Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

BỐN PHÁP CHÚC MỪNG

BỐN PHÁP CHÚC MỪNG

 Gs. Đại đức Thiện Minh

Tại chùa Nguyệt Quang (Chandaramsey) quận 3, TP.HCM, Giảng sư - Đại đức Thiện Minh đã có giảng bài: “Bốn Pháp Chúc Mừng” cho lớp Phật học tại chùa, đối tượng là Chư tăng mới xuất gia. Đây là lời chúc tụng trong kinh  cho chư tăng, tu nữ, phật tử theo truyền thống Phật giáo Nam tông.

Lời dạy của Đức Phật trong bài kinh này có nội dung : Chúc sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh.


Tiếng Phạn: Ayu: sống lâu

Vanna: sắc đẹp

Sukha: an vui

Pala: sức mạnh

Bài kinh này Phật thuyết trong Trường bộ kinh - Digha Nikaya. Phật dạy kinh này để chúc tụng cho mọi người

1/SỐNG LÂU

Người đời sống trên 60 tuổi gọi là sống thọ. Sống từ 1 đến 59 tuổi mà chết đi gọi là hưởng dương.

Trong kinh nói sống lâu nhờ giữ giới sát sanh. Kinh Pháp cú có câu:

Dù sống trăm năm

Không có thiền định

Và không trí tuệ

Tốt sống một ngày

Có thiền và trí tuệ .

Tiếng Phạn:

Samadhi: thiền

Pana: Trí tuệ

 Chúng ta nhiều khi dễ duôi nhưng có duyên, đúng lúc thầy nói cho một câu chợt tỉnh thức lo tu tập.

Qua câu kinh pháp cú, đức Phật không quan trọng việc sống lâu hay không sống lâu mà chúc sống lâu là ý nói chúc đạt được pháp Tứ thần túc. Tứ thần túc là :

Dục: CHANDA

Cần: VIRIYA

Tâm: CITTA

Thẩm: PANNA

 a)    DỤC- CHANDA - MUỐN

Dục có hai nghĩa tốt và xấu, KAMA là dục - muốn - có ý nghĩa xấu. CHANDA là dục- muốn có ý nghĩa tốt.

Ví dụ: muốn xuất gia, muốn tu thiền. Vậy muốn này là muốn thiện

Chẳng hạn như ông Cấp Cô Độc hay tin Đức Phật chứng đắc đạo quả nên muốn sáng ngày mai đi gặp Đức Phật. Ý muốn của ông Cấp Cô Độc lớn quá nên làm cho ông thao thức không ngủ được. Mới 3 giờ sáng ông đã mở cửa nhắm hướng Đức Phật mà tới. Từ đầu hôm cho tới giữa khuya Đức Phật giảng pháp cho chư Thiên nghe, còn rảnh rỗi thì Ngài đi kinh hành. Thấy Cấp Cô Độc tới tìm, Đức Phật bèn phóng hào quang và thuyết pháp cho ông ta nghe. Nghe Phật thuyết pháp, ông Cấp Cô Độc đã đắc quả Tu Đà Hườn. Sau đó cảm ân đức của Phật, ông Cấp Cô Độc đã có ý tìm mua đất xây chùa dâng cúng Ngài.

 Bà Gotama muốn được xuất gia tu hành. Từ Thành Ca tỳ la vệ, Bà đã bỏ tất cả y áo lộng lẫy xinh đẹp, đơn sơ với đôi bàn chân dẫm lên đất đá vượt đường xa để xin Phật cho phép người nữ xuất gia. Phật khước từ. Lúc bấy giờ Đại đức Anada nhìn thấy bà Gotama hai chân sưng to đau nhức vô cùng nhưng vẫn không rời bỏ ý định xuất gia bèn xin Phật cho bà được như ý nguyện. Nhưng Đức Phật vẫn kiên quyết không chấp thuận. Đại đức Anada liền quỳ dưới chân Đức Phật tha thiết xin giùm cho bà Gotama. Anada nói: Kính bạch Thế Tôn, nếu người nữ xuất gia có chứng đắc đạo quả không? Đức Phật trả lời : Người nữ xuất gia có thể chứng đắc đạo quả Alahán Thinh văn.

Sau đó, Đức Phật thuận ý cho bà Gotami xuất gia và ban Bát kỉnh Pháp. Như vậy,việc ông Cấp Cô Độc muốn đi tìm Phật lúc 3 giờ sáng hay việc bà Gotama- Kiều Đàm Di Mẫu từ bỏ đời sống ấm êm trong nhung lụa giàu sang để xuất gia chính muốn đó gọi là Dục - CHANDA.

 b)    CẦN – VIRIYA.

Cần là siêng năng, nỗ lực không ngừng. Trong đời sống người không tinh tấn, nỗ lực sẽ không bao giờ thành công trong học tập, trong công việc. Trong tu hành cũng vậy, nếu người tu sĩ không có đức tánh cần- VIRIYA thì sẽ tu không có kết quả, học kinh không giỏi, hiểu kinh không nhiều, không siêng năng thì chắc chắn không thường xuyên quét dọn, phòng ở sẽ lôi thôi,luộm thuộm lắm.

Cần còn có nghĩa siêng năng, nỗ lực đoạn trừ bất thiện pháp như sát sanh, nói dối, tà dâm, trộm cắp, uống các chất say, nóng nảy, lười biếng, giận hờn, ghen ghét, ích kỷ v.v…

Nếu những pháp ác chưa sanh thì phải tinh tấn, nỗ lực đừng cho nó sanh. Nếu những ác pháp đã sanh rồi thì phải nỗ lực, tinh tấn đoạn trừ nó.

Cần còn có nghĩa là tinh tấn đối với thiện pháp. Nếu chưa sanh pháp thiện thì phải tinh tấn, nỗ lực làm cho nó phát sanh như là cung kính, tuỳ hỷ, bố thí cúng dường, từ bi, hỷ xả, chăm chỉ, thương yêu v.v…Tinh tấn duy trì thiện pháp bền lâu.

c)     TÂM- CITTA

 Tâm là gì? - Là biết cảnh.

Quý vị từ cốc của mình đi lên lớp học, tâm dẫn quý vị đi. Tâm thì vô cùng quan trọng, Pháp cú kinh đức Phật có dạy:

“Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm làm chủ. Tâm tạo tác. Con người nói hay làm gì cũng với tâm thiện thì hạnh phúc sẽ theo ta như bóng với hình.

 Tâm dẫn đầu các pháp. Tâm làm chủ. Tâm tạo tác. Con người nếu nói hay làm với tâm bất thiện thì đau khổ sẽ theo ta như bóng với hình”.

  Hai câu kinh Pháp cú này đề cập đến hai trạng thái quan trọng của tâm là: hạnh phúc hay đau khổ, thiên đàng hay địa ngục, thiện hay ác là do tâm sanh ra.

Tâm thiện: trì giới, cung kính, tôn trọng, bố thí, từ bi v.v….

Tâm ác: phá giới, ngã mạn, bất kính, ích kỷ, ác độc v.v….

Người có tâm thiện sẽ có hạnh phúc.

Người có tâm ác sẽ bị đau khổ.

Khi chúng ta nhìn một người đang sống an vui, hạnh phúc, sum vầy, may mắn, tự tại, thong dong, đầy đủ, xinh đẹp, ta biết họ đang hưởng phước của tâm thiện lành.

Khi chúng ta nhìn một người đang sống phiền não, đau khổ, cô đơn, thiếu thốn, bệnh hoạn, đói rách, ta biết họ đang thọ lãnh nghiệp báo của tâm bất thiện.

 Lại nữa, Kinh Pháp cú viết :

Không làm các điều ác

Hãy làm các việc lành

Giữ tâm ý trong sạch

Đó lời chư Phật dạy.



Giữ tâm ý không bị ô nhiễm, tránh làm điều ác, siêng làm việc lành. Chư Phật xuất hiện trên thế gian này cũng chỉ để dạy chúng ta 3 điều đó .

Quý vị tập tu sao cho có được Tâm tĩnh lặng, trí tuệ, đại bi. Đó mới thật là con đường nguyện lực vô lượng của bậc thiện tri thức vậy.

d)    THẨM – PANNA -TRÍ TUỆ
Trí tuệ nghĩa đen là người học cao, hiểu rộng, có bằng cấp, có học vị. Nhiều nhà khoa học, bác học có những  phát minh, sáng chế giúp ích cho đời sống con người, ta gọi họ là những người có trí tuệ thế gian. Tuy nhiên, trí tuệ hiểu theo nghĩa nhà Phật là thấy được vô thường, khổ, vô ngã, thấy được lý nhân quả, nghiệp báo, thấy được nguồn gốc của khổ, hiểu được ý nghĩa thâm sâu của các vấn đề sanh, lão, bệnh, tử, thấy thân ngũ uẩn này là khổ. Người có trí tuệ thấy được rõ cội nguồn của khổ là do tham ái hay còn gọi ái dục mà ra. Ái dục- Tanha- sanh ra Dukkhas - Khổ.

Trí tuệ này còn cho thấy con đường đi đến Niết bàn là Bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Có trí tuệ của nhà Phật thấy được Đạo đế và tu tập dẫn đến Niết bàn.

Cho nên Đức Phật chúc sống lâu là chúc đại chúng thành tựu pháp TỨ THẦN TÚC.

2/ SẮC ĐẸP
Sắc đẹp chỉ cho vẻ đẹp bên ngoài. Ví dụ người ta thường nói anh này đẹp trai, chị kia đẹp gái. Đối với Đức Phật, vẻ đẹp bên ngoài không quan trọng bởi vì người có ngoại hình đẹp mà không có nhân cách đẹp thì chẳng ai muốn thân cận. Có cái đẹp bên ngoài mà không có đức hạnh thì cái đẹp đó vô nghĩa, không thu hút được người khác. Trong dân gian có câu: ‘’Cái nết đánh chết cái đẹp’’. Nết đây là đức hạnh, là đạo đức, là cái duyên của một con người. Gương mặt đầu tiên do cha mẹ chúng ta cho khi ta mới chào đời, nhưng cái duyên, cái nết chính là khuôn mặt thứ hai do ta rèn luyện, tu tập mà có. Khuôn mặt này còn được gọi với nhiều cái tên khác như đạo đức, nhân cách, tâm hồn. Đối với người tu hành, ở một chừng mực nào đó thì nết chính là phạm hạnh , là giới đức. Giới đức căn bản là Ngũ giới, Bát quan trai giới. Người tu Sa di thọ 10 giới, 30 điều học và 75 Ưng học pháp. Người tu Tỷ Kheo thọ 227 giới. Tu nữ thọ 8 giới, 30 điều học, 8 bát kỉnh pháp, 75 ưng học pháp, tổng cộng cũng khoảng 100 giới. Như vậy cũng không phải là ít.

 Sắc đẹp của người tu hành chính là sự giữ giới. Giữ giới trong sạch làm con người tu hành đẹp hơn lên trong mắt người khác. Đó chính là sự ngưỡng mộ, cung kính trước oai đức và đạo lực của những vị tu hành chân thật.

  Như quý vị đây, tuy chỉ là Sa di nhưng đã biết giữ giới nghiêm túc. Làm sư và giữ giới của nhà sư là một việc không đơn giản. Ví dụ: Quý vị giữ đúng thời khoá biểu tu học, đúng giờ là đến lớp, không bỏ thời khoá công phu hằng ngày ở chuà, khi sư cả chỉ định làm việc gì thì làm tốt việc được giao, nếu tự ý không làm coi như mất đạo đức rồi đó. Cho nên nói giới là đạo đức, đức hạnh, là lẽ phải mà ta thường xuyên thực hành khi sống trong một tập thể, hội đoàn, tăng chúng. Khi quý vị có giới đức người khác nhìn vào sẽ thấy quý vị đẹp vô cùng. Cái đẹp này toát ra từ thân khẩu ý trang nghiêm, thanh tịnh, từ uy nghi của phong cách, phạm hạnh trong cuộc sống tu hành thường ngày của quý vị. Quý vị còn trẻ tuổi, hiện đời này mới đặt chân trên con đường tu tập chưa bao lâu nên hãy gắng gìn giữ cái đẹp của giới đức.

Chúng ta thử nhớ lại trong câu chuyện Đường Tăng Thỉnh Kinh có nhân vật Tề thiên đại thánh và Trư Bát Giới. Hai nhân vật này mâu thuẫn với nhau. Tề thiên- con khỉ nhỏ con, thông minh, trí tuệ, thần thông, lanh lợi, ăn ít, ngủ ít, chiến đấu với ma vương. Còn Trư Bát Giới- con heo to xác, ngu muội, vô trí, chậm chạp, ăn nhiều, ngủ nhiều, luôn tơ tưởng đến nữ sắc, có chuyện gì cũng chỉ biết khóc mà thôi. Chúng ta thấy cái đẹp của hình ảnh nhân vật Tề Thiên là ở cái tâm thiện, tâm đạo đức luôn chiến đấu diệt trừ cái ác là bọn ma vương. Đó cũng chính là người giữ giới mạnh mẽ nhất. Nữ sắc không làm lay động mảy may tâm giới của Tề Thiên. Có một điều rất thú vị là Tề Thiên luôn sử dụng thần thông, thoắt cái là bay, bay nơi này nơi kia, khi trên trời , khi dưới đất, biến hoá không lường. Đó là thần thông. Nhưng muốn có thần thông phải giữ giới nghiêm túc mới được. Cũng như muốn bay thì phải nhẹ (như bong bóng) còn nặng ( nhiều tham sân si ) thì làm sao bay được. Phải vậy không?



3/ AN VUI

An vui theo tiếng Phạn là Sukha, nghĩa là hạnh phúc. Nhưng ở đây Phật chúc an vui theo nghĩa Jhana- đạt tứ thiền. Tứ thiền gồm có sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền. Thông thường ai ngồi thiền cũng trải qua 5 chướng ngại: tham dục, sân hận, buồn ngủ, trạo hối, nghi. Năm chướng ngại này như năm quan ải, năm trận giặc lòng có nhiều ma vương rất khó vượt qua đối với người tu thiền. Trong đó, trạo hối là hối tiếc, nhớ lỗi, nuối tiếc về những bất thiện pháp đã lỡ làm, nghi là không tin, tâm khởi ý nghi ngờ tam bảo, nghi thiền, nghi thần thông, tâm bấn loạn, sợ hãi. Nếu vượt qua 5 cửa ải này thì hành giả mới có được 5 chi thiền:   tầm, tứ, hỷ, lạc, định.
Tầm nghĩa là tìm kiếm (sự an lạc, vắng lặng)

Tứ (bám sát đối tượng)

Hỷ: an vui, hoan hỷ

Lạc: an lạc, tịch tịnh

Định: vắng lặng, an trú

Muốn chứng được sơ thiền phải buông bỏ hai pháp căn bản là ly dục, ly bất thiện. Ly dục: không dục, không ham muốn. Ly bất thiện: không làm bất thiện.

Muốn chứng nhị thiền phải diệt tầm và tứ.

Muốn chứng tam thiền phải bỏ lạc hỷ.

Muốn chứng tứ thiền phải bỏ định. Theo Vi Diệu Pháp muốn chứng ngũ thiền phải bỏ định và xả.

Đạt tứ thiền mới có tâm an vui trong thế giới sa bà này.

 4/SỨC MẠNH
Theo nghĩa thông thường sức mạnh là có sức khoẻ tốt. Nhưng trong kinh chúc mừng, Phật muốn dạy sức mạnh ở đây là thành tựu được ngũ lực.
Ngũ lực bao gồm tín, tấn, niệm, định, tuệ. Năm pháp này hỗ trợ cho chúng ta tu tập thiền định đạt được kết quả tốt. Năm pháp này thực sự là sức mạnh của người tu.

Tín: Lòng tin mãnh liệt nơi Tam bảo, nơi Đức Phật, nơi giáo pháp và tăng đoàn.

Chúng ta thường tụng đọc: “Đệ tử quy y Phật, đấng Thiên Nhân điều ngự, bậc bi trí vẹn toàn. Đệ tử quy y Pháp, đạo chuyển mê khai ngộ, ly khổ và đắc đạo. Đệ từ quy y Tăng, bậc hoằng truyền chánh pháp, bậc vô thượng phước điền.’’


Tấn : tinh tấn, siêng năng.

Niệm: nhớ, ghi nhận tốt.

Định: tâm vững chãi, an trụ

Tuệ. Thông thái trong thiện pháp.


Tại sao bốn pháp chúc mừng này là pháp cao thượng?

Xưa nay, người ta hiểu 4 pháp chúc mừng này theo nghĩa thông thường tục đế, nghĩa ở trên lời mà thôi. Còn ý nghĩa cao thượng là chúc những pháp tu để đạt được chơn đế từ đó thành tựu đạo quả, an lạc trong chánh pháp thì không nhiều người biết đến. Trong kinh Níp bàn có ghi lại rằng bọn ma vương lúc nào cũng rình rập xem lúc nào thì Phật nhập Niết bàn. Ma vương đến hỏi khi nào Phật sẽ nhập Niết Bàn. Phật nói: Như lai sẽ nhập Niết Bàn khi nào Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ni, phật tử đông và trưởng thành. Có một lần nọ, Phật nói với Đại đức Ananda rằng: - Này Anada, người nào đạt tứ thần túc có khả năng sống lâu hơn một kiếp, có khi sống nhiều hơn một kiếp của quả địa cầu. Nhưng Ananda không hiểu ý phật, nên không thỉnh phật ở lại thế gian lâu hơn nữa. Sau khi Đại đức Anada lui ra thì nhân cơ hội đó ma vương thỉnh Đức Phật nhập Niết bàn lần nữa. Lúc bấy giờ Đức Phật im lặng. Ngài quán tưởng tuổi thọ của Ngài và thấy tăng chúng đã có sự trưởng thành, tăng trưởng về số lượng rồi bèn hứa với ma vương 3 tháng nữa sẽ nhập Niết bàn. Khi đó trời đất rung chuyển, gió thổi dữ dội khắp mọi nơi, chim ngừng hót, hoa lá úa tàn, bốn phương mù mịt cuống phong bão tố. Đại đức Ananda giật mình lo lắng, tới hỏi Phật: Tại sao lại có những hiện tượng như vậy ? Phật nói: Như lai vừa mới hứa với ma vương 3 tháng nữa sẽ nhập Niết bàn, đúng vào ngày trăng tròn tháng tư vesakha.

 Ananda khóc và thưa rằng: Sự hiện hữu của Như Lai là phúc lạc cho thiên nhân, thỉnh Thế tôn ở lại thế gian. Phật nói: Này Ananda, Như Lai đã từng nói với Ananda rằng một vị Phật tổ đắc pháp tứ thần túc sẽ sống thêm nhiều kiếp của quả địa cầu, nhưng Ananda đã không hiểu ý của Như Lai. Bây giờ Như lai đã tuyên hưá và khẳng định với Ma vương 3 tháng nữa nhập Níp bàn rồi, Ananda báo tin này đến đại chúng. Ananda im lặng! Ananda rơi nước mắt khóc buồn thật nhiều.


Như vậy, bốn pháp chúc mừng nhằm đề cập đến pháp tu để thành tựu chân đế, pháp giác ngộ chớ không phải là những lời dạy bình thường. Là lời dạy giúp cho chúng ta ly khổ, đắc lạc hướng đến giác ngộ giải thoát.


Theo truyền thống Phật giáo Nam tông, khi nhận lễ phẩm cúng dường của phật tử thường tụng kinh chúc phúc bốn pháp này đến cho phật tử. Những người tin lý nhân quả dâng tứ vật dụng đến với chư tăng, quý sư chúc tụng bốn pháp này là tặng cho họ món quà phật pháp cao thượng, giúp họ bớt khổ trong đời sống vốn khổ đau không cùng tận này.

 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét