Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012

Lễ Mãn Hạ - Lễ Tự Tứ - Pavàranà


Chư Tỳ-Khưu Tăng an-cư mãn Hạ rồi phải hành lễ Tự-Tứ cùng nhau. 

Ðức Phật có dạy: "Như Lai cho phép Chư Tỳ-Khưu đã nhập Hạ đến mãn mùa mưa rồi phải hành lễ Tự-Tứ Pavaranà theo 3 điều:

1. Vì được thấy
2. Vì được nghe
3. Vì được nghi.

Nếu An-cư nhập Hạ kỳ trước là ngày 16 tháng 6 âm-lịch thì phải hành lễ Tự Tứ Pavàranà trong ngày Rằm tháng 9 âm-lịch. Nhập Hạ kỳ sau, là ngày 16 tháng 7 âm-lịch, thì phải hành lễ Tứ Tự Pavàranà trong ngày Rằm tháng 10 âm-lịch.

Tự-Tứ Pavàranà là việc chỉ lỗi giùm, thức tỉnh cho nhau bằng 3 cách: thấy, nghe và nghi, chư Tăng tùy ý, tự-do chỉ tội để sám trừ tội ấy. Ðây là một việc phê-bình kiểm thảo một cách hài hòa xây dựng chung cho chư Tỳ-Khưu Tăng cùng chung kiết-hạ an-cư trong một chùa.

Khi Chư Tỳ-Khưu Tăng hội họp đông đủ vị Tỳ-Khưu thông hiểu tuyên bố rằng: "Bạch Ðại Ðức Tăng, xin Tăng nghe tôi trình, này là ngày Tự-Tứ Pavaranà đúng kỳ, xin Chư Tăng nên hành lễ Tự-Tứ Pavaranà".

Vị Tỳ-Khưu cao hạ nhứt, chấp tay nói lên: "Này Chư Tăng, tôi xin Tự-Tứ Pavaranà với Tăng, nếu Chư Tăng có thấy, nghe hoặc nghi, xin Chư Tăng vui lòng tiếp độ, thức tỉnh tôi, tôi được biết tội, tôi xin thi hành đúng như pháp mà sám hối". Nói như thế 3 lần. Kế tiếp vị Tỳ-Khưu thấp hạ hơn vị trước cũng xin Tự-Tứ, lần đến vị Tỳ-Khưu thấp hạ hơn hết. Nếu có vị Tỳ-Khưu già, bịnh thì được phép cho vị ấy ngồi yên tại chỗ ở mà Tự-Tứ. Nếu vị ấy nói lầm lộn, thì phải mỗi mỗi nhắc lời hoặc viết ra giấy cho vị ấy đọc lên 3 lần.

Nếu chỗ ở có 5 vị Tỳ-Khưu hoặc 5 vị trở lên, phải cử một vị thông hiểu bạch tuyên ngôn Tự Tứ, rồi từ vị cao hạ Tự-Tứ lần đến vị thấp hạ. Nếu trong chùa đông Tỳ-Khưu, theo thứ lớp làm lễ Tự-Tứ. Nơi chỉ có 2 vị Tỳ-Khưu thì khỏi phải đọc tuyên ngôn. Vị Tỳ-Khưu cao hạ Tự-Tứ trước, vị thấp hạ Tự-Tứ sau. Còn như nơi nhập Hạ chỉ có vị Tỳ-Khưu thì tự mình đọc lên 3 lần mà Tự-Tứ bằng cách tự xét mình: "Ngày nay chư Tăng Tự-Tứ, tôi Tỳ-Khưu ... cũng Tự Tứ".

Trong lễ Tự-Tứ Pavàranà có đông Tỳ-Khưu, không nên đọc lời Tự-Tứ Pavaranà chung một lượt, phải đọc mỗi vị 3 lần. Trừ ra có duyên cớ như: thí chủ đương bố thí, Tỳ-Khưu đương nghe pháp, đêm gần tàn, hành lễ Tự-Tứ Pavàranà mỗi vị đọc 3 lần không kịp, hoặc có xảy ra 8 nạn như: nạn vua quan, nạn nước lụt, nạn lửa cháy, nạn bịnh, nạn thú dữ độc trùng, nạn người, nạn phi nhơn hay có việc nguy hiểm khác xảy ra làm lễ Tự-Tứ không kịp đầy đủ; đã làm được phần nào rồi lo đi lánh nạn. Nếu nạn sự còn xa có thể nói lên đủ 3 lần mỗi vị, thì phải nói cho đủ. Nếu nạn sự tới gần, nói lên 3 lần không kịp thì được nói lên 1 lần mỗi vị. Nếu nạn sự cận quá, không thể mỗi vị nói lên 1 lần kịp, thì chư Tăng đồng nói chung với nhau 3 lần mà Tự-Tứ.

Những vị Tỳ-Khưu nhập Hạ kỳ sau, Hậu An-Cư, được phép cùng các Tỳ-Khưu nhập Hạ trước, Tiền An-Cư làm lễ Tự-Tứ, Tự-Tứ xong phải ở đợi cho đủ ngày, tức là ngày Rằm tháng 10 âm lịch mãn Hạ.

Nếu có vị Tỳ-Khưu phạm tội Bất-Cộng-Trụ, phải trục xuất rồi mới Tự-Tứ. Nếu phạm tội Tăng-Tàn, phải chịu phạt cấm phòng, sửa lỗi xong rồi cho chư Tăng giao thiệp lại, mới Tự-Tứ. Nếu phạm các tội khác, phải sám-hối rồi mới làm lễ Tự-Tứ - Pavarana.

Một năm chia ra 3 mùa như trên đã nói, thì mỗi mùa phải là 4 tháng nhưng vì sao kiết-hạ an-cư chỉ có 3 tháng? Ðáp: "Thân sanh sống tạm này, phải nhờ món nuôi dưỡng nó, cho nên kiết-hạ an-cư 3 tháng trước, mở thêm 1 tháng sau, vì đợi có y phục, thuốc men để hộ thân. Sau đó mỗi vị lại cất bước lên đường, từ phương thi hành bổn phận. Rày đây, mai đó, tùy nơi giảng đạo, dạy kinh hoặc hành thiền định. Rồi mãi cho đến kỳ Hạ năm sau mới chọn an-cư kiết Hạ.

Cứ thể mãi, nối nghiệp Ðức Như-Lai, đem giáo pháp hoằng khai cùng nơi khắp chốn, tế độ nhơn sanh cho những người hữu duyên tế-độ. Gieo duyên lành cho tất cả mọi người không phân biệt màu da chủng tộc, mong tạo cõi đời hòa-bình an-lạc.

Theo Budsas.org

0 nhận xét:

Đăng nhận xét