Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

SỰ QUAN TRỌNG CỦA CHÁNH KIẾN - XẢ LY

           Tôi xuất gia được mười ba năm, đã cố gắng thực hành và cẩn trọng trong những việc làm của mình. Năm 2007, tôi mở một trường thiền để cho mọi người hành thiền. Trường thiền đón nhận tất cả các đối tượng đến đây tu tập gồm có chư tăng ni, người nghèo, người bệnh, người già và người tàn tật. Trong bốn năm nay, tôi cấp nhà ở cho những người bị mất nhà, mong sao họ có được chỗ ở. Khi trường thiền mới bắt đầu hoạt động, số lượng người muốn thực hành rất ít. Sau khi tôi giúp đỡ người tàn tật có chỗ ở, khi đó họ mới yên tâm và thích thú trong việc hành thiền. Tôi được mọi người biết đến bởi việc giúp đỡ những người bất hạnh. Không chỉ giúp họ biết thực hành bố thí, giữ giới và hành thiền, tôi còn có phận sự truyền bá Giáo Pháp. Tôi bắt đầu bằng việc giúp đỡ người tàn tật, người bất hạnh và hướng họ đến với Giáo Pháp, do vậy những nơi hành thiền từ từ được dựng lên. Tôi không chỉ đi dạy ở trong nước mà còn giảng ở cả nước ngoài để mọi người cùng hiểu và thực hành. Tôi hi vọng các hành giả đến với khóa tu này cố gắng tu tập, chánh niệm với tâm thận trọng trong mọi hành động để bất thiện không sinh khởi.
Một người thiền sinh có hiểu biết đúng sẽ không có dính mắc. Bất kỳ hành động thiện nào được làm đi kèm với hiểu biết chân chánh thì chúng ta sẽ kinh nghiệm được lợi ích từ những hành động đó. Khi chúng ta kinh nghiệm được (những lợi ích này) thì đừng dính mắc vào đó, cố gắng hiểu rằng chỉ có hành động mà thôi. Khi chúng ta nỗ lực tu tập cho chính mình, những người xung quanh sẽ thấy được điều chúng ta làm như thế nào và kết quả ra sao. Tôi có những kinh nghiệm tu riêng, tôi chia sẻ lại cho tất cả thiền sinh để học và hành theo. Chúng ta nên biết rằng khi làm việc gì, hiểu điều gì, kinh nghiệm cái gì, cũng chỉ là hành động làm, chỉ là hiểu, chỉ là kinh nghiệm mà không có con người nào ở đó cả. Không có sự dính mắc trong hành động của mình.
Chúng ta ngồi thẳng lưng, không ngả người về trước hay sau, thư giãn thân tâm sao cho thoải mái. Thư giãn cơ mặt, thư giãn tâm. Không phải chúng ta chỉ làm một lần mà phải thường xuyên làm như vậy. Thân tâm này chỉ để sử dụng mà thôi, không có người sử dụng, chỉ làm mà thôi, không có người làm. Chúng ta phải luôn quán chiếu rằng không có người này, người kia chỉ có danh và sắc. Hiểu biết như vậy mới được gọi là hiểu biết đúng, hay còn được gọi là Chánh Kiến. Thông thường ai cũng hiểu sai, cho rằng có con người, có nam, có nữ…  đó là những hiểu biết sai lầm. Chỉ khi với hiểu biết đúng đắn chúng ta mới thấy được chỉ có danh sắc, và tiến trình sinh diệt của danh sắc mà thôi, không có “tôi” hay “của tôi”. Chừng đó chúng ta thoát khỏi sự dính mắc vào “tôi, của tôi”… Khi làm việc thiện hãy cố gắng làm với sự thận trọng, để tâm đến những điều mình đang làm cùng với hiểu biết đúng đắn. Như vậy, chúng ta thoát khỏi sự dính mắc của chính mình.
Chúng ta thường hay phân biệt như thầy và trò, người Miến và người Việt,… nhưng sự thật là không có khác biệt nào cả, tất cả đều giống nhau. Tâm chúng ta có thói quen dính mắc vào các khái niệm như “tôi, bạn, của tôi, của bạn” nhưng với hiểu biết đúng, chúng ta không nên dính mắc vào các khái niệm này. Sự hiểu biết của mỗi người là khác nhau, không ai giống ai cả. Mỗi người có những suy nghĩ và nhận thức riêng biệt. Dù làm việc thiện nào đi nữa cũng cần phải hiểu đúng thì chúng ta mới không dính mắc vào những hành động đó. Ngược lại, không có sự hiểu biết, chúng ta không thể thoát ra khỏi thói quen dính mắc của tâm. Lúc này các khái niệm sẽ sinh khởi trong tâm.
Chúng ta quan sát hơi thở vào và ra, theo dõi tiến trình sinh diệt của danh và sắc. Khi thở vào, thở ra chúng ta phải ghi nhớ rằng không phải “tôi đang thở vào hay ra”. Hơi thở như thế nào thì ghi nhận đúng như thế. Không có ai ở trong hơi thở cả. Chúng ta chỉ thấy bản chất thực của hơi thở mà không tìm thấy một tự ngã hay cái tôi nào trong đó. Khi quan sát hơi thở, thấy nó như thế nào thì chúng ta ghi nhận đúng như thế, theo bản chất thực của nó. Khi không hiểu, không ghi nhận được, chúng ta cũng đừng dính mắc vào việc này.
Chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, rồi chúng ta cũng sẽ thành tựu. Bước đầu sẽ có nhiều khó khăn khi buông bỏ, nhưng cũng không nên dính mắc vào việc này. Sau một thời gian thực hành, chúng ta sẽ hiểu và buông bỏ được. Khi đó chúng ta sẽ không bị dính mắc vào bất kỳ đối tượng nào. Cho dù chúng ta hiểu hay không cũng chỉ hay biết như vậy thôi, không dính mắc vào việc hiểu hay không hiểu đó. Chỉ ghi nhận, chỉ có làm mà không dính mắc. Khi quan sát hơi thở, chúng ta phải thận trọng quan sát hơi thở vào và hơi thở ra. Quan sát cẩn trọng thì chúng ta không dính mắc với đối tượng. Làm được hay không chúng ta cũng chỉ biết là mình đã làm được hay không làm được, chứ không dính mắc vào việc này. Chỉ đơn thuần ghi nhận, hay biết thôi.
Bằng sự thực hành liên tục, cái hiểu sai lầm sẽ dần dần chuyển thành hiểu biết đúng. Khi tâm có hiểu biết đúng đắn và chân chánh, chúng ta sẽ loại bỏ được sự dính mắc của mình, lúc ấy hiểu biết đúng về buông bỏ có mặt. Hiểu biết đúng đắn rất cần thiết, khi hiểu sai chúng ta sẽ có tri kiến sai lầm về thế gian và sẽ dính mắc với các đối tượng. Vì vậy, Chánh Kiến là điều tối cần thiết cho mỗi người. Hiểu hay không hiểu, kinh nghiệm hay không kinh nghiệm chúng ta cũng đừng dính mắc vào các trạng thái đó. Đơn giản chỉ có kinh nghiệm, chỉ có hiểu biết mà không có ai ở đó.
Sau khi hành thiền, người nào cho rằng mình hiểu phương pháp này hay phương pháp khác thì người đó không hiểu Pháp thực sự. Chỉ khi nào chúng ta không còn dính mắc với hiểu biết thì khi đó mới gọi là người hiểu Pháp. Khi có các hành động thiện mà chúng ta không muốn làm, chúng ta tự biết rõ như vậy mới là người hiểu Pháp. Hiểu Pháp ở đây là thấy đúng, hiểu đúng rằng chỉ có “không muốn làm” mà không có “người không muốn làm”. Làm thiện và có hiểu biết đúng thì chúng ta không có dính mắc. Ngược lại, nếu có hiểu biết đúng trong các hành động thiện, chúng ta sẽ có sự buông bỏ. Vì vậy, Chánh Kiến là điều rất quan trọng. Khi nào có Chánh Kiến khi đó chúng ta hiểu được các Pháp. 

0 nhận xét:

Đăng nhận xét