Thứ Tư, 12 tháng 4, 2017

HỎI ĐÁP VỀ CHỈ SỬ DỤNG MÀ THÔI

Câu hỏi: Xin Thiền sư giảng về “chỉ sử dụng mà thôi”? Nó khác gì với “chỉ nghe mà thôi”, “chỉ biết mà thôi?” Xin Ngài cho một ví dụ thực tế?
Trả lời: Sayadaw Ottamasara
Chúng ta muốn hạnh phúc, giàu có, muốn ăn hay muốn sống lâu, tất cả đều là làm với ham muốn. Đó không phải là “chỉ làm mà thôi”, mà là “làm với dính mắc”. Để chỉ làm mà thôi, để làm ngược lại với sự dính mắc vào việc mà chúng ta đang làm, chúng ta phải đấu tranh với chính ham muốn của mình. Chúng ta có thể ăn, ngủ, chúng ta có thể hạnh phúc nhưng chúng ta nên đi ngược lại với ham muốn của mình. Theo cách này, mỗi hành động của chúng ta sẽ là chỉ làm mà thôi.
Chỉ làm mà thôi chưa đủ. Khi làm một việc gì đó, chúng ta sẽ sử dụng thân, tâm của chúng ta, sử dụng thức ăn, thức uống hay các phương tiện kỹ thuật. Khi chúng ta sử dụng mà dính mắc vào những thứ đó thì không phải chỉ sử dụng mà thôi. Để sử dụng mà thôi, chúng ta cần xả ly khỏi bất cứ thứ gì mà chúng ta sử dụng. Với việc ăn, chúng ta sử dụng thức ăn. Việc không ăn trong một ngày, ba ngày, năm ngày, mười ngày khi ngồi thiền không phải là cách để phá hủy sự dính mắc của chúng ta với thức ăn. Chúng ta cũng quen với việc ngủ nghỉ hàng ngày. Trong trường hợp nào đó, chúng ta có thể hành thiền cả đêm trong một hoặc hai ngày.Với cách như thế, chúng ta đang thực hành xả ly khỏi giấc ngủ của mình.
Bình thường, chúng ta luôn bận rộn với hoạt động hàng ngày trong đời sống. Để có thể xả ly khỏi các hoạt động này, chúng ta có thể tham gia các khóa thiền. Nếu chúng ta hành thiền ở các trung tâm, chúng ta có thể buông bỏ được hoạt động đời sống hàng ngày. Theo cách này, chúng ta có thể xả ly khỏi công việc của chúng ta. Đây cũng là cách sử dụng thức ăn, công việc, tiền bạc hay sử dụng mọi thứ mà ít sự dính mắc hơn. Đối với một số người trong xã hội, họ không thể sống mà không có công việc. Đối với người khác, họ không thể sống mà không có tiền bạc. Đối với những người khác nữa, họ không thể sống mà không có gia đình. Như thế, họ đang sử dụng công việc, tiền bạc, gia đình với sự dính mắc. Để chỉ sử dụng mà thôi, chúng ta cần sử dụng mà không  dính mắc hay đi ngược lại sự dính mắc, không dính mắc vào thân, tâm của mình, không dính mắc vào cuộc sống, thời gian, nơi chốn.
Việc chỉ biết mà thôi cũng cần thiết. Để biết như thế cần phải biết mà không có sự dính mắc. Nếu dính mắc vào việc biết như thế thì đó không phải là cách đúng đắn. Biết cũng chỉ để sử dụng mà thôi, không nắm giữ cái gì đó hay cái biết của tôi. Biết hay không biết, làm hay không làm, sử dụng hay không sử dụng, kinh nghiệm hay không kinh nghiệm. Tất cả các điều kiện đối lập đó cũng chỉ để sử dụng mà thôi, để đi ngược lại với sự dính mắc hay không dính mắc. Kẻ thù thật sự của chúng ta là sự dính mắc của chính chúng ta. Dính mắc vào người này hay người kia. Dính mắc vào nơi này hay nơi kia. Dính mắc vào hiện tại hay tương lai, dính mắc vào phương pháp này hay phương pháp kia. Chỉ làm mà thôi, chỉ sử dụng mà thôi, chỉ kinh nghiệm mà thôi, chỉ biết mà thôi nghĩa là cần phải đi ngược lại sự dính mắc của chúng ta. Chúng ta có thể ở xa mọi người nhưng nếu chúng ta ở một mình thì chúng ta sẽ có sự dính mắc rất mạnh mẽ với bản thân. Khi giàu có, chúng ta dính mắc cuộc sống của sự giàu có. Kể cả khi nghèo khó, chúng ta vẫn dính mắc vào sự nghèo khó đó. Các dính mắc đó đang kiến tạo toàn bộ cuộc sống này. Điều đó đúng với tất cả các chúng sinh. Chính vì thế, để chỉ làm mà thôi, chỉ sử dụng mà thôi, chỉ kinh nghiệm mà thôi, chỉ biết mà thôi cần đi ngược lại sự dính mắc của chính chúng ta. Đó là điều quan trọng đối với chúng ta.
Chỉ kinh nghiệm mà thôi cũng tương tự như thế. Bất cứ gì qua nghe, ngửi, nếm, xúc chạm mà chúng ta biết đều không nên dính mắc vào đó. Không phải để thích hay không thích, không phải để hiểu lầm đó là thật. Nếu chúng ta không biết về sự thật gốc là bản chất vô thường luôn mới, không phải ai đó, cái gì đó, không phải thời gian giới hạn hay nơi chốn giới hạn thì chúng ta sẽ lầm hiểu ai đó, cái gì đó, thời gian, nơi chốn là thật.
Lời dạy của Đức Phật đối với tất cả mọi người đều giống nhau. Nhưng đối với những người có sự dính mắc mạnh mẽ, họ không hiểu theo cách đúng đắn. Với những người dính mắc ít hơn, họ hiểu theo cách đúng đắn. Cũng tương tự như thế với hành động của Đức Phật, nếu chúng ta nhìn từ một phía, chúng ta sẽ không hoàn toàn hiểu được hành động của Đức Phật. Đức Phật không có bất cứ sự dính mắc nào. Đó là lý do tại sao Đức Phật sử dụng mỗi phía, mỗi góc nhìn đều theo cách đúng đắn. Nếu chúng ta chỉ sử dụng mà thôi từ một phía, một góc nhìn, một quan kiến thì chúng ta không thể nào hiểu và làm như Đức Phật. Đó là lý do vì sao cần xả ly khỏi quan kiến này, quan kiến kia, phía này, phía kia, cần xả ly khỏi mỗi người, mỗi thứ.

Nếu chúng ta đi ngược lại sự dính mắc của chính mình thì chúng ta có thể làm nhiều hơn rất nhiều. Nếu chúng ta kinh nghiệm ngược lại với sự dính mắc của mình thì chúng ta có thể kinh nghiệm tất cả. Nếu như có thể sử dụng sự dính mắc của chính mình thì chúng ta có thể sử dụng nhiều thứ hơn. Đối với mọi người, thông thường sẽ chỉ có một nơi chốn để ở, một số lượng người nhất định để giao tiếp hay một số việc giới hạn để làm. Sự dính mắc của chính chúng ta đang kiểm soát hành động và trí thông minh của chúng ta. Nếu chúng ta không thể xả ly khỏi kinh nghiệm của chính mình thì chúng ta không thể kinh nghiệm được về sự thật gốc – đó là bản chất vô thường và bản chất thường hằng – đó là Niết bàn.
(Thông dịch: Phật tử Lan Nanika)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét