CHÁNH TƯ DUY (Sammā-sankappa) | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Ba, 20 tháng 11, 2012

CHÁNH TƯ DUY (Sammā-sankappa)




Bài giảng của ngài Mogok - Translated by Ashin Pannissara

Chúng ta sẽ dịch bài pháp của Ngài Mogok, phần này liên quan tới chánh tư duy sammā-sankappa, tức là suy nghĩ một cách chân chánh.

Đây là chỉ dẫn trực tiếp của Ngài Mogok cho các thiền sinh. Theo hướng dẫn của pháp môn này, đầu tiên chúng ta cần tập trung trên hơi thở, quan sát sự ra vào của hơi thở. Mọi người có thể ngồi hành thiền ở thiền viện hoặc ở nhà hoặc bất kỳ nơi nào chúng ta thấy có sự yên tĩnh và thuận lợi cho việc hành thiền. Với việc tập trung quan sát trên hơi thở trong giai đoạn đầu như vậy, chúng ta sẽ dần dần thiết lập được định tâm, đạt được sự nhất tâm trên đối tượng.

Sau khi chúng ta đạt được sự định tâm và tâm đã trở nên ổn định thì lúc này chúng ta buông đối tượng hơi thở. Sau khi đã buông đối tượng hơi thở, chúng ta quan sát bất kỳ các hiện tượng gì sinh khởi trên thân, chúng ta có thể cảm thấy ngứa (ngứa ở chân, ngứa ở tay, ngứa ở sau lưng hay bất kỳ phần nào trên cơ thể...), rồi chúng ta ghi nhận được các rung động, và bất kỳ cái gì sinh khởi trên thân, ví dụ: người mình trở nên nóng hơn, hoặc thân thể chúng ta mát, nóng hay lạnh, các rung động, ngứa ... bất kỳ hiện tượng gì trên thân chúng ta đều ghi nhận được.

Lúc này, chúng ta cần quan sát trong một trạng thái định tâm do sự nhất tâm. Ở đây, ngài Sayadaw có đưa ra một ví dụ: Nếu chúng ta đạt được trạng thái định tâm như vậy, chúng ta ngồi trong một căn phòng có cái trần cao độ 3 mét, nếu có một con thạch sùng rớt từ trên trần nhà xuống dưới đất thì tiếng động của nó rất là khẽ, rất nhẹ thì chúng ta cũng có thể ghi nhận được ngay cả khi tiếng động vô cùng nhỏ và nhẹ như vậy. Nếu ở trong một trạng thái định tâm như vậy, chúng ta sẽ có khả năng quan sát và phát hiện các đối tượng rất vi tế, rất nhẹ.

Khi mà chúng ta đã đạt được sự định tâm, lúc này chúng ta bắt đầu buông hơi thở và quan sát bất kỳ những cái gì sinh khởi trên thân, chúng ta sẽ thấy rất nhiều, đó có thể là những cái ngứa, cái đau, cái nóng, cái tê tê, cái rung rung...Tất cả những cái hiện tượng này thể hiện sự tan hoại của cơ thể. Đức Phật cũng đã chỉ dạy cho chúng ta, chỉ khi chúng ta đạt được trạng thái định tâm nhất định, chúng ta mới có thể nhận ra và quan sát được các hiện tượng ở trên thân mình, và không chỉ là các hiện tượng trên thân (đau, ngứa, tê, nóng), mà còn là các hiện tượng tâm, chẳng hạn các suy nghĩ, mong muốn. Khi có các trạng thái định tâm, chúng ta sẽ quan sát được cả hai hiện tượng xảy ra trên thân và trên tâm đúng với bản chất thực sự của nó, đó là yathā-bhūta paccayati.

Vừa rồi là những hiện tượng sanh khởi trên thân, chúng ta thấy nó cũng làm phát sinh các cảm thọ, có thể là cảm thọ khổ, cảm thọ lạc hay cảm thọ trung tính (tức là cảm thọ không khổ, không lạc). Chỉ khi nào chúng ta đạt được định tâm, hay sự an ổn của tâm thì lúc này chúng ta mới ghi nhận được các hiện tượng sinh khởi ở trên thân và trên tâm, bao gồm cả các cảm thọ liên quan tới thân và các suy nghĩ, mong muốn, ước mong … tất cả đều thể hiện trên thân ngũ uẩn, tất cả là một dòng liên tục trôi chảy và liên tục sinh diệt, thể hiện bản chất vô thường của thân và tâm.

Mới đầu chúng ta không cảm thấy một cảm thọ nào đặc biệt cả. Rồi tự nhiên chúng ta cảm thấy một cảm thọ ngứa ngáy hay khó chịu, điều này thể hiện thân của chúng ta đang ở tiến trình tan hoại. Tâm cũng như vậy, khi tâm đang ở trạng thái định tâm, an ổn, không có một suy nghĩ đặc biệt nào xảy ra, và rồi đột nhiên các suy nghĩ xuất hiện rằng chúng ta muốn trở về nhà, muốn đi tắm, muốn bơi sông ... điều này cũng thể hiện sự tan hoại, hoại diệt của các tiến trình tâm.
Nếu quan sát như vậy ta thấy toàn bộ các tiến trình liên quan đến thân và tâm không có gì khác ngoài sự sanh khởi và hoại diệt. Nếu quan sát các tiến trình sinh diệt như vậy, đến một lúc nào đó ta sẽ nhận thấy đây chỉ là một tiến trình tự nhiên, ở đó không có đàn ông, không có đàn bà. Tất cả mọi hiện tượng diễn ra, thiền sinh chỉ còn quan sát dưới góc độ sinh khởi – hoạt diệt, không còn có hình bóng của một con người cụ thể như đàn ông, đàn bà, trẻ con, bà con, họ hàng. Thiền sinh đó nhận ra rằng, nếu chúng ta có gọi là đàn ông hay đàn bà thì đó chỉ là khái niệm, tên gọi mà thôi, và bản chất thực sự của tất cả các hiện tượng này là sự sinh khởi – hoại diệt. Đến giai đoạn này, 5 giác quan của chúng ta sẽ đóng lại, và chỉ còn tâm. Lúc này người thiền sinh sẽ nhận ra không có gì khác ngoài tiến trình tan hoại, hay nói một cách khác, mọi hiện tượng đều sinh khởi và diệt đi. Ở đây nó thể hiện một đặc tính là viparināma-lakkhana – là một tướng hay một dấu hiệu, thể hiện bản chất của hiện tượng. vipari biểu hiện sự sanh khởi, sự tan hoại, không có một cái gì khác ngoài sự sinh khởi và diệt đi. Lakkhana – biểu hiện của nó là khổ đế. Viparināma là sự thay đổi, luôn luôn thay đổi, trước thì không có, bây giờ xuất hiện, rồi lại thay đổi, và rồi cứ như vậy, đây là sự thay đổi một cách liên tục. Và những thay đổi đó thể hiện bản chất của khổ.

Ngài Sayadaw khuyến nghị khoảng 10-15 phút đầu chúng ta tập trung quan sát trên hơi thở để đạt được sự định tâm. Khi sự định tâm đã đạt được, tức là có được sự nhất tâm, ta buông hơi thở và quan sát bất kỳ cái gì sinh khởi diễn ra trên thân của mình. Chúng ta sẽ nhận thấy có rất nhiều hiện tượng trước đây không có và bây giờ nó sanh khởi ở trên thân. Nó có thể là cái đau, cái ngứa, cái nóng,...mà không chỉ là ở thân mà còn diễn ra ở tâm. Cứ quan sát như vậy chúng ta sẽ thấy nó sanh khởi, rồi diệt đi. Quan sát được như thế, ta sẽ đi tới được kết luận: mọi hiện tượng luôn ở trạng thái tan hoại, trạng thái thay đổi; nó xuất hiện, phô bày thực tướng của nó. Bản chất của các hiện tượng sinh diệt trên thân tâm này chính là Khổ đế.

Thiền sinh đó chỉ còn quan sát hiện tượng sinh – diệt mà thôi. Tất cả là sự thay đổi, tan hoại, hết cái này sinh khởi – diệt đi, lại có một cái khác thay vào đó, sinh khởi rồi lại diệt đi. Thậm chí ngay cả lúc này cũng không cần thiết phải phân biệt đâu là danh, đâu là sắc, đâu là đàn ông, đâu là đàn bà, đâu là con người ... mà bản chất của các hiện tượng ở đây chỉ là sinh khởi và diệt đi, bất kể nó là cái gì. Lúc này người thiền sinh sẽ bỏ qua các hiện tượng ở trên thân và tâm, ví dụ như chúng ta cảm thấy đau ở trên thân, đau ở chân, ngữa ở tay,...rồi các tiến trình xảy ra ở trong tâm, lúc này người ta cũng không quan tâm nhiều đến các hiện tượng như vậy. Và người thiền sinh đó chỉ tập trung quan sát vào bản chất của các hiện tượng: đó là sinh khởi và diệt đi. Đó là đối tượng duy nhất của người thiền sinh.

Người thiền sinh khi đó chuyển sang một giai đoạn gọi là Quán pháp Dhammānupassana – quan sát các hiện tượng, sự thay đổi, sinh khởi và diệt đi, và bản chất của nó là khổ. Nếu chúng ta có thể quan sát được khổ đế đó thì Maggasacca – Đạo đế sanh khởi. Lúc này nếu chúng ta có thể quan sát được bản chất của các hiện tượng dưới góc độ tan hoại của nó và thấy được bản chất khổ trong các hiện tượng đó thì có nghĩa là chúng ta đã quan sát cùng với đạo nhãn – tức là các đạo tâm sanh khởi. Điều đó có nghĩa chúng ta quan sát các hiện tượng đúng với bản chất thực sự của chúng – quan sát như chúng là. Không có gì khác ngoài hiện tượng sinh diệt – sự tan hoại – sự thay đổi. Sự sinh diệt đó chính là khổ. Hiểu ra được, nhận ra được điều đó chính là đã thiết lập được chánh tư duy.

Khi quan sát được, thiền sinh sẽ nhận thấy rằng toàn bộ thân ngũ uẩn này, thân xác này của ta chỉ là một khối khổ. Không có gì khác ngoài biểu hiện của khối khổ mà thôi. Nếu chúng ta nhận ra được bản chất khổ của các hiện tượng, có thể nói ta đang quan sát với đạo nhãn hay minh nhãn, hay quan sát cùng với sự hiểu biết bản chất thực sự của các hiện tượng, còn gọi là minh – vijjā, đối lập với vô minh là avijjā. Chúng ta quan sát cùng “Minh” – quan sát bằng tuệ nhãn.

Khi quan sát bằng tuệ nhãn như vậy tức là maggasacca sanh khởi. Maggasacca là một kết quả do quá trình quan sát của chúng ta. Khi thấy maggasacca như vậy thì không cần thiết phải cầu xin, kể cả là cầu xin Đức Phật ban phát cho chúng ta có được Đạo Quả, thành công trong việc tu tập của mình. Đây là một tiến trình, khi các nhân duyên hội tụ nó sinh khởi. Ta không phải cầu xin bất kỳ ai cả. Lúc này tuệ nhãn lấy Niết Bàn làm đối tượng. Ở mức độ cao hơn thì Niết Bàn sẽ là đối tượng quan sát.

Thông thường, chúng ta nhìn sẽ thấy có đàn ông, có đàn bà, có con người. Đó là cái nhìn rất bình thường của một người chưa qua hành thiền. Khi chúng ta công phu tu tập thì đến một giai đoạn chúng ta không còn thấy một cái gì khác nữa, thậm chí không còn thấy danh, không còn thấy sắc, không có con người, không có đàn ông, không có đàn bà...tất cả các hiện tượng đó không có gì khác chỉ là sự sanh diệt. Nó thể hiện bản chất hoạt diệt của nó. Sanh diệt ở đây là khổ, tiến trình hoạt diệt ở đây là khổ. Nhận ra được điều đó, chúng ta đã quan sát bằng tuệ nhãn.

Đến giai đoạn này chúng ta cũng thấy không có ta, cũng không có người khác, tất cả các hiện tượng bên trong bên ngoài đều chỉ có cùng bản chất sinh – diệt mà thôi. Nó thể hiện bản chất khổ. Nó diễn ra một cách tự động, không có ai kiểm soát ở đó, không có ai can thiệp vào tiến trình này. Rồi bản chất ở đây là sự vô ngã của các hiện tượng.

Bản chất khổ chính là tiến trình tan hoại. Tại sao tiến trình tan hoại lại xảy ra? Đó là sinh và diệt. Sự sinh – diệt này thể hiện bản chất vô thường. Ở đây chúng ta thấy được tam tướng, bản chất của các hiện tượng thể hiện qua tam tướng: vô thường – khổ - vô ngã. Ở đây có đặc tính của khổ. Từ đặc tính của khổ ta thấy vô ngã, rồi thấy vô thường.

Ngài Xá Lợi Phất cũng đưa ra một ví dụ là Dấu chân voi. Con voi được coi là con vật lớn nhất tại thế gian này. Khi đi bao giờ nó cũng để lại dấu chân của nó. Nếu có con chó chạy theo dấu chân con voi, liệu dấu chân con chó có thể bao phủ được dấu chân con voi hay không? Điều đó không bao giờ xảy ra cả. Dấu chân con chó bao giờ cũng chỉ nằm gọn trong vòng dấu chân con voi mà thôi. Các tam tướng ở đây: khổ - Vô thường – Vô ngã tựu trung lại là tiến trình thay đổi, biểu hiện sự sanh diệt của các hiện tượng mà thôi. Lúc này Dukkha sacca – Khổ đế sẽ trở thành đối tượng quan sát của chúng ta. Và chúng ta quan sát bằng Đạo đế - đối tượng quan sát là Khổ đế. Nếu có thể quan sát lấy khổ đế làm đối tượng thì chúng ta sẽ không chạy theo các lợi dưỡng, có nghĩa ái thủ, nghiệp hữu sẽ không thể nào xen vào sự quan sát của chúng ta. Chúng ta cũng không chạy theo cái khổ. Như vậy chúng ta rời xa cả hai thái cực khổ hạnh và lợi dưỡng – đây chính là con đường Trung Đạo. Với con đường Trung Đạo này, chúng ta cũng sẽ đạt được các tầng Thánh: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm,...

Việc áp dụng lý thuyết như thế này cần được tiến hành liên tục kể cả khi chúng ta trở về nhà. Trong tất cả các hiện tượng chúng ta quan sát không có gì khác hơn sự thể hiện các tiến trình sinh – diệt. Nó thể hiện sự thay đổi và tan hoại, nó thể hiện bản chất khổ của các hiện tượng. Người thiền sinh sẽ thấy rằng chúng ta luôn đi trên con đường trung đạo với sự quan sát như thế này. Chúng ta rời bỏ các thái cực lợi dưỡng và khổ hạnh, không để cho ái, thủ và nghiệp hữu xen vào trong sự quan sát của mình.

Bất kỳ một thời điểm nào trong sự quan sát sinh – diệt này khi sự quan sát trở nên vô cùng sáng tỏ, rõ ràng, cái đó sẽ giống như một tiếng sét làm cháy rụi một gốc cây, bứng gốc cây. Sự quan sát tạo đà cho một năng lực, khi năng lực đủ mạnh sẽ tạo đà cho một tiếng sét. Tia chớp – tiếng sét lóe lên thực hiện chức năng của nó.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét