PHẬT PHÁP GIẢNG GIẢI - BÀI 18: CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN NIẾT BÀN (PHẦN 2) | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Tư, 11 tháng 2, 2015

PHẬT PHÁP GIẢNG GIẢI - BÀI 18: CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN NIẾT BÀN (PHẦN 2)

Bài 18:

CON ÐƯỜNG ÐI ÐẾN NIẾT BÀN

PHẦN HAI


Tiếp tục bàn về ba giai đoạn phát triển tâm, đó là: Giới - Ðịnh - Tuệ. Chúng ta đã đề cập đến giai đoạn tu tập đầu tiên là Giới ở phần trước. Lần này chúng ta sẽ bàn sơ lược về Ðịnh (Samàdhi), tức Thiền Ðịnh và cũng là giai đoạn để phát triển trí tuệ. Ðây là những giai đoạn tu tập khá nghiêm mật, vì khi đến giai đoạn hành thiền này chúng ta thường thấy rằng đó là một tiến trình tu tập rất tẻ nhạt. Thiền không phải là một đề tài để người ta nói về, mà là để thực sự hành theo, chúng ta không kham nổi những công việc khá đơn điệu bình thường. Nói về một điều gì đó thì rất dễ, tổ chức một điều gì đó cũng rất dễ. Một số người cho là cần phải có một năng khiếu tổ chức mới làm được các công việc đó; tuy nhiên, việc hành thiền còn khó khăn hơn rất nhiều.

Chính vì vấn đề khó khăn này mà Bần Tăng sẽ đọc cho quý vị nghe một phần trong cuốn sách do Bần Tăng viết về đề tài thiền và làm thế nào để tiến hành thiền định trong Phật giáo.

THIỀN ÐỊNH (SAMÀDHI)

Người có trí, sau khi đã được trang bị với Giới (Sìla), và làm chủ các giác quan (Căn) của mình, có khuynh hướng nghiêng về việc phát triển loại hạnh phúc cao cả hơn và bền vững hơn (nghĩa là hơn cái loại hạnh phúc thế gian thông thường) bằng Thiền Ðịnh để chế ngự và tu tập tâm; giai đoạn thứ hai trên đạo lộ giải thoát.

Ðịnh là sự tu tập tâm, không có định chúng ta không thể có tuệ. Bằng thiền định chúng ta có thể gặt hái được hạnh phúc - một loại hạnh phúc cao cả hơn hạnh phúc thông tục của thế gian. Hạnh phúc thế gian là hạnh phúc lệ thuộc. Nó cần sự hỗ trợ và đồng hợp tác của một người cộng sự (vợ hay chồng). Riêng loại hạnh phúc tinh thần cao cả này không đòi hỏi bất kỳ sự trợ giúp bên ngoài nào hoặc người cộng sự nào. Hạnh phúc này có thể được đạt đến qua thiền (Jhànas). Jhànas (Skr: dhyàna: thiền na) là một từ phát xuất từ căn Jhe, tư duy một cách gắn bó hay kiên cố vào một đề mục, hoặc để thiêu đốt các pháp chướng ngại, Nivarana có nghĩa là năm triền cái ngăn trở tiến bộ tâm linh, Jhàna đã được dịch là nhập định, an chỉ định trạng thái xuất thần. Tuy nhiên, ở đây định là một kinh nghiệm đặc biệt thoát khỏi đời thường.

Ở Miến chúng ta không nói về thiền định (Jhàna) chúng ta thường nói nhiều đến Vipassanà (thiền minh sát hay thiền quán). Sở dĩ thiền định (Samàtha hay Jhàna) ít được nghĩ đến ở Miến là vì nguời Miến cho rằng thiền định không phải là giai đoạn cao tột, mà chỉ là giai đoạn thứ hai trên lộ trình đi đến Niết Bàn. Ðó là lý do thứ nhất. Còn có một lý do khác nữa là, với những người quan tâm đến thiền Minh sát (Vipassanà) nghĩ rằng đây là con đường ngắn nhất hay đường tắt đi đến Niết Bàn. Trong một vài trường hợp, người ta nghĩ rằng để đạt đến Niết Bàn vấn đề chỉ là thời gian thôi, nghĩa là chỉ cần thực hiện vài ngày hoặc vài tuần là đủ. Họ thích đi thẳng đến Niết Bàn chứ không muốn chờ đợi lâu. Chẳng thế mà họ tham dự những khoá thiền ba ngày hoặc 7 ngày để mong đạt đến mục đích đó.

Ðể đắc thiền (Jhana) bạn phải chứng minh điều đó bằng cách thực hiện những pháp thần thông - chẳng hạn như đi trên nước, ngồi trên mặt nước, làm người chết đứng dậy v.v... Nhưng để đạt đến Niết Bàn ở giai đoạn Nhập Lưu (tức Tu Ðà Hoàn quả) thì chẳng cần bằng chứng gì cả. Ðó là một lý do thêm nữa, giải thích tại sao người ta lại quan tâm đến thiền Minh sát đến như thế. Chính Ðức Phật đã đạt đến những trình độ rất cao trong thiền định (Jhànas), Bần Tăng nhân đây cũng muốn nói đôi điều về loại thiền này. Một số người đề nghị là nếu chúng ta muốn truyền bá đạo Phật một cách hiệu quả ở thế gian này, chúng ta phải làm điều đó khác với những điều chúng ta hiện nay đang làm. Nhờ thiền định chúng ta có thể bay lên trời, chúng ta có thể xuất hiện và biến mất trong không gian. Vì vậy, một số người nói rằng đạo Phật có thể được truyền bá nhanh hơn và rộng rãi hơn nếu chúng ta có thể chứng minh Ðạo Phật qua thiền định. Dù sao chăng nữa thì thiền định này cũng là một phần trong lời dạy của Ðức Phật.

Thiền (Jhànas) nghĩa là tư duy, tập trung vào một đề mục để vượt qua Năm triền cái. Jhànas cũng có nghĩa là thiêu đốt các pháp chướng ngại (Nivarana) những pháp che lấp tiến bộ tâm linh. Phát xuất nơi từ phát sinh [*] này chúng ta có "Jhar-pa-na" là hoả thiêu trong trường hợp người chết. Jhanas đã được dịch là nhập định, an chỉ định hay trạng thái xuất thần (ecstacy); tuy nhiên, trong đạo Phật Jhànas là một loại kinh nghiệm thuộc về tinh thần (tâm), hay có thể gọi là kinh nghiệm vượt ngoài đời thường. Người muốn tiến bộ trên lãnh vực tinh thần (tâm) này sẽ chọn một trong 40 đề mục đã liệt kê trong Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo). Ðề mục mà hành giả chọn cần thích hợp với tính khí (bản tánh) của mình, chẳng hạn như tánh ưa xúc cảm, sân hận v.v... 40 đề mục đó được chia thành 6 nhóm theo loại bẩm tánh của con người. Do vậy, nếu bạn muốn hành thiền có kết quả, nghĩa là đắc thiền, bạn phải chọn một trong số 40 đề mục thích hợp với bẩm tánh của mình.

[*] Derivative: "Từ phát sinh" là từ được tạo ra từ một yếu tố gốc bằng cách thêm, bớt hay thay một vài thành tố nào đó (ND).

Về phương pháp đã được giải thích đầy đủ trong Thanh Tịnh Ðạo. Ðề mục hành giả chọn được gọi là Parikammanimitta (chuẩn bị tướng). Hành giả chú tâm trên đề mục này trong một thời gian, có thể là vài ngày, vài tuần, vài tháng hay vài năm, cho đến khi nào hành giả có thể mường tượng được đề mục không chút khó khăn. Khi hành giả có thể mường tượng được đề mục mà không nhìn vào nó, hành giả tiếp tục tập trung trên đề mục mường tượng này (Uggahanimitta: sơ tướng hay tợ tướng) cho đến khi hành giả phát triển nó thành một đề mục đã được khái niệm hoá (Patibhàganimitta:quang tướng). Ở vào giai đoạn này người có kinh nghiệm tâm linh được xem như đắc cận định (Upacàra - samàdhi) và tạm thời vượt qua năm triền cái (Nivarana) đó là: tham dục, sân hận, hôn trầm - thuỵ miên, trạo cử, phóng dật và hoài nghi.

Ðể minh hoạ lại những gì chúng ta đã nói. Nếu hành giả chọn cho mình đề mục thích hợp là một biến xứ đất (Pathavì - Kasina), hành giả giữ kỹ một vòng tròn làm bằng đất sét gọi là Kasina (Biến Xứ đất). Trong tiếng Anh thường được dịch là Hypnotic circle (vòng thôi miên), thực ra không chính xác lắm. Hành giả làm một vòng tròn bằng đát sét đường kính khoảng một gang và bốn ngón tay (ba tấc). Hành giả cố gắng làm sao cho nó thật phẳng và sơn bằng màu bình minh. Vòng này được đặt trước mặt cách khoảng 1 mét, hoặc xê xích một chút sao cho mắt nhìn thấy rõ. Ở phương Tây hiện nay cũng có một số người hành theo cách này. Tuy nhiên, ở Ấn Ðộ phương pháp này đã có từ lâu đời, vì vậy nó rất phổ thông; người Tây phương thực hành pháp môn thiền định đơn giản chỉ để xem tác dụng của nó và nhờ thực hành như vậy mà một số người đã thâu thập được một năng lực định rất sâu. Khi việc chuẩn bị vòng Kasina đất đã hoàn tất và hành giả đặt nó trước mặt ở khoảng cách thuận tiện, sao cho hành giả có thể nhìn vào nó một cách dễ dàng thoải mái. Trong lúc hành thiền hành giả phải giữ cho đầu, cổ và lưng thẳng đứng để duy trì tâm gắn bó với đề mục.

Thông thường không tập trung chúng ta không thể biết tâm mình ở nơi đâu. Dù thế nào chăng nữa hành giả cũng phải cố gắng tập trung tâm vào đề mục vật lý này, Parikammanimitta (chuẩn bị tướng). Như đã giải thích ở trên, có khi hành giả phải mất vài ngày, vài tháng hoặc vài năm mới có thể mường tượng được hay hình dung được đề mục mà không cần đến chuẩn bị tướng (tức đề mục vật lý). Ðức Phật khuyên chúng ta không nên quá căng thẳng khi làm bất kỳ điều gì. Hành giả không nên cưỡng ép tâm lực mình. Hành giả phải xem mình như thể đang trong cuộc chơi, thưởng thức nó với tâm hân hoan vui vẻ, cũng như những thanh thiếu niên đang thích thú xem một màn trình diễn trong xi nê vậy.

Nhưng đồng thời Ðức Phật cũng khuyên chúng ta không nên để tâm lơi lỏng. Chúng ta hành thiền để giúp đỡ tha nhân, để đóng góp hạnh phúc của mình vào hạnh phúc chung của mọi người. Hành thiền với tinh thần như vậy, ngay cả việc quét nhà cũng trở nên thú vị. Trong việc hành thiền, hành giả cũng phải có thái độ như trong lúc đang chơi, có vậy việc hành mới trở nên thú vị, bởi vì hành thiền là một việc làm rất tốt và là một điều cần thiết phải làm để trau dồi bản tâm. Trừ khi chúng ta giải toả được tâm mình như vậy, bằng không chúng ta chẳng thể nào thực hiện nổi những chặng đầu của pháp (Dhamma), nói chi đến việc chứng ngộ Niết Bàn, mục tiêu cao tột của đạo Phật.

Vì vậy, hành giả tập trung trên đề mục hay "chuẩn bị tướng" cho đến khi có thể mường tượng ra nó mà không cần đề mục. Hình ảnh mường tượng này trong Pàli gọi là "Uggahanimitta" (sơ tướng hay thô ảnh tướng tợ), có thể nói đó là bản sao chính xác của đề mục được thấy. Khi hành giả đến giai đoạn này thì không đòi hỏi phải có đề mục vật lý nữa. Kế đó, hành giả tiếp tục tập trung vào đề mục mường tượng. Sự khác biệt giữa đề mục thứ nhất và đề mục thứ hai là: đề mục đầu tiên là một đề mục vật lý, đề mục thứ hai thuộc tâm (do mường tượng mà ra). Tuy nhiên nó chính xác cùng một đề mục. Hành giả nỗ lực tập trung vào đề mục mường tượng này cho đến khi nó trở nên sáng chói giống như một ngôi sao. Sự khác biệt giữa giai đoạn hai và ba này là: trong giai đoạn hai hành giả thấy đề mục với những thô tướng, nhưng trong giai đoạn ba hoàn toàn không có các thô tướng này nữa, mà nó tựa như một ngôi sao đang chiếu sáng. Lúc này đề mục đã được khái niệm hoá và gọi là Patibhàganimitta (quang tướng hay quang ảnh trong sáng). Hành giả đắc cận định và tạm thời vượt qua năm triền cái (Nivarana); đó là: Tham Dục, Sân Hận, Hôn Trầm - Thuỵ Miên, Trạo Cử - Phóng Dật và Nghi Cái.

Sự tập trung hay định tâm của hành giả dần dần trở nên tăng tiến đến mức sắp đạt đến Jhàna (thiền). Vào giai đoạn này hành giả được bảo là đã có An Chỉ Ðịnh (Appanàsamàdhi). Cuối cùng, hành giả từng bước một đắc năm cấp độ thiền (từ sơ thiền đến ngũ thiền) và chính khi hành giả đạt đến ngũ thiền là lúc hành giả có thể dễ dàng phát triển năm năng lực siêu nhiên (các loại thần thông như: thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, túc mạng thông, tha tâm thông, và biến hoá thông). Nhờ những thần thông này hành giả có thể thấy những điều mà bằng mắt thường không thể thấy được -- dù cho vật ấy ở xa bao nhiêu, không có chướng ngại nào có thể ngăn cản được cái thấy của hành giả. Hành giả có thể thấy xuyên qua núi non, đến những nơi xa xăm nhất mà không bị chướng ngại vật nào ngăn cách. Ngay cả đến ngày nay ở Ấn Ðộ cũng có những vị Yogis đắc các pháp thần thông này, vì việc hành thiền định không nhất thiết chỉ giới hạn trong đạo Phật mà Ấn giáo (Hindus) cũng hành như vậy.

Trong đạo Phật việc hành thiền (Jhàna) là một trợ lực rất lớn giúp chứng ngộ Niết Bàn. Những người đã đạt đến mức độ cao như ngũ thiền này, tâm họ được tinh lọc rất cao và điều này giúp họ dễ dàng đạt đến các cấp độ phát triển tâm siêu thế (Lokuttara). Tuy nhiên, ở giai đoạn ngũ thiền hành giả cũng không hoàn toàn thoát khỏi những khuynh hướng bất thiện - lý do là vì Ðịnh, như đã đề cập ở trên, chỉ có thể vượt qua cấp độ phiền não thứ hai một cách tạm thời. Vì vẫn còn cấp độ phiền não thứ nhất (tức tuỳ miên phiền não) chưa trừ khử nên những tham dục đã được ức chế bằng Ðịnh chắc chắn sẽ khởi dậy lại nếu gặp điều kiện. Trong Anh ngữ, năm năng lực siêu nhiên hay thần thông này đôi khi còn gọi là năng lực tàng ẩn hay bí mật. Tuy nhiên, trong đạo Phật năm năng lực này không thể gọi là những năng lực bí mật được, vì mọi người đều có thể đạt được nếu họ chịu khó hành thiền định.

Giới làm cho người ta cao quý trong lời nói và việc làm, Ðịnh kiểm soát tâm làm cho vị ấy an tịnh, bình tĩnh và kiên định. Tuệ hay tuệ giác, giai đoạn tu tập thứ ba và cũng là giai đoạn cuối cùng, giúp cho hành giả thắng phục hoàn toàn mọi phiền não. Như một cái cây đã bị triệt ở gốc chắc chắn sẽ không còn mọc lại, cũng vậy, các phiền não do Tuệ (Pannà) trừ diệt sẽ không bao giờ sanh khởi nữa.

Hành giả khi đã đạt đến giai đoạn thứ ba trên đạo lộ Giải thoát, cố gắng hiểu rõ thực chất của tự ngã, cũng như thực chất của các pháp thế gian nói chung. Giờ đây với cái tâm đã tịnh hoá cao độ, hành giả bắt đầu liễu tri rằng không có nguồn gốc của cái Ta hay tính đồng nhất khăng khăng của một "bản ngã" cả trong các hiện tượng nội giới và ngoại giới. Vị ấy nhận ra rằng cả thân và tâm, những thứ cấu tạo nên cá thể vị ấy, đều nằm trong trạng thái trôi chảy và biến dịch không ngừng, và rằng các pháp hữu vi đều vô thường (Anicca), phải chịu khổ đau (Dukkha), và không có tự ngã (Anatta). Ðối với vị ấy, lúc đó tri kiến hiểu biết phát sinh lên rằng mọi hình thức lạc thú của đời thường chỉ là đầu mối đưa đến khổ đau, và rằng mọi thứ nằm trong trạng thái biến dịch chắc chắn không thể là cội nguồn hạnh phúc thường hằng và thực sự được.

Sau đó, hành giả tập trung tâm vào ba đặc tánh thế gian, đó là: vô thường, khổ và vô ngã. Không luyến ái cũng không chán ghét đối với các pháp thế gian; hành giả tiếp tục một cách kiên trì, phát triển tuệ giác đối với cả hiện tượng nội và ngoại giới cho tới khi loại trừ được ba hạ phần kiết sử, đó là: Thân kiến = Ngũ uẩn tà kiến (Sakkàya ditthi), Hoài nghi (Vicikicchà) và Giới cấm thủ (Sìlabbata paràmàsa) chỉ khi nào hành giả thủ tiêu tận gốc ba kiết sử này thì hành giả mới chứng ngộ Niết Bàn, mục tiêu tối hậu của mình trong lần đầu tiên. Vào giai đoạn này hành giả được gọi là vị Tu Ðà Hoàn (Sotàpana), tức là người đã bước vào dòng (Nhập Lưu), dòng ở đây nghĩa là đạo lộ dẫn đến Niết Bàn. Ðức Phật đã mô tả giai đoạn này như sau:

Ðắc quả Tu Ðà Hoàn,
Hơn tái sanh thiên giới
Hơn quyền lực thế gian
Hơn chuyển luân thánh vương. (Pháp Cú, 178)

Hình ảnh biểu tượng một người đã đạt đến tầng thánh thứ nhất được ví như người bước vào dòng (Thánh) bởi vì, cũng như nước sống không bao giờ chảy ngược, mà đều đặn chảy một cách chắc chắn và hiển nhiên hướng ra đại dương. Cũng vậy, vị hành giả sẽ chắc chắn và nhanh chóng đạt đến sự giác ngộ cuối cùng của mình. Tuy nhiên, vì hành giả chưa diệt trừ bảy kiết sử còn lại nên có thể phải tái sanh tối đa là bảy lần nữa trong cõi dục.

Khi hành giả phát triển tuệ giác thâm sâu hơn và làm yếu đi hai kiết sử nữa, đó là: Dục Ái (Kàmaràga) và Sân (Patigha), hành giả trở thành một vị Tư Ðà Hàm (Sakadàgàni), còn gọi là bậc Nhất Lai. Sở dĩ được gọi như vậy là vì hành giả còn tái sanh trong cõi dục (Kàmaloka) chỉ một lần duy nhất nếu như hành giả vẫn chưa đắc giải thoát cuối cùng trong kiếp sống hiện tại này.

Tầng thánh thứ ba là A Na Hàm (Anàgàmi), Bất Lai Thánh Giả, người đã hoàn toàn cắt đứt hai kiết sử (Dục Ái và Sân) ở trên. Hành giả không còn tái sanh trong thế gian này hay bất kỳ cảnh giới nào trong dục giới. Tuy nhiên, nếu hành giả vẫn chưa đạt đến giác ngộ cuối cùng trong kiếp này thì vào lúc mệnh chung, chắc chắn sẽ tái sanh nơi một trong những cảnh giới thích hợp và cao hơn, từ đó hành giả sẽ nhập Niết Bàn luôn.

Giai đoạn thứ tư là tầng thánh A La Hán (Arahat),

bậc đã tiêu trừ năm thượng phần kiết sử là: Ái trong cõi sắc giới (Rùpà - ràga); Ái trong cõi vô sắc (Arùpa - ràga), Ngã Mạn (Màna), Phóng Dật (Uddhacca) và Vô Minh (Avijjà). Lúc đó hành giả biết rõ rằng sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, điều cần làm đã làm xong, đây là sự an lạc cao quý nhất, bậc A la Hán vượt lên trên các cõi giới, chứng ngộ hạnh phúc Niết Bàn - một loại hạnh phúc bất khả thuyết.

-ooOoo-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét