Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

TỰ TI VÀ CÁCH GIẢI QUYẾT DƯỚI GÓC NHÌN CỦA THIỀN SINH VIPASSANA



Nếu search trên các trang mạng, chúng ta có thể thấy tự ti dường như là bệnh chung cho rất nhiều người, nhất là giới trẻ. Tự ti vì nhà nghèo, tự ti về hình thức, vì gốc gác tỉnh lẻ, vì kém thông minh, vì khả năng giao tiếp,…vv là những từ khóa rất phổ biến.

Vậy tự ti là gì?

Tâm lý học định nghĩa “Tâm lý cho rằng người ta cái gì cũng hơn mình, không thừa nhận giá trị của bản thân mình, và lấy quan điểm đó chi phối toàn bộ cuộc sống của mình, gọi là tâm lý tự ti”.

Theo quan điểm của Đạo Phật, Tự ti chính là tâm sở Ngã mạn (mana). Chúng ta thường hiểu lầm Ngã mạn là Tự kiêu. Tuy nhiên, bất cứ trạng thái tâm nào đem so sánh mình người, dù là hơn, kém, hay bằng đều là ngã mạn. Tâm sở Mạn thường nắm giữ những điều đặc biệt mình có. Nếu nắm giữ vào những điều được cho là tốt, là Kiêu mạn. Ngược lại, nắm vào những khuyết điểm, là tự ti.

Câu chuyện nhỏ dưới đây sẽ nói lên được phần nào tính chất của trạng thái tâm này. Truyện được tóm tắt từ một đoạn trong cuốn “Mở rộng cửa tâm mình” của Thiền Sư Ajahn Bralm.

“Ajahn Bralm và các nhà sư xây một bức tường. Với Ajahn Bralm thì đây là lần đầu tiên xây tường nên ngài xây rất cần mẫn, chăm chú và chú ý tới từng chi tiết. Tuy nhiên, sau khi bức tường được hoàn thiện, khi đang tận hưởng thành quả của mình thì Ngài phát hiện ra có 2 viên gạch lệch nằm giữa những viên gạch hoàn hảo xunh quanh làm hỏng cả bức tường. Nhưng Ngài không thể làm gì được nữa vì hồ đã khô rồi. Ngài lấy làm khó chịu lắm, muốn phá bức tường đi xây lại nhưng Sư cả không cho.

Ajahn Bralm ôm nỗi khó chịu đó đến cả mấy tháng sau. Mỗi khi có khách du lịch đến tham quan vườn chùa, Ngài luôn cố tình dẫn họ đi tránh bức tường, không muốn ai nhìn thấy “tác phẩm thất bại” của mình. Đề một ngày nọ, có vị khách nhìn thấy bức tường và thốt lên “Ô, bức tường đẹp quá”. Ajahn Bralm rất ngạc nhiên liền nhắc nhở vị khách về hai viên gạch lệch đang làm hỏng bức tường. Vị khách đáp lại “Vâng, tôi có thấy hai viên gạch lệch đó. Nhưng tôi cũng có thấy 998 viên gạch khác rất ngay ngắn.”Vị khách vừa nói ra những lời làm thay đổi hẳn cái nhìn của tôi về bức tường, về tôi và về nhiều khía cạnh khác của cuộc sống. Ajahn nhận ra, lần đầu tiên trong suốt ba tháng qua, Ngài nhìn thấy những viên gạch khác rất ngay ngắn trên bức tường, bên cạnh những viên gạch lệch.Và suýt nữa, Ngài đã định đập vỡ “một bức tường đẹp”.

Qua câu chuyện này, chúng ta có thể hiểu gì về tự ti ở đây?

Thứ 1. Tại sao Ajahn Bralm lại chỉ nhìn thấy 2 viên gạch lệch? Bởi Ngài cho rằng đó là lỗi lầm, là khiếm khuyết không đáng có của Ngài. Tâm của người tự ti cũng vậy, nó sẽ luôn dính chặt vào những điểm nó cho là xấu, là không tốt. Người tự ti chỉ nhìn thấy khiếm khuyết của mình đi kèm với những phán xét mà không thấy được bức tranh toàn cảnh với rất nhiều những điểm tốt đẹp khác.

Thứ 2. Ajahn Bralm bực dọc đến nỗi muốn phá hỏng bức tường. Tự ti – cũng giống như rất nhiều phiền não khác, luôn phóng đại vấn đề, từ hai viên gạch lệch thành một bức tường hỏng, từ bức tường hỏng đến việc người khác sẽ đánh giá ra sao,…Tâm tự ti sẽ phóng đại những gì nó coi là khiếm khuyết thành điều nghiêm trọng, to lớn, khủng khiếp.

Thứ 3. Đến tận mấy tháng sau Ajahn vẫn cảm thấy xấu hổ dù việc đó đã qua đi rất lâu. Tự ti cũng như vậy, nó ám ảnh ngấm ngầm và đi theo người tự ti trong một thời gian dài. Nếu không có những tác động tích cực, tự ti có thể phát triển lên thành những trạng thái tiêu cực hơn nữa như tự kỷ hay ý muốn tự vẫn,…

Thứ 4. Trong suốt 3 tháng, Ajahn Bralm không một lần nhìn thấy và công nhận 998 viên gạch đẹp còn lại. Cho đến khi có một vị khách xuất hiện và khen bức tường, trạng thái tâm của Ngài đột ngột xoay chiều. Điều này nói lên tâm lý tự ti cũng có thể thay đổi từ những tác động từ bên ngoài. Đặt trường hợp nếu người khách này cũng đồng tình và chê bai bức tường, Ajahn Bralm chắc chẳn đã không thoát khỏi tâm lý tự trách mình như vậy. Tâm rất nhạy cảm và luôn ghi nhận mọi tác động từ môi trường bên ngoài, những môi trường bên ngoài bao gồm sách vở, báo chí, truyền thông, các mối quan hệ mang đến những điều tích cực sẽ tác động tích cực đến tâm lý. Ngược lại, tâm sẽ chịu ảnh hưởng bới tác động tiêu cực.

Thứ 5. Sau bài học về bức tường, Ajahn Bralm có thêm nhận thức mới, ông tiếp tục đem câu chuyện này ra gỡ rối vấn đề cho rất nhiều người. Tự ti, như nhiều loại phiền não, đều sẽ bị đẩy lùi khi kinh nghiệm và hiểu biết cuộc sống của chúng ta được bồi đắp. Đó đơn giản có thể chỉ là bài học về mỗi sự khác biệt của mỗi cá thể trong xã hội, bài học về cách nhìn nhận cuộc sống đa chiều, hay bài học về việc thiểu dục tri túc, biết mong cầu vừa đủ và chấp nhận cuộc sống, cho đến những mức độ hiểu biết cao hơn về các trạng thái tâm, về vô ngã để không còn dính mắc vào bất cứ điều gì.

Cuối cùng, Tâm tự ti luôn có nhu cầu được công nhận giá trị bản thân dù ở góc này hay góc khác. Nếu Ajahn Bralm xây được bức tường gạch đẹp mỹ mãn, Ngài cũng có thể dễ dàng rơi vào trạng thái “bức tường hoàn hảo này do TÔI xây”. Đây cũng là một thái cực khác của tâm Ngã mạn, tự kiêu với những gì mình có. Cả hai trạng thái đều xuất phát từ mong muốn được công nhận giá trị, như tôi đẹp, tôi xinh, tôi tốt,…chạy ngầm trong tâm lý mỗi con người.

Thông thường, chúng ta thường rơi vào một trong 2 trạng thái của ngã mạn: tự ti hoặc tự kiêu. Đa phần, ngã mạn vi tế hơn tham/sân, chúng ta chỉ phát hiện ra khi tâm phản ứng trong những trường hợp cụ thể. Bậc A La Hán mới tận diệt được Ngã mạn hoàn toàn.Các Bất thiện tâm như Tham, Sân, Si, Tật, Nghi, Mạn, Kiến…có năng lực nâng đỡ lẫn nhau. Ngược lại, các thiện tâm như Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, chánh niệm, trí tuệ…cũng có mối quan hệ tương hỗ. Nếu một người có xu hướng tham, sân,…nhiều, người đó cũng có xu hướng tự ti nhiều hơn. Một người có tâm lý ít bị tham, sân hơn, cũng là người sống tích cực hơn.

Hậu quả của Tự ti đem lại có thể rất to lớn, khó lường như dẫn đến tự kỷ, bất lực, hung hăng,… cũng có thể chỉ là cảm giác ray rứt, khó chịu trong tâm. Dù ở cấp độ nào, người tự ti cũng phải đối mặt với cảm giác khổ sở, mệt mỏi, đánh mất đi sự tự do và bình an trong tâm.

Nếu tìm đọc trên sách báo, chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều phương cách để đối trị với tự ti. Hàng ngàn cuốn sách, hàng ngàn câu chuyện về thay đổi tư duy, thay đổi thái độ sống, suy nghĩ tích cực, tạo dựng thói quen…vv…đang đem đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhiều người trong thời gian ngắn. Đó cũng là một tầng mức của sự tự do, an bình.

Các thiền sinh Vipassana có thể tìm thấy cho mình một con đường khác hơn nữa, đó là con đường Đức Phật đã chỉ ra: Bố Thí, Trì Giới, Hành Thiền. Mỗi một khoảnh khắc thiện tâm được vun bồi là một khoảnh khắc phiền não được đẩy lùi. Một trong những cách điều trị “bệnh” tự ti tận gốc, đó là phải đối mặt với trạng thái tự ti, không đồng hóa mình với tâm tự ti, với phiền não. Chấp nhận phiền não và quan sát với thái độ học hỏi, bạn sẽ có thêm nhiều bài học thú vị ngay từ trong sự tự ti. Bên cạnh đó, việc kết bạn và giao lưu với những người mạnh mẽ, tự tin, có bản lĩnh cũng giúp bạn có thêm sự dũng cảm và học được tâm thế khi đối diện với khó khăn của cuộc đời.

Chỉ bằng con đường thực hành và thực hiện các thiện pháp, vun bổi tâm thiện là cách tốt nhất để đầy lùi các bất thiện pháp đang chi phối tâm thức của chúng ta.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét