Thứ Sáu, 21 tháng 11, 2014

PHẬT GIÁO, NHÌN TOÀN DIỆN - CHƯƠNG 5: SUY GẪM VỀ PHẬT NGÔN (Phần 1)

Tự Do Khảo Sát

Ðức Phật hướng dẫn các môn đệ Ngài theo đường lối phân biện và nghiên cứu tìm hiểu. Ðặt niềm tin vào bất cứ gì không phải là tinh thần Phật Giáo. Sau đây là cuộc đàm thoại giữa Ðức Bổn Sư và các đệ tử Ngài:

"Nếu bây giờ, hiểu biết và bảo tồn điều này, các con nói chăng rằng: 'Chúng ta tôn vinh Ðức Bổn Sư, và vì tôn kính Ngài ta phải quý trọng những gì Ngài dạy?'"

"Bạch Ngài, không."

"Ðiều gì các con xác nhận, này chư đệ tử, có phải chăng chỉ là những gì các con nhận thức, trông thấy và nắm vững?"

"Bạch Ngài, đúng vậy." Và cũng tương hợp với thái độ hoàn toàn chân chánh để khảo sát chân lý, trong khái luận Phật Giáo bằng tiếng Sanskrit (Bắc Phạn) về phương thức luận lý, Jnànasàra-samuccaya, 31, có đoạn:

"Cũng như người khôn ngoan sáng suốt thử vàng bằng cách đốt, cắt và cọ chà (trên đá thử vàng), cùng thế ấy, các con phải làm như vậy trước khi chấp nhận lời của Như Lai, khi đã thận trọng khảo sát chớ không phải chỉ vì tôn kính Như Lai."

Một lần nọ, dân chúng Kàlàma của xứ Kesaputta đến gần Ðức Phật và bạch: "Bạch Ðức Thế Tôn, có những đạo sĩ ẩn dật và những vị bà la môn đến tại Kesaputta. Về quan kiến của chính họ, họ tuyên ngôn và giải thích dong dài đầy đủ; nhưng về quan điểm của người khác thì họ phỉ báng, khinh rẻ, chê bai và bóp méo. Vã lại, Bạch Ðức Thế Tôn, những vị đạo sĩ và bà la môn khác cũng vậy, đến Kesaputta và cũng làm y như vậy. Khi lắng tai nghe họ, Bạch Ðức Thế Tôn, chúng con hoài nghi và hoang mang, không biết đàng nào nói đúng và đàng nào sai."

Ðức Bổn Sư mở lời khuyên dạy:

"Ðúng vậy, này người Kàlàma, hoài nghi như vậy là đúng, nêu lên những câu hỏi về những gì mình còn nghi ngờ và những gì chưa được sáng tỏ là đúng. Còn ngờ vực trong một vấn đề ắt có hoang mang lưỡng lự."

"Không nên để tập tục cổ truyền, những lời đồn đãi, những luận thuyết suông, hay những kết luận hấp tấp dẫn đi sai lạc, hoặc sau khi vội vã suy tư và chấp nhận một lý thuyết nào, hoặc vì lòng tôn kính một vị đạo sĩ. Nhưng này người Kàlàma, khi các con tự mình hiểu biết rằng: "Những điều này bất lợi, đáng bị khiển trách, bị những bậc thiện trí chỉ trích chê bai; những điều này khi được thực hiện và đảm nhận, dẫn đến mất mát và phiền lụy -- chừng ấy dĩ nhiên, hởi người Kàlàma, các con hãy bác bỏ."

"Giờ đây, người Kàlàma, các con nghĩ thế nào? Khi tham ái, sân hận và si mê khởi sanh trong tâm một người, sự khởi sanh ấy tạo lợi ích hay gây mất mát cho người ấy?"
"Bạch Ðức Thế Tôn, điều ấy gây mất mát."

"Giờ đây, hởi người Kàlàma, bị tham ái, sân hận và si mê ức chế thấm nhuần, người ấy có gây tội ác và sai lầm dẫn dắt kẻ khác đến mất mát và sầu muộn lâu dài không?"
"Bạch Ðức Thế Tôn, có."

"Ðúng vậy, này người Kàlàma, các con nghĩ thế nào? Những điều ấy tạo lợi ích hay gây bất lợi?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, gây bất lợi."

"Những điều ấy có đáng bị khiển trách không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, đáng bị khiển trách." "Những điều ấy có bị bậc thiện trí chỉ trích không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, có bị chỉ trích."

"Nếu thực hiện và đảm nhận, những điều ấy có dẫn đến mất mát và sầu muộn không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, những điều ấy dẫn đến mất mát và sầu muộn."

"Như vậy, này người Kàlàma, đây là lời của Như Lai khuyên nhủ các con hôm nay: 'Không nên để dẫn dắt đi sai lạc, nhưng khi tự các con hiểu biết rằng: Những điều ấy gây bất lợi và dẫn đến mất mát và sầu muộn ... các con hãy bác bỏ,' đó là lý do tại sao Như Lai tuyên ngôn những lời trên."

"Hởi người Kàlàma, không nên để ... dẫn dắt đi sai lạc như vậy. Nhưng khi tự các con hiểu biết: Những điều này tạo lợi ích, không bị khiển trách, được bậc thiện trí tán duơng: Khi được thực hiện và đảm nhận những điều này đưa đến hạnh phúc và lợi ích -- chừng đó, này người Kàlàma, sau khi đã đảm nhận, hãy ẩn náu trong ấy."

"Giờ đây, này người Kàlàma,, các con nghĩ thế nào? Khi tâm không-tham-ái, không-sân-hận và không-si-mê khởi sanh đến một người, sự khởi sanh ấy tạo lợi ích hay gây mất mát cho người ấy?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, tạo lợi ích."

"Người ấy không bị tham ái, sân hận và si mê ức chế thấm nhuần, có xa tránh lỗi lầm và dẫn dắt kẻ khác đến hạnh phúc không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, có."

"Ðúng vậy, này người Kàlàma, các con nghĩ thế nào? Những điều ấy tạo lợi ích hay gây bất lợi?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, tạo lợi ích"

"Những điều ấy có đáng bị khiển trách không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, không đáng bị khiển trách."

"Những điều ấy đáng bị chỉ trích chê bai hay đáng được tán dương?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, đáng được tán dương."

"Khi được thực hiện và đảm nhận, những điều ấy có dẫn đến hạnh phúc không?"

"Bạch Ðức Thế Tôn, có dẫn đến hạnh phúc."

"Như vậy, đây là lời Như Lai khuyên nhủ các con hôm nay: 'Không nên để dẫn dắt đi sai lạc ... nhưng khi tự các con hiểu biết: Những điều này tạo lợi ích ... và dẫn đến hạnh phúc ... hãy đảm nhận và ẩn náu trong những điều ấy' đó là lý do tại sao Như Lai tuyên ngôn như vậy." (Ðoạn trên đây được trích từ Anguttara Nikàya, Tạp A Hàm, i, 188 Bài kinh số 65; cũng xin xem Anguttara Nikàya, i, 66; và Anguttara Nikàya ii, Kinh Bhadiya Sutta 193.)

Người đọc sẽ ghi nhận rằng bài kinh Kàlàma Sutta này mạnh mẻ bác bỏ tín điều và đức tin mù quáng và khuyến khích tự do khảo sát. Tuy nhiên, không nên vội vã kết luận rằng Ðức Phật dạy chỉ nên dựa trên kinh nghiệm bản thân để thực hành, rằng Ngài bác bỏ tất cả giáo lý và đức tin, và Giáo Pháp (Dhamma) của Ngài truyền dạy chỉ giản dị là một hệ thống giáo thuyết tự do, mời mọc mỗi người chấp nhận và tôn trọng bất luận gì mình thích. Người đọc nên thận trọng chú tâm đọc phần cuối cùng của bài kinh trong đó Ðức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ba nguyên nhân căn cội của những gì bất thiện (ba căn bất thiện): tham, sân, si và những đối nghịch với nó, ba căn nguyên từ đó xuất phát tất cả những gì là thiện (ba thiện căn): buông xả, thiện ý và trí tuệ. "Như vậy bài kinh này, thuyết giảng cho người Kàlàma, cung ứng một trắc nghiệm châu đáo, tận tường, để tăng cường niềm tin nơi Giáo Pháp, xem như một giáo lý đáng tin cậy, một lối sống dẫn đến giải thoát."

Ðể cho công trình thảo luận về bài kinh này được đầy đủ hơn, xin mời người đọc tham khảo bài viết rất sáng tỏ tựa đề "A Look at the Kàlàma Sutta" của tác giả Bhikkhu Bodhi, đăng trong bản tin Buddhist Publication Society Newsletter, số 9, vào mùa Xuân 1988.

Trong Phật Giáo không có sự cưỡng bách hay bắt buộc và không đòi hỏi nơi tín đồ một đức tin mù quáng. Từ ngoài nhìn vào, người có tánh hoài nghi sẽ lấy làm hoan hỷ lắng nghe lời kêu gọi nên khảo sát tận tường. Từ đầu đến cuối Phật Giáo được mở rộng cho tất cả những ai có mắt để thấy và có tâm để hiểu biết.

Một lần nọ, khi Ðức Thế Tôn ngự trong một vườn xoài tại Nàlandà, có Upàli, một tín đồ nhiệt thành của phái Nigantha Nàtaputta (Jaina Mahàvira), vâng theo lời dạy của Mahàvìra, vị giáo chủ, đến gần Ðức Phật với ý định duy nhất là tranh luận và thắng Ngài. Ðề tài là lý nghiệp báo mà cả hai vị, Ðức Phật và Mahàvìra, đều đã giáo truyền, mặc dầu quan điểm vẫn khác nhau. Sau cuộc thảo luận rất thân thiện, Upàli minh xác rằng lý lẽ của Ðức Phật là đúng hơn, chấp thuận quan điểm của Ngài và sẵn sàng trở thành một tín đồ Phật Giáo (upàsaka). Nhưng Ðức Phật nhắc nhở ông:

"Này Upàli, về vấn đề chân lý Ông phải khảo sát tận tường và cặn kẻ. Ðối với người danh tiếng như Ông, tốt hơn là phải khảo sát tận tường."

Tuy nhiên, nghe vậy Upàli càng hoan hỷ thỏa thích hơn và xin quy y, trở về nương tựa nơi Phật, Pháp, Tăng. Mặc dầu Upàli vững chắc đặt niềm tin nơi Ngài và muốn trở thành Phật tử, Ðức Phật khuyên ông nên tiếp tục tôn trọng và hỗ trợ các vị thầy cũ như xưa. (Upàli Sutta, Majjhima Nikàya, Trung A Hàm, 56)

Như vậy, Ðức Phật khuyên dạy tầm quan trọng của tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và đức khoan hồng đại độ, không vì khác tôn giáo mà chia rẽ nhau.

Bước theo dấu chân của Ðức Bổn Sư, Hoàng Ðế Asoka (A Dục), người Phật tử, trị vì xứ Ấn vào thế kỷ thứ Ba trước Dương Lịch, tuyên bố những lời được ghi tạc vào đá (Rock Edict XII) như sau:
"Ta không nên chỉ tôn thờ tôn giáo của mình và chê bai chỉ trích tôn giáo của kẻ khác, mà phải thành kính quý trọng tôn giáo của những người khác vì lý do này hay lý do khác. Hành động như thế ta giúp cho chính tôn giáo của ta trưởng thành và cũng hỗ trợ tôn giáo của người khác. Hành động trái ngược, ta đào mồ chôn chính tôn giáo mình và cũng gây tổn thương cho các tôn giáo khác. Bất cứ ai tôn thờ tôn giáo mình và chê bai chỉ trích tôn giáo khác cũng làm theo lòng nhiệt thành đối với tôn giáo mình, quả thật vậy, nghĩ rằng: 'Ta sẽ tôn vinh chính tôn giáo của ta.' Nhưng ngược lại, làm như vậy họ gây tổn thương trầm trọng cho tôn giáo họ. Do đó ta phải đoàn kết. Tất cả hãy lắng nghe và hoan hỷ lắng nghe giáo lý được dạy trong các tôn giáo khác."

Trong Phật Giáo không ai bị bắt buộc phải tin điều gì mà mình không biết trước. Giáo lý có tánh cách phân tách của Ðức Phật (vibhajjavàda) không chấp nhận đức tin mù quáng. Bằng nhiều phương cách, bản chất tuyệt đối triết lý-phân tách của Ngài đã minh bạch sáng tỏ.

Ngoại trừ Ðức Phật, không vị giáo chủ nào xuất hiện trên thế gian mà có đức tánh này một cách trọn vẹn và đầy đủ như thế. Ngài là vị triết gia phân giải tối thượng. Nơi đây "triết gia phân giải" có nghĩa là tuyên ngôn điều gì sau khi thấu triệt điều ấy trong nhiều đặc tánh khác nhau, sắp xếp những đặc tánh theo một thứ tự thích nghi, mỗi mỗi đều rõ ràng minh bạch. Sách Vimati Vinodani, một bình chú của Bản Chú Giải Tạng Luật nói rằng triết gia phân giải có đặc tánh của người tuyên ngôn điều gì sau khi đã đi sâu vào chi tiết; người ấy không nhìn sự vật một cách hợp nhất như một toàn thể, tức nhìn tất cả sự vật cùng chung trong một khối, mà sau khi phân chia theo đặc tướng nổi bật của nó, tất cả, một cách rõ ràng, riêng biệt, như thế mọi ý kiến sai sự thật và mọi hoài nghi đều tan biến, chân lý quy ước và chân lý tuyệt đỉnh (sammuti paramattha-sacca, tục đế và chân đế) có thể được thông suốt. Trong quyển Sàrattha-dìpani, một bình chú khác của Bản Chú Giải Tạng Luật, ta thấy như sau: "Một người binh vực và khuyến khích phương pháp phân giải là Ðức Bổn Sư, bởi vì Ngài xa lánh hai cực đoan thường kiến và tuyệt diệt, mà dạy pháp tùy-thuộc-phát-sanh (thập nhị nhân duyên), con đường ở giữa (Trung Ðạo)."

Cũng như nhà cơ thể học sành nghề phân giải một cánh tay hay một cái chân thành tế bào và các tế bào thành nguyên tử và điện tử, Ðức Phật phân tách tất cả những pháp hữu vi đến từng nguyên tố cơ bản. Do đó Ngài được tôn là Vibhajjavàdi, vị Thầy của Thuyết Phân Giải.

Chân lý của Giáo Pháp (Dhamma) chỉ có thể được nắm vững bằng trí tuệ minh sát, không bao giờ bằng đức tin mù quáng. Người tìm chân lý không thể thỏa mãn với sự hiểu biết trên bề mặt, mà lặn sâu để khám phá những gì tiềm ẩn phía dưới. Ðó là loại khảo sát mà Phật Giáo khuyến khích. Loại khảo sát này dưỡng nuôi chánh kiến.

Cũng như tin tưởng mù quáng là trái ngược với tinh thần của lời Phật dạy, van vái nguyện cầu một đấng thần linh ngoại lai tưởng tượng là đối nghịch với lối sống của người Phật tử. Ðức Phật, minh mẫn sáng suốt và trong sạch nhất giữa chúng sanh, quán chiếu tìm hiểu toàn thể vũ trụ, nhận thức rằng khái niệm về một thần linh tối thượng trị vì thế gian chỉ giản dị là một ảo mộng. Chính nổi niềm kinh sợ của con người gieo mầm cho vô minh tạo một nguyên lý ngoại lai toàn tri và có mặt cùng khắp. Và khi ý niệm được tạo ra, con người mãi sống trong nổi kinh hoàng của trẻ con, trong sự kinh sợ mà chính mình tạo, và tự gây cho mình những tổn thương không xiết kể.

Tôn sùng cao thượng nhất là kính bái con người cao cả nhất của nhân loại, những tâm hồn lớn mạnh và hùng dũng đã nắm vững chân lý thâm sâu, quét sạch vô minh, phiền não tai hại nhất, vị chúa tể ô nhiễm, đã gây tất cả mọi cuồng điên của chúng ta, và diệt tận cội rễ của tất cả mọi hình thức ái dục. Những người tận tường thông suốt chân lý mới thật sự có thể hỗ trợ ta, nhưng người Phật tử không van vái nguyện cầu các Ngài. Người Phật tử chỉ kính bái người đã khám phá chân lý và vạch tỏ cho mình con đường hạnh phúc. Hạnh phúc là cái gì ta phải chính mình thành tựu; không ai có thể làm cho mình tốt hơn hay xấu hơn.

Con người phải được tự do tìm hiểu mình và những quyền năng ngủ ngầm bên trong mình. Hãy để cho con người tập đứng vững một mình. Ý niệm chủ trương rằng cần phải có ai khác nâng đỡ từ thấp lên một tầng lớp cao hơn và cứu rỗi ta, có chiều hướng làm cho con người ươn hèn và yếu kém. Suy tư như vậy hạ thấp phẩm giá con người. "Tùy thuộc nơi một quyền năng ngoại lai thông thường có nghĩa là quy hàng, đem nỗ lực của mình ra đầu phục." Do đó, Ðức Phật kêu gọi hàng tín đồ nên tự mình nương tựa nơi mình. Ngoại trừ chính ta, không ai ban cho ta trạng thái thanh bình an lạc thật sự; người khác có thể gián tiếp giúp đỡ, nhưng giải thoát vượt ra khỏi mọi khổ đau, mỗi người phải cố gắng gia công cho chính mình.

Ngành tâm lý học khám phá những khả năng tiềm tàng ngủ ngầm bên trong con người, và chính con người phải nỗ lực trau giồi và khai triển những tiềm năng ấy. Mỗi cá nhân phải tận lực để tự giải thoát. Không ai trên quả địa cầu hay trên cảnh Trời nào có thể ban cho người khác đặc ân giải thoát chỉ vì người này van vái cầu lụy điều ấy. Khả năng uốn nắn đời sống mình nằm trong tay của chính mình.

"Chớ nên van vái!
Bóng tối sẽ không sáng hơn!
Ðừng hỏi Im Lặng, vì nó không biết nói!
Chớ nên phiền nhiễu cái tâm ưu phiền của bạn
Với những đau buồn ngụy tín!
Hởi các Anh, các Chị!
Không nên nguyện cầu cúng tế những thần linh bất lực
Với những quà biếu và nhạc thiều!
Không nên dùng máu huyết để hối lộ,
Hoặc dâng cúng bánh trái;
Mỗi người tự tạo ngục tù cho mình,
Phải tìm giải thoát từ bên trong các bạn."
-- Light of Asia, Sir Edwin Arnold

"Cái gì thúc đẩy người ta tin tưởng nơi Thượng Ðế không phải là luận lý có tánh cách trí thức chút nào. Phần đông người ta tin nơi Thượng Ðế bởi vì từ thủa bé thơ họ được dạy như vậy, và đó là lý do chánh. Như vậy tôi nghĩ rằng lý do hùng mạnh hơn tất cả là lòng mong mỏi muốn được an toàn, một loại cảm nghĩ như có được người anh cả trông nom. Ðiều này có vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng sâu đậm, làm cho con người muốn có niềm tin nơi Thượng Ðế." (Bertrand Russel).

0 nhận xét:

Đăng nhận xét