PHẬT PHÁP GIẢNG GIẢI - BÀI 32: TÁI SANH DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO? | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Bảy, 21 tháng 3, 2015

PHẬT PHÁP GIẢNG GIẢI - BÀI 32: TÁI SANH DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Bài 32:

TÁI SANH DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Mỗi kiếp sống được tạo điều kiện bởi một nghiệp (hay hành động) tốt hay xấu ở quá khứ, và nghiệp này nổi bật nhất ở lúc lâm chung. Hình hài của chúng ta chỉ là sự biểu hiện ra bề ngoài của dòng nghiệp lực vô hình, và lực này mang theo với nó tất cả những phẩm cách của chúng ta; phẩm cách này thường ngấm ngầm bên trong, nhưng nó có thể khởi sanh lên bề mặt vào những khoảnh khắc hoàn toàn bất ngờ. Cái chết của một người chỉ là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời, hình hài hiện tại diệt và hình hài khác sẽ thay thế chỗ của nó, hợp theo tư tưởng được xem là mạnh nhất vào lúc lâm chung.

Một sát na (đơn vị) tâm diệt chỉ để cho một sát na tâm khác sanh ra, dòng tâm thức trôi chảy giống như một dòng sông. Khi một người sắp chết, chức năng vật lý không phục hồi diễn ra từ sát na tâm thứ 17 tính ngược lại thời điểm chết. Những tính chất thuộc về vật chất của thân do nghiệp, hơi nóng, tâm và dưỡng chất tạo ra không khởi sanh nữa, giai đoạn nguy ngập này có thể so sánh với sự leo lét của ngọn đèn ngay trước lúc tắt. Ðối với người hấp hối, lúc này một trong ba hiện tượng xuất hiện rất sinh động trước con mắt tâm của họ, đó là Nghiệp (Kamma), Nghiệp Tướng (Kamma nimitta), và Thú Tướng (Gati nimitta).

NGHIỆP (KAMMA)

Thấy nghiệp có nghĩa là thấy một hành động thiện hoặc ác của họ và nếu đó là trọng nghiệp, đây là một trong bốn loại nghiệp hay hành động tạo điều kiện cho sự tái sanh, một Trọng Nghiệp như vậy chắc chắn sẽ tạo quả ngay trong kiếp sống này hoặc kiếp kế, trọng nghiệp có thể là thiện hoặc ác. Chẳng hạn, một trạng thái thiền trong lúc hành thiền, là thiện, và sát sanh là ác; đặc biệt đối với trường hợp của những nghiệp nghiêm trọng nhất (ngũ nghịch đại tội) liên quan đến giết cha, giết mẹ, giết một bậc A la hán, hoặc chỉ làm bị thương một vị Phật. Như đã nói ở trên, trọng nghiệp như vậy sẽ cho quả ngay trong kiếp này hoặc kiếp kế một cách chắc chắn.

Nếu người sắp chết không có trọng nghiệp như vậy làm đối tượng cho sát na tâm tử, họ có thể thấy một hành động hay nghiệp mà họ đã làm ngay trước lúc chết; nghiệp này gọi là Asanna "cận tử nghiệp". Do vai trò quan trọng mà nó đóng trong việc quyết định sự tái sanh, cho nên chấp giữ vào loại đối tượng của sát na tâm tử hết sức quan trọng; chính vì vậy việc nhắc nhở người hấp hối nhớ đến những thiện sự mà họ đã làm, hoặc tạo điều kiện cho họ làm những điều thiện (như bố thí, nghe pháp v.v...) ngay trên giường bệnh của họ, vẫn còn được các nước quốc giáo như Tích Lan, Miến Ðiện... coi trọng.

Ðôi khi một người xấu có thể chết một cách an vui và nhận được một sự tái sanh tốt, nếu họ may mắn nhớ đến hay làm được một việc thiện vào phút cuối, nhưng cho dù họ hưởng được một sự tái sanh tốt đi nữa, thì điều này cũng không có nghĩa là họ sẽ miễn trừ được hậu quả của những ác nghiệp mà họ đã thực hiện trong kiếp trước. Cũng có khi, một người hiền lương có thể chết rất bất hạnh do thình lình nhớ đến một ác nghiệp nào đó của mình, hoặc do nuôi dưỡng một ý nghĩ xấu xa,có thể bị buộc phải tái sanh trong những hoàn cảnh không thuận lợi. Tuy nhiên, đây chỉ là những trường hợp ngoại lệ, vì theo quy luật, chặp tư tưởng cuối cùng thường được tạo điều kiện bởi hành vi cư xử thông thường của một người. Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng luôn được khuyên là hãy nhắc nhở người hấp hối nhớ đến những thiện nghiệp của họ, và chuyển sự chú ý của họ ra khỏi những ràng buộc và lo lắng thế gian.

Thường nghiệp là nghiệp kế tiếp trong ưu tiên trả quả. Ðây là loại nghiệp hay hành động mà người ta làm hay nghĩ đến rất thường xuyên, những thói quen này dù tốt hay xấu, đều trở thành bản chất thứ hai của con người, như chúng ta đã thấy, nó có khuynh hướng lập thành nhân cách của một người. Trong những lúc nhàn rỗi, người ta thường quay trở về một loại tư tưởng đã thành nét đặc thù của mình. Chẳng hạn, một người bỏn xẻn keo kiệt sẽ luôn luôn nghĩ đến tiền bạc của mình, và khó có thể buông bỏ tâm ra khỏi những sở hữu hằng ấp ủ này của họ; một người làm công việc xã hội chắc chắn sẽ quan tâm đến những hoạt động xả hội của mình; một vị cố vấn tinh thần thì luôn luôn chăm chú vào công việc tâm linh của mình. Như vậy, mỗi người chúng ta bị những hành động thường ngày của mình chi phối, đặc biệt là vào lúc lâm chung.

Trong trường hợp không có tất cả những nghiệp vừa kể làm đối tượng của tâm tử, thì một hành động hay nghiệp thất thường nào đó từ những tích luỹ của quá khứ bất tận, sẽ hiện khởi. Mỗi chúng sanh đều có một kho nghiệp dữ trữ, có thể gọi đó là như vậy, và Tích Luỹ nghiệp này đôi lúc có thể trở thành đối tượng của sát na tâm tử. Như vậy, một trong bốn nghiệp này hiện ra một cách tự nhiên và rất sinh động trước con mắt tâm của người sắp chết, đó là: Trọng Nghiệp, Cận Tử Nghiệp, Thường Nghiệp, Tích Luỹ Nghiệp.

Nghiệp tướng (Kamma nimitta)

Trường hợp nghiệp tướng - thì đối tượng của sát na tâm tử là vật xuất hiện trong hình thức của một cảnh sắc, âm thanh, mùi, vị, xúc chạm hay một ý niệm kết hợp một cách mật thiết với sự biểu hiện của một nghiệp đặc biệt. Chẳng hạn, như dao thớt trong trường hợp đó là một người đồ tể, đối với bác sĩ thì sẽ thấy bệnh nhân, và trường hợp một người mộ đạo sẽ thấy đối tượng của sự thờ phụng v.v...

Thú tướng (Gati nimitta)

Ðiều này có nghĩa là đối tượng của sát na tâm tử bắt lấy hình thức của một dấu hiệu nào đó về nơi chốn mà người chết sẽ đi thọ sanh, một điều rất thường xảy ra với người sắp chết. Những biểu tượng về số phận của một người có thể là rừng hoặc những vùng núi non, thai mẹ, các toà thiên cung v.v... khi những dấu hiệu tái sanh này xảy ra, và nếu nó là xấu, chúng có thể được chuyển thành tốt. Ðiều này được thực hiện bằng cách gây ảnh hưởng đến tư tưởng của người hấp hối sao cho những ý tưởng thiện giờ đây có thể tác động như một cận tử nghiệp, đồng thời làm mất tác dụng ảnh hưởng của nghiệp xấu; nếu không, nó sẽ ảnh hưởng đến sự tái sanh của họ.

Bắt lấy nghiệp, nghiệp tướng và thú tướng làm đối tượng của nó, tiến trình tâm của người hấp hối đi đến tâm tử thực sự, tức là trạng thái tâm cuối cùng trong kiếp sống này, cái chết thực sự xảy ra. Chết chỉ là sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời, nó không phải là sự huỷ diệt hoàn toàn của một chúng sanh. Mặc dù đời sống hữu cơ đã diệt, nhưng cái năng lực làm động cơ thúc đẩy nó cho đến lúc này vẫn chưa tiêu huỷ; cũng như ánh sáng điện chỉ là sự biểu hiện có thể thấy được ở bên ngoài của dòng nghiệp lực vô hình. Cũng thế, chúng ta chỉ là sự biểu hiện bề ngoài của dòng nghiệp lực vô hình. Khi bóng đèn hư, ánh sáng tắt nhưng dòng điện vẫn còn, và ánh sáng lại xuất hiện trở lại với một bóng đèn thích hợp khác. Trong cùng cách thức như vậy, dòng nghiệp lực còn lại hoàn toàn không bị xáo trộn bởi sự phân rã của cỗ xe vật lý (thân người).

Trạng thái tâm cuối cùng trong kiếp sống đó đang diệt, tạo điều kiện cho trạng thái tâm kế tiếp liền tức khắc; tuy nhiên, trạng thái tâm liền kế tiếp này sẽ xảy ra trong và như trạng thái tâm đầu tiên hết của kiếp sống mới, và cứ thế tiến trình tiếp tục. Tâm kế tiếp thừa hưởng tất cả những hành động quá khứ hay nghiệp cũ, nhưng chúng sanh mới, chúng sanh này chỉ là sự biểu hiện hiện tại của dòng nghiệp lực, hoàn toàn không giống như chúng sanh trước. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó thì nó thừa hưởng những điều kiện thuộc quan hệ nhân quả trong quá khứ giống vậy; bởi thế, cũng không thể nói đó là một chúng sanh hoàn toàn khác.

Dòng tâm thức trôi chảy, sự chuyển tiếp của dòng sinh lực xảy ra tức thì, đến mức hoàn toàn không có chỗ trống nào cả dành cho trạng thái trung gian. Theo truyền thống Phật giáo Tây tạng (Tibetan), có một giai đoạn hay trạng thái trung gian, ở đây chúng sanh lưu lại trong vài ngày; và theo giáo lý của Thuyết Thần Trí (Thesophical) thì giữa mỗi hai kiếp sống chúng ta có một kỳ nghỉ rất tuyệt vời trên thiên đàng, gọi là Devachan; trong kỳ nghỉ đó chúng ta có dịp suy gẫm đến tất cả những gì đã xảy ra với chúng ta trong kiếp trước và nghiền ngẫm mọi kinh nghiệm mà chúng ta đã gặt được trong kiếp quá khứ của mình.

Theo Phật giáo truyền thống thì tính liên tục của dòng sinh lực vào lúc chết không bị gián đoạn trong một điểm thời gian nào cả, và cũng không có sự ngăn chia trong dòng tâm thức. Sự khác nhau duy nhất giữa một sát na diệt đến sát na tâm khác, và giữa sát na tâm tử với sát na tâm sanh, là trong trường hợp trước sự thay đổi không thể thấy được, và ở trường hợp sau một cái chết có thể nhận ra rõ ràng được thấy. Tái sinh liền tức khắc.

Chúng ta có thể hỏi "Phải chăng có một nơi nào đó luôn luôn sẵn sàng để tiếp nhận sự tái sinh này?" Câu trả lời là ví như một điểm trên mặt đất này luôn luôn sẵn sàng đón nhận hòn đá rơi; cũng như vậy, luôn luôn có một nơi thích hợp để đón nhận sự tái sanh và điều này được tạo điều kiện bởi nghiệp (Kamma).

-ooOoo-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét