Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

KHẤT THỰC THEO TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY







Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên thủy, khi đã gia nhập Tăng đoàn các chư tăng sẽ sống bằng cách đi trì bình khất thực, sở hữu của các Ngài không có gì ngoài ba chiếc y và một bình bát.

Khất thực là cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia. Đó là thực hành chánh mạng thanh tịnh. Chuyến đi khất thực bao giờ cũng diễn ra vào buổi sáng và chấm dứt trước giờ ngọ tức trước lúc mặt trời đứng bóng. Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt, mắt nhìn xuống và yên lặng bước đi. Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào chứ không cúng bó rau chưa nấu chín. Nếu chưa đủ dùng, chư vị tiếp tục đi theo hàng dọc đến nhà bên cạnh nhưng không được quá bảy nhà. Chư vị không được phép bỏ sót nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho phố xá ở các thị trấn phồn thịnh, các gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên, cũng không muốn gây cảm tưởng là chư vị ham thích những khu phố giàu có vì thức ăn ngon hơn.

Khất thực xong, các vị trở về tịnh xá để ăn trước khi mặt trời đứng bóng. Đây là bữa ăn duy nhất trong ngày. Thông thường thức ăn được phân ra làm bốn phần: một phần nhường lại cho các bạn đồng tu nếu thấy họ không có hay có ít, một phần san sẻ cho người nghèo, một phần dành cho loại chúng sinh không phải là người nhưng sống chung với người, và cuối cùng còn lại là phần mình dùng. Khi thọ dụng thức ăn các vị Tỷ kheo xem như là việc uống thuốc để duy trì sự sống mà tu hành, ngon không ham, dở không bỏ. Thọ dụng cúng phẩm của người đời vừa đủ thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ.

Việc trì bình khất thực còn có rất nhiều ý nghĩa và lợi ích cả người thí và người thọ nhận. Đối với Chư tăng khất thực, việc trì bình còn giúp diệt tính tự cao ngã mạn, sống giản dị trong đời sống hàng ngày, trực tiếp thọ ân xã hội, giảm bệnh tật nhờ vận động cơ thể, tạo cơ hội làm phước thiện cho mọi người, giữ gìn tịnh hạnh để trở nên phước điền, rải tâm từ cho tất cả chúng sinh và truyền bá Giáo pháp.

Còn phần thí chủ sau khi tự tay mình để vật thực vào bát của nhà sư với tấm lòng thành kính là đã thành tựu việc phước thiện. Thí chủ có thể nguyện hiến dâng phước báu này đến các bậc ân nhân đã quá vãng như là ông bà, cha mẹ, cô bác, anh chị em và nguyện các điều lành khác tùy lòng mong muốn. Bố thí vật thực có 5 quả báo: Sống lâu (ayu), sắc đẹp (vanna), an vui (sukha), sức mạnh (bala), trí tuệ (panna).

Trong vài mươi năm gần đây, trong đất nước Việt Nam xuất hiện nhiều vị tu-sĩ người Việt đi trì bình khất thực, tự xưng là tu Phật, nhưng không thi hành đúng theo tinh thần giới luật của Ðức Phật giáo truyền. Ở Việt Nam, Phật giáo có 2 Tông: Bắc Tông và Nam Tông.

Bắc Tông thì dùng Tam-tạng chữ Tàu, chư Tăng mặc áo tràng màu lam, không có đi trì bình khất thực.

Nam Tông thì có Tam tạng Pali, chư Tăng mặc Y ca-sa vàng và có bình bát là món tùy thân độ nhật. Y ca-sa và bình bát đều y theo giới luật Phật, nghĩa là thể thức may Y ca-sa có kiểu mẫu đúng với ý nghĩa Punna Khetam, phước điền cho nhân loại. Bình bát cũng có thể lệ tạo thành, chớ không phải tự ý riêng muốn dùng bình bát lớn, nhỏ hoặc bằng chất gì cũng được.

Trong khi đi trì bình khất thực, từ cách mặc Y ca-sa, mang bình bát, đến cách đi đứng và thọ vật thực cũng phải làm đúng theo qui tắc của Phật luật đã ấn định.
Một điều đáng để ý là nhà sư trong Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam khi đi trì bình thì không đi vào chỗ đông người, tránh chen lấn như trong chợ chẳng hạn, và không nhận tiền bạc, gạo thóc. Vật thí, nếu bố thí ít thì vui thích thọ lãnh ít, nếu cho nhiều thì chỉ thọ lãnh vừa đủ để sống qua ngày mạnh khoẻ tu hành lập công bồi đức. Nhà sư trong Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam cũng không đi quyên góp tiền bạc trong bá tánh để về xây chùa hay làm việc nào khác. Nhà sư trong Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam cũng không được yêu cầu cho thức ăn chay hay mặn, ai muốn bố thí món chi tùy món ăn mình có. Như thế cái chánh nghĩa của hạnh trì bình khất thực mới được biểu dương đúng với tinh thần giới luật của Ðức Phật và đem lại phước báu cho cả người bố thí và thọ nhận.

(Tổng hợp từ nguồn: Thư viện Hoa sen, budsas.org)



0 nhận xét:

Đăng nhận xét