là sự thật về khổ. Đó là một cái gì đó tiêu cực. Nếu Đức Phật chỉ dừng lại ở đó thì chúng ta có thể nói rằng Ngài là một người tiêu cực và bi quan. Nhưng Đức Phật không dừng lại ở đó. Ngài nói về nguyên nhân của khổ, sự đoạn diệt của khổ và phương pháp thực hành dẫn đến chấm dứt đau khổ. Đó là tích cực.

Nhiều người nói đạo Phật là bi quan, yếm thế. Không.

Đạo Phật không phải là chủ nghĩa bi quan.
Đạo Phật là chủ nghĩa thực tế.

Xét về nhiều mặt, tôi có thể nói rằng thực ra Đạo Phật là chủ nghĩa lạc quan. Đạo Phật rất lạc quan bởi Đức Phật dạy rằng bạn có thể làm được điều gì đó để giải quyết sự tiêu cực ấy. Có cách để giải quyết nó.

Điều đó thực ra rất lạc quan. Nếu Đức Phật nói bạn chẳng làm được gì cả, đó là số phận của bạn, thì đó mới là bi quan. Đức Phật nói bạn có thể làm được điều gì đó với nó. Bằng một cách nào đó, bạn có thể làm chủ được nó.

Ngày hôm nay chúng ta hãy nói về những điều tiêu cực, với hy vọng rằng các bạn sẽ hiểu và giảm bớt được chúng.

Ngày nay, người ta nói rất nhiều về công nghệ và hiệu quả. Chẳng hạn, chiếc ô tô của bạn chạy không hiệu quả vì động cơ bị hỏng, hay căn chỉnh máy không chuẩn. Và mặc dù vẫn lái xe được song chiếc xe của bạn không chạy được số km tối đa trên mỗi lít xăng nó tiêu thụ. Một số chiếc xe chạy được 30 dặm/1 lít, một số chỉ chạy được có 15 dặm. Điều đó cũng phụ thuộc vào kích cỡ của xe nữa.

Song dù gì đi nữa, chúng ta vẫn thường nghĩ rất nhiều đến tính hiệu quả. Và ngay cả trong việc xây dựng nhà cửa, ngày nay chúng ta được nghe rất nhiều ý kiến tư vấn để làm sao xây được một ngôi nhà hiệu quả nhất. Bạn không phải sử dụng nhiều năng lượng, điện năng để giữ cho nhà được ấm áp hay mát mẻ. Bạn phải nghĩ đến tính hiệu quả bằng cách làm thêm những lớp cách nhiệt cho nhà.

Cũng như vậy, tôi nghĩ chúng ta cần phải nghĩ đến tính hiệu quả trong cuộc sống, trong thân và tâm của chúng ta. Khi những điều tiêu cực xảy đến trong cuộc sống của chúng ta, nó làm giảm hiệu quả của thân và tâm. Và cả khi tiếp xúc với mọi người, một số người thường nói lặp đi lặp lại những điều tiêu cực, nếu bạn bảo họ hãy làm một điều gì đó để chấm dứt việc ấy đi, họ sẽ nói rằng họ chẳng thể làm được gì hết. Họ chỉ muốn nói về nó.

Khi gặp những người như vậy, tôi cứ phải nghe đi nghe lại những điều y hệt như nhau. Bạn muốn giúp đỡ họ, nhưng họ lại không muốn được giúp đỡ. Họ chỉ muốn nói về những vấn đề tiêu cực. Bạn còn có thể làm được gì nữa bây giờ? Nếu thấy rằng mình thực sự chẳng làm được gì, bạn không thể giúp được họ cái gì hết, thì điều tốt nhất là hãy tránh xa. Nhưng nếu bạn có thể giúp được họ, thì việc đó đáng làm, bạn sẽ không uổng phí năng lượng của mình.

Có nhiều người làm hao phí rất nhiều năng lượng của bạn, bằng nhiều cách khác nhau. Chiếc xe ô tô sẽ gây hao phí năng lượng nếu không được căn chỉnh cho chuẩn; hay ngôi nhà sẽ gây hao phí điện năng nếu không được thiết kế hợp lý và cách nhiệt tốt. Nó kém hiệu quả. Những người chỉ nói về vấn đề khó khăn của mình mà chẳng chịu làm những việc có thể làm, cũng là những người kém hiệu quả. Họ chỉ làm hao tốn năng lượng của bạn mà thôi.

Trong công việc cũng vậy, một số người nói họ làm việc rất nhiều. Họ cố gắng hoàn thành công việc của mình rồi trình lên cho xếp. Có người nói, xếp vứt công trình của anh ta vào một xó và chẳng sử dụng đến. Và anh ta cảm thấy mình thật là vô dụng. Anh ta đã làm việc cật lực trong bao nhiêu tháng trời, để rồi công trình ấy bị coi là vô ích. Có thể họ nói đã trả lương cho anh ta về việc đó, họ đã thanh toán đầy đủ, nhưng tiền không phải là tất cả. Chúng ta cần cảm thấy mãn nguyện và cảm thấy công việc của mình có ích cho mọi người. Có một cách rất, rất tàn nhẫn để trừng phạt một người nào đó là bắt anh ta làm những việc vô ích.

Người ta làm một thí nghiệm tâm lý trên số những tù nhân phạm tội nhẹ bị bắt và nhốt trong tù, một số nhà tâm lý học đã được sự cho phép của ban quản lý nhà tù để làm thí nghiệm này. Họ chia tù nhân thành hai nhóm. Một nhóm yêu cầu phải chuyển một đống cát từ chỗ này đến chỗ kia. Và khi đã chuyển xong đống cát đến đó, họ lại phải chuyển trở lại chỗ cũ. Và họ phải làm đi làm lại mỗi công việc đó.

Nhóm tù thứ hai được yêu cầu chở đất và làm một con đường đi. Họ vận chuyển đất, đá và lát con đường đó. Cả hai nhóm đều được phân công làm trong một thời gian và một khối lượng công việc như nhau. Nhóm thứ nhất trở nên rất trầm cảm và ốm yếu. Nhóm thứ hai rất hạnh phúc và đầy năng lượng. Họ có giờ làm việc và khối lượng công việc ngang nhau, chỉ vận chuyển đất, đá và cát từ chỗ này đến chỗ kia. Tại sao thế? Có sự mãn nguyện thực sự - bởi vì nhóm thứ hai đã làm một công việc có ý nghĩa và có ích. Họ cảm thấy mình làm được một việc tốt cho mọi người. Họ đang làm đường đi. Họ cảm thấy rất hạnh phúc mặc dù cả hai nhóm đều có cùng một mức độ mệt mỏi như nhau. Nhưng họ không cảm thấy mệt mỏi về tinh thần, họ không bị trầm cảm.

Sống hiệu quả là điều rất quan trọng.
Bạn đã làm được bao nhiêu việc lợi ích cho
 chính mình và cho người khác?
 Chẳng ai ngồi yên để mà nhìn tiền bạc và thời gian của mình trôi qua hoang phí. Khi có tiền, bạn muốn đầu tư đồng tiền ấy. Bạn mua chứng khoán và theo dõi thị trường chứng khoán. Và nếu nghe thấy giá cổ phiếu của công ty ấy đang giảm xuống, bạn sẽ bán nó đi càng sớm càng tốt. Bạn không muốn mất tiền, không muốn tiền bạc của mình hao tổn. Bạn mua một loại cổ phiếu khác mà bạn tin là sẽ sinh lời và mang lại thêm tiền bạc. Chúng ta thường suy nghĩ rất nhiều đến những điều đó, không để tiền bạc của mình bị phung phí.

Thế nhưng còn thời gian và năng lượng thì sao?? Thời gian và năng lượng của chúng ta. Chúng ta phung phí rất nhiều thời gian và năng lượng. Chính vì thế chúng ta thường không có đủ thời gian. Uổng phí quá nhiều thời gian. Chẳng hạn như ngồi lỳ một chỗ xem TV đến 3-4 tiếng đồng hồ. Thật là hoang phí thời gian. Thậm chí nó cũng chẳng còn là giải trí nữa. Nó đã trở thành một thói nghiện. Bạn cũng chẳng thực sự cảm thấy hạnh phúc về điều đó (việc xem TV ấy). Vậy đó, chẳng ai chịu ngồi yên để cho tiền bạc và thời gian của mình mất mát đi uổng phí, nhưng rất ít người quan tâm đến năng lượng tinh thần và trạng thái tâm của mình – đúng vậy, năng lượng tinh thần và trạng thái tâm.

Điều rất quan trọng là phải quán sát suy nghĩ
 của bạn suốt trong ngày. Quán sát suy nghĩ cũng là niệm tâm (cittanupassana)[1].
Suốt cả ngày bạn đã nghĩ những gì? Nếu bạn suy nghĩ về một vấn đề gì đó mà chẳng làm gì hay chẳng thể làm gì để giải quyết mà cứ nghĩ quanh nghĩ quẩn hoài, là bạn đang phung phí năng lượng của tâm mình; và không chỉ năng lượng của tâm, bạn cũng phung phí cả năng lượng của cơ thể mình nữa. Bạn sẽ cảm thấy rất mệt mỏi. Bạn đánh mất đi khả năng sáng tạo của mình.

Khi con người định tĩnh, bình an và chánh niệm[2], họ trở nên sáng tạo hơn. Họ có thể nhìn thấy mọi việc một cách rõ ràng hơn, có thể liên kết các ý tưởng lại và tìm ra được một cách tốt đẹp hơn để làm mọi việc, sáng tạo ra những ý tưởng mới và sự việc mới.

Nhưng khi suy nghĩ những suy nghĩ tiêu cực, và bạn không làm hoặc không thể làm gì được mà chỉ nghĩ và nghĩ, bạn chỉ đang phung phí thời gian của mình mà thôi. Do đó, nếu chú ý tìm hiểu loại suy nghĩ nào mình đang nghĩ đến trong ngày, bạn sẽ thấy rằng phần lớn chúng là vô ích.

Sự bất mãn hàng ngày là một trong những
thứ hủy hoại năng lượng tinh thần và
 trạng thái tâm của bạn ghê gớm nhất.

Bất mãn[3] - là điều gì đó khiến bạn cảm thấy buồn bực và thất vọng. Bạn bị bất mãn nhiều như thế nào trong cuộc sống mỗi ngày, và làm cho mình bực bội và giận dữ? Điều đó còn tùy thuộc vào tâm trạng của bạn. Một số người không phản ứng nhiều lắm. Họ giữ được bình tĩnh, sự bình an và trạng thái tâm quân bình (xả) hơn nhiều người khác. Nhưng một số người khác, ngay khi mở mắt thức dậy họ đã bắt đầu nghĩ: “Ah...lại một ngày nữa đây…”, họ đã bất mãn ngay rồi. Chỉ tại vì đó là một ngày nữa, họ khó chịu vì điều đó.
Thế nên tại sao điều rất quan trọng là ngay
 khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy hành thiền, chánh niệm, hãy chú ý đến các suy nghĩ của mình.

Và nếu bạn đã quen làm vậy, việc đầu tiên vào buổi sáng là thiền, tĩnh lặng, bình an và chánh niệm, điều đó sẽ đặt tâm bạn vào một trạng thái bình an và tĩnh lặng, không phản ứng.

Chánh niệm là không phản ứng.
Phản ứng không phải là chánh niệm,
 phản ứng không phải là giải thoát.
 Phản ứng là một ngục tù.

Sự bất mãn xảy đến mỗi ngày là một trong những kẻ hủy diệt năng lượng tinh thần và trạng thái tâm của bạn một cách ghê gớm nhất. Nếu có điều gì không bình thường xảy đến, hôm nay trời mưa chẳng hạn, có thể tôi sẽ cảm thấy rất hạnh phúc vì trời mưa. Nhưng đối với một số người thì: “Trời ơi, lại mưa nữa!”. Đó là bất mãn. Bạn tự làm cho mình thất vọng.

Một số người có thể nhìn thấy những điều tích cực ở trong nhiều thứ, hầu hết tất cả mọi thứ. Tôi biết một vị thầy, thực ra là thầy của thầy tôi, người đã qua đời. Ngài là một vị thầy lớn của các vị sư, và có rất nhiều học trò. Ngài xây dựng một ngôi chùa rất lớn, giống như một trường đại học dành cho các vị sư. Và ngài luôn luôn tích cực, luôn nói những điều tốt đẹp về mọi người.

Ngài có nhiều người bạn cùng trang lứa, họ rất thân thiết và có thể nói chuyện với nhau như bạn bè. Một người bạn và cũng là sư đệ của ngài nói: “Saydadaw[4], ngài lúc nào cũng khen ngợi mọi người về một điều gì đó. Bây giờ tôi muốn hỏi ngài một câu. Cái ông sư kia bị khùng khùng, lẩn thẩn, vậy ngài khen gì ở ông ta, ngài có thể nói được điều gì tốt về ông ta, hãy nói tôi nghe thử xem nào”.

Bạn có biết ngài trả lời thế nào không? “Ông ấy đi rất nhẹ nhàng, không gây một tiếng động nào, cứ như một con mèo ấy. Ông ấy chẳng bao giờ gây ồn”. Ngài Sayadaw này luôn tìm ra được một điều gì đó để khen, ngay cả khi vị sư đó là một người lẩn thẩn.

 Điều rất quan trọng cần hiểu biết, đó là nhân cách của bạn, cá tính của bạn. Nhưng đừng có tự biện hộ rằng: “Ồ, tính của tôi là cứ phải càu nhàu như thế cả ngày đấy”. Không. Bạn có thể thay đổi được tính cách của mình. Khi bạn phát triển được định tâm[5] mạnh cùng chánh niệm, và phát triển một số tuệ giác, nó sẽ làm thay đổi tính cách của bạn.

Tôi biết nhiều người rất hay phản ứng, phản ứng một cách tự động và đã chứng kiến rất nhiều chuyện tồi tệ xảy đến trong cuộc đời họ, nhưng rồi họ đã trở nên rất tích cực, thật tĩnh lặng và bình an. Tôi đang nói về một người, có lần bạn anh nhận ra sự thay đổi đó và nói: “Bây giờ trông bạn thật hạnh phúc và bình an”. Anh ấy trả lời: “Trước đây tôi rất khổ sở, khó chịu và giận dữ. Nhưng tôi đã học hiểu được để trở nên bình an”. Đó là điều bạn có thể học. Đừng nói: “Tính của tôi như thế. Tôi chẳng làm gì được cả”. Hay “tính tôi đã bị uốn như thế từ bé rồi”. Đó chỉ là sự định khuôn. Đúng, nếu bạn có thể định khuôn, uốn nắn tính cách mình trở nên như thế, thì bạn cũng có thể tự định khuôn, uốn nắn mình trở thành bình an. Tại sao không? Nếu bạn có thể làm việc đó theo chiều này, thì bạn cũng có thể làm theo chiều ngược lại được chứ. Luôn luôn có hy vọng. Nếu bạn muốn, bạn có thể làm được điều đó.

Một giờ bất mãn cao độ có thể làm bạn mất
 năng lượng hơn cả 12 giờ làm việc nặng nhọc.

Có đúng thế không? Một giờ bất mãn cao độ có thể làm bạn mất năng lượng hơn cả 12 giờ làm việc nặng nhọc. Nó phụ thuộc vào mức độ bạn phản ứng mạnh như thế nào, đặc biệt đối với những người bị bệnh tim mạch, họ sẽ nói: đúng, thực sự đúng như vậy. Mỗi khi buồn bực điều gì, họ mất hết cả năng lượng, và không thể làm việc được nữa. Họ chỉ lên giường và nằm nghỉ.

Vì vậy, điều rất quan trọng là bạn phải quan sát trạng thái tâm của mình. Đó là một phần của thiền tập. Khi nào bạn cảm thấy bất mãn? Lúc nào bạn thấy buồn bực và thất vọng? Hầu hết là ở chỗ làm việc hay khi bạn gặp gỡ ai đó, khi đi ra ngoài. Có người nói: “Tôi chẳng muốn đi đâu cả, chỉ muốn ở trong phòng thôi. Tôi không muốn cho ai vào phòng, vì tôi sẽ lại bực mình”. Bạn có thể sống cả cuộc đời như vậy một cách hữu ích được chăng? Không. Không phải tự giam mình trong phòng mà phải ra ngoài làm những việc bạn cần làm, gặp gỡ mọi người mà vẫn gìn giữ được tâm trạng, sự tĩnh lặng và bình an của mình – đó là điều bạn nên học hỏi.

Sự bất mãn làm hạ thấp ngưỡng khởi  đầu
bất an của bạn.
(Càng bất mãn, bạn càng dễ bực bội, bất an).

Hầu hết tất cả chúng ta đều mang trong mình một tàn dư bất an, sân hận hay bực bội nào đó, hầu như trong mọi lúc. Chúng ta không thực sự mãn nguyện, không hoàn toàn mãn nguyện và thanh thản trong mọi lúc.

Một số thiền sinh, khi hành thiền, họ trở nên rất bình yên và tĩnh lặng, không còn chút bất an nào, không còn chút bất mãn, sân hận hay bực bội nào. Họ có thể trở nên thực sự bình an và tĩnh lặng. Và nếu bạn kinh nghiệm được sự bình an, tĩnh lặng đó trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, dù chỉ là một phút, nó cũng thực sự ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc đời bạn. Bạn không thể đắc đạo ngay lập tức được, nhưng nó sẽ có một ảnh hưởng thực sự đến cuộc đời bạn, bởi vì giờ đây bạn đã có một chuẩn mực để so sánh. Hầu hết mọi người không có cái gì để so sánh, đối chiếu cả.

Tôi biết nhiều người lúc nào cũng khổ sở, rất bứt rứt, bất an và phiền não bởi vì họ không có chuẩn mực để đối chiếu, và khi thử hành thiền, học hỏi và trở nên bình an, tĩnh lặng, thậm chí chỉ trong một phút giây ngắn ngủi, bỗng nhiên họ thay đổi. Họ nói: “Tôi không cần phải theo cách đó nữa. Tôi biết mình có thể làm được điều gì đó với nó”. Rồi họ cố gắng chánh niệm hơn, ngày càng chánh niệm hơn nữa, ngay cả khi ở trên phố hay lúc đi đường, lúc làm việc, khi gặp gỡ mọi người, họ cố gắng duy trì sự bình an và chánh niệm.

Do đó, chúng ta cần có một chuẩn mực để đối chiếu, nhưng nó phải là kinh nghiệm của chính bạn, không phải là một ý tưởng. Chúng ta không thể thực sự học hỏi chỉ từ sách vở hay nghe người khác nói. Chúng ta học hỏi từ sự thực hành.

Để hiểu được sự bình an, trước hết bạn
phải trở nên bình an đã, chỉ nghe
người khác nói về sự bình an và cách
đạt được nó thì không đủ. Hãy thực hành.
 Hãy tự mình kinh nghiệm điều đó.

Một khi đã kinh nghiệm được sự bình an, từ góc nhìn ấy, bạn có thể thấy rằng mình không cần phải tức giận hay thất vọng về mọi thứ như thế nữa. Điều đó là vô ích. Sự bất mãn làm hạ thấp ngưỡng khởi đầu bất an của bạn. Do đó, khi đã chứa đựng bất mãn trong lòng, nếu nghe hay nhìn thấy hay gặp gỡ một người làm những việc mà bạn không thích, sự bất mãn có sẵn ấy sẽ khiến bạn bùng nổ ngay. Đôi khi chúng ta thấy có những người bực bội, bất mãn chẳng vì lý do nào cả. Một người kể: “Cha tôi, bạn không thể nói gì với ông ấy được. Bạn chỉ cần nói gì đó, có lỗi lầm nhỏ nhặt nào đó là ông ấy bực mình, chửi rủa, la mắng liền. Vì vậy, tốt nhất là tránh mặt đi”. Bởi vì chúng ta luôn mang theo trong mình một nỗi buồn, một nỗi khổ, một sự bất toại nguyện nào đó, nên chỉ cần một sự bất an nho nhỏ thôi cũng đủ làm cho mình nổi nóng. Không phải tất cả là lỗi của người khác, mặc dù họ cùng chịu một phần trách nhiệm, nhưng không phải họ hoàn toàn sai (và mình là hoàn toàn đúng).

Bạn đang tham gia vào nó, mỗi khi có chuyện gì đó xảy đến trong cuộc đời bạn, hãy cố gắng tìm hiểu xem mình đang tham gia hay đang góp phần vào chuyện đó như thế nào, theo cách nào.

Trong ngành tâm lý học, họ dùng một thuật ngữ là – sự góp phần của quỷ dữ. Tôi không nhớ chính xác là ai đã nói điều đó, nhưng tôi đã từng đọc về nó – đó là một ý tưởng vĩ đại. Chúng ta tham dự và góp phần vào bất cứ những gì xảy đến trong cuộc đời mình. Ngay cả khi xem TV, khi có tin tức xấu nào đó trên chương trình thời sự, chúng ta liền bất mãn: “Đấy, nhìn đấy mà xem”. Trong tất cả mọi thứ đang diễn ra. Đôi khi họ nói: “Toàn là dối trá. Chúng nó toàn là bọn lừa đảo”. Bạn bực mình, thất vọng. Khi thất vọng, bạn có thể nào thất vọng mà không tự mình tham gia và góp phần vào đó được không? Bạn không thể.

Không ai có thể thực sự khiến bạn hạnh phúc,
 và cũng không ai có thể làm cho bạn đau khổ -
 trừ phi chính bạn tham dự  vào việc đó.

Bạn xem TV hoặc vedio, ai đó đang cố nói đùa, diễn hài. Nếu thuần túy giữ chánh niệm, chỉ nghe thấy âm thanh chứ không phải lời nói, bạn sẽ không cười. Để cười được trong một trò đùa, bạn cần phải tham dự vào trong đó. Hãy hiểu điều này một cách thật sâu sắc. Tất cả mọi cảm xúc bạn kinh nghiệm được – đó là bởi vì bạn tham dự và góp phần vào trong đó. Hãy xem bạn làm việc này nhiều như thế nào trong suốt cả ngày. Nếu bạn không tham dự, nó sẽ không thể ảnh hưởng được đến bạn theo bất cứ cách nào. Tôi tham dự, tôi góp phần vì vậy tôi chịu trách nhiệm về hạnh phúc hay đau khổ của mình. Không ai có thể làm cho tôi cười nếu tôi không muốn cười. Tôi có thể giữ tâm bình thản dù bạn nói bất cứ điều gì. Ngay cả khi có người thọc lét (cù) bạn, nếu bạn không tham gia, bạn sẽ không cười. Bạn có thể làm được điều đó. Bạn có quyền làm điều đó. Hãy hiểu cái quyền của chính mình.

Tôi có cái quyền đó. Tôi có khả năng đó.
Tôi có thể giữ tâm mình bình thản. Tôi có thể giữ gìn sự bình an của mình. Tôi có thể giữ chánh niệm. Tôi có sức mạnh ấy.

Nếu bạn nói: “Tôi chẳng làm được gì hết”, điều đó nghĩa là bạn không có quyền, bạn bất lực. Họ có thể làm bất cứ điều gì với bạn. Nếu bạn cho phép một người nào đó đến, nói với mình một lời và phá hủy toàn bộ trạng thái tâm của mình, khi đó bạn có thể nói gì – bạn có quyền hay anh ta có quyền? Nếu anh ta có quyền, thì anh ta có thể làm bất cứ chuyện gì với bạn, bất cứ lúc nào. Anh ta có thể phá hủy tâm trạng của bạn bất cứ lúc nào. Vậy ai cho anh ta cái quyền đó? Bạn cho anh ta cái quyền đó bằng cách tham gia cùng với anh ta. Và nếu bạn hiểu được điều đó, thì bạn sẽ cảm thấy có trách nhiệm về đau khổ của chính mình.
 Sự bất mãn mang lại một điều chắc chắn: những việc rất nhỏ cũng dễ dàng đánh đổ được bạn.

Khi tâm đã có bất an, thì những sự việc nhỏ bé cũng có thể đánh đổ bạn. Bạn không thể giữ được sự quân bình. Nó khiến chánh niệm của bạn bị thu hẹp và khiến bạn trở nên thiển cận, hoặc thậm chí mù quáng. Khi sân hận cường độ mạnh, tâm con người trở nên mù quáng. Họ không thấy được cái nào đúng, cái nào sai, cái gì thích hợp, cái gì không. Vì vậy, những cảm xúc mạnh gây ảnh hưởng đến tâm bạn và khiến chánh niệm của bạn suy yếu. Chánh niệm suy yếu nghĩa là bạn trở nên mù quáng.

Nhưng khi chánh niệm suốt cả ngày, mọi ngày,
 bạn sẽ phát triển chánh niệm, chánh niệm
 ngày càng mạnh hơn và bạn có thể chánh niệm được trước khi bất cứ việc gì xảy ra.
 Bạn đã chuẩn bị sẵn sàng.

Ở trong trạng thái tâm đó, nếu có việc gì xảy đến, bạn cũng sẽ không phản ứng.

Phản ứng, Hành động và Ứng phó – ba từ có nghĩa tương đối gần nhau, nhưng không phải là một. Chúng khác nhau rất nhiều. Phản ứng nghĩa là nó diễn ra một cách tự động. Có ai đó đến và nhấn cái nút điều khiển của bạn, và bạn phản ứng một cách tự động. Phản ứng tự động đa phần là bất thiện. Dù bạn phản ứng bằng tâm tham, sân, ngã mạn, ghen tỵ hay ghen tuông, bất cứ cái gì, hầu hết các phản ứng tự động đều là bất thiện bởi vì thiếu chánh niệm. Nhưng khi thực hành chánh niệm, chúng ta ngày càng chánh niệm hơn, khi nghe, khi thấy việc gì đó, chúng ta không phản ứng, bởi vì đã có mặt chánh niệm cùng với phần nào trí tuệ và hiểu biết ở đó.

Do vậy, khi bạn cần làm điều gì đó đối với việc ấy, bạn ứng phó.

Ứng phó đến cùng với chánh niệm và hiểu biết,
 vì vậy nó có sự tự do, giải thoát. Ứng phó có
 tự do, còn phản ứng thì không.

Bạn muốn có tự do, giải thoát hay không? Điều đó tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể huấn luyện tâm mình và được giải thoát. Hoặc bạn có thể cứ để tâm mình chạy hoang và bị trói buộc?

Ai làm chúng ta bị trói buộc hay giải thoát?
Chính những suy nghĩ của mình,
 chính cái tâm của mình.

Tâm si của mình, chính là tâm phóng dật[6], tâm thất niệm, lơ đãng. Càng lơ đãng, phóng dật, chúng ta càng ít tự do.

Càng chánh niệm chúng ta càng tự do.
Càng tự do, chúng ta lại càng có quyền lực.

Bởi vì những người không tự do là những người cảm thấy bất lực. Người tự do, giải thoát cảm nhận được nhiều quyền lực hơn. Chánh niệm làm cho bạn có quyền lực hơn và tự do hơn. Bạn không phản ứng một cách tự động, bạn hiểu rõ hoàn cảnh và tình huống, ngay cả khi có người đến nói những điều tồi tệ với bạn, bạn thấu hiểu được con người đó, trạng thái tâm của anh ta, tại sao anh ta ăn nói như vậy, và khi đó bạn có thể ứng phó, đáp ứng lại. Tôi không nói bạn đừng nói gì hay chạy trốn đi nơi khác, bởi vì điều đó không giải quyết được vấn đề. Hãy hiểu người ta, hiểu rõ hoàn cảnh và giữ chánh niệm của bạn. Hãy làm những việc gì đúng đắn, cần thiết, rồi bạn sẽ có quyền lực (đối với tâm mình) và tự do. Và bạn cũng không hề đánh mất lòng tự trọng của bản thân.

Tiếp theo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét