Thứ Hai, 2 tháng 11, 2015

3 ĐẶC TÍNH CỦA ĐỜI SỐNG - VÔ THƯỜNG


Theo những câu trả lời của Đại Đức Xá Lợi Phất trong Kinh Giới Hạnh, một vị tỳ khưu giới hạnh trong sạch phải thực hành thiền Minh Sát để thấy ngũ uẩn thủ là vô thường là khổ, là bịnh…là vô ngã. Tếp theo ngay sau kinh nầy trong Tương Ưng Bộ kinh Samyutta Nikaya, có một bài kinh tựa là Sutavanta Sutta. Chúng ta có thể xem nó là kinh giống nhau, như là chị em, với kinh Sutta Silavanta vì có cùng nội dung, chỉ khác nhau là danh từ tỳ khưu bhikkhu, ở đây là sutavanta, một vị tăng uyên thâm giáo pháp.
Từ ngữ sutta nghĩa là “nghe.”Ngày xưa không có tài liệu viết, và cũng có thể theo tập quán ở thời đại đó chưa có ghi chép lại những lời giảng dạy của Đức Phật. Cho nên học trò chỉ học bằng cách nghe những lời thầy giảng. Do đó từ ngữ sutta có nghĩa là những gì mà người ta học được, và sutavanta nghĩa là một người có được kiến thức qua sự học hỏi, một người nghe nhiều biết rộng.

Trong bài giảng nầy, Đại Đức Mahakotthika hỏi Đại Đức Xá Lợi Phất một câu hỏi giống như trong kinh Silavanta: “Một tỳ khưu uyên bác cần phải cẩn trọng quán sát những điều gì?” Và câu trả lời thì cũng giống như vậy --“một thầy tỳ khưu uyên bác Phật pháp cần phải quán sát ngũ uẩn thủ thấy chúng là vô thường, là khổ, là bịnh…là vô ngã. Cho nên hai kinh nầy có thể được xem như một.
Để thấy được ngũ uẩn thủ là vô thường vân vân…cần làm những gì? Cần có sự định tâm. Không có sự định tâm thì không hy vọng thấy được ngũ uẩn thủ là vô  thường vân vân…Định tâm là một yếu tố rất cần thiết trong thiền tập. Thực tập thiền chỉ hay thiền minh sát, cần phải có phần thiết yếu nầy.
Phải làm gì để có được sự định tâm? Phải tập chánh niệm. Không có chánh niệm, không thể có định, vì chánh niệm nghĩa là sự hay biết trọn vẹn đối tượng.Thế nên để có định, cần phải thực tập chánh niệm.
Phải cần làm những gì để thực tập chánh niệm? Cần sự tinh tấn. Không có tinh tấn không thể thực tập chánh niệm. Ba yếu tố thiết yếu và quan trọng cho sự thực tập chánh niệm là chánh định, chánh niệm và chánh tinh tấn. Kế đó, với sự hổ trợ của tinh tấn và chánh niệm, sẽ có định. Một khi có được tâm định hay là sự yên tĩnh của tâm, tâm sẽ vượt khỏi những chướng ngại. Kế đó, sẽ bắt đầu thấy ngũ uẩn thủ là vô thường, là khổ, là bịnh, v.v...

Trong ba yếu tố chánh của thiền tập, chánh niệm là quan trọng nhứt. Bởi vì nó là điều kiện cần trong việc hành thiền. Chúng ta cần có chánh niệm mạnh, càng mạnh chừng nào tốt chừng nấy. Nhưng phải cẩn thận với hai yếu tố tinh tấn và định. Đôi khi tinh tấn có thể ít quá hay nhiều quá, và định có thể ít quá hay nhiều quá.
Nếu tinh tấn ít quá, ta không thể thực hành chánh niệm. Và nếu tinh tấn nhiều quá, ta cũng không thể thực hành chánh niệm. Tinh tấn nhiều quá sẽ đưa đến sự giao động và bất an. Khi thiền sinh nôn nóng muốn đạt điều gì, muốn đạt đến giác ngộ, muốn đạt kết quả. Với sự nôn nóng đó, thiền sinh có xu hướng dùng nhiều nỗ lực hơn mức cần thiết. Và khi nỗ lực thái quá, tâm bị chao đảo rúng động hay bị quá khích. Khi tâm bị chao động thì nó không thể trụ trên đề mục. Do đó ta nên tránh tinh tấn quá nhiều khi ta thực tập thiền quán.

Định có khi cũng quá mức cần thiết. Khi định nhiều quá, thiền sinh thường có khuynh hướng mất hay giảm bớt tinh tấn. Khi định được tăng lên, mức tinh tấn của thiền sinh lại sụt xuống làm thiền sinh giờ trở nên lười biếng hay buồn ngủ. Khi thiếu tinh tấn, thì định tâm cần thiết cho việc hành thiền sẽ bị trở ngại.
Nếu muốn cho sự thực tập thiền quán được tiến hành một cách trôi chảy nên tránh cái vòng lẩn quẩn nầy. Tinh tấn và định cần phải vừa đủ, chúng cần được quân bình. Làm thế nào để quân bình chúng? Các vị thiền sư đều biết được điều nầy, nếu nghe theo lời chỉ dẩn của họ, sẽ không có quá nhiều tinh tấn hay quá nhiều định tâm.
Khi thực tập thiền quí vị được chỉ dẫn phải chánh niệm hai đề mục--hơi thở vô, hơi thở ra, hoặc là chuyển động phồng, xẹp của bụng. Nhưng khi một đề mục nào trở nên nổi bật trong hiện tại nên chánh niệm vào đề mục ấy cho đến khi đề mục ấy biến mất. Kế đó trở lại hơi thở ở mũi (hay chuyển động ở bụng.) Cho nên sự thực hành căn bản là chánh niệm trên hai đối tượng (1) hơi thở ở mũi hay chuyển động phồng xẹp ở bụng, (2) bất cứ đề mục nào sanh khởi trong khoảnh khắc hiện tại.

Tại sao phải là hai đối tượng? Tại sao không phải là một đối tượng? Tại sao không phải là nhiều hơn hai đối tượng? Nếu niệm nhiều hơn hai đối tượng, có thể sẽ có nhiều tinh tấn và do đó sẽ gây ra bất an. Nếu có một đối  tượng để chú tâm, sự chú tâm hoàn toàn vào một đối tượng cũng không phải là điều được khuyên nên làm. Tuy có thể đạt được sự định tâm, nhưng trong trường hợp nầy, sự định tâm có thể trở nên quá mức.

Như thế để cho tinh tấn không nhiều quá, cũng không ít quá, có hai đối tượng để giữ cho tâm chánh niệm được mạnh, vững vàng, trọn vẹn, và không căng thẳng, chao động. Đặt chánh niệm vào chỉ hai đối tượng giúp hành giả quân bình được tinh tấn và định, hai yếu tố quan trọng trong sự thưc tập thiền quán. Chúng phải quân bình. Chúng luôn luôn phải vừa đủ, không nhiều quá và cũng không ít quá.

Để trả lời Đại Đức Mahakotthika hai câu hỏi đầu tiên, Đại Đức Xá Lợi Phất nói rằng một vị tỳ khưu giới hạnh và một vị tỳ khưu có kiến thức phải chú tâm vào ngũ uẩn đối tượng của sự dính mắc thấy chúng là vô thường, là khổ, vân vân…Nói đến “vị tỳ khưu có kiến thức” thì có một vấn đề được đặt ra. Kiến thức phải bao nhiêu mới đủ trước khi người ấy thưc tập thiền quán? Nếu đọc Thanh Tịnh Đạo, có thể sẽ nghĩ rằng cần phải biết rất nhiều trước khi thực tập thiền Minh Sát.

Quyển Thanh Tịnh Đạo là một quyển sách do Đại Đức Phật Minh Buddhaghosa, một tỳ khưu học giả, viết vào thế kỷ thứ tư dương lịch. Quyển sách nầy được viết ra cho các vị tăng sĩ hành thiền, dĩ nhiên tác giả xem những đọc giả nầy đều thông hiểu thấu đáo những điều dạy trong sách. Nhưng những ai chưa mấy quen thuộc với Phật Pháp, quyển sách gồm ba phần, đọc rất khó hiểu.  Đề tài của phần đầu nói về sự thanh lọc giới đức. Phần hai nói về định, giảng nghĩa bốn mươi đề mục thiền chỉ, làm thế nào để chuẩn bị cho thiền tập, làm thế nào tìm được thiền sư, và những chi tiết khác của thiền chỉ. Sách cũng giảng nghĩa về những abhinna bốn thứ tuệ mà hành giả đạt được sau khi đạt đến các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới.
Phần thứ ba nói về tuệ, tức nói về Minh Sát tuệ. Đại Đức Buddhaghosa bắt đầu phần nầy với những chi tiết về uẩn, xứ, đại, căn, duyên khởi, và Tứ Diệu Đế. Sau đó Ngài mới giảng giải về sự thực tập thiền minh sát. Đọc Thanh Tịnh Đạo, có cảm tưởng rằng trước khi thực tập thiền minh sát, phải quen thuộc với tất cả chi tiết về năm uẩn, hay về giáo lý duyên khởi. Sư không nghĩ rằng quí vị đã nắm vững những chi tiết của các đề tài trên.

Trời Đế Thích Sakka, vua của các vị Trời, một lần nọ hỏi Đức Phật rằng, một vị tỳ khưu cần phải có kiến thức bao nhiêu, đủ để thực tập và để đắc quả vị A La Hán. Đức Phật dạy rằng, “Một vị tỳ khưu nghe rằng tất cả mọi vật đều không đáng để ta bám níu. Khi được nghe giảng dạy như vậy, vị tỳ khưu nầy trực tiếp hiểu biết tất cả.” Đây có nghĩa là, sau khi nghe giảng rằng tất cả những pháp do bởi tham ái hay tà kiến, đều không đáng để ta bám níu, vị ấy có thể thực tập thiền quán.

Cho nên vị tỳ khưu chỉ cần nghe bao nhiêu đó, rằng mọi sự vật không nên cho là trường tồn, hạnh phúc có linh hồn hay tự ngã. Nếu chỉ biết có thế thôi, người ấy cũng có thể tu tập thiền định. Do đó, một người không cần phải biết nhiều về Phật Pháp mới có thể thực tập thiền quán. (Sư nghĩ quí vị thích nghe như vậy).
Chú giải có giảng thêm một chi tiết nữa là nếu ai biết có Tứ Diệu Đế, và biết rằng hai đế đầu tiên thuộc về vòng sinh tử luân hồi, và hai đế sau, dẩn đến sự ra khỏi vòng luân hồi, người ấy có thể thực tập thiền định trên hai đế đầu tiên. Nếu hiểu bao nhiêu đó thôi là có đủ kiến thức để thực tập thiền.

Tứ Diệu Đế gồm hai đế thuộc về thế gian, và hai dế kia thuộc về xuất thế gian. Khi thực hành thiền Minh Sát, chỉ thực tập hai đế đầu, thuộc thế gian--Khổ Đế và Tập Đế. Đế thứ ba, Diệt đế, phải được kinh nghiệm, và Đế thứ tư Đạo Đế, con đường để diệt khổ, phát sanh trong giây phút giác ngộ, đó là kết quả của sự thực hành thiền minh sát. Hiểu được bấy nhiêu đó thôi, cũng đã có một kiến thức đủ để thực hành thiền minh sát.

Còn việc hiểu biết về thuyết nhân duyên? Giáo lý nầy cũng được giải thích rõ ràng minh bạch trong Thanh Tịnh Đạo. Trong trường hợp nầy, phụ chú giải giúp ích rất nhiều. Nếu biết có nhân, và quả của nhân đó, thì đã biết thế nào là nhân duyên.
Dù không biết tất cả chi tiết của lý duyên khởi nhưng chỉ cần biết có nhân, và quả của nhân đó, và chúng liên hệ với nhau theo luật nhân quả, thì được coi như đã có sự hiểu biết về lý duyên khởi. Tóm lại luật nhân duyên cho rằng các trạng thái thân và tâm luôn luôn phát sanh tùy theo điều kiện.  Theo giáo lý nầy thì tất cả mọi sự việc trên đời nầy đều do điều kiện. Như thế nếu chỉ cần biết rằng có các pháp tạo điều kiện, và các pháp chịu điều kiện bởi những điều kiện trên, thế là đủ để cho rằng đã hiểu hầu hết thuyết nhân duyên. Điều nầy được trích dẫn từ trong những bài kinh, chú giải và phụ chú giải.

Những ai không có kiến thức về kinh điển hay về chú giải, nhưng có khả năng để suy tư, hãy xét những vấn đề sau đây. Hai tháng sau khi Đức Phật thành đạo, Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên cho năm người đệ tử. Năm đệ tử của Đức Phật cũng đã biết thế nào là Tứ Diệu Đế, ngũ uẩn, xứ hay nhân duyên hay sao? Hay hỏi rằng năm đệ tử của Đức Phật hiểu Vi Diệu Pháp do sự hiểu biết từ kiếp trước?
Có người sẽ nói rằng “Vì họ có tích trữ rất nhiều ba- la- mật và kinh nghiệm trong kiếp trước, họ là những người đặc biệt, có năng khiếu đặc biệt. Cho nên khi nghe thời pháp của Đức Phật, tất cả những sự hiểu biết đã có sẵn trong họ rồi.”

Nhưng có thể khẳng định rằng năm người đệ tử nầy không thể có những kiến thức trên. Những khám phá nầy của Đức Phật chưa hề có một chúng sanh nào biết cho đến khi Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên tại vườn Lộc giả Isipatana. Cho nên những người đệ tử nầy, không có kiến thức gì về ngũ uẩn, nhân duyên vân, vân…họ học hiểu được do nghe bài giáo pháp đầu tiên của Đức Phật. Do kết quả của sự nghe giáo pháp, tất cả đều trở thành Tu Đà Huờn và sau đó, trở thành A La Hán. Ta có thể tìm thấy những thí dụ tương tự trong những bài giảng cũng như trong chú giải. Hãy lấy một thí dụ khác. Đại Đức Xá Lợi Phất chưa là một Phật tử khi Ngài gặp Đại Đức Assaji. Lúc đó Ngài theo đạo của một vị thầy khác, và biết rất ít về giáo pháp của Đức Phật. Nhưng do lòng cảm kích về phong cách tướng mạo của Đại Đức Assaji, Ngài bèn yêu cầu Đại Đức Assaji giảng giáo pháp cho Ngài nghe. Đại Đức Assaji đọc một câu kệ có bốn hàng, và chú giải có ghi rằng sau khi nghe chỉ hai hàng đầu của câu kệ, Xá Lợi Phất đắt quả Tu Đà Huờn, và sau đó không lâu trở nên đệ tử của Đức Phật.

Đại Đức Xá Lợi Phất là một bậc trí tuệ chỉ sau Đức Phật, đối với Ngài thì không khó để thu nhận kiến thức ngay trong lúc nghe câu kệ của Đại Đức Assaji. Còn chúng ta không phải có năng khiếu như năm đệ tử của Đức Phật, nhận xét chúng ta ở đây trên hai ngàn năm trăm năm sau Đức Phật. Cho nên Sư nghĩ chúng ta cũng nên chấp nhận như vậy.
Phải biết ít nhiều về Phật Pháp, nhưng không cần nhiều lắm. Nếu chỉ hiểu là có năm uẩn, chúng là vô thường, khổ và vô ngã; và có Tứ Diệu Đế--nếu có nghe, đọc hay đã biết những điều trên, Sư nghĩ rằng quí vị có thể thực tập thiền Minh sát.

Hiểu biết về các uẩn rất có lợi ích bởi vì có thể kiểm chứng kinh nghiệm thực tập với những lý thuyết. Khi hành thiền, sẽ có được kinh nghiệm nhiều thứ và nhiều khi ta không biết chúng là gì. Nhưng nếu có được sự hiểu biết sâu rộng về các uẩn, ta sẽ biết việc gì đang xảy ra và những gì kinh nghiệm. Ví như một người biết bản đồ  đường trước khi đi một nơi nào—khi họ đến nơi họ biết là đến nơi, và biết sẽ đi đâu.
Lại nữa, khi đang thực tập dưới sự hướng dẩn của một thiền sư, nếu biết một chút ít về giáo pháp cũng rất đủ. Vị thiền sư sẽ giảng về ngũ uẩn, danh và sắc, v.v…Cho nên cứ thoải mái mà thực tập thiền Minh sát dù chưa đọc Thanh Tịnh Đạo, hay không biết gì về Vi Diệu Pháp.Vị thiền sư sẽ cung cấp những kiến thức nầy và những gì khác thấy cần thiết.

Nói như thế không phải để không khuyến khích sự học hỏi Phật Pháp. Học hỏi Phật pháp rất tốt, rất quí để biết những gì Đức Phật dạy. Nếu có chiều hướng về thực hành hơn, có thể thực tập ngay bây giờ, không cần phải thâm cứu nhiều về Phật pháp. Nhưng nếu muốn chia sẻ sự hiểu biết của mình với người khác, hoặc hy vọng một ngày kia mình sẽ là một vị thầy, hay ngay bây giờ đây, thì chắc chắn quí vị phải thu thập một số kiến thức về Phật Pháp.

Bây giờ chúng ta trở lại câu trả lời của Đại Đức Xá Lợi Phất khi Ngài nói rằng một vị tỳ khưu giới hạnh và một vị tỳ khưu có kiến thức phải chú tâm quán sát cẩn thận ngũ uẩn chủ thể của dính mắc, là vô thường, là khổ, là bịnh…là vô ngã.
Chú giải nói rằng ta phải biết ba điều về vô thường. (1) Cái gì là vô thường? Ta hay nói “vô thường, vô thường,” nhưng vô thường là gì? (2) Dấu hiệu gì cho biết đó là vô thường? Ta phải biết đặc tướng, dấu hiệu của vô thường. (3) Sự thấy lập đi lập lại là gì? Cái gì là vô thường? Khi nói “vô thường” ta muốn nói gì? Năm uẩn là vô thường, Đức Phật dạy như thế. Nó đúng như vậy, nhưng qua sự thực tập thiền Minh sát sau cùng rồi cũng sẽ thấy. Như thế thì cái gì là vô thường? Trả lời là tất cả các uẩn, chớ không chỉ có năm uẩn của sự dính mắc là vô thường.
Có sự khác biệt giữa “uẩn” và “uẩn thủ.”Khi ta nói uẩn của sự dính mắc, ta muốn nói uẩn thế gian mà thôi. Nhưng khi ta nói uẩn, thì uẩn của xuất thế gian cũng được bao gồm. Uẩn của thế gian và xuất thế gian cũng đều vô thường.

Tâm Đạo thuộc về uẩn siêu thế. Nó cũng thuộc về thức uẩn và thuộc về hàng siêu thế. Nhưng tâm Đạo sanh và diệt ngay lập tức, theo sau bởi tâm Quả, và cũng diệt ngay tức khắc. Thế nên những loại tâm bao gồm trong uẩn siêu thế cũng vô thường.

Khi ta nói đến vô thường, ta muốn nói tất cả các Pháp là vô thường. Nhưng trong sách Phật, ta nói “ngũ uẩn,“ thay vì nói “tất cả mọi vật trên thế gian hay các pháp.” Tại sao ta nói rằng ngũ uẩn là vô thường? Những gì mà ta thấy để cho ta nói rằng chúng là vô thường? Phải có dấu hiệu hay đặc tướng gì để chỉ cái vô thường của chúng. Những dấu hiệu đó cũng giống như lá cờ do đó mà ta hiểu năm uẩn là vô thường. Có lẻ tất cả quí vị đều biết những đặc tướng đó.

Theo Thanh Tịnh Đạo, sanh, diệt và thay đổi là đặc tướng của vô thường. Trước tiên có sự sanh, kế đó có sự  thay đổi, trở thành. Kế đó có sự đi xuống và diệt mất. Quán sát các uẩn, ta thấy rằng chúng phát sanh và trụ một thời gian ngắn, và kế đó hoại diệt. Khi ta thấy chúng không ngừng phát sanh, thay đổi, và diệt, chúng ta biết những đặc tánh hay dấu hiệu các uẩn là vô thường.Và biết rằng những đặc tướng của vô thường là phát sanh lên, rồi đi xuống, và thay đổi.

Có ba giai đoạn của sự hiện hữu: sanh ra, trụ một thời gian và hoại diệt. Chúng được coi như là ba giai đoạn phụ của một chặp tư tưởng. Khi thấy trạng thái tâm phát sanh, trụ một thời gian, và kế đó diệt, ta biết rằng trạng thái nầy vô thường. Sự biết hay thấy vô thường phải do từ kinh nghiệm. Cái thấy biết nầy không phải do trong sách vở, nó cũng không phải do từ thầy giảng. Nó phải do tự bên trong.. Cho nên không nên thõa mãn với những gì mà được đọc nơi sách vở hay nghe giảng. Phải tự thấy, tự biết.

Thực hành thiền vô cùng cần thiết để thấy vô thường cũng như Đại Đức Xá Lợi Phất đã thấy. Phải làm gì để tự chứng minh rằng các Pháp thực là vô thường? Thật ra cũng rất đơn giản. Cần quán sát sự vật, quán sát luôn cả cái tâm. Chỉ quán sát chúng và nhứt định sẽ thấy chúng sanh và diệt.
Khi thực hành thiền minh sát, có khi ghi nhận tâm. Khi tâm phóng, ghi nhận “phóng tâm phóng tâm” cho đến khi nào hết phóng tâm. Kế đó trở lại đề mục chánh. Do đó qua kinh nghiệm, sẽ thấy sự suy nghĩ là vô thường bởi vì nó sanh lên, trụ một thời gian ngắn, và diệt. Sự vô thường  của ngũ uẩn, của thân và tâm, do tự thấy qua sự thực hành thiền minh sát.

Đã tự thấy được sự vô thường của các pháp, không cần theo đức tin, mù quáng chấp nhận lời nói của người khác về sự vô thường của ngũ uẩn. Chính ta có thể minh chứng rằng đó là thật. Nếu thực tập và chú tâm vào những việc xảy ra trong khoảnh khắc hiện tại, sẽ không thể nào không thấy vô thường. Do chính sự kinh nghiệm, ta khám phá ra bí mật của thân và tâm. Đó là ý nghĩa của “sanditthika,” một đặc điểm của Pháp bảo dạy rằng tất cả mọi sự việc phải được thấy được biết do chính mình, và không phải do nghe qua người khác.

Chú giải có diễn tả đặc tánh nầy theo một cách khác, tuy nhiên cũng cùng một ý nghĩa. Chú giải nói về đặc tánh của vô thường rằng nó diệt ngay sau khi sanh. Ngôn ngữ trong sách vở khác với ngôn ngữ dùng trong đời sống hằng ngày và nhiều khi nó được dùng để gây ấn tượng cho người khác. Cho nên khi Sư nói đặc tánh của vô thường là “Không hiện hữu, sau khi hiện hữu,” quí vị có thể phân vân không hiểu Sư nói gì.
Nếu muốn gây ấn tượng cho người khác, thì dùng ngôn ngữ trong kinh điển, nhưng mục đích chúng ta không phải là vậy. Mục đích chúng ta muốn cho người khác hiểu biết, hơn là muốn người khác khâm phục kiến thức về sách vở của chúng ta. Cho nên phải nói làm sao cho mọi người đều hiểu. Bây giờ Sư nói ngay: Đặc tánh của vô thường là “diệt ngay sau khi sanh” thì quí vị hiểu Sư một cách dễ dàng. Nếu muốn biết một trạng thái thường hay vô thường, hảy xem sự diệt của nó hơn là sự sanh của nó. Thấy được sự diệt quan trọng hơn là thấy sự sanh. Vì nếu chỉ thấy có sự sanh và không thấy sự diệt, có thể sẽ có sự hiểu biết ngược lại và nghĩ rằng trạng thái đó là thường. Cho nên thấy được sự diệt.mới là quan trọng.

Tuy nhiên, sự diệt đi ngay sau sự sanh. Khi không có sanh, thì không thể có diệt, cho nên hai trạng thái nầy đi chung với nhau—sanh và diệt. Khi thấy một trạng thái sanh lên và diệt đi, sẽ biết nó là vô thường. Cho nên sự diệt sau khi sanh là đặc tánh, dấu hiệu của vô thường.

Câu hỏi thứ ba được bàn đến là, thấy lập đi lập lại của vô thường là như thế nào? Ở đây là quán niệm về vô thường, aniccanupassana trong tiếng Pali. Từ ngữ anicca là “vô thường”. Từ ngữ anupassana gồm có anu, nghĩa là “lập đi lập lại” và passana, có nghĩa là “thấy.” Anupassana có nghĩa là thấy lập đi lập lại, liên tục quán sát. Nhưng từ ngữ nầy lại thường được dịch là quán niệm.

Khi từ aniccanupassana được dịch là quán niệm về vô thường, ta hay nghĩ nó chỉ tư duy về vô thường. Nhưng đó không phải là thấy vô thường. Ta muốn hiểu sự vô thường bằng cách lập đi lập lại rằng “vô thường, vô thường, vô thường.” Nhưng đó cũng không phải là sự hiểu thật sự của vô thường. Chúng ta nên cẩn thận đừng tự lừa dối trong những giả thuyết giả tạm. Nhiều khi người ta nói rằng, “À, đây là vô thường, đây là vô thường,” và nghĩ rằng họ thật sự hiểu vô thường của một sự viêc. Thật ra, cái mà họ đang làm chỉ là sự lập lại, giống như con vẹt.

Vô thường thực sự mà chúng ta cần thấy để đạt minh sát tuệ là khoảnh khắc vô thường nầy đến khoảnh khắc vô thường khác. Có một loại vô thường giả tạo có thể hiểu mà không cần thiền quán—làm rớt một cái ly, ly bể, nói nó vô thường. Không cần thiền quán để hiểu loại vô thường đó. Hay là khi một người nào chết và nói rằng ,” Ồ, người đó vô thường,” sự hiểu biết đó không gọi là tuệ minh sát. Nó không dẫn tới sự nhàm chán ngũ uẩn.

Không có sự nhàm chán ngũ uẩn, sẽ không có sự giảm thiểu ô nhiễm trong tâm và sẽ không đạt đến sự chứng ngộ. Sự hiểu biết giả tạm của vô thường không thể giúp ta nhàm chán với thân và tâm. Nó sẽ không dẫn đến chứng ngộ. Sự hiểu biết nầy sẽ không giúp ích chúng ta được gì cả. Cho nên cần phải tu tập và đạt được sự hiểu biết thâm sâu về vô thường thật sự, chớ không phải là sự vô thường giả tạo.

Aniccanupassana, quán sát vô thường, như vừa bàn đến trước đây, là sự thấy liên tục của vô thường trong khi quán sát sự sanh và diệt của các uẩn. Sự hiểu biết nầy không phải do suy nghĩ, cũng không phải do nơi sự không quán sát năm uẩn. Nếu nó là vô thường thật sự, nó phải được thấy ngay trong khi quán sát sự sanh và diệt của các uẩn trong lúc hành thiền minh sát.

Nếu không hành thiền, thì sẽ không có quán vô thường. Có thể có kinh nghiệm thật sự của quán vô thường trong khi hành thiền minh sát, nhưng khi ra khỏi thiền thì sẽ không có aniccanupassana. Chỉ có thể có sự nhớ lại hay hồi tưởng của aniccanupassana. Có ba đặc tướng của các pháp hữu vi: anicca vô thường, dukkha khổ, và anatta vô ngã.

Người ta nói rắng khi không có Chư Phật trên thế gian, thì vô thường, và khổ cũng có thể được giảng dạy, nhưng không một ai ngoại trừ Chư Phật có thể dạy về vô ngã. Nhưng chính Đức Phật trong một trong những bài kinh, nói rằng nếu một đặc tánh được thấy, thì hai đặc tánh kia cũng được thấy. Có nghĩa là nếu thấy vô thường, cũng thấy đặc tánh khổ và đặc tánh vô ngã.

Chỉ có Chư Phật mới dạy được thuyết vô ngã anatta. Khi không có Chư Phật, có thể quán vô thường không? Quán vô thường có thể được giảng dạy không? Phụ chú giải đưa ra vấn đề nầy, và viết rằng sự giảng dạy về quán vô thường khi không có Phật Pháp, là sự vô thường giả tạo, nó không phải từng khoảnh khắc vô thường nầy sang khoảnh khắc vô thường khác. Nếu có thấy vô thường từ khoảnh khắc nầy sang vô thường kế tiếp, khi không có Đức Phật, thì cũng có thể sẽ thấy đặc tánh vô ngã khi không có Đức Phật. Phụ chú giải ghi rằng vô thường và khổ nếu được giảng dạy khi không có Phật, chúng là vô thường giả tao và khổ giả tạo, không phải vô thường thật sự và khổ thật sự mà chúng ta thấy qua sự thực hành thiền Minh sát. 

-----
Thiền Giữa Đời Thường: Phương pháp Thiền Phật giáo nguyên thủy (Thiền Vipassana)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét