Hãy để đau khổ làm thầy của chúng ta | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Hãy để đau khổ làm thầy của chúng ta

Khi chúng ta đối mặt với đau khổ trong cuộc sống, điều quan trọng là cần phải quán chiếu để có một cái nhìn quân bình. Mọi người, đều phải chịu sự đau khổ của tuổi già, bệnh tật, cái chết và những mối đau khổ khác, không có sự ngoại lệ. Cuộc đời có những khiếm khuyết của nó. Trong cuộc sống riêng tư của chúng ta cũng như trong thế giới quanh ta, có nhiều điều bất hạnh, và đôi khi những bất hạnh này gây ra là do lỗi lầm của chính chúng ta. Và điều có thể làm cho thế giới hoàn hảo là con đường của sự thực hành. Nếu chúng ta áp dụng chánh niệm và trí tuệ vào các vấn đề của chúng ta, tâm sẽ đến, thấy và chấp nhận chân lý của sự hiện hữu. Đây là con đường đưa tới an tịnh và chấm dứt khổ.
Vào thời Đức Phật còn tại thế, có một phụ nữ tên là Kisa Gotami đã rơi vào sự đau khổ tột cùng sau khi đứa con trai mới sinh của bà bị chết. Đau khổ ngập tràn và không biết phải làm gì khác, bà ẵm đứa bé đến gặp Đức Phật.
Bà hỏi, “Bạch Đức Thế Tôn, Ngài có thể giúp con? Đứa con bé bỏng này của con đã qua đời và con muốn nó được cứu cho sống trở lại.”
Đức Phật đáp, “Ta có thể giúp con, nhưng Ta cần một món đặc biệt. Con phải đi kiếm cho Ta một hạt mù-tạt từ ngôi nhà nào không có người chết trong một trăm năm qua.”
Bà hăng hái đồng ý và đi cùng làng cuối phố để hỏi xin mọi người một hạt mù-tạt. Mỗi nhà bà đến gõ cửa, người ta vội vàng chạy đi lấy cho bà một hạt mù-tạt nhưng khi bà hỏi trong nhà đã có ai chết trong một trăm năm qua không thì bà đều nhận được câu trả lời dĩ nhiên trong nhà có ai đó đã chết: Ông bà, chú bác, cha mẹ, con thơ – luôn có một ai đó đã chết. Cuối cùng người phụ nữ ấy không thể tìm ra một ngôi nhà nào mà chưa từng bị cái chết chạm tới. Bất thình lình bà ngộ ra điều mà Đức Phật muốn dạy bà, rằng, vâng, đời là vô thường, chúng ta phải chết. Chúng ta cuối cùng rồi cũng phải chia tay người mà chúng ta thương yêu. Và khi bà chấp nhận sự thực này, chánh kiến và trí tuệ đã được kiến lập trong tâm của bà.

Đại đức Ajahn Anan Akiñcano

0 nhận xét:

Đăng nhận xét