Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

GÓP NHẶT - SUY NGẪM 14


1. Ðức Thế Tôn dạy rằng đó là bản chất thiên nhiên của thân, không thể có cách nào khác: đã được sanh ra tức nhiên phải đi dần đến tuổi già, bệnh hoạn và chết.

(Trích Ngôi nhà thật sự của ta)

2. Những ai dưỡng nuôi người bệnh ắt trưởng thành trong thiện pháp và đức hạnh. Còn bệnh nhân, trong khi giúp cho người khác được cơ hội tốt đẹp ấy, không nên tạo khó khăn cho người nuôi mình. Nếu có đau đớn, nhức nhối, hay một vài bất ổn khác, hãy cho người điều dưỡng mình biết và luôn luôn giữ tâm trong sạch. Người dưỡng nuôi cha mẹ đau đớn nên làm bổn phận mình với tấm lòng đầy tình thương nồng ấm và dịu hiền, không nên khó chịu hay bực bội. Ðây là cơ hội duy nhất mà người con hiếu thảo có thể đền đáp phần nào công ơn sanh thành dưỡng dục, trang trải món nợ của mình đối với cha mẹ.

(Trích Ngôi nhà thật sự của ta)

3. Hành thiền là một công việc của tâm, việc hay biết. Nó không phải là việc làm của thân. Nó không phải là việc bạn phải làm đối với thân, như cách ngồi, cách đi đứng hay cử động. Hành thiền là kinh nghiệm về thân và tâm của mình một cách trực tiếp, trong từng sát na, từng giây phút, với một sự hiểu biết đúng đắn.

(Trích Đừng coi thường phiền não)

4. Luôn ghi nhớ rằng, thiền chánh niệm là một quá trình học hỏi để thấy rõ mối liên hệ giữa thân và tâm của mình. Hãy thật tự nhiên và đơn giản; bạn không cần phải làm mọi việc thật chậm chạp một cách gượng ép, thiếu tự nhiên. Bạn chỉ đơn giản nhìn mọi việc như chúng đang là.

(Trích Đừng coi thường phiền não)

5. Khi bạn bị đau, nhức, khó chịu trong thân, điều đó có nghĩa là tâm bạn đang có phản ứng chống đối lại chúng và do đó bạn chưa thể quan sát những cảm giác khó chịu này một cách trực tiếp được. Dĩ nhiên không ai thích đau cả, nhưng nếu bạn quan sát cơn đau trong khi vẫn còn chống đối, kháng cự lại, thì nó sẽ càng đau hơn. Cũng giống như khi bạn đang tức giận một ai đó, càng nhìn thấy mặt lại càng thấy tức. Vì vậy, đừng bao giờ tự cưỡng ép mình quan sát cái đau; đây không phải là một trận chiến mà chỉ là một cơ hội để bạn học hỏi. Đừng quan sát cái đau với mục đích là làm cho nó bớt đau hoặc biến mất. Bạn quan sát cái đau, và nhất là phản ứng của tâm đối với cái đau đó, để hiểu được mối liên hệ giữa phản ứng của tâm với các cảm giác trên thân.

(Trích Đừng coi thường phiền não)

6. Hãy nhìn cho rõ những loại phiền não đang có trong mình. Cố gắng hay biết những phiền não đang sanh khởi trong tâm. Hãy quan sát và cố gắng thấu hiểu chúng. Đừng dính mắc vào chúng, đừng chối bỏ hay làm ngơ, bỏ qua và cũng đừng tự đồng hoá mình với chúng (nhận chúng là mình). Khi bạn không còn dính mắc hoặc tự đồng hoá với chúng, thì chúng sẽ dần dần mất sức mạnh. Bạn phải luôn kiểm tra lại xem mình đang hành thiền với thái độ như thế nào.

(Trích Đừng coi thường phiền não)

7. Hỏi: Cần phải thực hành pháp niệm tâm từ cùng lúc với thiền minh sát không?

Đáp: Lập đi lập lại những câu niệm tâm từ đem lại kết quả tốt đẹp. Nhưng đó chỉ là sự thực tập căn bản cho những người mới hành thiền. Khi bạn đã thực sự nhìn thấy bên trong tâm bạn và thực hành phần tinh tuý của Phật Giáo một cách đứng đắng thì tâm từ của bạn tự nhiên phát triển. Khi bạn xả bỏ tự ngã và các thứ khác thì bạn sẽ có một sự phát triển sâu xa và tự nhiên khác hẳn với người sơ cơ, lập đi lập lại câu: "Cầu mong cho tất cả chúng sinh an vui hạnh phúc, cầu mong cho tất cả chúng sinh tránh khỏi mọi điều đau khổ."

(Trích Mặt hồ tĩnh lặng)

8. Hỏi: Có rất nhiều thiền sư và mỗi vị chỉ dạy một phương pháp hành thiền riêng, khiến thiền sinh bối rối, băn khoăn. Làm sao biết phương pháp nào đúng?

Đáp: Cũng giống như việc đi xuống phố. Chúng ta có thể đến phố từ nhiều hướng khác nhau. Thường các phương pháp thiền chỉ khác nhau bề ngoài. Dầu phương pháp nào đi nữa, chậm hay nhanh, nếu giúp chánh niệm thì cũng như nhau. Điểm chính yếu mà mọi thiền sinh cần phải nằm lòng là đừng dính mắc. Vì cuối cùng thì mọi phương pháp hành thiền phải được buông bỏ. Phương pháp hành thiền chỉ là phương tiện. Thêm vào đó, thiền sinh cũng không được dính mắc vào thiền sư. Lối của thiền sư nào đưa bạn đến sự dứt bỏ, không dính mắc, đó là lối thiền đứng đắn.

Bạn có thể đi đây đó để tham học với các thiền sư và để thử qua những phương pháp hành thiền khác nhau. Một số các bạn ở đây đã từng làm như thế. Đó là điều ước muốn và là việc tự nhiên. Sau khi bạn đã đặt nhiều câu hỏi với các vị thiền sư và đã biết được nhiều phương pháp hành thiền, bạn sẽ nhận thấy rằng tất cả những việc bạn làm chẳng đưa bạn đến chân lý ngoài sự buồn chán. Rồi bạn sẽ thấy rằng chỉ có lúc bạn đứng lại để xem xét tâm mình mới là lúc bạn thấy được, tìm được những gì Đức Phật dạy. Chẳng cần phải đi tìm cái gì bên ngoài bạn. Hãy trở về đối diện với bản chất thực sự của chính mình. Chính lúc trở về đối diện với chính mình bạn sẽ thấy chân lý.

(Trích Mặt hồ tĩnh lặng)

9. Tôi đang làm những gì mình có thể làm được. Không bao giờ coi bất cứ cái gì là quá nghiêm trọng cả. Tất cả mọi thứ có sinh thì đều có diệt. Chẳng có cái gì diễn ra đúng như tôi mong muốn bao giờ. Vì vậy tốt hơn cả là chẳng nên lo lắng quá nhiều; đừng khăng khăng muốn mọi việc phải diễn ra theo ý mình, nhất là đối với người khác – họ có tâm của riêng họ, ý thích của riêng họ.

(Trích Tuyết giữa mùa hè)

10. Mỗi khi bạn không biết phải làm gì, mỗi khi bạn rối mù, đó là khi bạn phải thực sự bắt đầu nhìn xem. Nó là cơ hội cho một sự khởi đầu mới. Sự không chắc chắn thật là khó chịu, nhưng nó làm cho tâm mình trở nên tỉnh giác. Làm gì bây giờ? Hãy nhìn thật sâu vào tâm mình mà đừng suy nghĩ quá nhiều. Giữ cho tâm bạn rộng mở trước sự không chắc chắn. Lúc này bạn cần phải có một cái tâm “không biết gì hết”. Nó là một phần của tiến trình trưởng thành của bạn; nó đánh thức bạn dậy từ trạng thái đờ đẫn.

(Trích Tuyết giữa mùa hè)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét