Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012

QUI Y TAM BẢO VÀ THỌ TRÌ NGŨ GIỚI

 


Cuộc sống của chúng ta trong vòng luân hồi quả thật không giống như một vườn hoa hồng tươi đẹp, lộng lẫy màu sắc và bát ngát hương thơm, mà tựa hồ như một khu rừng mênh mông đầy chông gai và đá nhọn. Trên bước viễn du từ vô lượng kiếp chúng ta vẫn còn đôn đáo tới lui, lặn hụp trong những kiếp sống triền miên tiếp diễn mà không tìm được lối thoát. Hạnh phúc mà phần đông chúng ta mong tìm chỉ là sự thỏa mãn một vài ước vọng. Nhưng vừa khi đạt đến điều mong mỏi ta lại ước mơ điều khác, và cứ thế không ngừng. Chúng ta không bao giờ được thỏa mãn trọn vẹn, vì không bao giờ biết là đủ. Lẽ dĩ nhiên, điều mong ước mà không được thành tựu làm cho ta thất vọng, đau khổ. Nhưng dầu có được toại nguyện đi nữa, ta lại lo âu, bậm tâm suy nghĩ để gìn giữ, sợ nó mất đi. Trong cảnh cơ hàn ta mong được giàu sang, rồi đến khi sang trọng giàu có ta lại lo sợ phải nghèo đói cơ cực. Nhưng trong cuộc sống vô thường tạm bợ này có cái chi tồn tại mãi mãi, có thú vui nào mãi mãi vững bền. Cái mà ta gọi là hạnh phúc thật sự chỉ tồn tại trong giây phút mà ta nắm được nó vì bản chất thiên nhiên của nó là vậy, là luôn luôn phải đổi thay. Mặt trời mọc phương Đông chỉ để lặn ở phương Tây, hoa nở tốt tươi buổi sáng để rồi úa tàn về chiều, mọi cuộc sum họp vui vầy đều phải chấm dứt trong phân tán chia lìa, vừa lúc sự sanh đưa ta vào đời nó đã mang theo mầm mống chết. Trong thế gian huyền ảo, tạm bợ, vô thường, ngã chấp và đầy tham vọng này chúng ta không thể tìm được hạnh phúc thật sự, trường cửu vững bền.

Quy Y Phật Bảo

Phật là ai? -- Trong quyển The Buddha and His Teachings có đoạn Ngài Đại Đức Narada viết như sau:
"Phạn ngữ 'Buddha' (Phật) xuất nguyên từ căn "Budh" có nghĩa là hiểu biết hay thức tỉnh. Gọi là Phật (Buddha) vì Ngài hiểu biết đầy đủ Bốn Chân Lý Thâm Sâu Cao Thượng(Tứ Diệu Đế), và từ giấc mơ vô minh Ngài đã thức tỉnh. Chẳng những hoàn toàn thấu triệt mà Ngài còn có đủ khả năng truyền bá Giáo Pháp nên cũng được tôn là Samma Sambuddha (âm là Tam Miệu Tam Bồ Đề), bậc Chánh Đẳng Chánh Giác, Chánh Biến Tri, để phân biệt với chư Phật Độc Giác (PaccekaBuddha, âm là Bích Chi Phật), chỉ thấu triệt Giáo Lý mà không thể rọi sáng cho kẻ khác, tự giác mà không thể giác tha.

Quy Y Pháp Bảo

Đức Phật là nương tựa châu toàn. Nhưng Ngài đã nhập diệt. Trước giờ Đại Niết Bàn, Đức Ananda (A Nan) bạch hỏi Ngài rằng sau khi Ngài nhập diệt rồi thì vị nào sẽ thay thế Ngài để chưởng quản Giáo Hội. Đức Phật dạy:
"Này Ananda, có thể con sẽ nói rằng Giáo Huấn Tối Cao không còn thầy giảng dạy,chúng con sẽ không còn Đạo Sư. Không nên, Ananda, con không nên suy tư như thế. Giáo Pháp và Giới Luật đã được Như Lai truyền dạy và quảng bá rộng rãi. Này Ananda, khi Như Lai nhập diệt rồi thì Giáo Pháp và Giới Luật ấy sẽ là thầy của chúng con". (Mahaparinibbana Sutta, Kinh Đại Niết Bàn)

Lời dạy của Đức Bổn Sư rất rõ ràng: Khi Ngài nhập diệt rồi thì hàng Phật Tử -- xuất gia và tại gia cư sĩ -- hãy xem Giáo Pháp và Giới Luật (Dhamma Vinaya) là thầy.

Từ ngày ấy, hơn 2500 năm đã trôi qua. Nhưng giáo lý vàng ngọc mà trong 45 năm trường Đức Phật đã dày công giảng dạy bằng nhiều phương cách khác nhau vẫn được lưu truyền trọn vẹn. Giáo Pháp, hay những lời dạy của Đức Thế Tôn, được tôn trí đầy đủ trong ba tạng: Tạng Kinh, Tạng Luật, và Tạng Luận. Đó là kho tàng Pháp Bảo.

Quy Y Tăng Bảo

Đức Bổn Sư là người khám phá và soi sáng Con Đường. Giáo Pháp, những lời dạy của Ngài, là Con Đường. Con Đường vẫn còn đó, nhưng nếu không có người đi, lâu ngày chồi cây sẽ mọc lên trở lại và sẽ lấp mất. Lại nữa, tuy có Con Đường nhưng nếu không có ai chỉ dẫn, ắt chúng ta sẽ lạc nẻo. Chư Tăng là những vị đã noi theo bước chân của Đức Bổn Sư đi trên Con Đường và,đúng theo tôn chỉ tự giác, giác tha của Phật Giáo các ngài sẵn sàng và hoan hỷ dẫn dắt những ai vui lòng theo chân mình.

Đó là ba ngôi báu chắc chắn là nơi nương tựa châu toàn. Khi hiểu rõ như vậy, chúng ta đặt trọn vẹn niềm tin nơi Tam Bảo và hướng về Phật, Pháp, Tăng chúng ta đọc lên câu quy y:

Buddhamsaranam gacchami - Con đem hết lòng thành kính xin quy y Phật.
Dhammam saranam gacchami - Con đem hết lòng thành kính xin quy y Pháp.
Sangham saranam gacchami - Con đem hết lòng thành kính xin quy y Tăng.


Quy y Tam Bảo là hành động có ý thức sau khi đã hiểu biết rõ ràng và quyết tâm, chớ không phải là thọ hành suông một nghi thức theo tập tục cổ truyền, cũng không phải để biểu lộ một đức tin ít nhiều mù quáng.
Khi tự nguyện bước theo dấu chân Đức Phật, hành theo những lời dạy của Giáo Pháp và đặt mình dưới sự dắt dẫn của chư Tăng, người Phật tử không làm nô lệ cho một quyển sách hay một cá nhân mà hoàn toàn tự do thực hiện ý chí mở mang kiến thức và khai triển trí tuệ. Người Phật Tử không tin rằng chỉ quy y Tam Bảo suông mà mình có thể trở nên trong sạch, bởi vì Giáo Pháp dạy họ:

"Chỉ có ta làm điều tội lỗi,
Chỉ có ta làm cho ta ô nhiễm,
Chỉ có ta tránh điều tội lỗi,
Chỉ có ta gội rửa cho ta.
Trong sạch hay ô nhiễm là tự nơi ta.
Không ai có thể
Làm cho người khác trở nên trong sạch.
"
(Kinh Pháp Cú, câu 145)

Thông thường, Quy y thì đồng thời phải thọ trì Năm giới. Người đã tự nguyện trở về nương tựa nơi Tam Bảo và đặt mình dưới sự hướng dẫn của Phật, Pháp, Tăng cũng hàm ý là tự nguyện sẵn sàng khép mình vào khuôn khổ của Giới Luật. Đối với hàng tại gia cư sĩ, có năm giới căn bản là: Không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ và không dùng chất say.

1) Không Sát Sanh.

Câu kinh đọc tụng để phát nguyện gìn giữ giới này là: Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự sát sanh (Panatipata veramanisikkhapadam samadiyami).
Không sát sanh là không cố ý cắt đứt, ngăn chặn,tiêu diệt hay làm cản trở sức tiến triển của năng lực đời sống, không cho nó liên tục trôi chảy. Không sát sanh cũng là không làm tổn thương sự sống của bất luận sinh vật nào, và không sai biểu, xúi giục hay quyến dụ người khác làm những điều ấy.

2) Không Trộm Cắp

Câu kinh đọc tụng để phát nguyện gìn giữ giới này là: Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự trộm cắp (Adinadana veramanisikkhapadam samadiyami).
Không trộm cắp là không cố ý lấy, hoặc nhờ người khác lấy, vật có chủ mà không được cho đến mình.

3) Không Tà Dâm

Câu kinh đọc tụng để phát nguyện gìn giữ giới này là: Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự tà dâm(Kamesu micchacara veramani sikkhapadam samadiyami)
Không tà dâm là gìn giữ đời sống gia đình cho được trong sạch, không lang chạ phóng túng. Đức Phật dạy:"Người giới đức trong sạch cố tránh tà hạnh và cố gắng tự chế. Người ấy không lăng loàn lang chạ với người còn sống dưới sự bảo bọc của cha, mẹ, anh, chị hay họ hàng, với người có chồng, với người đã hứa hôn, hoặc với người mà xã hội không cho phép"(Anguttara Nikaya, Tăng Nhứt A Hàm, X, 176).

4) Không Vọng Ngữ

Câu kinh đọc tụng để phát nguyện gìn giữ giới này là: Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự vọng ngữ(Masavada veramani sikkhapadam samadiyami).
Không vọng ngữ là không nói lời sai quấy, không tạo khẩu nghiệp bất thiện, tức luôn luôn có lời nói chân chánh và đồng thời cũng trau giồi thiện khẩu nghiệp. Lời nói chân chánh không đượm nhuần những tư tưởng bất thiện như tham lam, sân hận, ganh tỵ, ngã mạnv.v...
Bốn loại khẩu nghiệp bất thiện là nói dối, nói đâm thọc, nói thô lỗ cộc cằn và nói nhảm nhí.

5) Không Dùng Chất Say

Câu kinh đọc tụng để phát nguyện gìn giữ giới này là: Con xin vâng giữ điều học là cố ý tránh xa sự dễ duôi uống rượu và các chất say (Sura-meraya-majjapama-datthana veramani sikkhapadamsamadiyami).
Không dùng chất say là không uống rượu mạnh và không dùng bất luận chất say nào có thể làm cho trí não lu mờ, mất sáng suốt.

Gìn giữ năm giới vừa có nền tảng đạo đức trong cuộc sống vừa có chủng tử giải thoát cho tương lai. Quy y và gìn giữ năm giới là một nếp sống tốt đạo đẹp đời.

Theo truyền thống Phật giáo, quy y và thọ trì năm giới là tự nguyện chứ không ép buộc. Xuất phát từ lòng thành ngưỡng mộ Phật-Pháp-Tăng, người cư sĩ tự quyết định quy y và thọ năm giới. Từ ý niệm đó, họ đem lễ phẩm nhang đèn, bông hoa... tìm đến một vị tăng có nhân duyên xin nương nhờ và vị này quy y, truyền giới cho họ. Phần lớn là vị này hướng dẫn trực tiếp đời sống tinh thần của họ để tu tập đúng theo chánh pháp, nhưng chúng ta đừng quên rằng chúng ta quy y Tam Bảo chứ không phải quy y vị thầy hay vị sư nào đó. Có suy niệm như vậy chúng ta sẽ không chấp thủ và dính mắc vào vị thầy của mình, đương nhiên sẽ bớt đau khổ khi thấy thầy của mình bị sụp đổ.

Để có sự so sánh, xin trích một đoạn trong bài kinh Velāmasutta giữa phước thiện bố thí với pháp thiện thọ phép quy y Tam Bảo như sau:

“Người nào có đức tin trong sạch nơi Đức Phật Bảo, nơi Đức Pháp Bảo, nơi Đức Tăng Bảo, thành kính thọ phép quy y Tam Bảo, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người xây dựng ngôi chùa dâng cúng dường đến chư Tỳ khưu Tăng từ tứ phương.
Người nào có đức tin trong sạch nơi Tam Bảo, có tác ý thiện tâm trong sạch thọ trì giữ gìn ngũ giới hoàn toàn trong sạch và trọn vẹn, thì người ấy có phước thiện nhiều, có quả báu nhiều hơn người thành kính thọ phép quy y Tam Bảo...”

-----------------------------------------------------------------------
“Tam Quy, Ngũ Giới”
( Phạm Kim Khánh )

0 nhận xét:

Đăng nhận xét