Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2016

Làm thế nào để Chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày


"THIỀN SƯ SAYADAW U TEJANIYA :   Ngày hôm qua cũng có một thiền sinh nói về vấn đề này. Anh ấy kể với tôi rằng anh thấy rất dễ chánh niệm trong mọi việc đang làm và luôn giữ được cái tâm quân bình, tĩnh lặng, nhưng khi phải ở cùng người khác anh thấy rất khó giữ chánh niệm. Tôi chỉ ra cho anh ta thấy rằng điều khác nhau giữa hai hoàn cảnh đó chẳng qua là khi ở một mình thì tâm anh "quay vào trong", trong khi ở cùng người khác thì tâm anh "hướng ra ngoài". Nếu bạn chỉ tập trung hết "vào trong" thì sẽ không thể giao tiếp được với "bên ngoài", nhưng nếu bạn hướng hết "ra ngoài" thì bạn lại không thể biết mình được. Bạn cần phải học cách làm cả hai thứ một lúc, và điều này cần phải có cả một quá trình thực hành.

Thiền sinh: Con hiểu những điều thầy vừa nói, nhưng cái thế giới "ngoài kia", nó quá khác biệt so với môi trường của thiền viện và con thường bị cuốn vào đủ mọi thứ một cách rất nhanh chóng.

THIỀN SƯ SAYADAW U TEJANIYA:  Tại sao bạn lại tự cho phép mình bị lôi cuốn như thế? Sự thực thì chẳng có ai lôi chúng ta cả, chẳng qua là cái tâm bạn muốn nhào vào trong đó thôi. Ai quan trọng hơn, người ngoài hay chính bản thân mình?

Thiền sinh:  Dạ thưa, chính mình ạ.

THIỀN SƯ SAYADAW U TEJANIYA:   Bạn chú ý ra "bên ngoài" là bởi vì bạn vẫn nghĩ nó là quan trọng đối với mình. Nếu tâm mình thực sự là quan trọng đối với mình, thì mình phải luôn lưu ý đến nó và chăm chút nó. Bạn phải luôn kiểm tra lại các trạng thái tâm của chính mình, trong tất cả mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Điều gì là quan trọng hơn, việc nói chuyện với người khác hay cái tâm của bạn?

Thiền sinh:  Dạ, tâm mình quan trọng hơn.

THIỀN SƯ SAYADAW U TEJANIYA:  đúng vậy, bạn luôn phải lưu ý đến tâm mình trước rồi mới giao tiếp với người.

Thiền sinh:  Dạ, để thực hành được điều này quả là một thử thách lớn, nhưng chắc cũng sẽ rất thú vị để xem những gì sẽ xảy đến"

0 nhận xét:

Đăng nhận xét