GÓP NHẶT - SUY NGẪM 3 | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

GÓP NHẶT - SUY NGẪM 3



1. Không tha thứ là một loại ngục tù. Khi không thể tha thứ cho ai đó, chúng ta tống anh ta vào tù. Nói ví dụ như một người nào đó phạm tội, chúng ta bắt giữ anh ta và giam vào trong tù. Tâm chúng ta cũng như vậy, chúng ta giam giữ rất nhiều người trong nhà tù của mình. Chúng ta khóa chặt họ trong đó.

Vì vậy, không tha thứ là một nhà tù – bạn nhốt người khác vào trong tù nhưng chính trong quá trình ấy, bạn cũng tự nhốt chính mình vào tù luôn bởi vì bạn là người giữ chìa khóa và canh cửa. Tôi sẽ không cho anh ra ngoài, tôi có thể thả anh nhưng tôi không thả. Trong lúc ấy thì chính chúng ta cũng đang ngồi tù.

(Thiền sư Sayadaw U Jotika)


2. Có hai loại đau khổ: đau khổ dẫn đến đau khổ hơn và đau khổ dẫn đến chấm dứt đau khổ. Đau khổ đầu tiên là chấp giữ những gì ưa thích và chán bỏ những gì không ưa thích. Đau khổ thứ hai là can đảm và theo dõi sự không ngừng thay đổi của cảm giác: hạnh phúc, đau khổ, vui vẻ, buồn chán, vừa lòng, phật ý… Đau khổ này dẫn đến chỗ bình an.

(Thiền Sư Ajahn Chah)


3. Bản chất của Pháp là như thế này: đạt được nó, bạn không thấy vui; mà không được thì cũng chẳng buồn. Nhiều thiền sinh cảm thấy vui sướng lắm khi có được một kinh nghiệm nhất định nào đó và rất buồn khi không đạt được nó. Đó không phải là thực hành pháp. Thực hành pháp không phải là để có được kinh nghiệm, thực hành pháp là để hiểu biết.


(Sayadaw U Tejaniya)

4. Bạn hành thiền vì muốn có được cảm giác hạnh phúc hay vì muốn hiểu biết? Nếu mục đích hành thiền của bạn là để kiếm tìm hạnh phúc thì trong đó luôn có sự khát khao, mong cầu hạnh phúc. Nơi nào có hạnh phúc, nơi đó cũng luôn có đau khổ kèm theo, bạn không thể chỉ muốn có cái này mà không có cái kia.
Chỉ khi nào có sự hiểu biết thực sự thì mới có được hạnh phúc đích thực. Không phải là thứ hạnh phúc (ngoài đời) mà mọi người vẫn lặn ngụp, đắm chìm trong đó, mà là thứ hạnh phúc sanh khởi bởi vì bạn luôn luôn bình an, tự tại với mọi sự như chúng đang là.



(Trích "Chỉ chánh niệm không thôi thì chưa đủ")

5. Kẻ thù tồi tệ nhất cũng không thể hại bạn nhiều như chính những suy nghĩ không được canh chừng của bạn.


(ST)

6. Ba nguy hiểm mà người mẹ không thể che chở cho con và con không thể che chở cho mẹ: già, bệnh và chết.


(Trích Tăng Chi Bộ kinh)

7. Khi nghĩ về cuộc đời, chúng ta nên nghĩ nhiều hơn đến phẩm chất của tâm. Người này có thể là một tỷ phú, trong khi kẻ khác có thể nghèo rớt mồng tơi, nhưng kẻ nghèo đó vẫn có thể sống một cuộc đời rất mãn nguyện và hạnh phúc, trong khi con người giàu có kia có thể đang phải trải qua một cuộc sống đầy đau khổ.
Chúng ta không thể đánh giá, cân đo đong đếm cuộc đời một con người dựa trên tiền của hay địa vị hay bất cứ cái gì mà người ấy đang sở hữu. Nếu tôi phải đánh giá cuộc đời của một người nào đó, tôi sẽ đánh giá họ bằng chính trạng thái tâm của họ. Nếu họ là những người từ ái, nhân hậu và biết đủ và nếu tâm của họ an lạc và trong sáng, họ sẽ sống một cuộc đời tốt đẹp. Vì vậy, cuộc sống là sự phản ánh các trạng thái tâm của bạn, cuộc đời bạn thành công hay thất bại là tùy thuộc vào trạng thái tâm của bạn, chứ không phải vào những gì bạn có.



(Thiền Sư Sayādaw U Jotika )

8. Thực hành Pháp là việc sống cuộc đời mình như thế nào, không phải là trong sách vở. Nếu bạn không hiểu cuộc đời bạn, tức là không hiểu những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại này, bạn không thể hiểu được Pháp, dù có bao nhiêu kiến thức sách vở chăng nữa. Không hiểu biết cuộc đời mình thì đàm luận Pháp cũng chỉ là trò chơi trí óc mà thôi. Một số người nghĩ rằng chỉ cần hiểu biết về mặt lý thuyết cách thức vận hành của sự việc nào đó là coi như đã hiểu rõ tất cả về nó rồi. Còn xa mới đến sự thật.


(Thiền sư Sayadaw U Jotika)



9. Hãy học cách lắng nghe mọi người mà không đánh giá, phán xét. Bạn không cần phải cố gắng giải quyết những vấn đề của họ. Hãy cởi mở và sống nhân hậu. Sống xung đột với người khác thật là mệt mỏi. Ham muốn sự cung kính, tôn trọng và ngưỡng mộ của người đời là một ngục tù.



(Thiền sư Sayadaw U Jotika)


10. Ai cũng biết rằng những lời dạy của Đức Phật rất đúng, nhưng thật khó để áp dụng trong xã hội. Chẳng hạn như họ nói: "Tôi còn trẻ, không có cơ hội hành thiền, khi già tôi sẽ hành thiền". Bạn có thể nói rằng: "Bây giờ còn trẻ tôi chẳng có thì giờ để ăn, đến khi tôi già tôi sẽ ăn không?" Chúng ta muốn tìm một con đường dễ dàng. Nhưng không có đau khổ thì chẳng thế có trí tuệ. Để cho trí tuệ chín muồi bạn phải ngã đổ và khóc than nhiều lần trong khi hành thiền.

(Thiền sư Ajahn Chah)



1 nhận xét:

  1. Rất đúng câu"kẻ thù tồi tệ nhất cũng ko thể hại bạn nhiều như chính những suy nghĩ ko canh chừng của bạn".

    Trả lờiXóa