Thứ Tư, 8 tháng 8, 2012

CƠ BẢN VỀ ĐẠO PHẬT VÀ THIỀN NGUYÊN THỦY





I. GIỚI THIỆU ĐẠO PHẬT
1.1. Đức Phật
Sơ lược cuộc đời Đức Phật:
Đức Phật( bậc giác ngộ), là một nhân vật có thật trong lịch sử. Ông là hoàng tử của một vương quốc nhỏ thuộc về lãnh thổ Nepal- Bắc Ấn Độ hiện nay vào khoảng năm 624 trước Công Nguyên
Mặc dù bản thân được hưởng thụ đầy đủ tiện nghi vật chất và được cha mẹ, người thân  thương yêu, kính trọng nhưng ông đã nhận ra rằng con người không ai thoát khỏi cái khổ cúa tâm Tham, Sân, Si, để rồi bị cuốn vào vòng xoáy bất tận cúa Sinh- Già- Bệnh- Chết, rồi lại tái sinh, chịu khổ mãi mãi không ngừng. Chàng hoàng tử đã xúc động sâu xa, và muốn tìm ra con đường đưa mọi người tới hạnh phúc mãi mãi và năm 29 tuổi, chàng từ giã vợ con, và tìm học với các bậc đạo sư vĩ đại đương thời.
Cuối cùng, sau 6 năm tự tu khổ hạnh và 49 ngày thiền quán dưới cội cây Bồ đề, chàng đã trở thành Phật-đà (Buddha), một bậc Giác Ngộ. Ngài đã chu du khắp miền Bắc Ấn độ để truyền dạy cho mọi người những gì mà ngài đã chứng ngộ. Những lời giảng dạy cúa Đức Phật tràn đầy từ bi và trí tuệ vẫn còn lưu truyền đến ngày nay như ngọn đuốc chỉ đường cho hàng triệu người tìm được chân giá trị cúa hạnh phúc.
Đức Phật là một vị thầy chỉ đường vĩ đại
- Đức Phật là cũng là một con người như chúng ta. Ngài sanh ra là một người, sống như một người, và từ giã cõi đời như một người. Mặc dầu là người, Ngài trở thành một người phi thường, một bậc siêu nhân, do những cá tính ưu việt của Ngài. Đức Phật đã ân cần nhắc nhở nhiều lần như vậy và không có điểm nào trong đời sống hoặc trong lời dạy của Ngài để chúng ta lầm hiểu rằng Ngài là một nhân vật vô sanh bất diệt.
- Không bao giờ Đức Phật cưỡng bách tín đồ phải làm nô lệ cho giáo lý của mình hay cho chính mình. Những ai bước theo dấu chân Ngài đều được tự do tư tưởng. Ngài khuyên dạy hàng môn đệ không nên nhắm mắt chấp nhận những lời của Ngài chỉ vì kính nể, tôn trọng, nhưng phải xem xét, nghiên cứu, suy niệm cẩn thận
-  Đức Phật minh bạch dạy rằng:
"Các con phải tự mình nỗ lực. Các đấng Như Lai chỉ là đạo sư."
- Đức Phật chỉ vạch cho ta con đường và phương pháp mà ta có thể nương theo đó để tự giải thoát ra khỏi mọi khổ đau của vòng sanh tử và thành tựu mục tiêu cứu cánh
- Đức Phật cũng không bao giờ tự gọi là "Đấng Cứu Thế" có quyền năng cứu vớt kẻ khác. Ngài khẳng định rằng con người phải tự nhận trách nhiệm thay đổi và hoàn thiện chính mình, ỷ lại nơi người khác sẽ không thể thành công. Ngài nhấn mạnh “Mỗi chúng sinh là chủ nhân của Nghiệp do mình tạo ra”, “Không ai có thể cứu mình ngoài chính mình”.

1.2. Đạo Phật là gì?
Đạo Phật là con đường của HIỂU BIẾT và YÊU THƯƠNG
Đạo có nghĩa là con đường, Phật có thể hiểu là Đức Phật hoặc Đấng Giác Ngộ. Từ đó có thể định nghĩa Đạo Phật chính là con đường mà Đức Phật đã thực hành, con đường đi đến giác ngộ và giải thoát, chấm dứt mọi đau khổ, phiền não (tham, sân, si), không còn luân hồi sinh tử. Và chính bởi Đạo Phật ra đời cho mục đích thoát khổ của tất thảy chúng sinh dựa trên trí tuệ giác ngộ nên Đạo Phật chính là con đường của sự hiểu biết và tình yêu thương.
Đạo Phật và Triết học
-          Triết học được hiểu là một hệ thống lý luận, khái niệm, giải thích các sự vật hiện tượng dưới tư duy logic.
-          Đạo Phật cũng  bao hàm 1 hệ thống lý luận với những kiến thức phân tích về con người và hỗ trợ con người đi tới giải thoát. Tuy nhiên lý thuyết cúa Đạo Phật dùng để hỗ trợ cho việc kiểm chứng, trực nhận qua kinh nghiệp bản thân nên mang tính thực hành, ứng dụng và chứng ngộ rất cao.  
Đạo Phật và Tôn Giáo
- Phật Giáo không phải là một tôn giáo (religion) bởi vì Phật Giáo không phải là "một hệ thống tín ngưỡng và tôn sùng lễ bái", trung thành với một thần linh siêu nhiên.
- Phật Giáo không đòi hỏi nơi tín đồ một đức tin mù quáng. Do đó một niềm tin tưởng suông không thể có chỗ đứng. Thay vào đó là lòng tín nhiệm căn cứ trên sự hiểu biết.
Dầu sao, nếu hiểu rằng tôn giáo là giáo lý nhìn vào đời sống sâu hơn là lớp vỏ bên ngoài, giáo lý nhìn ngay vào bên trong đời sống, thay vì chỉ nhìn trên mặt, giáo lý cung hiến cho – Phật giáo cung cấp cho con người một thái độ sống phù hợp với "cái nhìn sâu xa vào bản chất con người, giúp cho những ai cố gắng, có thể đối phó mạnh mẽ với kiếp sinh tồn và trực diện cái chết một cách bình tĩnh và yên lành", hay một hệ thống giúp giải thoát ra khỏi những hình thức đau khổ của đời sống. Nếu gọi đó là tôn giáo thì chắc chắn Phật Giáo là tôn giáo của các tôn giáo.
Đạo Phật và Khoa học:
- Khoa học luôn thực tiễn và ứng dụng cao, các kiến thức khoa học được hệ thống, chứng minh dựa trên thực nghiệm cụ thể, logic và không có yếu tố bí ẩn, thần linh.
- Tính khoa học, tư duy hệ thống, logic có thể xuyên suốt trong hầu hết tất cả các Giáo Pháp của Đức Phật: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Lý Nhân quả, Vi Diệu Pháp…Tất cả đều được trình bày rõ ràng, khúc chiết, tuần tự, thứ lớp trong Giáo Pháp Ngài để lại.
Bên cạnh đó, tinh thần khoa học trong Phật giáo càng rõ ràng hơn qua lời khuyên của Ðức Phật, rằng chúng ta không nên tin tưởng một cách mù quáng mà ngược lại phải đặt vấn đề , tìm hiểu và thẩm tra, nhờ vào kinh nghiệm của chính mình rồi mới tin, có như thế tính chất khoa học mới được rõ ràng. Vì thế chúng ta có thể nói rằng mặc dù Phật giáo không hoàn toàn khoa học, nhưng hẳn đã mang tính khoa học mạnh mẽ và có tính khoa học hơn các tôn giáo khác. Chính Albert Einstein (1879-1955) một nhà khoa học vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi đã nói về tính khoa học của Phật giáo như sau:
"Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi tinh thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó. Và nếu có bất cứ một tôn giáo nào có thể đương đầu với những nhu cầu của nền khoa học hiện đại, thì đó là Phật giáo vậy."
1.3. Các tông phái khác nhau trong Phật Giáo Việt Nam:
Do yếu tố địa lý, lịch sử của Việt Nam nên có nhiều Tông Phái Phật giáo khác nhau ở Việt Nam. Phật Giáo từ Ấn Độ truyền sang Trung Quốc và sau đó truyền sang Việt Nam được gọi là Bắc Tông gồm có Thiền tông, Tịnh Độ tông và Mật tông… Còn Phật Giáo từ Ấn Độ truyền sang Myanma-Thái Lan-Campuchia đến Việt nam đươc gọi là Nam Tông hay Phật Giáo Nguyên Thủy.
Đạo Phật được truyền đi các nước khác ngoài Ấn Độ và mang nặng bản sắc của các nước đó, nhưng tất cả đều là Phật giáo và đều có chung một vị - vị giải thoát và tâm điểm vẫn là giáo lý Tứ diệu đế và Bát chánh đạo.

II. GIỚI THIỆU VỀ THIỀN VIPASSANA – THIỀN NGUYÊN THỦY
2.1. Vipassana nghĩa là gì?
Có nhiều cách gọi tên thiền Vipassana như Thiền Nguyên Thủy, Thiền Minh Sát, Thiền Quán. Tuy nhiên, tất cả những tên này đều nhằm chỉ một phương pháp Thiền mà chính Đức Phật đã thực hành và chứng ngộ.
Mục đích của Thiền Vipassana là thanh lọc tâm thức khỏi những phiền não (tham, sân, si), phát triển những đặc tính tốt của tâm (lòng từ bi, sự hiểu biết), từ đó có thể trực nhận ra bản chất của tất cả các sự vật hiện tượng là bất toại nguyện, vô thường và vô ngã, đạt đến giác ngộ.

2.2. Thiền Minh Sát (Vipassana) đem lại lợi ích gì cho tôi?
Mục tiêu tối hậu của Thiền Minh Sát là để loại trừ những phiền não  Tham- Sân - Si trong tâm. Trước khi đạt được mục tiêu này thiền sinh sẽ có được những lợi ích thực tại như sẽ có được một tâm hồn bình an và tĩnh lặng và có đủ khả năng để chấp nhận những gì xảy ra đến cho mình một cách bình tĩnh, sáng suốt mà không bị rơi vào các thái cực của cảm xúc.

Thiền minh sát cũng giúp chúng ta hiểu được bản thân hơn qua việc quan sát các hiện tượng diễn ra trên thân (cơ thể, hoạt động) và tâm (suy nghĩ, xúc cảm) của chính mình. Thiền sinh sẽ có cơ hội quán sát để nhìn rõ được những đặc tính, những diễn biến cảm xúc bên trong mình, thông quá đó phát triển được sự hiểu biết và tình yêu thương.

2.4. Thiền Minh Sát có khó thực hành không?
Việc hành thiền không phải dễ, bởi vì việc quan sát tâm và giữ tâm trên các đối tượng đúng (thân, tâm của mình) đòi hỏi lòng kiên trì và nỗ lực, bởi tâm con người luôn vọng động và chạy theo các đối tượng bên ngoài.

Mặt khác, Thiền Minh Sát cũng rất dễ thực hành vì không cần phải sửa soạn lễ nghi hay phải có điều kiện đặc biệt mới có thể thực hành. Môi trường sống bình thường  với gia đình, công việc vẫn là điều kiện để bạn hành thiền Minh Sát.

2.5. Có thể áp dụng Thiền Minh Sát vào đời sống hàng ngày không?
Bạn có thể "tỉnh thức" trong mọi tác động bạn đang làm. Bất kỳ bạn đang làm việc, đang đi, đang nói, v.v..., bạn đều có thể thiền. Mặc dầu mức độ tỉnh thức trong lúc hoạt động không mạnh bằng lúc ngồi thiền hay lúc đang theo một khóa thiền tập nhiều ngày, nhưng nói chung trong lúc hoạt động bạn vẫn tỉnh thức được. Áp dụng thiền minh sát vào đời sống bạn có thể đối phó với các trạng thái tâm tiêu cực cúa chính bạn một cách có hiệu quả.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét