Thứ Tư, 7 tháng 10, 2015

MÓN QUÀ PHÁP BẢO 2

Ðó là pháp luyện tâm mà ta phải cố gắng thực hành trong tất cả bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi, không phải chỉ lúc ngồi (tọa thiền) mà luôn cả khi đi, khi đứng và nằm. Ðiểm quan trọng là phải biết trạng thái tâm của mình trong mỗi khoảnh khắc. Muốn làm được vậy phải luôn luôn giữ chánh niệm, ghi nhận và hay biết. Tâm vui hay buồn? Tâm có vọng động không? Có an tĩnh không? Khi hiểu biết tâm như vậy nó sẽ trở nên vắng lặng. Tâm có vắng lặng trí tuệ mới phát sanh.
Với tâm vắng lặng nầy bây giờ ta hãy quán thân, đề mục hành thiền của mình. Quán chiếu từ đỉnh đầu xuống đến lòng bàn chân, và từ bàn chân trở lên đỉnh đầu. Lặp đi lặp lại nhiều lần như vậy. Nhìn và thấy tóc, lông, móng, răng và da. Trong pháp hành nầy ta sẽ thấy rằng toàn thể thân mình được cấu thành do bốn nguyên tố: đất, nước, lửa và gió.
Những phần cứng và ở thể đặc của thân do nguyên tố đất cấu thành. Những thành phần lỏng do nguyên tố nước. Hơi, chạy lên xuống trong cơ thể do nguyên tố gió, và nhiệt độ của thân là do nguyên tố lửa.
Bốn nguyên tố ấy cấu hợp lại thành cái được gọi là “cơ thể con người”. Tuy nhiên, khi phân chia thân nầy ra từng thành phần cấu tạo của nó thì chỉ còn lại bốn nguyên tố ấy. Chỉ có bốn nguyên tố ấy còn lại. Ðức Phật dạy rằng không có “chúng sanh” tự mình hiện hữu, không có con người, không có người Thái hay người Tây Phương, không có một cá nhân. Ðến mức cùng tột chỉ có bốn nguyên tố ấy. Chỉ có vậy thôi! Chúng ta giả định rằng có một người, một “chúng sanh”, nhưng trong thực tế không có cái gì như vậy.
Dầu ta phân chia ra từng loại như đất, nước, lửa, gió hay hợp chung lại, và dán lên trên cái giả hợp ấy nhãn hiệu “con người”, tất cả đều vô thường, phải chịu đau khổ, và vô ngã. Tất cả đều bấp bênh, không bền vững, bất ổn định, và ở trong trạng thái luôn luôn biến chuyển, không thể ngừng đổi thay, dầu trong một khoảnh khắc vi tế.
Thân của ta bất ổn định, hư hoại, và luôn luôn biến đổi. Tóc biến đổi, móng tay móng chân biến đổi, răng biến đổi, da biến đổi — mỗi mỗi đều biến đổi, tất cả đều hoàn toàn biến đổi.
Tâm của ta cũng vậy, cũng luôn luôn biến đổi. Nó không phải là tự ngã hay cái gì có thực chất. Nó không phải thật sự là “ta”, cũng không phải là “chúng nó”, mặc dầu tâm có thể nghĩ như vậy. Tâm có thể nghĩ đến tự sát. Tâm có thể nghĩ đến hạnh phúc, hay nghĩ đến đau khổ — nghĩ đủ chuyện. Nó không ổn định. Nếu ta không có trí tuệ và tin rằng cái tâm nầy là của mình, nó sẽ lừa dối và luôn luôn phỉnh gạt ta. Và chúng ta sẽ hạnh phúc và đau khổ, đau khổ và hạnh phúc, hết hạnh phúc đến đau khổ, hết đau khổ đến hạnh phúc, triền miên không cùng tận.
Tâm nầy bấp bênh, bất ổn định. Thân nầy bấp bênh, bất ổn định. Cả hai cấu hợp lại là nguồn cội của đau khổ. Cả hai cấu hợp lại không có tự ngã thường còn. Phật Giáo chỉ vạch sáng tỏ rằng cả hai không phải là một chúng sanh, không phải một người, không phải tự ngã, không phải là linh hồn trường cửu, không phải ta, không phải chúng nó — mà chỉ là những nguyên tố: đất, nước, lửa, gió. Chỉ là những nguyên tố!
Khi ta quán chiếu và thấy rõ rằng tất cả là vô thường, khổ và vô ngã ắt sẽ không còn bám níu vào một cái ta, một con người nam hay nữ. Cái tâm mà đã thấu triệt thông suốt như vậy sẽ hướng về trạng thái nhàm chán thế gian, về hạnh buông bỏ không luyến ái, hướng đến Niết Bàn. Tâm ấy sẽ thấy tất cả mọi sự vật là vô thường, khổ và vô ngã. Chừng ấy tâm dừng lại. Tâm là Giáo Pháp. Tham, sân, si sẽ suy giảm và biến dạng dần dần cho đến khi cuối cùng, chỉ còn có tâm — chỉ còn lại cái tâm thanh tịnh. Ðó là “pháp hành thiền”.
Ðến đây Sư yêu cầu hai Ông Bà hãy nhận lãnh món quà Pháp Bảo mà Sư lấy làm hân hạnh trao tặng ngày hôm nay để đem về nghiên cứu học hỏi và quán tưởng hằng ngày. Xin Ông Bà hãy nhận quà tặng Giáo Pháp nầy của hai chùa, Wat Pah Pong và Wat Pah Nanachat, xem như một di sản tinh thần. Tất cả quý Sư ở đây, trong đó có con của hai Ông Bà, và tất cả quý vị Thiền Sư, trao tặng đến Ông Bà Giáo Pháp nầy để đem về Pháp quốc. Giáo Pháp nầy sẽ rọi sáng cho con đường dẫn đến trạng thái tâm an tĩnh, sẽ làm cho tâm trở nên vắng lặng, tự tại và không giao động. Thân Ông Bà có thể bị xáo trộn, nhưng tâm sẽ không bị. Những người khác trên thế gian có thể bị phiền lụy và rối ren, Ông Bà thì không. Mặc dầu trong xứ có thể bị hỗn loạn, nhưng Ông Bà sẽ không bị, bởi vì tâm của Ông Bà sẽ ở trong tình trạng đã có thấy, tâm là Giáo Pháp. Ðây là con đường chân chánh, là đường lối thích nghi.
Ngưỡng mong rằng trong tương lai Ông Bà sẽ còn nhớ Lời Dạy nầy.
Ngưỡng mong Ông Bà được an lành và hạnh phúc.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét