PHẬT PHÁP GIẢNG GIẢI - BÀI 34: TAM QUY: TISARANA | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

PHẬT PHÁP GIẢNG GIẢI - BÀI 34: TAM QUY: TISARANA

Bài 34:

TAM QUY: TISARANA 

Thông thường, trong các buổi hội họp hoặc lễ lạy theo truyền thống Phật giáo, người Phật tử chúng ta thường mở đầu bằng nghi thức xin thọ Tam Quy và Ngũ Giới hoặc Bát Quan Trai Giới. Như vậy, Tam Quy nghĩa là gì?

Buddham saranam gacchàmi.
Dhammam saranam gacchàmi.
Sangham saranam gacchàmi.

Con đem hết lòng thành kính quy y Phật.
Con đem hết lòng thành kính quy y Pháp.
Con đem hết lòng thành kính quy y Tăng.

Tam Quy này còn được gọi là Ba Ngôi Báu, hay Tam Bảo (tiratana). Ratana nghĩa là cái gì đem lại vui sướng, thích thú, hay cái làm hài lòng. Có 7 loại châu báu đó là: vàng, bạc, và năm loại đá quý khác. Sở dĩ những thứ này được gọi là châu báu (Ratanas), bởi vì chúng đem lại cho chúng ta sự vui sướng, thích thú, nhưng chúng thuộc về bản chất vật chất phàm tục thế gian, vì vậy chúng ta dùng nó như những vật trang sức chứ không phải như nơi nương tựa (quy y); trong khi đó ba loại châu báu khác, Ðức Phật, giáo pháp và chư Tăng (Buddha, Dhamma, Sangha), đem lại cho chúng ta niềm vui và hạnh phúc tinh thần. Vì thế, chúng ta không dùng những vật báu này làm trang sức, mà coi đó như kim chỉ nam và nơi quy ngưỡng - nương nhờ của chúng ta để chống lại những thế lực bất thiện của si mê, tham lam, sân hận.

Chúng ta quy y Ðức Phật bởi vì Ngài có lòng bi mẫn vô lượng đối với sự yếu đuối, đau khổ thất vọng và buồn rầu của con người; và cũng vì Ngài đã tìm ra cho chúng ta con đường giải thoát bằng nỗ lực không ngừng của ngài trải qua vô số kiếp. Ðức Phật đã cho chúng ta những lời khích lệ và cổ vũ lớn lao để chiến đấu chống lại cái ác cho đến khi chúng ta chiến thắng được nó, Ngài là bậc thầy tối thượng của chúng ta.

Chúng ta quy y Pháp (Dhamma), bởi vì Giáo Pháp có thể làm cho chúng ta những người hành trì pháp đạt đến sự đoạn tận mọi bất toại nguyện và khổ đau xuyên qua sự đạt đến giác ngộ, trí tuệ toàn hảo và hoàn toàn xả ly. Cách tốt nhất để noi gương Ðức Phật và tỏ lòng tôn kính ngài là thực hành giáo pháp trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Quy y Pháp có ba giai đoạn: học hỏi, thực hành và chứng ngộ. Ðầu tiên chúng ta nên nghiên cứu giáo pháp thuần tuý do Ðức Phật thuyết giảng, được các bậc A la hán và các bậc Trưởng Lão hành theo, và giáo pháp mà hiện nay được phương Tây biết đến như là Theravàda (Thượng Toạ Bộ), chính Ðức Phật là người đã tuyên thuyết giáo pháp này.

Pháp (Dhamma) nghĩa là sự thật; như vậy, lời dạy của Ðức Phật được gọi là Dhamma, vì nó có thể làm cho người ta thấy rõ sự thật. Bởi vì pháp gồm có ba Tạng nên cũng còn gọi là Tam Tạng (Tipitaka). Ba tạng đó là: Luật tạng (Vinaya pitaka), Kinh tạng (Sutta pitaka) và Vi Diệu tạng (Abhidhamma pitaka), sở dĩ có tên gọi như vậy là do những khác biệt trong cách trình bày và phân tích của mỗi tạng. Từ trước tới nay chưa hề có sự hoài nghi hay tranh luận hoặc bàn cãi về sự phân chia này; thế nhưng, gần đây chúng ta có nghe một số người nói rằng Tạng Diệu Pháp (Abhidhamma) không phải là lời dạy của chính Ðức Phật, mà đó chỉ là Tạng được phát triển sau này. Vâng, câu trả lời cho vấn đề này cũng không khó tìm, và một trong những câu trả lời đơn giản nhất là nếu Abhidhamma không phải là lời dạy của Ðức Phật, do vậy đó không phải là tạng thứ ba, vậy thì cái gì sẽ là tạng thứ ba trong vị trí của nó? Nếu không có tạng thứ ba thì tại sao chúng ta lại có từ Tipitaka (Tam Tạng), là từ có nguồn gốc cổ và được mọi người từ xưa tới nay nhìn nhận?

Chúng ta không những chỉ nghiên cứu Kinh Tạng Pàli mà cũng cần phải nghiên cứu thêm các bản chú giải, đặc biệt những bản chú giải của ngài Buddhaghosa, người đã viết lại những bản chú giải cổ điển có trước thời của ngài, cũng như dùng nó làm tài liệu tham khảo trong các bản chú giải do ngài tự viết. Những lời giải thích của ngài Buddhaghosa hoàn toàn không dựa trên quan điểm cá nhân của mình, mà dựa trên những lời Ðức Phật dạy. Chúng ta không thể hiểu hết ý nghĩa kinh điển nếu không có các bản chú giải của ngài, những bản chú giải mà các bậc trưởng lão thời đó và các hàng đệ tử nối truyền của họ đã lưu truyền cho đến ngày nay, và được xem như chính xác và hữu ích nhất. Khi người ta chuyển dịch một bài kệ do Ðức Phật thuyết bằng Pàli ra ngôn ngữ riêng của họ, dĩ nhiên người ta sẽ sử dụng kiến thức riêng của mình về thuật ngữ và chủ ngữ, và với cả lương tri của họ. Thế nhưng tốt hơn hết, trước tiên hãy tham khảo các bản chú giải và sớ giải để biết ý nghĩa chính thống. Tất cả những lời giải của Ðức Phật đều đã được chú giải cặn kẽ; nhưng không may thay, việc chuyển dịch ra Anh ngữ mới chỉ được một vài cuốn; về vấn đề này chúng ta cần phải có thêm nhiều nhà học giả chuyên nghiên cứu ngôn ngữ Pàli như Miss Horner (một học giả người Anh mất năm 1981), vì còn rất nhiều công việc cần phải làm, ngõ hầu giúp mọi người hiểu được giáo pháp thuần tuý và truyền bá giáo pháp nguyên thủy này.

Giai đoạn thứ hai trong quy y pháp là thực hành giáo pháp trong đời sống hàng ngày. Vì chúng ta phải chịu sanh, lão, bệnh, tử và chúng ta đau khổ vì những bất toại nguyện và bất hạnh trong cuộc sống, do đó chúng ta đều là những bệnh nhân. Ðức Phật có thể được so sánh với một vị lương y đầy kinh nghiệm và thiện xảo, còn Giáo Pháp ví như thuốc hay và thích hợp; thế nhưng cho dù vị lương y có thể có đủ tài năng, và cho dù thuốc có thể thần diệu thế nào chăng nữa, nếu chúng ta không tự mình uống thuốc thì bệnh của chúng ta cũng không được chữa khỏi. Bần tăng nghĩ phần đông chúng ta đang cần thuốc hay để chữa những căn bệnh trầm kha của mình như: hiểu lầm nhau, thiếu kiên nhẫn, nóng nảy, thiếu lòng bao dung và từ ái.

Hiểu biết chân chánh, nhẫn nại, khoan dung, thiện chí và từ ái là những nguyên tắc sơ đẳng và cần yếu nhất của đạo Phật. Ðối với một người bình thường những điều nay có thể khó thực hành, nhưng chúng ta phải cố gắng vượt lên cái mức trung bình ấy. Người Phật tử phải là những tấm gương tốt cho người khác bằng cách thực hành những gì chúng ta dạy họ; nêu gương tốt có giá trị thực tiễn hơn thuyết giảng. Chỉ bằng việc thực hành người ta mới có thể thành tựu sự chứng ngộ thực tánh của các pháp, và cách duy nhất để chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn chân thực cũng như lòng kính trọng của chúng ta với Ðức Phật, bậc Ðạo Sư của chúng ta, người với lòng bi mẫn vô biên đã chỉ cho ta con đường đi đến sự đoạn tận khổ đau, đó là bằng cách thực hành Pháp Bảo (Dhamma).

Cuối cùng, chúng ta quy y Tăng (Sangha), bởi vì Tăng (Sangha) là nguồn sống, nhờ có các Ngài mà Giáo Pháp mới chảy vào chúng ta.

Sangha nghĩa đen là nhóm hay đoàn thể, tuy nhiên ở đây nó có nghĩa là một đoàn thể các vị Thánh đã đạt đến các tầng Thánh cao quý. Thánh tăng có 8 bậc từ Nhập Lưu thánh đạo thứ nhất đến A la hán thánh quả thứ tám. Một vị Tỳ Khưu tuy chưa đạt đến tầng thánh nào, nhưng nếu sống đúng theo pháp, cũng thuộc về Tăng (Sangha).

Có thể nói Tăng là điểm hội tụ, tại đây Phật - Pháp (Buddha - Dhamma) trực tiếp liên hệ với nhân loại, hay là cây cầu nối giữa loài người và sự thực tuyệt đối. Ðức Phật nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Tăng như một tổ chức cần thiết cho sự tấn hoá của nhân loại; vì nếu không có tăng, Phật - Pháp có lẽ chỉ còn là một huyền thoại hay truyền thống sau khi Ðức Phật nhập diệt. Tăng không những chỉ làm công việc bảo tồn những lời dạy của bậc Ðạo Sư, mà còn là linh hồn duy nhất của Giáo Pháp cao thượng. Tuy nhiên, Tăng không thể tồn tại nếu không có sự hộ trì của hàng Phật tử tại gia, tức là các hàng Ưu Bà Di (Upàsikas) và Ưu Bà Tắc (Upàsakas), hay cận sự nam, cận sự nữ. Những ai hộ trì Tăng bảo được lợi ích cho chính bản thân mình và mọi người. Vì không làm như vậy họ không chỉ tạo hước báo cho mình thôi, mà còn giúp cho việc duy trì Pháp bảo được trường tồn và phổ cập đến mọi người.

Công việc của mỗi và mọi người Phật tử là trước tiên phải làm sao cho Phật Pháp trở thành thực tại trong đời sống, bằng cách nghiên cứu rồi thực hành Giáo Pháp trong đời sống hàng ngày. Khi chúng ta sống hợp theo giáo pháp, chúng ta có thể nói về nó với uy tín thực sự. Thứ hai nữa, công việc của người Phật tử là phải truyền bá Phật pháp nguyên thủy, hoặc giúp cho chư Tăng, những người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp nghiên cứu, thực hành và truyền bá Giáo Pháp thuần tuý - Giáo Pháp toàn hảo ở giai đoạn đầu, đoạn giữa và cuối. Nhờ vậy, chúng ta mới trở thành những nhân tố tích cực hộ trì của nhân loại và là sứ giả của an lạc và hạnh phúc.

-ooOoo-

0 nhận xét:

Đăng nhận xét