Thứ Năm, 22 tháng 12, 2016

TINH TẤN VÀ TRÍ TUỆ

Thiền sinh: Con đang suy nghĩ về sự khác nhau giữa cái gọi là thái độ chân chánh và Chánh Tinh Tấn trong Bát Chánh Đạo. Đối với con hình như chúng rất mâu thuẫn với nhau. Thái độ chân chánh khi hành thiền dường như chỉ là sự không can thiệp (vào những gì đang diễn ra), sự chấp nhận và để mặc sự việc diễn tiến tự nhiên theo nó. Mặt khác, Chánh Tinh Tấn lại cứ như là phải can thiệp; phải tinh tấn loại bỏ các bất thiện pháp đã sanh khởi và ngăn chặn các bất thiện pháp chưa sanh, nuôi dưỡng và phát triển các tâm thiện.

Thiền sư: Cái gì ngăn chặn phiền não sanh khởi và cái gì loại bỏ phiền não đã sanh khởi? Cái tâm nào làm việc đó? Chánh niệm không thể nào làm được việc đó, chỉ có trí tuệ mới làm được. Vì vậy khi Đức Phật thuyết giảng về vấn đề này, ý Ngài thực sự muốn nói là mọi người hãy phát triển trí tuệ để ngăn chặn và loại bỏ phiền não. Bởi vì không hiểu được lời dạy của Đức Phật nên chúng ta cứ nghĩ rằng chính cá nhân mình phải cố mà ngăn chặn và loại bỏ phiền não.

Chúng ta có thể sử dụng tinh tấn hoặc có thể sử dụng trí tuệ để thực hành đều được cả. Kinh Tứ Niệm Xứ dạy chúng ta phải sử dụng trí tuệ để thực hành. Nếu muốn sử dụng tinh tấn thì bạn vẫn cứ phải quán sát cái tâm của mình - bởi vì phiền não sanh lên từ trong tâm- và bạn phải quán sát tâm mình một cách liên tục nữa. Làm gì còn cách nào khác để có thể ngăn chặn được phiền não bây giờ? Bạn có luôn luôn có mặt ở đó mỗi khi có một tâm mới sanh khởi lên không? Nếu bạn làm được điều đó, thì hãy luôn có mặt ở đó, trong từng giây phút, từng sát-na, với chánh niệm, luôn luôn sẵn sàng, bạn sẽ ngăn chặn được phiền não không xâm nhập tâm mình. Bạn phải lấp đầy từng khoảnh khắc bằng chánh niệm, và điều đó đòi hỏi rất nhiều sự cố gắng, rất nhiều tinh tấn. Bạn phải là một thiền sinh thật nhiệt tâm và phải làm rất nhiều việc đấy. Bạn có nghĩ là mình có thể làm được 1 khối lượng công việc nhiều đến thế không?

Một phương cách khác là hãy cố gắng tu tập và phát triển những tâm thiện. Nếu luôn tu tập thiện tâm, những tâm bất thiện sẽ tự động bị thay thế. Thế nên Đức Phật mới dạy chúng ta không làm mọi điều ác, làm tất cả việc lành. Bạn có thể sử dụng cái tâm của mình trong mọi lúc để làm mọi thứ chánh: Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Tư Duy. Nếu lúc nào tâm cũng đầy những cái Chánh như thế thì tâm bất thiện chẳng thể xen vào được. Chúng ta phải quán sát tâm mình suốt cả ngày, trong mọi lúc. Phải đeo cho nó một cái biển đề tên (để dễ bề coi chừng nó), luôn biết những gì đang diễn ra và làm việc với chúng. Đó là một công việc phải dành trọn cả thời gian. Khi bạn bận rộn làm việc tốt thì chẳng lấy đâu ra thời gian mà làm việc xấu cả.

Nếu muốn thực hành bằng tinh tấn, hãy chỉ nghĩ những ý nghĩ thiện, chỉ nói điều thiện và làm mọi việc thiện. Cái đó dành cho những người có tính cách thiên về tinh tấn. Đối với họ, phương pháp này rất hiệu quả bởi vì họ là những con người thích luôn phải làm một việc gì đó. Có những người trội về chánh niệm, họ rất nhạy cảm, tỉnh giác, rất sắc và luôn biết mình, những người như thế nên dành nhiều thời gian thực hành chánh niệm. Người thiên về trí tuệ nên sử dụng Chánh Kiến và Chánh Tư Duy. Người có sức định tốt nên bắt đầu từ việc thực hành thiền chỉ (samatha) rồi sau đó chuyển sang thiền tuệ (vipassanā). Người căn tánh đức tin có thể bắt đầu bằng niệm ân đức Phật, ân đức Pháp, ân đức Tăng. Đức Phật dạy rất nhiều phương pháp thực hành bởi vì có rất nhiều loại người, rất nhiều loại căn tánh khác nhau. Nhưng dù theo bất cứ phương pháp nào, nếu không biết tâm của mình, bạn cũng sẽ chẳng bao giờ thực hành được đâu.

TRÍCH: http://www.thiengiuadoithuong.org/2014/06/sach-chi-moi-chanh-niem-thi-khong-du-phanI.html

0 nhận xét:

Đăng nhận xét