Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

bốn Phạm trú – từ, bi, hỷ và xả


Bốn Phạm trú
Phản tỉnh về bốn Phạm trú – từ, bi, hỷ và xả – là một phương pháp quán niệm đem lại lợi ích lớn lao cho hành giả. Tâm từ (mettā) chân chánh thì không có thành kiến và không có giới hạn. Nhưng ban đầu, khi chúng ta mới phát triển mettā, chúng trước tiên phải xây dựng thiện ý đối với chính chúng ta. Chúng ta thành thật mong cho chính chúng ta được hạnh phúc và những điều tốt đẹp. Và bắt đầu từ nền tảng này chúng ta mở rộng ra, chúng ta có thể nghĩ đến cha hoặc mẹ hoặc một người mà chúng ta thương yêu và gửi tâm từ đến họ. Tiếp theo đó, chúng ta nghĩ đến những người mà chúng ta không ghét cũng chẳng thương và cũng rải tâm từ đến họ. Cuối cùng chúng ta tập trung vào người mà chúng ta có sự mâu thuẫn với họ. Bằng cách phát triển tâm từ như vậy, chúng ta có thể phát triển mở rộng sự thực hành để nó bao gồm tất cả chúng sanh. Để có thể rải loại tâm từ thuần khiết như vậy, chúng ta phải thường xuyên thực hành. Với sự thực hành một cách kiên định, sức mạnh của tâm từ của chúng ta sẽ lớn dần.
Nếu chúng ta luôn áp dụng chánh niệm tỉnh giác trên những ý nghĩ từ ái, tâm tự nhiên sẽ bắt đầu dịu xuống và trở nên tập trung. Khi tâm bắt đầu kinh nghiệm sự an tịnh của định, chúng ta sẽ cảm thấy một sự thanh thản bên trong tự thân. Và kể từ đây, định và tâm từ sẽ phát triển đồng thời với nhau do vì từ thời điểm này, cả hai định và tâm từ đã trở thành một. Khi tâm có được sự lắng dịu, tự nhiên nó sẽ không còn thấy bứt rứt, khó chịu. Và nếu tiếp tục chánh niệm trên đề mục thiền, cuối cùng chúng ta sẽ đạt tới điểm nơi chúng ta không có sân hận trong tâm. Chúng ta sẽ biết được trạng thái này và tâm sẽ trở nên an bình và tĩnh lặng.
Karūna (bi) là đang nhận biết rằng tất cả mọi chúng sanh đều khổ và chúng ta muốn làm một điều gì đó cho họ. Tu tập tâm bi cũng tương tự như cách chúng ta tu tập tâm từ. Đầu tiên, chúng ta nhận biết nỗi khổ chính chúng ta đang trải nghiệm cho dù là lớn hay nhỏ, và mong muốn rằng qua việc thực hành Pháp, chúng ta có thể chuyển hóa những nỗi khổ khác nhau trong cuộc sống. Kế tiếp, chúng ta hướng tâm đến những người mà chúng ta yêu thương hoặc cảm mến, nhận biết sự đau khổ mà họ đang trải nghiệm và thực lòng mong họ thoát khỏi nó. Cuối cùng, chúng ta hướng tâm đến những người mà chúng ta đang có sự mâu thuẫn với họ. Một lần nữa, giống như tu tập tâm từ, mục tiêu của tu tập tâm bi là phát triển sức mạnh của lòng bi mẫn của chúng ta bao gồm tất cả mọi chúng sanh, không có sự phân biệt.
Tâm từ và tâm bi rất gần với nhau. Do vậy, bằng cách phát triển tâm từ, chúng ta có thể đồng thời phát triển tâm bi và ngược lại. Trong thực tế, khi chúng ta đọc bài kinh Tâm Từ, qua việc huân tập tâm từ chúng ta hướng mình đến sự phát triển tâm bi. Bằng cách đọc những câu như, "Mong cho chúng sanh không còn sự oan trái với nhau, không còn ác ý và lo âu, mong cho chúng sanh được an vui và thoát mọi khổ đau", chúng ta trưởng dưỡng ước muốn được giúp đỡ chúng sanh khác, muốn loại trừ nguyên nhân gây ra đau khổ cho họ.
Với tâm hỷ (mudita), chúng ta huân tập chánh niệm về những gì thực sự tốt đẹp, được cho là phong phú, dồi dào trong đời sống của chúng ta. Và mong ước rằng chúng ta sẽ không phải xa lìa chúng. Chúng ta hoan hỷ với sự phong phú, dồi dào và vận may của chúng ta. Rồi chúng ta nhớ đến những chúng sanh hiện đang gặp vận may và chân thành mong họ sẽ không phải mất đi sự dồi dào, hạnh phúc và các cơ hội tốt đẹp đó. Chúng ta hoan hỷ với những gì tốt đẹp trong cuộc sống của họ, và cuối cùng, hãy thực tập bằng cách mong ước rằng tất cả mọi chúng sanh đều có những cơ hội tốt đẹp và trải nghiệm sự hạnh phúc như vậy.

Cuối cùng, để tu tập tâm xả (upekkhā), tâm quân bình, chúng ta quán chiếu nghiệp (kamma). Chúng ta nhìn vào hoàn cảnh của chính mình và những điều đau khổ khác mà chúng ta thực sự chưa thể giải quyết được. Với sự hiểu biết rằng nghiệp là một nguồn lực có thật và có một năng lượng rất mạnh, chúng ta xem xét để thấy rằng những khó khăn đang có mặt trong cuộc sống này chắc hẳn là do hành động trong quá khứ của chúng ta. Bằng cách quán chiếu như vậy, chúng ta có thể phát triển sự kham nhẫn và sự quân bình, chấp nhận hoàn cảnh của chúng ta và không đấu tranh để chiến thắng nghiệp của chính mình. Chúng ta sẽ trưởng dưỡng tâm từ, tâm bi và tâm hỷ đối với những chúng sanh khác. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng chúng sanh ngày nay phải như thế nào đó là do kết quả hành động quá khứ của họ. Chúng ta quán chiếu sự thật rằng đôi khi chúng ta không thể giúp chúng sanh nào đó đơn giản chỉ vì nghiệp của họ, và chúng ta không thể giải quyết được tất cả nghiệp của chính chúng ta. Khi chúng ta có thể an trú vào sự quân bình, chúng ta không còn đau khổ về sự bất lực này vì nó không cần thiết. Đây được gọi là tu tập để phát triển phẩm chất của tâm xả (upekkhā).
Trích sách: Tìm về Sự Thật

0 nhận xét:

Đăng nhận xét