PHẦN 1: XÂY DỰNG MỘT NỀN TẢNG VỮNG CHẮC | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Sáu, 22 tháng 5, 2015

PHẦN 1: XÂY DỰNG MỘT NỀN TẢNG VỮNG CHẮC

Bát Chánh Đạo, con đường đi đến giải thoát Niết bàn, bắt đầu bằng Chánh kiến. Vậy chánh kiến là gì? Trong Phạm Võng kinh (Brahmajala-sutra), Đức Phật liệt kê sáu mươi hai quan điểm, tất cả đều là những quan điểm sai lầm vì chúng bị che phủ bởi màu sắc của cái ghét, cái ưa do ảo tưởng về Ngã tạo ra. Đó là điều quan trọng cần ghi nhớ. Quan điểm, ý kiến thường dẫn đến tranh luận, sân hận, lo lắng, sợ hãi, tạo ra kẻ thù, mà chưa chắc rằng chúng đúng. Làm sao chúng có thể hoàn toàn đúng khi chúng ta còn chưa đạt được Giác Ngộ. Nói thế không có nghĩa là chúng ta không thể có ý kiến hay quan điểm.
Nhưng nên nhớ: ý kiến, quan điểm chỉ là những thói quen suy nghĩ của ta về một vấn đề gì đó, những định kiến về thế giới ta đang sống. Chúng ta không thể không có ý kiến, quan điểm nhưng cần nhớ rằng chúng không phải là chân lý tuyệt đối. Do đó, ta có thể chấp nhận quan điểm của người khác, mà không phải đưa đến những cuộc tranh cãi để giành phần thắng về mình. Chúng ta có thể nói: “Đây là quan điểm của tôi, và đó là ý kiến của bạn”. Hai quan điểm có thể trái ngược nhau, nhưng không có nghĩa là chúng ta phải trở nên giận dữ, cãi cọ vì nghĩ rằng chỉ có quan điểm của mình là đúng.

Thí dụ: Có bốn người bạn đi qua một khu rừng, trong bọn họ, có một người là nhà thực vật học. Anh ta đi, tay mang sổ, viết để ghi xuống tên các loại cây, phác họa các dáng cây. Anh tỏ vẻ rất thích thú trong công việc đó. Một người khác lại là người chăm sóc bảo vệ rừng. Anh ta chỉ chăm chú xem những gốc cây nào đã bị hư hoại để anh đốt đi, hầu tránh lan bịnh sang các cây khác. Người thứ ba lại là một nhà bảo vệ môi trường, trong đầu anh phác họa ra những kiến nghị để bảo vệ rừng cho những thế hệ tương lai. Và người thứ tư là một nhà chăn nuôi bò sữa. Trong đầu anh đầy những toan tính xem anh cần phải đốn bao nhiêu cây để làm chuồng cho đàn bò của anh. Cùng một cánh rừng, nhưng mỗi người có một cái nhìn riêng. Nếu mỗi người họ đều cương quyết bảo vệ cho quan điểm của mình là đúng, thì chắc họ sẽ khó là bạn của nhau lâu dài. Mỗi người đều cho quan điểm của mình là đúng, trong khi có bao nhiêu cách nhìn khác nhau về khu rừng, và họ cũng nghĩ rằng họ đúng theo cách nhìn của họ. Thật ra ai cũng có cái lý của mình, nhưng không có ai là hoàn toàn đúng cả. Mỗi quan điểm được tạo nên bởi cái yêu, cái ghét của riêng mỗi người.

Chánh kiến của Đức Phật là samma ditthi, tam muội. Chánh kiến là bước đầu trong Bát chánh đạo, nhưng cũng không thể thiếu ở các phần tu tập khác. Là bước khởi đầu, chánh kiến dẫn dắt ta vào con đường đạo, ở giai đoạn cuối cùng, chánh kiến trở thành chánh định, tức là trí tuệ của chân lý tuyệt đối. Nhưng trước khi đến được nấc thang cuối cùng, ta phải tin tưởng rằng tâm cấu uế có thể được thanh tịnh hóa, rằng tất cả những phiền nào, khổ đau không ở ngoài ta, không phải là do lỗi của thế giới bên ngoài.

Chánh kiến ban đầu đó là viên gạch lót đường để ta đi vào con đường tâm linh. Giáo lý của Đức Phật chia làm ba phần: sila, samadhi và panna. Sila là giới luật, samadhi là định và panna là trí tuệ. Nhưng Bát chánh đạo bắt đầu bằng trí tuệ như cánh cửa vào các cửa khác.

Một khía cạnh khác của chánh kiến là nghiệp. Tất cả những việc ta làm, nói, nghĩ suy đều tạo ra ảnh hưởng lẫn nhau. Khi ta có ý nghĩ thiện, lời nói lành sẽ theo sau, và từ lời nói lành, sẽ dẫn đến hành động tốt. Nghiệp quả tức thời (vipaka)của những hành động, lời nói, ý nghĩ này là sự bình an, hỉ lạc trong tâm, giúp cho sự thiền định của ta được dễ dàng, trái với tâm thiền định trong bất mãn, khổ đau. Thiền định mang lại cho ta sự bình an, hạnh phúc, nhưng ta sẽ không thể tọa thiền nếu như ta ở trong trạng thái tâm khổ đau, bất mãn. Vì chỉ có tâm an lạc mới có thể thực tập hạnh buông xả. Nghiệp quả của tâm ý ta ảnh hưởng rất lớn đến việc thiền quán của ta. Nên nhớ mỗi khi ta có vọng tưởng hay hành động gì, là ta đang tạo ra nghiệp quả cho mình, mà chúng ta thì không ngừng vọng tưởng, nghĩ suy suốt ngày đêm. Cuộc đời đầy những chuyện bình thường. Lâu lâu ta mới gặp phải một vài thăng trầm, biến cố lớn lao. Thường ta chỉ phải trả lời những câu hỏi không quan trọng lắm như: Tôi sẽ phản ứng thế nào trong hoàn cảnh này? Giải quyết những đòi hỏi kia ra sao? Làm sao tôi vượt được hoàn cảnh nọ? Tâm tôi đang nghĩ gì? Những suy nghĩ của tôi có ích lợi gì không?Tốt đẹp không? Tất cả những sự lựa chọn này, từ sáng đến tối, góp phần tạo ra các nghiệp quả của ta. Dầu chúng không tạo ra những hậu quả trầm trọng, nhưng chúng cũng ảnh hưởng đến các trạng thái của tâm khiến việc thiền định của ta khó có kết quả. Nên nhớ rằng mỗi lựa chọn của ta đều quan trọng vì đó là quyết định của chính ta. Đừng để ta phải làm nô lệ cho những tình cảm của mình hay bị trói buộc bởi các hành động của mình. Sự lựa chọn nào cũng tạo ra nghiệp. Trong phạm vi của các nghiệp quả, ta chẳng có nhiều sự lựa chọn. Nếu các quyết định của ta càng khôn khéo, thì ta càng có nhiều cơ hội. Nếu muốn việc hành thiền của ta được có kết quả, ta cần phải luôn tỉnh thức trong mọi nghĩ suy, hành động. Chánh kiến giúp ta hiểu rằng ta là chủ nghiệp của mình, rằng các ý kiến của cá nhân ta không thể là chân lý tuyệt đối. Ai cũng có quyền có ý kiến, chỉ nên nhớ không phải lúc nào ta cũng đúng. Nếu biết suy nghĩ như thế, ta sẽ ít xung đột với người khác khi quan điểm, ý kiến của họ không giống ta. Đó là những bước đầu trên con đường đạo. Con đường dẫn ta đến sự thật tuyệt đối về con người mà ta gọi là ‘tôi’, với những khó khăn, niềm vui, nỗi khổ, hy vọng, ước muốn, hoài ức riêng. Dần dần ta sẽ nhận ra rằng con người này có những tình cảm, suy nghĩ hoàn toàn khác với cái nhìn của chánh kiến về nó, vì có quá nhiều phiền não trong tâm trí nó. Muốn có được tâm an lành, ta phải thay đổi bao quan niệm của mình. Và để có thể hiểu rõ được chính mình, ta cần tâm tĩnh lặng, tâm được kiềm chế để có thể xoay chuyển nó ra khỏi những thói quen, định kiến về con người của mình...
Tiếp theo

0 nhận xét:

Đăng nhận xét