Hôm nay chúng ta sẽ tự mình nương tựa vào những lời dạy chính yếu của Đức Phật. Đức Phật dạy chúng ta hãy nương tựa vào chính mình bởi vì chúng ta là người tự tạo ra nghiệp tốt và nghiệp xấu, và là người tự gặt hái những kết quả hạnh phúc hoặc đau khổ tương ứng với những việc chúng ta đã làm.
Cơ chế tạo ra nghiệp tốt, xấu, hạnh phúc và đau khổ, thiên đàng và địa ngục nằm trong tâm của chúng ta. Tâm là nhà sáng tạo chính. Vì vậy Đức Phật kết luận rằng tâm làm chủ, dẫn đầu các pháp. Tâm là kẻ thực hiện cũng vừa là kẻ nhận lãnh những hành động do chính mình làm. Tâm là vị chủ nhân ra lệnh cho kẻ đầy tớ của mình là thân nói năng và hành động.
Có ba loại hành động hay nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Khi chúng ta tạo thiện nghiệp, hạnh phúc, sự tiến hóa và thiên đàng sẽ là kết quả theo sau. Ngược lại khi chúng ta tạo nghiệp bất thiện, đau khổ, lo lắng, khổ não và sự thoái hóa sẽ là kết quả theo sau. Sau khi chết, tâm thức của chúng ta sẽ tái sanh vào một trong bốn đọa xứ (apayabhumi) chẳng hạn như địa ngục. Vì vậy, Đức Phật luôn khuyên chúng ta phải nương tựa vào chính chúng ta. Chúng ta không nên đợi một người nào đó tạo hạnh phúc và sự thịnh vượng hoặc thiên đàng hoặc Níp-bàn cho chúng ta. Chúng ta phải tự mình tạo thiện nghiệp.
Cầu nguyện trước hình ảnh của Đức Phật hay thỉnh các vị Sư ban phúc lành để cầu xin được thành công và thịnh vượng không phải là Giáo pháp của Đức Phật bởi vì Ngài chỉ có thể chỉ ra con đường đưa đến an vui, hạnh phúc và thịnh vượng và con đường đưa đến đau khổ và sự thoái hóa. Lời dạy của Ngài có thể tóm tắt như sau: Tránh làm điều ác, hãy làm điều lành và giữ tâm luôn trong sạch.
Tạo thiện nghiệp hay công đức chẳng hạn như làm từ thiện giống như gửi tiền vào một ngân hàng. Chúng ta càng gửi tiền nhiều chừng nào thì tiền của chúng ta sẽ được tích lũy nhiều chừng nấy. Tiền lãi cũng tăng theo và chẳng bao lâu sau chúng ta sẽ trở nên giàu có. Ngược lại, nếu chúng ta tạo ác nghiệp, việc này giống như chúng ta mượn tiền ngân hàng, chúng ta phải trả lại cả tiền nợ gốc lẫn lãi. Khoản vay có thể trở thành một gánh nặng cho chúng ta. Những người mắc nợ luôn luôn ở trong tâm trạng lo lắng, bồn chồn, không giống như những người có tiền gửi trong ngân hàng, những người này luôn tươi cười vì tiền của họ luôn luôn tăng trưởng.
Tạo thiện nghiệp cũng tương tự như vậy, nó cho ta sự an vui, làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc và hài lòng. Nhưng khi chúng ta tạo bất thiện nghiệp, tâm của chúng ta giống như ngồi trên đống lửa. Chúng ta trở nên lo lắng và bất an. Chúng ta ai cũng có thể thấy được điều này bởi vì có thể nó đang xảy ra trong tâm chúng ta ngay tức thời, trong giây phút này đây, chẳng cần đợi đến kiếp sau. Vì vậy, nếu chúng ta muốn được hạnh phúc và thịnh vượng, muốn được ngủ ngon và không chịu đau khổ, chúng ta chỉ nên tạo thiện nghiệp và tránh tạo bất thiện nghiệp.
Đức Phật dạy cho chúng ta mười cách tạo công đức hay thiện nghiệp:
1. Dana: cho ra một cách rộng rãi, bố thí, cúng dường. Cụ thể cúng dường một trong bốn thứ tứ vật dụng đến Tăng đoàn. Cho mà không mong đợi một sự hoàn trả nào từ người nhận.
2. Sīla: Trì giới, giữ gìn sự trong sạch về mặt đạo đức và luân lý ngăn ngừa một cá nhân không đi trệch ra ngoài con đường Bát Chánh Đạo. Giữ giới cũng giúp cá nhân tự kiềm chế những hành động bất thiện.
3. Bhavana: Trau giồi hay phát triển tâm linh, thiền tập
4. Hồi hướng phước báu cho người thân đã qua đời
5. Tùy hỷ phước báu: Hoan hỷ với công đức hay thiện nghiệp do người khác làm
6. Phục vụ người khác
7. Khiêm tốn
8. Chánh kiến
9. Nghe pháp
10. Giảng dạy Giáo pháp
Những gì chúng ta đang làm ngày hôm nay được gọi là dana hay bố thí. Sau khi chúng ta đã cho ra một vật gì đó tốt và quý giá thí dụ như tiền, chúng ta cảm thấy hài lòng vì chúng ta đã chiến thắng được sự ích kỷ, tham lam và keo kiệt của chúng ta. Nếu chúng ta chỉ nghĩ đến chúng ta có nghĩa là chúng ta tham lam và ích kỷ, chúng ta luôn cảm thấy ham muốn và thèm khát. Bằng cách bố thí, chúng ta có thể khắc phục tâm tham và tự làm cho chúng ta hạnh phúc và thỏa mãn.
Trì Giới là tránh không làm hại người khác qua lời nói hoặc hành động như giết hại, trộm cắp, tà hạnh, nói dối và uống các chất say, những việc này có thể làm hại chúng ta và người khác. Giữ Giới giúp chúng ta loại bỏ sự căng thẳng, bồn chồn, lo lắng phát sinh từ các hành vi sai trái. Khi chúng ta nói dối, lừa đảo hoặc trộm cắp, chúng ta lo sẽ bị bắt và bị trừng phạt.
Thiền tập giúp thanh lọc các phiền não hay kisela như ham muốn, tham ái, sân hận và si mê ra khỏi tâm của chúng ta. Những phiền não này làm cho chúng ta phiền muộn và đau khổ. Thiền tập giống như giặt áo quần. Để thiền tập đạt được kết quả tốt, chúng ta hãy noi gương Đức Phật và các đệ tử cao thượng của Ngài, chúng ta cần có tâm định (Samadhi) và trí tuệ (panna) giống như chúng ta cần nước và bột giặt cho việc giặt quần áo.
Nhờ phát triển định và tuệ, Đức Phật cuối cùng đạt được sự Giác ngộ và sau đó trở thành một vị Phật, người đã tự mình khám phá ra con đường giải thoát – Pháp – cho chính mình sau một thời gian dài đã bị thế gian lãng quên. Ngài cũng trở thành một A la hán, bậc trong sạch, thanh tịnh và đáng cúng dường, bậc mà tâm đã giải thoát khỏi các phiền não (kisela), bậc đã loại bỏ tất cả 10 kiết sử (10 sợi dây) trói buộc tâm của chúng ta với vòng sinh tử luân hồi, bậc mà trái tim mình không còn bị ràng buộc bởi các lậu hoặc (asava), và bậc sẽ mãi mãi không còn sự tái sinh. Cùng với sự Giải thoát, Đức Phật cũng nhận ra sự hạnh phúc tột cùng, hạnh phúc vượt trội mọi thứ hạnh phúc trên thế gian này như sự giàu có, địa vị, sự khen ngợi hoặc các dục lạc. Cách duy nhất chúng ta có thể có được hạnh phúc tột cùng này là thông qua việc thực tập để phát triển tâm (bhavana), phát triển định và tuệ cho đến khi tâm nhận ra vimutti hay là sự giải thoát khỏi các hình thức đau khổ (dukkha).
Hồi hướng phước báu đến cho những người đã quá vãng có nghĩa là chia sẻ sự hoan hỷ phát sinh từ việc làm tốt hoặc đúng đắn của chúng ta. Những chúng sanh nhận được sự hồi hướng của chúng ta là những người đã qua đời và tái sinh và cõi giới peta - ngạ quỷ- những chúng sanh thuộc một cảnh giới thấp hơn, đôi lúc có khả năng hiện về với con người. Ngạ quỷ thường được mô tả trong nghệ thuật Phật giáo như là những chúng sinh đói khát với những cái miệng nhỏ như lỗ kim vì vậy chúng không thể nuốt đủ thức ăn để làm dịu cơn đói.
Chúng ta không thể hồi hướng phước báu cho những người đang sống vì họ có thể tự tạo phước báu có thể còn lớn lao hơn những gì chúng ta đang làm cho chính họ. Chúng sanh thuộc cảnh giới ngạ quỷ ngược lại không thể làm được việc này và phải dựa vào những người còn sống làm việc thiện để hồi hướng phước báu cho họ. Những chúng sanh tái sanh vào cõi người và cõi Trời đã tích lũy đủ thiện nghiệp nhằm giữ cho họ được thỏa mãn hoặc hạnh phúc hoặc họ có thể tự mình tạo thêm phước báu nếu họ muốn như vậy. Những chúng sanh tái sanh vào cảnh giới địa ngục cũng không thể nhận được sự hồi hướng phước báu của chúng ta vì họ đã hoàn toàn bị hủy hoại bởi ngọn lửa của sự đau khổ.
Những chúng sanh sống trong cảnh giới ngạ quỷ khao khát chúng ta hồi hướng phước báu cho họ giống như những kẻ ăn xin. Chỉ một chút xíu phước báu mà chúng ta tích lũy được cũng có thể chia cho họ, giống như chúng ta tặng ai một vé xe buýt hay một bữa cơm rẻ tiền. Vậy cũng đủ. Vì vậy, mỗi khi chúng ta làm điều gì đúng đắn hoặc tốt lành như làm từ thiện và muốn làm một điều gì đó cho những người đã quá vãng như các thành viên trong gia đình của chúng ta, bạn bè, chúng ta có thể hồi hướng phước báu này cho họ. Có thể họ đang đợi.
Đừng mong rằng sau khi chúng ta chết, người khác sẽ chia phước báu cho chúng ta. Cho dẫu họ có làm như vậy thì chúng ta cũng được rất ít. Chúng ta có thể tự tích lũy nhiều phước báu hơn cho chúng ta khi chúng ta đang còn sống như những gì chúng ta làm trong ngày hôm nay, đến chùa để cúng dường, giữ Giới và nghe Pháp thoại, làm những việc này, chúng ta sẽ nhận được nhiều phước báu hơn những gì mà chúng sanh ở thế giới ngạ quỷ nhận được. Mỗi khi chúng ta cúng dường, chúng ta nên chia phước đến những người đã quá vãng. Nếu họ đang đợi chúng ta chia phước cho họ, họ sẽ nhận được và chúng ta cũng nhận được nhiều phước báu hơn qua việc chia phước này.
Tùy hỷ công đức là hoan hỷ với những ai đã làm những việc đúng đắn hoặc tốt lành. Khi chúng ta bày tỏ sự cảm kích, chúng ta sẽ cảm thấy hoan hỷ. Hành động đúng đắn hoặc tốt lành không làm hại một ai, nó chỉ đem lại sự lợi lạc. Ngay cả nếu như ta không trực tiếp nhận được lợi lạc từ việc làm này, chúng ta cũng không nên cảm thấy ghen tỵ vì đó là một dạng của phiền não chỉ làm cho chúng ta cảm thấy đau khổ. Ngược lại nếu chúng ta hoan hỷ và bày tỏ sự ngưỡng mộ của chúng ta đối với việc làm tốt đẹp này, chúng ta sẽ hạnh phúc. Hành động đúng đắn hoặc tốt lành giống như sóng trên đại dương cuối cùng rồi sẽ đập vào bờ, không chóng thì chầy lợi lạc cũng sẽ đến với chúng ta. Khi một người trong cộng đồng hành động đúng đắn hoặc tốt lành, toàn thể cộng đồng đó sẽ được lợi lạc vì nó đem lại sự an toàn, yên ổn. Cộng đồng đó sẽ trở thành một cộng đồng tốt và sống an vui. Khi cộng đồng sống trong sự yên ổn, an vui thì chúng ta, những người sống trong cộng đồng đó sẽ được lợi lạc. Vì vậy khi chúng ta nhìn thấy những người có những hành động đúng đắn và tốt lành, chúng ta phải bày tỏ sự ủng hộ và ngưỡng mộ của chúng ta đối với họ.
Phục vụ người khác thì khá rõ rồi, vì vậy không cần phải đi sâu vào chi tiết.
Khiêm tốn là một loại đức hạnh làm chỉ cho người khác thương mến chúng ta, vì nó trái ngược tính kiêu ngạo chỉ đưa đến sự sân hận. Nếu chúng ta vẫn cần sự hỗ trợ và thiện chí từ người khác và không muốn bị mọi người xa lánh, chúng ta nên tỏ ra khiêm tốn.
Có chánh kiến là hiểu quy luật thiên nhiên (nhân quả) hay chân lý chi phối sự hiện hữu của chúng ta, như attahi attano nadho, chúng ta là nơi nương tựa của chính chúng ta, vì chúng ta chính là người tự làm cho mình hạnh phúc, buồn, tốt, hoặc xấu. Khi chúng ta hiểu được điều này, chúng ta sẽ biết cách sống sao cho được hạnh phúc và thịnh vượng, vì chúng ta hiểu rằng qua các hành động đúng đắn hoặc tốt lành, chúng ta sẽ được hạnh phúc và nếu chúng ta hành động sai trái hoặc bất thiện, chúng ta sẽ chịu đau khổ.
Nếu chúng ta tin vào quy luật thiên nhiên này và hành động một cách có đạo đức, chúng ta sẽ có được hạnh phúc và kết quả thuận lợi. Nếu chúng ta không tin, nhưng vẫn hành động đạo đức, chúng ta cũng sẽ gặt hái những lợi ích tương tự. Nhưng nếu chúng ta không tin và hành động vô đạo đức, chúng ta chắc chắn sẽ có một kết quả không thuận lợi. Nếu chúng ta tin, chúng ta chắc chắn sẽ không dám hành động sai trái. Những người tin sẽ được hưởng sự lợi từ lạc quy luật thiên nhiên này trong khi những người không tin sẽ không được hưởng sự lợi lạc vì họ có khả năng sẽ hành động không đúng đắn.
Bị dẫn dắt bởi các phiền não như giận dữ, tham lam và si mê , họ thường hành động sai trái hoặc xấu ác vì họ không tin vào thiên đàng hay địa ngục, không tin vào sự sự tái sinh cũng như không tin vào sự gặt hái những quả của nghiệp của họ trong kiếp sau. Điều này là do những người này có quan điểm sai trái về quy luật thiên nhiên và nó sẽ đẩy họ vào cái vòng trầm luân của sự tái sinh và chịu đau khổ bất tận, kết quả từ các hành động bất thiện của họ, do họ không có khả năng loại trừ được sân hận, tham ái và si mê.
Ngược lại, những người có quan điểm đúng về chân lý sẽ biết rằng chính những nghiệp bất thiện của mình tạo ra những hậu quả bất lợi mà tự họ sẽ phải gánh chịu. Họ sẽ hành động đúng đắn và tốt lành bởi vì họ không muốn gặt hái những kết quả không mong muốn. Bằng cách tiếp tục hành động có đạo đức, tâm của họ sẽ dần dần tiến hóa cho đến khi đạt đến cùng một mức mà Đức Phật và các đệ tử cao quý của Ngài đã đạt được.
Nghe Pháp là một kinh nghiệm rất lợi lạc vì Giáo Pháp là giống như ngọn đèn trong bóng tối sẽ xua tan ảo tưởng trong tâm trí của chúng ta đã làm chúng ta mê mờ không thấy được chân lý. Chẳng có lợi ích nào thu được từ việc kết giao với những người lừa dối. Chúng ta thay vào đó nên gắn bó với những người không lừa dối, như Đức Phật và các đệ tử cao quý của Ngài, những người đã thấy được ánh sáng của Giáo pháp và nhờ đó họ biết phân biệt phải trái, tốt xấu. Nếu chúng ta thường xuyên nghe họ giảng dạy Giáo Pháp, chúng ta sẽ có kiến thức, trí tuệ và cái thấy sâu sắc, chúng giúp cho chúng ta chỉ làm những gì là tốt và đúng và do đó sẽ tạo ra kết quả tốt và thuận lợi. Với những lý do này, nghe nói Pháp là một cách khác để tạo phước báu.
Giảng dạy Giáo Pháp cho người khác là một cách khác nữa để tạo công đức. Nếu chúng ta biết về Giáo pháp, cho dẫu chỉ một chút thôi, chúng ta cũng nên dạy cho người khác. Khi một người nào đó chúng ta biết rơi vào thời kỳ khó khăn và không biết làm thế nào thoát ra khỏi tình trạng khó khăn đó, một vài lời khuyên từ Giáo pháp có thể vô cùng hữu ích, và có thể tạo cho người đó sức mạnh để thực hiện chúng.
Ngày nay, chúng ta thiếu Giáo pháp. Khi gặp khó khăn, chúng ta không biết quay vào đâu để tìm sự hỗ trợ và khích lệ bởi vì chúng ta đã không đi đến các chùa để nghe giảng dạy Giáo Pháp, để rèn luyện và phát triển tâm ý của chúng ta. Vì vậy, khi chúng ta rơi vào khó khăn, chúng ta không biết làm thế nào để đối phó với chúng trong khi thực tế tất cả chúng đều có thể dễ dàng giải quyết việc ấy nếu chúng thể chấp nhận được sự thật rằng bất cứ điều gì nếu sẽ như vậy thì sẽ là như vậy.
Chúng ta phải đối mặt với thực tại. Bất cứ điều gì chúng ta làm, chúng ta sẽ phải trả giá cho nó sớm hay muộn. Nếu chúng ta đã làm một điều gì sai trái, hãy chấp nhận nó và sẵn sàng để đối mặt với những hậu quả. Nếu chúng ta mất mọi thứ, hãy chấp nhận như vậy. Nếu chúng ta nghĩ được như vậy, sẽ không có ai tự tử.
Nhưng ngày nay, khi chúng ta phải đối mặt với kết quả không thuận lợi, chúng ta không biết phải làm gì ngoại trừ suy nghĩ tự hủy hoại mình để thoát khỏi cái kết quả đau khổ mà không nhận ra rằng chúng ta chỉ có thể giết chết cơ thể mà thôi. Tâm sẽ tiếp tục đau khổ trong địa ngục. Khi chúng ta được tái sinh trở lại làm một con người , chúng ta sẽ lại tự tử khi chúng ta rơi vào những khó khăn mà chúng ta không thể đối phó với chúng. Đức Phật dạy rằng cứ mỗi lần tự tử theo sau đó sẽ là 500 vụ tự tử khác trong những kiếp sống tương lai của con người bởi vì nó là thói quen được hình thành.
Cách duy nhất để phá vỡ cái vòng luẩn quẩn này là nương tựa vào Pháp và sử dụng nó để đối phó với nghịch cảnh của chúng ta . Sử dụng sự kiên nhẫn, nhẫn nại và khoan dung để đối mặt với vấn đề của chúng ta, cho dẫu vấn đề có nghiêm trọng thế nào đi nữa. Chúng ta không được trốn chạy, thậm chí nếu điều đó có nghĩa là vào tù, hoặc bị kết án, chỉ cần nghĩ về nó như là hậu quả của nghiệp bất thiện của chúng ta trong quá khứ. Một khi đã thanh toán xong, nó sẽ ra đi mãi mãi.
Hầu hết chúng ta có lẽ nghĩ rằng tạo phước báu là chỉ làm việc từ thiện, trong thực tế có những cách khác để có tạo phước báu. Giống như khi ăn, chúng ta không chỉ ăn cơm thôi, chúng ta còn ăn rau và trái cây. Cơ thể của chúng ta cần năm nhóm thực phẩm để được mạnh mẽ và khỏe mạnh. Tương tự như vậy, tâm của chúng ta chỉ sẽ phát triển nếu chúng ta tu tập mười cách để tạo thiện nghiệp. Vì vậy phận sự của chúng ta là đưa những gì chúng ta nghe ngày hôm nay vào sự thực hành. Sau đó và chỉ sau đó chúng ta mới gặt hái những kết quả thuận lợi đem lại cho chúng ta hạnh phúc và sự thịnh vượng.
Theo: Ten ways to make merits
Người dịch: Pañña Dīpa Tuệ Đăng
0 nhận xét:
Đăng nhận xét