Thứ Tư, 23 tháng 3, 2016

PHƯƠNG PHÁP THIỀN MANG LẠI TÌNH YÊU THƯƠNG


THỰC TẬP: Tiếp xúc với cái hay đẹp trong ta
     Ngồi cho thoải mái, thân buông thư và nhắm mắt lại. Hãy giữ cho mình đừng phân tích hoặc có một kỳ vọng nào cả, buông bỏ hết. Trong khoảng từ 10 đến 15 phút, hãy nhớ lại những gì bạn đã làm hoặc nói, mà bạn nghĩ là tốt lành - có thể bạn đã cho ai vật gì, giúp đỡ người khác, làm cho họ hạnh phúc hơn... Sau khi hồi tưởng lại, bạn hãy cho phép cảm giác hạnh phúc ấy trở về cùng với hình ảnh đó. Nếu không có gì để nhớ, bạn hãy từ tốn chú tâm mình vào một đức tính nào đó của bạn mà bạn ưa thích. Bạn có một khả năng hay tài nghệ nào mà bạn có thể nhận diện không? Và nếu như vẫn không có một điều gì đến với bạn, bạn hãy nhìn sâu vào cái ước muốn được hạnh phúc của mình, và cái hay cái đẹp của ước muốn ấy.
Trong khi thực tập như trên, nếu có một sự bất an, bực mình hoặc sợ hãi nào khởi lên, bạn cũng đừng thất vọng hay lo lắng. Hãy từ tốn trở lại với sự quán chiếu của mình, đừng để bị mặc cảm tội lỗi hay tự trách chi phối. Trái tim của thiền tập nằm ở khả năng buông bỏ và biết bắt đầu trở lại, hết lần này đến lần khác. Cho dù bạn có phải làm như vậy hàng ngàn lần trong một buổi ngồi thiền đi chăng nữa, cũng không là vấn đề. Không có quãng đường nào ta phải vượt qua trong thiền tập, bất cứ khi nào ta ý thức rằng mình bị phân tâm hoặc không còn tiếp xúc với đề mục mình đã chọn, ngay giây phút ấy ta có thể bắt lại từ đầu. Không có gì mất mát, và cũng không có chuyện thành công hay thất bại. Không có một sự phân tâm nào, cũng không cần biết là ta đã lơ đễnh trong bao lâu, mà ta không thể hoàn toàn buông bỏ được, chỉ cần ngay giây phút ấy ta bắt lại từ đầu.

THỰC TẬP: Niệm tâm từ
Trong phương pháp niệm tâm từ, chúng ta thường niệm thầm những câu mang ý nghĩa tốt lành, trước hết là cho chính ta và sau đó cho người khác. Chúng ta bắt đầu bằng một sự kết thân với chính mình. Những lời cầu mong mà ta niệm phải có tính cách chân thành và dài lâu. (Ví dụ, ta không thể niệm “Cầu mong cho tối nay trên ti-vi có tiết mục hay.”) Thường thường thì trong pháp môn niệm tâm từ có bốn câu làm nền tảng cho sự thực tập:
“Mong sao tôi được sống an ổn, không vướng vào tai nạn.”
“Mong sao trong tâm tôi được hạnh phúc và không có một điều thống khổ nào.”
“Mong sao thân tôi được an vui và nhẹ nhàng.”
“Mong sao tôi được sống vững chãi và thảnh thơi.”
Dưới đây tôi sẽ giải thích thêm về những lời quán niệm trên một cách chi tiết hơn. Bạn có thể thử nghiệm, sửa đổi chúng đôi chút, hay có thể tìm những câu thích hợp hơn với mình. Bạn hãy cố gắng tìm cho mình những lời quán niệm chân thành và cụ thể nhất.
“Mong sao tôi được sống an ổn, không vướng vào tai nạn.” Chúng ta bắt đầu bằng cách phóng tâm từ và sự chăm sóc đến cho chính mình, với lời ước mong ta lúc nào cũng được an ổn và không bị nguy hiểm. Ta được an ổn. Với sự an ổn ấy, ta cầu mong cho mọi chúng sinh khác cũng có nơi nương tựa như ta, có một nơi ẩn náu, thoát khỏi mọi oan trái trong lòng, cũng như những bạo động chung quanh.
Một cuộc sống thiếu an ổn có thể là một cơn ác mộng. Khi chúng ta cứ bị xoay vần, xô đẩy trong những trạng thái như tham lam, sân hận, tiếp tục bị khổ đau và làm cho người khác bị khổ đau, sẽ không bao giờ ta có được bình an. Khi ta thức giấc nửa đêm vì lo âu, bực dọc và mặc cảm tội lỗi, sẽ không bao giờ ta có được bình an. Khi chúng ta sống trong một thế giới đầy bạo động, dựa trên sự tước đoạt nhân quyền của con người và sự cô đơn, thinh lặng của những hiếp bức và đàn áp, sẽ không bao giờ ta có được bình an. Lời quán nguyện này là lời mở đầu truyền thống trong pháp niệm tâm từ. Những câu tương tự là “Mong sao tôi được an ổn” và “Mong sao tôi thoát khỏi tất cả những sự sợ hãi.”
“Mong sao trong tâm tôi có được hạnh phúc và không có một điều thống khổ nào.” Nếu chúng ta tiếp xúc được với cái hay cái đẹp của mình, nếu ta bớt sợ sệt người khác, nếu ta tin tưởng vào khả năng thương yêu của mình, ta sẽ có hạnh phúc trong tâm. Và cũng thế, nếu chúng ta biết khéo léo tiếp xúc với những nỗi thống khổ nào khởi lên trong tâm, mà không nuôi dưỡng hoặc che chở cho chúng, ta sẽ có được hạnh phúc. Ngay cả trong những hoàn cảnh thuận lợi và tích cực, nếu tâm ta không có hạnh phúc, ta sẽ khốn đốn. Đôi khi người ta cũng có thể dùng những câu niệm như là “Mong sao tôi được hạnh phúc” hay “Mong sao tôi được an vui” hay “Mong sao tôi được giải thoát.”
“Mong sao thân tôi được an vui và được nhẹ nhàng.” Với lời quán niệm này, chúng ta cầu mong cho mình được hưởng nhiều sức khỏe, tránh khỏi những đau đớn trong thân và cơ thể được hài hòa. Nếu cái đau đớn trong thân là một điều ta không thể nào tránh được, thì ta sẽ cầu mong cho mình có thể tiếp nhận nó bằng sự nhẫn nhục và bao dung. Nhờ vậy ta không biến cái đau của thân thành một nỗi thống khổ của tâm. Bạn cũng có thể dùng những câu niệm như là “Mong sao tôi được khỏe mạnh” hoặc “Mong sao tôi được lành bệnh”; “Mong sao tôi được là bạn với cơ thể mình”; “Mong sao tôi là hiện thân của tình thương và sự hiểu biết.”
“Mong sao tôi được sống vững chãi và thảnh thơi.” Lời quán niệm này nói lên được những đòi hỏi cấp bách trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta - những lo âu của ta như là các mối liên hệ, những khó khăn trong gia đình, và vấn đề sinh kế. Với lời quán niệm này, chúng ta mong sao những vấn đề trong đời sống lúc nào cũng được thong thả và dễ dàng. Cuộc sống của ta được tự tại. Những câu nguyện tương tự là “Mong sao tôi được sống tự tại”; “Mong sao tâm từ được biểu hiện trong suốt cuộc đời tôi”; “Mong sao tôi được an trú trong giờ phút hiện tại.”
Ngồi cho thoải mái. Bạn có thể bắt đầu bằng năm phút nghĩ tưởng đến những cái hay, cái đẹp của chính mình, hoặc là sự ước mong hạnh phúc. Tiếp đó, bạn hãy chọn ba hoặc bốn lời nguyện thích hợp với ước vọng của bạn nhất, và tiếp tục lặp đi lặp lại, thầm niệm trong đầu. Bạn có thể phối hợp những câu ấy với hơi thở của mình. Bạn cũng có thể đơn giản đặt tâm mình vào những câu nguyện mà không cần đến một chiếc neo nào nơi thân.
Hãy tự do thử nghiệm và sử dụng sự sáng tạo của mình. Không cần cố gắng bắt buộc hay đòi hỏi một cảm giác thương yêu nào phải khởi lên. Bạn hãy thử tưởng tượng xem có một hoàn cảnh hoặc trường hợp nào bạn có thể kinh nghiệm được một tình thân đối với chính mình không? Có phải khi ta nghĩ tưởng đến mình như một đứa trẻ thơ? Tôi có một người quen đã tưởng tượng rằng anh ta đang ngồi giữa những vĩ nhân mà anh nghĩ là có nhiều tình thương nhất trên thế giới này, và anh lắng nghe những lời chúc lành và thương yêu của họ. Lần đầu tiên, anh có thể mở rộng con tim ra để tiếp nhận tình thương của chính anh.
Hãy thực tập những lời quán niệm này với một nhịp độ từ tốn. Ta không cần phải hấp tấp làm hết tất cả, hoặc là niệm một cách cộc cằn. Mỗi câu niệm phải như một món quà bạn dâng tặng cho chính mình. Nếu bạn có lơ đễnh, hoặc có một kỷ niệm hay một cảm thọ khó khăn nào khởi lên, bạn hãy nhẹ nhàng buông bỏ chúng, và trở lại niệm những câu quán tâm từ:
“Mong sao tôi được sống an ổn, không vướng vào tai nạn.”
“Mong sao trong tâm tôi được hạnh phúc và không có một điều thống khổ nào.”
“Mong sao thân tôi được an vui và nhẹ nhàng.”
“Mong sao tôi được sống vững chãi và thảnh thơi.”
Cũng có lúc, những cảm giác về mặc cảm tự ti sẽ khởi lên mạnh mẽ, và bạn cũng nhận thấy rõ được những điều kiện đã giới hạn tình thương của bạn dành cho chính mình. Bạn hãy thở ra vào nhẹ nhàng, ý thức sự có mặt của những cảm thọ ấy, nhớ lại cái hay đẹp của ước muốn hạnh phúc trong bạn, và trở lại với những câu niệm tâm từ.

Trích sách: Sống với Tâm Từ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét