Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

3 ĐẶC TÍNH CỦA ĐỜI SỐNG - VÔ NGÃ



Chúng ta đã học qua bảy trạng thái của ngũ uẩn: là vô thường, là khổ, là bịnh, là ung nhọt, là tên nhọn, là đau đớn, là cơn bịnh. Tất cả đây là bảy phương diện của khổ. Thế nên ngũ uẩn có thể xem như là khổ hay trong lãnh vực của bảy phương diện riêng biệt trên. Thấy chúng là bịnh, là ung nhọt, vân, vân…là thấy trạng thái khổ của ngũ uẩn.
Trạng thái kế tiếp của ngũ uẩn là “người ngoại quốc,” một người lạ vì không phải dưới quyền hành của ta. Trạng thái người ngoại quốc thuộc về vô ngã, anatta, và bây giờ chúng ta nói đến trạng thái vô ngã của các pháp.

Vô ngã là một sắc thái đặc biệt của giáo pháp của Phật Pháp. Nó là một giáo lý rất khó hiểu, thường bị hiểu lầm, và thường bị qua nhiều cách diễn đạt sai lạc. Đức Phật ra đời trong một thời điểm mà con người tin rằng có sự hiện hữu của một thực thể gọi là atta trong tiếng Pali, atman trong tiếng Sanskrit, và tiếng Việt dịch là Ngã. Hầu hết những tín ngưỡng khác đều tin vào một thứ atta ngã hay một thứ tương tự như vậy. Nhưng khi Đức Phật thành đạo, Ngài giảng dạy là không cò atta ngã. Chỉ có năm uẩn, và năm uẩn nầy không phải là atta ngã.

Để hiểu thuyết vô ngã, chúng ta trước nhứt nên hiểu về atta, mà ở thời kỳ của Đức Phật, được nhìn dưới nhiều khía cạnh khác nhau—một vị chủ nhân, một chúng sanh sống vĩnh viễn, một người tích cực, và như một người kinh nghiệm hoàn toàn cả sự vui và sự khổ. Theo những quan niệm trên, có một thực thể được gọi là atta ngã hiện diện trong con người và cái atta ngã nầy là ông chủ. Nó là chủ của chính nó và nó là chủ của thân xác con người.

Có nhiều người nghĩ rằng họ là chủ nhân ông của chính họ. Họ muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói, muốn ăn gì thì ăn, và muốn đi đâu thì đi. Nếu nghĩ rằng họ là chủ nhân ông của họ, họ thử hành thiền trong năm phút và xem họ có thể giữ tâm trên đối tượng không. Kế đó họ sẽ thấy nếu họ thực sự là chủ nhân ông của họ.tâm của họ phóng đi lang thang thường xuyên, không ở một nơi mà ông chủ của nó muốn nó ở. Đối diện với ngũ uẩn, mới thấy sự bất lực trong mỗi chúng ta.

Tuy tưởng là ta có thể nghĩ bất cứ gì ta muốn nghĩ, nhưng nếu thử để tâm trên một đề mục, ta mới nhận thấy rằng ta không làm chủ được ta. Ta bó tay chịu dưới sự thương hại của tâm chúng ta. Thật vậy ý niệm về vô ngã tự nó hiển bày cho ta thấy khi ta hành thiền. Sau đó ta mới biết chắc chắn rằng ta không là chủ của ta. Thực ra, không có gì là chủ của thân cả.

Cũng có người nghĩ rằng có một thực thể gọi là ngã nằm trong thân. Nó vào thân ta ngay khi ta đầu thai vào bụng mẹ hay là vào lúc ta được sanh ra, và nó sống mãi trong thân trong suốt cuộc đời. Khi ta chết, nó xuất ra khỏi thân, và nhập vào một thân xác mới. Nó tiếp tục mãi như thế và không bao giờ chết. Đó là một đức tin về ngã atta mà nhiều người tin trong thời kỳ của Đức Phật.

Có phải thực sự ta thoát ra được quan niệm trên không? Chính có nhiều Phật tử mà còn tin như thế. Họ nói rằng có một linh hồn hay atta, ngã, và khi ta chết, nó sẽ lìa khỏi thân qua cửa miệng, hay qua lổ mũi. Đó là sự tin nơi atta ngã là một thực thể ngụ bên trong ta vĩnh viễn. “Vĩnh viễn” ở đây có nghĩa là nó đi từ thân nầy sang thân khác, và nó tiếp tục như vậy không bao giờ thay đổi. Nó thường tồn, và nó đi từ đời nầy sang đời khác, từ thân nầy sang thân khác. Chỉ có thân xác phần vật chất mới hư hoại và chết. Sự tin tưởng nầy được so sánh với việc mặc quần áo mới. Khi quần áo cũ và dơ bẩn, thì người ta vứt nó đi và thay quần áo mới. Cùng thế ấy, cái ngã nằm trong thân nầy, và khi thân nầy trở nên già và chết, thì cái ngã sẽ chuyển sang một thân mới khác, vân, vân….
Sự tin tưởng nầy có thể tạo nhiều hậu quả rất tai hại.

Trong một quyển sách ngoại đạo, có dạy rằng cái ngã atta không bao giờ bị giết chết. Cho nên nếu ta phải giết một người, ta chỉ giết cái xác thân vật chất của người đó, chớ không phải giết chết cái ngã atta của người đó. Nếu tin như thế thì sẽ được quyền sát sanh nếu cần phải sát sanh. Thí dụ như quí vị ở trong trận chiến, dù không muốn ta cứ phải giết hại. Người tin vào thuyết ngã atta sẽ nghĩ rằng, “Hãy tiến lên và chém giết quân thù--đó là nhiệm vụ của chiến sĩ là giết quân thù. Tuy giết họ, ta không giết cái ngã atta của họ. Cái ngã nầy sẽ không bao giơ bị giết chết.” Lối suy nghĩ nầy có hậu quả vô cùng khủng khiếp, nếu nó đi quá xa.

Cũng có người tin rằng có một cái ngã atta, và cái ngã nầy chủ động tất cả mọi hành vi của ta làm. Khi làm một việc gì, đó không phải chính ta làm cái việc đó, mà là cái ngã làm. Tất cả những gì ta làm, đó chính là sự hành động của atta. Đây là một quan niệm của ngã atta. Có một quan niệm khác về ngã atta, đó là cái ngã atta kinh nghiệm, hưởng thụ hay đau khổ. Khi ta hưởng thụ một việc gì, đó không phải ta hưởng thụ, nhưng đó chính là cái ngã hưởng thụ, và khi ta đau khổ, đó chính là cái ngã đau khổ. Khi ta kinh nghiệm một việc gì, chính cái ngã kinh nghiệm, chớ không phải ta kinh nghiệm. Những ai tin như vậy, thì cái ngã sẽ rất thật đối với họ.

Đức Phật bác bỏ tất cả những lý thuyết trên, và trong bài pháp thứ hai và những bài kinh sau đó, Ngài dạy rằng sắc uẩn, không phải cái ngã, thức uẩn, chớ không phải là ngã, vân, vân…Đức Phật hiểu rõ chân lý về vô ngã anatta Ngài bác bỏ quan niệm về một thực thể thường tồn, quan niệm về một cái ngã atta. Điều quan trọng là ta phải thấy đặc tánh vô ngã của ngũ uẩn thủ và của tâm và thân. Để thấy rõ đặc tướng vô ngã của các pháp, cần phải hành thiền minh sát. Chỉ có qua thiền minh sát mới thấy rằng sắc uẩn và những tập hợp khác hay năm uẩn không phải là ta, không phải là tự ngã, không có ngã atta trong sắc uẩn hay trong ngũ uẩn.

Một đêm nọ khi Sư hướng dẩn khóa tu học ở Florida, Sư giảng về vô ngã, và trong buổi trình pháp hôm sau, một nữ thiền sinh trình pháp rằng cô mất ngủ trong đêm đó, vì cô rất buồn Sư. Cô nói rằng cô tin có ngã, nên khi nghe Sư giảng rằng không có ngã, cô tức giận vô cùng.

Sư mới nói với thiền sinh ấy rằng, “Tôi là một nhà sư. Khi tôi giảng pháp tôi nói rằng, theo giáo lý của Đức Phật, thì không có một cái ngã atta. Đừng tin lời giảng của tôi, đừng vội tin lời giảng của Đức Phật. Nhưng lần sau khi cô hành thiền, cô thử cố gắng đi tìm cái ngã đi. Nếu cô tìm ra nó, cất giữ nó, và như thế là Đức Phật nói sai. Và nếu cô không tìm ra nó, thì cô cứ việc muốn làm gì thì làm.” Nhưng cô ta không trả lời trong những ngày kế tiếp, cho nên Sư không biết là cô ta có tìm ra cái ngã chưa.

Khi hành thiền minh sát, nên quán sát tâm, thân, suy nghĩ, cảm giác, hơi thở, chuyển động ở bụng, vân vân…Khi sự định tâm, sự hiểu biết trở nên thuần thục chin mùi, sẽ bắt đầu thấy đối tượng, tâm và thân, hay năm uẩn rõ ràng. Khi thấy rõ ràng, sẽ biết chúng là gì, và sẽ thấy chúng sanh và diệt. Thấy ở mỗi khoảnh khắc, có một đối tượng được ghi nhận, và tâm ghi nhận.

Chỉ thấy có hai việc xảy ra ở mỗi khoảnh khắc trong khi hành thiền. Khi chánh niệm hơi thở, thì chỉ có hơi thở và sự chú tâm. Chỉ có hai cái đó thôi. Không có một cái gì dưới hình thức của một người để quản trị sự niệm hơi thở. Trong giây phút ấy chỉ có hơi thở và sự niệm hơi thở, ngoài ra không có gì khác hơn cả. Chúng ta không thấy có cái ngã ở đó.
Chỉ khi nào thấy qua thiền minh sát rằng không có cái ngã, không có cái thực thể thường tồn trong sự thấy, sự nghe vân, vân…mới thấy đúng đặc tướng của vô ngã. Đặc tướng của vô ngã chỉ có thể được thấy qua sự thực hành thiền minh sát mà thôi. Khi hành thiền, sẽ thấy rằng không có ông chủ, không có tớ thường tồn, không có cái gì gọi là người hành động hay người đang kinh nghiệm.

Chỉ có sự kinh nghiệm, chỉ có sự hành động; không có người hành động, và cũng không có người kinh nghiệm. Ở mỗi khoảnh khắc của sự kinh nghiệm, không có người, không có cá nhân, không có ngã trong đó, chỉ có sự hành động, chỉ có sự kinh nghiệm của sự hành động. Cho nên qua thiền minh sát, sẽ thấy đặc tướng của trạng thái vô ngã của các pháp.

Có một đặc tướng khác của vô ngã—là không chịu dưới uy quyền hay kiểm soát của ai cả. Khi thấy tâm và thân sanh và diệt, sanh và diệt, sẽ biết rằng không thể nào can thiệp vào tiến trình đó. Không thể bảo: “Ê, chờ một chút. Ngừng phát sanh, ngưng biến mất, ngươi không thể làm như thế được.” Không có thẩm quyền đối với chúng. Đó là sự hoàn toàn bất lực.
Thân và tâm sanh và diệt theo luật thiên nhiên, và theo ý chí tự do của chúng, và không theo ý chí riêng. Đây cũng là một đặc tánh của vô ngã, không có quyền trên một tiến trình mà chính nó không dễ bị ảnh hưởng. Để hiểu rõ đặc tướng của vô ngã ta cần biết ba việc: Vô ngã là gì? Đăc tướng của vô ngã là gì? Và quán niệm vô ngã là gì? anattanupassana?.

Cái gì là vô ngã? Cũng là năm uẩn. Năm uẩn là vô ngã, và cũng trong năm uẩn nầy không có cái ta. Khi thấy chữ anatta ngã, nên cẩn thận. Có khi nó được dịch ra “không có ngã..” Ta cũng nói rằng sắc uẩn không có ngã. Như vậy có nghĩa là có một cái ngã nào đó, nhưng sắc uẩn thì không có ngã. Anatta thực sự có nghĩa là vô ngã, cho nên nó ngược lại với sắc uẩn là ngã. Khi ta nói sắc uẩn là vô ngã, ta nói rằng sắc uẩn không ngã, không phải linh hồn, không phải ta.
Anatta, vô ngã có nhiều khi được dịch là “không có linh hồn.”Sư không được thỏa mãn lắm với cách dịch đó. Nếu nói rằng năm uẩn không có linh hồn, thì người ta sẽ nghĩ rằng năm uẩn không có linh hồn, nhưng có một linh hồn ở đâu đó ngoài năm uẩn.

Từ ngữ anatta từ chữ na, nghĩa là “không” và atta, nghĩa là “ngã”, cho nên anatta nghĩa là “vô ngã”. Nó cũng có nghĩa là “không có ngã,” và khi ta giảng giải nghĩa rộng nó còn có nghĩa là ta không có quyền lực gì trên nó.

Nó cũng có nghĩa rằng năm uẩn không có cốt lõi. Có nhiều cây không có lõi cây, những thứ gỗ cây, nhưng sắc uẩn, vân, vân…không có cái lõi có thể sống suốt đời, và thường tồn.

Cho nên chữ anatta, vô ngã, có ba nghĩa—không có ta, không dưới uy quyền của ai, và không có cốt lõi (thực chất.) Nó không là ta, vì atta có nghĩa là uy quyền, và cốt lõi. Cho nên khi ta nói anatta vô ngã, ta muốn nói một trong ba nghĩa trên: không có ta, ta không có uy quyền gì trên nó, hay nó không có cốt lõi. Đây là đặc tướng của vô ngã. Sự thật là ta không có quyền hành gì trên nó cả, chứng tỏ nó là vô ngã. Như vậy cái gì là vô ngã? Năm uẩn là vô ngã. Cái gì là dấu hiệu của vô ngã? Đó là không có uy quyền gì trên nó, và không có cốt lõi (thực chất.)
Hiểu biết năm uẩn là vô ngã do sự quán sát ngũ uẩn, hay trong khi quán sát ngũ uẩn, đó gọi là quán niệm ngũ uẩn, thấy liên tục hay quán sát liên tục vô ngã. Niết Bàn cũng vô ngã vì nó không có ngã. Nhưng Niết Bàn không được nói đến trong bài pháp nầy hay trong Thanh Tịnh Đạo, vì nội dung bài giảng ở đây là thiển minh sát. Khi ta nói về thiền minh sát ta không bao gồm Niết Bàn, bởi vì đó không phải là đề mục của thiền minh sát. Chỉ có ngũ uẩn mới là đề mục hay đối tượng của thiền minh sát.

Khi hành thiển minh sát, lấy ngũ uẩn thủ là đề mục thiền, nhưng không lấy Niết Bàn làm đề mục. Mục đích của thiền minh sát là để thấy ba đặc tánh. Niết Bàn không có những đặc tánh đó. Dù có thể quán sát Niết Bàn, sẽ không bao giờ thấy sự vô thường của Niết Bàn hay sự khổ của Niết Bàn.
Niết Bàn là vô ngã. Phải hiểu rõ như vậy. Khi nói về thiền minh sát, ta đang trong lãnh vực của thiền minh sát, ta để Niết bàn qua một bên, vì Niết Bàn không thể làm đề mục của thiền minh sát. Nhưng nếu ta nói tổng quát thế nào là vô ngã anatta, thì ta có thể nói về năm uẩn và Niết bàn.
Đặc tánh vô thường, khổ, và vô ngã được gọi là những đặc tánh chung của các pháp có điều kiện vì chúng được tìm thấy trong các pháp có điều kiện. Nghĩa là trong tất cả các uẩn, trong thân và tâm. Điều quan trọng là phải thấy ba đặc tánh nầy, vì nếu không thấy chúng, sẽ không thể nào tiến bộ trong sự thực hành thiền minh sát, và không thể đạt được tầng giác ngộ.

Để thấy ba đặc tánh trên, không có phương pháp nào hơn là hành thiền minh sát hay thiền Tứ Niệm Xứ. Phải cần biết cái gì che lấp những đặc tánh nầy, tại sao những ai không hành thiền sẽ không thể thấy chúng, và làm thế nào để cho những sự che lấp đó được vở tung ra. Cần biết kết quả gì có được do sự hiểu biết hay thấy năm uẩn là vô thường, khổ và vô ngã. 
-----
Thiền Giữa Đời Thường: Phương pháp Thiền Phật giáo nguyên thủy (Thiền Vipassana)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét