Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016

CHÁNH NIỆM Trái tim của sự thực hành

Để thực hành Pháp (Dhamma), tất cả những gì mà chúng ta cần là chánh niệm. Mọi thứ trên thế gian này rồi sẽ trở nên trong sáng, rõ ràng.
Ajahn Bua Siripuñño

16
Chánh niệm trong khoảnh khắc hiện tại
Lý do tại sao chúng ta gặp khó khăn trong việc duy trì chánh niệm trong khoảnh khắc hiện tại là vì kể từ khi chúng ta sinh ra, chúng ta phải chịu sự huấn luyện trong việc suy nghĩ và ghi nhớ. Và việc sử dụng cái tâm suy nghĩ này đưa chúng ta rời xa khỏi khoảnh khắc hiện tại. Vấn đề nằm ở chỗ đó, mấu chốt của vấn đề cũng nằm ở chỗ đó, bởi vì chúng ta luôn được huấn luyện để không bao giờ sống với khoảnh khắc hiện tại. Và kết quả của việc đó là chúng ta cảm thấy bối rối và bất mãn. Thêm vào đó, tất cả mọi liên tưởng của chúng ta – dựa vào những ký ức và khái niệm khác nhau – tạo nên một sự đồng hóa khiến cho chúng ta dính mắc vào đó, làm cho vấn đề tồi tệ thêm. Vì vậy, nhằm phát triển đủ chánh niệm, tỉnh giác để có thể thực sự sống trong khoảnh khắc hiện tại… chúng ta phải kiên nhẫn và dành thời gian cho việc thực hành. Một năm, mười năm, hoặc có thể lâu hơn. Điều quan trọng là phải bắt đầu thực hành.
17
Từ khoảnh khắc đến phút
Hãy nhớ rằng chánh niệm luôn luôn bắt đầu với những khoảnh khắc ngắn ngủi và riêng lẻ. Nó giống như khi chúng ta vặn vòi nước. Đầu tiên, nước chỉ ra từ từ từng giọt một, nhưng chẳng bao lâu sau những giọt nước này nối tiếp với nhau và trở thành một dòng chảy liên tục. Tương tự, đầu tiên có thể chúng ta lâu lâu mới nhớ đến việc giữ chánh niệm, nhưng nếu chúng ta cứ tiếp tục thực hành, những khoảnh khắc này sẽ kết nối với nhau và trở thành một dòng chánh niệm liên tục. Chúng ta có thể đạt được điều này bằng cách nỗ lực giữ chánh niệm trên các đối tượng trên thân: Trên tư thế của chúng ta, trong khi chúng ta sinh hoạt, thở hoặc bất cứ thứ gì mà chúng ta đang làm.
Bất cứ lúc nào, bất cứ tư thế nào, chúng ta đều có thể phát triển phẩm chất chánh niệm tương tự như vậy, xem nó như là một sự thực hành chính thức. Vấn đề chủ yếu khi thực hành chánh niệm là thu thúc tâm, đừng để cho nó rơi vào những luồng vọng tưởng, hoặc sao lãng chạy theo thói quen thường xuyên khiến cho nó rời xa khoảnh khắc hiện tại. Điều này có nghĩa là chúng ta phải buông bỏ những suy nghĩ về tương lai: Lập kế hoạch, lo âu – cũng như buông bỏ những suy nghĩ khác về quá khứ. Khi chúng ta làm việc và thực hành chánh niệm, chúng ta phải để tâm của chúng ta tập trung vào công việc đó. Và nếu chúng ta học để thực hành chánh niệm như vậy trong đời sống hàng ngày, chúng ta sẽ thấy rằng lúc nào chúng ta cũng đang nuôi dưỡng nó. Và rồi khi chúng ta ngồi xuống hành thiền, sự an tịnh đã sẵn sàng trong tâm của chúng ta và cũng sẵn sàng cho việc thực hành. Thời thiền của chúng ta do đó sẽ diễn ra một cách tốt đẹp hơn.


18
Đưa tâm quay về (không biết bao nhiêu lần)
Chúng ta phải luôn tu tập chánh niệm. Khi chúng ta gặp vấn đề tại nơi làm việc hoặc ở nhà, tâm của chúng ta bắt đầu có khuynh hướng suy nghĩ lung tung về việc đó và trở nên bối rối và âu lo. Vì vậy, khi chúng ta phát hiện ra mình đang chìm đắm trong các luồng suy nghĩ, chúng ta phải đưa tâm quay về khoảnh khắc hiện tại càng sớm càng tốt, tập trung vào công việc ngay trước mắt. Và có lẽ chúng ta sẽ đợi cho tâm lắng dịu xuống và định tĩnh trở lại mới bắt đầu thiết lập lại chánh niệm và tỉnh giác trước khi xem xét lại những mặt sai sót của vấn đề. “Tại sao điều này lại xảy ra? Nếu mình phạm sai lầm, vậy nó là gì? Làm thế nào để mình không để điều này xảy ra nữa?” Những loại phản tỉnh này có thể thực hiện một khi tâm đã lắng xuống. Chúng ta không nên phản tỉnh ngay lập tức, trong khi chúng ta vẫn còn căng thẳng trong tình huống.

Công việc đầu tiên của chúng ta đưa tâm quay về với chánh niệm, tỉnh giác trong khoảnh khắc hiện tại và không để mình vướng quá nhiều vào sự căng thẳng của vấn đề. Nếu chúng ta thực hành như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng nhiệm vụ thực sự của chúng ta là học cách thiết lập chánh niệm một cách nhanh chóng. Khi chúng ta nhận ra chúng ta mất chánh niệm, bị mắc kẹt vào những tâm trạng và cảm xúc khác nhau, việc thực hành là nhận ra sự mắc kẹt này để có thể thiết lập lại chánh niệm và tỉnh giác trong khoảnh khắc hiện tại. Và chúng ta có thể làm việc đó khéo léo như thế nào là tùy thuộc vào sự tiến bộ của việc thực hành của chúng ta ra sao.
19
Giống như chăn trâu
Khi chúng ta dính mắc vào các suy nghĩ sinh khởi trong tâm, chúng sẽ trở thành nghiệp của chúng ta. Thỉnh thoảng khi chúng ta thực hành, những suy nghĩ bất thiện, không khéo léo (thiện xảo) xuất hiện trong tâm. Chúng đến rất nhanh và dường như chúng ta không thể kiểm soát được chúng. Vậy, chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải tiếp tục thiết lập lại chánh niệm để có thể chộp ngay những suy nghĩ này khi chúng sinh khởi. Chúng ta phải cố gắng cảnh giác với những gì chúng ta đang suy nghĩ. Trạng thái tâm của chúng ta hiện đang trải nghiệm là thiện hay bất thiện. Nếu chúng ta biết nó là bất thiện, hãy buông bỏ nó. Hãy sử dụng sự tỉnh giác đó để nhận thức rõ ràng trạng thái tâm bất thiện đó sẽ đem lại cho chúng ta sự tổn hại và đau khổ và buông bỏ nó; do vậy, nó chưa hoặc không thể tạo ra nghiệp bất thiện. Thật ra, nhận ra trạng thái tâm bất thiện là một nghiệp thiện vì đó cũng chính là khoảnh khắc ta đang thiết lập lại chánh niệm và buông bỏ nó.
Ngài Ajahn Chah thường so sánh việc này với người nông dân và con trâu của mình. Người nông dân biết rằng mình lúc nào cũng phải canh chừng cẩn thận con trâu bởi vì nếu anh ta không làm như vậy con trâu sẽ xông vào ruộng lúa và phá hoại mùa vụ. Nếu người nông dân mất chánh niệm, con trâu sẽ phá hoại toàn bộ cánh đồng. Việc này cũng tương tự như đối với tâm. Nếu chúng ta không canh chừng nó chặt chẽ, nó sẽ chạy theo những hành uẩn liên tục sinh khởi.
Bất cứ chúng ta làm gì, cho dẫu là trong đời sống hàng ngày hay trong tu viện, nhiệm vụ của chúng ta là giữ chánh niệm, liên tục quan sát và biết mọi cảm giác đi vào trong tâm. Nó đang trải nghiệm hạnh phúc? Buồn bực? Khó chịu? Bất an? Cho dẫu cảm giác đó là sự hỷ lạc, thanh thản hay đó là trí tuệ, chúng ta chỉ việc luôn quan sát nó, biết bất cứ thứ gì đang có mặt trong tâm. Bất cứ điều gì chúng ta kinh nghiệm, chúng ta phải tự nhắc đi nhắc lại rằng nó là vô thường, nó không chắc chắn. Bất cứ khi nào chúng ta kinh nghiệm các cảm giác khổ như ghét, sân, căng thẳng hoặc sợ hãi, nhiệm vụ của chúng ta cũng tương tự. Chúng ta phải tự dạy và nhắc nhở ngay cả cảnh giác của chúng ta: “Này đau khổ bạn không thường hằng! Tôi không phải là chủ nhân của bạn! Nếu bạn muốn đau khổ thì cứ đi mà tự đau khổ lấy! Hãy đi con đường của bạn, tôi sẽ không dính dáng đến bạn!” Đây được gọi là dùng sự tỉnh giác trong khoảnh khắc hiện tại để liên tục canh chừng và huấn luyện tâm.
20
Kiên trì thực hành chánh niệm
Điều quan trọng là chúng ta phải có thái độ và động cơ chân chánh với sự thực hành. Thường thì điều này có nghĩa là chỉ cần bắt đầu một ngày với sự đúng đắn. Khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy tự nói với mình rằng: “Hôm nay tôi muốn thực hành bằng cách làm mọi nhiệm vụ và công việc của tôi trong sự chánh niệm. Tôi muốn cố gắng tu tập chánh niệm càng nhiều càng tốt. Nếu tôi gặp phải bất kỳ tình huống khó khăn hay những người khó chịu muốn thử sự nhẫn nại của tôi bằng cách gây cho tôi những tâm trạng khó chịu, sân hận hoặc ghét bỏ, tôi sẽ không để những tâm trạng này thắng lướt tôi. Tôi sẽ kham nhẫn, nhẫn nại và thực hành chánh niệm với bất kỳ khó khăn nào mà tôi gặp phải”.

Hãy cố gắng và tập thái độ này trước khi bắt tay vào làm việc để khi bạn khởi sự công việc của mình bạn sẽ làm nó với một tâm trạng đúng đắn. Bạn cũng nên tìm kiếm thời gian và cơ hội để thực hành chánh niệm một cách trực tiếp hơn – trong khi làm việc, trong lúc nghỉ giải lao, trong giờ ăn trưa và những lúc khác. Bạn sẽ thấy rằng rất hữu ích nếu bỏ ra vài phút để trấn tĩnh tâm và đưa nó về với hơi thở trước khi bạn tiếp tục với các bổn phận của bạn trở lại.
Ngài Ajahn Chah thường nhấn mạnh rằng vấn đề chủ yếu là không được dừng lại, không được bỏ cuộc. Cứ tiếp tục thực hành, tu tập chánh niệm trong mọi oai nghi, trong mọi khoảnh khắc. Việc tu tập chánh niệm giống hệt như xây dựng một cái đập. Một khi chúng ta đã xây dựng được cái đập, chúng ta có thể ngăn nước không cho chảy tràn lan vào kênh mương mà chúng ta sẽ sử dụng. Tương tự như vậy, chánh niệm giúp chế ngự những khuynh hướng bất thiện của tâm và hỗ trợ cho việc hành thiền. Bạn sẽ thấy rằng nếu bạn chân thành trong việc thực hành và thực hành một cách kiên trì, bạn sẽ trở nên tỉnh giác với những gì bạn nói và đang làm trong suốt cả ngày. Cả trong công việc và trong đời sống gia đình, bạn đều có thể quan sát tâm của bạn một cách tốt hơn trong từng khoảnh khắc một, và chánh niệm sẽ được bồi đắp dần cho đến tận cuối cuộc đời của bạn.
21
Trí tuệ của sự kham nhẫn
Khi chúng ta nghe về những chứng nghiệm đến từ sự thực hành, điều này có thể khiến cho chúng ta sốt ruột mong muốn có được kết quả. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng giống như trồng một cái cây; nếu chúng ta trồng một cái cây và chỉ chăm bẳm nhìn vào nó tự hỏi khi nào nó mới lớn đây, như vậy chúng ta sẽ không bao giờ có được sự an tịnh. Chúng ta phải hiểu rõ ràng những việc như vậy cần thời gian, chúng phải phát triển theo đường lối của chúng. Cứ tiếp tục thực hành, cứ tiếp tục đưa những nỗ lực tốt đẹp vào việc thực hành và đừng thối chí nếu có những lúc bạn thấy mình không có được sự an tịnh. Đôi khi chúng ta có thể cảm giác thấy rằng “Ôi, tâm chẳng định và chẳng có chánh niệm gì cả. Mình chẳng đi đến đâu. Chắc là phải bỏ cuộc thôi.” Đây chỉ là những mánh lới của tâm. Chúng ta cứ duy trì nỗ lực giữ chánh niệm, việc này giống như tưới nước cho cây để giúp cho cây lớn. Khi chúng ta có niềm tin đối với sự giáo huấn của Đức Phật và dành thời gian để thực hành, tâm chẳng bao lâu sẽ trở nên an tịnh và hoài nghi sẽ tan biến.
22
Về nhà
Nhà là nơi để chúng ta trú ngụ và nghỉ ngơi. Chúng ta đi ra ngoài làm việc hoặc làm chuyện gì khác, nhưng rồi chúng ta sẽ trở về nhà, ngôi nhà của chúng ta. Nó là nơi chúng ta có thể nghỉ ngơi, nơi che chở ta khỏi những tác động của các yếu tố bên ngoài như mặt trời, gió, mưa và lạnh. Nhưng chúng ta còn có ngôi nhà bên trong, và đó chính là tâm. Nó cũng cần một nơi để nghỉ ngơi, cần được bảo vệ khỏi sự nhiệt não của sự căng thẳng và đau khổ mà chúng ta – là con người – phải trải nghiệm.
Vì vậy, chúng ta cần nương tựa vào Pháp (Dhamma). Đây là Sự Thật mà chúng ta phát triển trong tâm, bóng mát bảo vệ chúng ta khỏi những tác động đến từ đời sống hàng ngày. Chúng ta làm việc này bằng cách áp dụng lời dạy của Đức Phật vào việc thực hành trên cơ sở của đời sống hàng ngày, tự tu tập bố thí, trì giới, chánh niệm và trí tuệ. Và với sự yên tịnh và an bình mà những phẩm chất này đem lại, chúng ta có thể quán chiếu các kinh nghiệm của chúng ta để thấy tại sao chúng ta phải chịu đau khổ và buông bỏ nó.


0 nhận xét:

Đăng nhận xét