Thứ Tư, 6 tháng 5, 2015

ĐỐI THOẠI PHÁP 1

ĐỐI THOẠI PHÁP

 Tỳ kheo Paññissara – Sư Chân Tuệ (Sư Thư)

CHÂN ĐẾ VÀ TỤC ĐẾ

Hỏi: Xin Sư nói rõ hơn về 2 sự thật: Chân đế và Tục đế
Đáp: Chúng ta tiếp nhận các đối tượng thông qua sáu giác quan gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Mắt tiếp nhận đối tượng là sắc, cụ thể là màu. Màu nằm trong nhóm tứ đại. Tai tiếp nhận đối tượng là âm thanh, chỉ đơn thuần là âm thanh thôi chứ không phải là âm thanh gì. Mũi tiếp nhận đối tượng là mùi. Lưỡi tiếp nhận đối tượng là vị. Chúng ta có sáu vị là: đắng, cay, mặn, ngọt, chua, chát, vị chỉ là vị chứ không phải là vị của món gì. Thân tiếp nhận đối tượng là sự xúc chạm, cụ thể hơn ở đây là nóng lạnh, cứng mềm, thô mịn. Nóng lạnh là đặc tính của hỏa đại; cứng mềm, nặng nhẹ, thô mịn là đặc tính của đất; chuyển động và nâng đỡ là đặc tính của gió. Ngoài những đối tượng kể trên, còn lại là các đối tượng của ý căn. Đối tượng của ý căn bao gồm cả khái niệm.
Tiến trình tiếp nhận đối tượng sẽ diễn ra ở ngũ căn và ngay sau đó nó chạy ở ý môn, khi nó chạy qua ý căn thì các khái niệm mới có thể xen vào. Ví dụ lưỡi sẽ không biết được là vị của gà, cá… nó chỉ biết được sáu vị, sau đó phân biệt gà, cá là lộ trình của ý căn. Nó diễn ra rất nhanh, ví như có một con chim đậu trên cành cây, khi đó có ánh nắng mặt trời chiếu vào con chim, lập tức cái bóng của con chim cũng xuất hiện.
Do đó, cần biết được khi nào ta ghi nhận chân đế, khi nào ghi nhận được tục đế. Hai đối tượng này luôn có sự tương tác và chuyển tiếp sang nhau, cái chính là chúng ta có nhận ra được điều đó hay không.

Hỏi: Vậy hành thiền là để chúng ta loại bỏ các khái niệm phải không ạ?
Đáp: Không phải như vậy. Chúng ta thấy nếu không có các khái niệm thì cuộc sống sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn: nếu không có khái niệm thì đi từ nhà ra chợ ta sẽ không nhớ đường, không biết mở cửa….vì chỉ có các khái niệm như cao thấp, trái phải, ngắn dài do cái tưởng ghi lại mới giúp chúng ta hiểu và hành động được trong cuộc sống.
Như vậy, nếu không có các khái niệm, không có tưởng thì chúng ta không làm được gì hết. Cuộc sống cần phải có khái niệm. Đức Phật vẫn gọi “Xá Lợi Phất lại đây”, Ngài không thể gọi “ngũ uẩn lại đây”, vậy thì Đức Phật vẫn phải dùng các khái niệm, các vị thánh tăng cũng phải dùng các khái niệm và chúng ta cũng vậy.

Hỏi: Nếu như có một vị thánh sống ở đời như chúng ta thì cũng phải dùng các khái niệm và chúng ta cũng phải dùng các khái niệm, vậy có gì khác nhau giữa chúng ta và một vị thánh?
Đáp: Khi cần sử dụng, các ngài vẫn dùng các khái niệm nhưng không còn tà kiến nữa còn chúng ta thì vẫn còn tà kiến. Trong cuộc sống này, chúng ta sống với tâm tham nhiều hơn tâm vô tham. Tham là bạn đồng hành với chúng ta cả ngày.
Tâm tham có hai loại: tâm tham hợp với tà kiến và tâm tham không hợp với tà kiến. Khi chúng ta sống với tâm tham hợp tà thì rất nguy hiểm, vì khi có tà kiến thì bốn đường ác đạo sẽ rộng mở chào đón chúng ta bất kỳ lúc nào. Hai bậc thánh đầu tiên thì vẫn còn tâm tham, nhưng tâm tham lúc đó rất là vi tế và ly tà.

Hỏi: Ngay cả khi làm các việc thiện như bố thí, cúng dường vẫn có tà kiến phải không ạ?
Đáp: Đúng như vậy, ngay cả khi chúng ta làm thiện thì vẫn có tà kiến bình thường, chẳng hạn như tôi cúng dường, mong cho tôi được giàu sang,…Chúng ta cúng dường với tâm mong được lên cõi này cõi kia thì đó chính là hữu lậu. Chúng ta cúng dường với một tâm mong cầu, thì đó là dục lậu. Thấy tôi cúng dường cho ngài này, cho vị trưởng lão kia…đó chính là kiến lậu. Khi hội tụ đủ hữu lậu, dục lậu và kiến lậu thì lúc đó chính là vô minh lậu. Như vậy, chúng ta làm phước mà vẫn có đủ bốn lậu hoặc. Nếu không biết để bóc tách chúng ra thì phước nhận được sẽ không phải phước giúp thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi, có thể đó là phước giúp ta đi lên các cõi trên nhưng không giải thoát. Chúng ta khéo bóc tách các pháp và hiểu được thì khi quan sát sẽ nhận biết dễ hơn.
Mắt, mũi, tai, lưỡi, thân không phân biệt đối tượng của chúng. Âm thanh chỉ là âm thanh, mùi chỉ là mùi. Tiến trình chuyển từ năm căn sang ý căn rất nhanh, vì vậy mà chúng ta hay bị tâm “lừa”. Ví dụ, chúng ta nhìn thấy hàng kiến, dòng chữ điện tử chạy… kỳ thực đó là do tâm tạo, mắt thấy hình ảnh thôi nhưng tâm tưởng phóng ra.
Giống như một con chim được ánh mặt trời chiếu vào, ngay tức khắc bóng nó cũng được hiện ngay trên mặt đất. Tiến trình đối tượng tác động qua năm căn đồng thời tác động qua ý căn cũng liên quan và nhanh như vậy. Do đó, chúng ta không nên tin ở mắt ¬nhiều mà nên chú ý đến ý căn nhiều hơn, dần dần sẽ hiểu rõ hơn. Nhiều lúc chúng ta nghe hình như đang có ai gọi, nhìn hình như đang có người… nhưng kỳ thực thì đó chỉ là tưởng hoạt động. Nếu chúng ta không biết thì tưởng sẽ tiếp tục kéo chúng ta đi, còn nếu thấy rõ được cơ chế đó thì nó sẽ tự tan đi.

Hỏi: Khi quan sát cần những phẩm chất tâm gì thưa Sư?
Đáp: Khi quan sát cần có ba yếu tố đó là tinh tấn, tỉnh giác và chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời. Tham là tham, ưu là sân và ở đời là tất cả những gì sinh khởi trên thân tâm.
Bát chánh đạo là có tám chi đạo, nhưng thực tế khi quan sát thì chúng ta chỉ quan sát được với năm chi đạo của nhóm Định và nhóm Tuệ (Chánh định, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh kiến, Chánh tư duy). Chánh kiến là hàng đầu, khi chúng ta nói có Chánh định  thì điều đó có nghĩa là chúng ta có Chánh kiến ở đó rồi. Khi nói có Chánh định thì điều đó có nghĩa là không phải có Chánh định đứng một mình, mà Chánh định ở đây là sự hợp nhất của năm chi đạo.
Trong sự quan sát không có nhóm Giới vì Giới của chúng ta là giới ngăn ngừa. Bình thường thì chúng ta có giữ giới không? Ví dụ như ngay lúc này chúng ta có giữ giới sát sinh không. Không, vì có gì đâu mà giữ. Nếu như có con muỗi muốn đốt tôi, tôi đưa tay ra định giết nó, nhưng lúc đó tôi nghĩ “mình đang giữ tám giới, vì vậy mình không nên sát sinh”, khi đó giới ngăn ngừa mới được sinh khởi. Bình thường thì sẽ không có, khi nào phát sinh thì nó mới có. Đối tượng của tôi là con muỗi, tức là khái niệm, trong khi đó tôi quan sát Tứ Niệm xứ thì đối tượng là danh sắc, vì vậy mà cùng một lúc chúng ta không thể quan sát được với tám chi đạo.

Hỏi: Thưa Sư, trong thực hành con hay nhầm lẫn giữa suy nghĩ về điều gì đó và thực sự quan sát được điều đó.
Đáp: Chúng ta thể suy nghĩ mà không có khái niệm được, nhưng kinh nghiệm chân đế không cần suy nghĩ. Có ai suy nghĩ được Chân đế không? Có ai nghĩ là nóng hay lạnh không? Nóng hay lạnh chỉ cảm nhận trực tiếp được thôi, còn nếu ai đó nghĩ là cái sàn này cứng, đó là khái niệm. Như vậy khi chúng ta suy nghĩ là khái niệm có mặt, còn khi 5 căn tiếp xúc đối tượng thì ở đó có mặt pháp thực, pháp chân đế.
Cần biết rõ khi nào chân đế có mặt, khi nào tục đế xen vào, không nhầm Pháp này thành Pháp kia, thế là đủ rồi. Con đường chúng ta phải đi cho đúng, do vậy, xác định được đối tượng đúng coi như giải quyết được vấn đề.
Suy nghĩ là cần thiết, nhưng vấn đề là loại suy nghĩ nào? Suy nghĩ phóng tưởng, bất thiện thì không nên, còn Chánh tư duy lại cần thiết. Chánh tư duy là một trong những chi của nhóm Tuệ. Nếu không chúng ta rất dễ dàng hiểu lầm, dẫn đến mong cầu không còn suy nghĩ, không còn khái niệm khi ngồi thiền. Không còn suy nghĩ là chúng ta chết, chúng ta sống ở đây bất kể lúc nào cũng luôn luôn có tâm, luôn luôn có suy nghĩ.

Hỏi: Thưa Sư, các thiền sinh thì nên có thái độ như thế nào trước những cảnh đẹp, vị ngon, mùi thơm…vv
Đáp: Sau một thời gian, người hành thiền sẽ trở nên tinh tế hơn, phẩm chất tâm cũng được tốt hơn. Vấn đề ở đây là tâm tiếp nhận đối tượng đó như thế nào, chẳng hạn trước cảnh buổi chiều hoàng hôn trên biển, hay ở một thung lũng rất nhiều cây xanh, hoa nở…Chúng ta đã trải nghiệm, cảm nhận như thế thì lẽ ra chỉ cảm nhận trong thời khắc đó, ghi nhận nó như thế thôi, nhưng tâm muốn lưu giữ lại, muốn lần sau tới lại lần nữa. Nếu có tiền mua thì mua cho bằng được, nếu trong vườn thấy bông hoa đẹp muốn ngắt hoa cho vào trong bình để được ngắm nhiều hơn...vv. Cái chúng ta cần loại bỏ là tâm tham muốn níu kéo, bám giữ, muốn thêm nhiều nữa chứ không phải đối tượng.

Hỏi: Thưa sư cho con hỏi, mấy người lớn tuổi trong gia đình con hay quên nhưng lại hay nhớ chuyện thời xưa, đánh nhau, chiến tranh rồi hận thù người này, thích người kia, vậy sao người ta cứ nhớ và nói hoài chuyện ngày xưa vậy Sư?
Đáp: Bởi vì họ bị ám ảnh, không buông được, họ chỉ nghĩ đến những điều đó thôi. Các thông tin đó hằn rõ nét nhất còn với những điều mới họ lại không tiếp cận được nữa. Người ta luôn luôn nhớ những gì qua đi, đó là tâm lý của người già. 
Khi trí não còn tốt, sức khỏe còn tốt, tất cả mọi thứ còn linh hoạt thì cơ hội để chúng ta tiếp cận với thiền rất tốt. Vì thế người ta có suy nghĩ là để đến già đi tu, đây là suy nghĩ sai lầm, cổ hủ. Càng trẻ đi tu được là phước báu lớn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét