Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Những hành động đem lại lợi ích cho hiện tại và tương lai

Bốn pháp dẫn đến lợi ích hiện tại (Diṭṭhadhammikatthasaṃvattanikadhamma):
1. Có sự nỗ lực (Uṭṭhānasampadā), là đủ sự siêng năng tháo vát trong nghề nghiệp, thành thạo cách làm việc cho có hiệu quả cao.
2. Có sự bảo quản (Ārakkhasampadā), là đủ sức bảo vệ tài sản đã có, biết cách gìn giữ những gì thu hoạch được, không để mất mát hư hại.
3. Có bạn tốt (Kalyānamittatā), là thường giao du thân cận bạn lành, những người bạn hiền thiện, đạo đức.
4. Có cuộc sống thăng bằng (Samajīvitā), là biết sống chừng mực thích ứng với tài sản mình có; không sống tiêu xa phung phí, cũng không keo kiết bón rít.

Bốn pháp dẫn đến lợi ích tương lai (Samparāyikatthasaṃvattanikadhamma):
1. Đầy đủ niềm tin (Saddhāsampadā), là thành tựu chánh tín đối với thiện pháp, tin tam bảo, tin nghiệp báo.
2. Đầy đủ giới hạnh (Sīlasampadā), là thành tựu hạng nghiệp tốt đẹp, nghiêm trì giới luật, có sở hành đạo đức.
3. Đầy đủ thí xả (Cāgasampadā), là thành tựu hạnh bố thí, có tâm vui thích phân chia lợi lộc, hoan hỷ bố thí cúng dường.
4. Đầy đủ trí tuệ (Paññāsampadā), là thành tựu lý trí, có sự hiểu biết chơn chánh, có trí biết rõ thiện ác, biết rõ điều lợi hại, biết rõ điều nên hoặc không nên làm.

Bốn pháp người tại gia (Gharāvāsadhamma):
1. Chân thật (Sacca), tức là nói và làm đều đi đôi với nhau; tâm tư chân thật.
2. Tự hóa (Dama), điều phục tâm, tự dạy tâm, cải tạo mình cho được tiến hóa.
3. Kham nhẫn (Khanti), chịu đựng, nhẫn nại với nghịch cảnh, có nghị lực để vượt qua khó khăn.
4. Dứt bỏ (Cāga), xả bỏ lòng ích kỷ hẹp hòi, hằng vui thích chia sẻ đến người khác, xả tài bố thí.
Đây là bốn pháp đạo đức căn bản của người tại gia, là pháp hỗ trợ đạo hạnh của người cư sĩ .
S.I.215; Sn.189.

Bốn điều an lạc của cư sĩ (Gihisukha):
1. Lạc sở hữu (Atthisukha), sự an lạc vì có được tài sản thu hoạch hợp pháp, bằng sự nỗ lực làm nghề nghiệp.
2. Lạc hưởng thụ (Bhogasukha), sự an lạc khi thọ dụng tài sản của chính mình để nuôi mạng, nuôi gia đình, làm các công đức.
3. Lạc vô trái (Anaṇasukha), sự an lạc do không bị mắc nợ ai, khiến tâm tự do thoải mái.
4. Lạc vô tội (Anavajjasukha), sự an lạc do không làm điều ác, điều bất thiện, không lo sợ người khác chê trách về hành vi của mình.
Trong bốn điều an lạc này, lạc vô tội là điều an vui có giá trị cao nhất.
A.II.69.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét