Chủ Nhật, 30 tháng 4, 2017
VẤN ĐỀ NGHIỆP
1. Nghiệp phân hạng người
Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong Kỳ Viên tịnh xá của ông Trưởng giả Cấp Cô Độc, gần thành Xá Vệ.
Thuở ấy, có gã thanh niên con ông Todeyya (Bà-la-môn) đến lễ Phật rồi bạch hỏi rằng: Bạch Đức Gotama, cái chi là nhân, là duyên làm cho nhân loại thấp hèn và cao sang khác nhau, nghĩa là cớ sao, có người: yểu tử, trường thọ, nhiều bệnh, ít bệnh, có dung mạo đáng ghét, có dung mạo đáng yêu, có quyền thế thấp, có quyền thế cao, nghèo khổ, giàu có, thấp hèn, cao sang, ngu dốt, khôn ngoan.
Đức Thế Tôn đáp: Này người thanh niên! Chúng sinh đều có nghiệp là của họ, là người thụ quả, có nghiệp tạo ra, có nghiệp là dòng dõi, có nghiệp là nơi nương tựa. Nghiệp hằng phân hạng người hèn, kẻ sang như vậy.
Người thanh niên (Subhamānaba) không thể hiểu pháp mà Ngài giảng đại khái được, bèn bạch, cầu Ngài thuyết rộng thêm. Đức Thế Tôn liền giảng rằng:
1) Này thanh niên! Có hạng người trong thế gian này, không lòng trắc ẩn, hay sát sinh hại vật, sau khi thác hằng sa trong ác đạo, nếu không, tái sinh làm người yểu tử. Đấy là pháp hành làm cho người chết non.
2) Người có tâm từ bi, tránh sự sát sinh hại mệnh, chết rồi được sinh lên trời, nếu không, trở lại làm người trường thọ. Đấy là pháp hành làm cho người được sống lâu.
3) Người hành hạ đánh đập chúng sinh, thác rồi phải sa trong ác đạo, nếu không, trở lại làm người, thì nhiều bệnh hoạn. Đấy là pháp hành làm cho người nhiều bệnh.
4) Người không hành hạ chúng sinh, thác rồi hằng đến nhàn cảnh, bằng không, tái sinh làm người thì ít bệnh hoạn. Đấy là pháp hành làm cho người ít bịnh.
5) Người hay giận, bất bình, chết rồi sinh trong ác đạo, bằng không tái sinh làm người có dung mạo đáng ghét. Đấy là pháp hành làm cho người xấu xí (có dung mạo đáng ghét).
6) Người ít nóng giận, thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, nếu không, tái sinh làm người có sắc xinh đẹp, có dung mạo đáng yêu.
7) Người ganh tỵ, thác rồi sinh trong ác đạo, nếu không, trở lại làm người thấp hèn. Đấy là pháp hành làm cho người ít quyền thế.
8) Người không ganh ghét, chết rồi được sinh trong nhàn cảnh, nếu không, trở lại làm người có quyền to thế lớn.
9) Người không bố thí, nhất là cơm nước v.v... đến các bậc tu hành v.v... thác rồi đọa trong ác đạo, nếu không, sinh lại làm người ít của cải. Đấy là pháp hành làm cho người ít của, nghèo khổ.
10) Người hay bố thí, như cho thực phẩm v.v... đến nhà tu hành v.v... thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, bằng không, trở lại làm người giàu có. Đấy là pháp hành làm cho người trở nên phú túc.
11) Người hay ngoan cố, kiêu căng, không lễ bái, tiếp rước, không mời ngồi, không nhường đường, không cúng dường, không kính trọng bậc xứng đáng như cha mẹ, thầy tu v.v... chết rồi phải sa trong ác đạo, nếu không trở lại làm người đê hèn thấp kém. Đấy là pháp hành cho sanh trong dòng dõi đê hạ, thấp hèn.
12) Người không hay ngoan cố, không kiêu căng, thường lễ bái, đón tiếp, mời ngồi, nhường đường, cúng dường đến bậc xứng đáng, thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, nếu không, tái sinh làm người có gia thế cao sang. Đấy là pháp hành làm cho người sinh trong quý tộc (cao sang).
13) Người nào không tìm các bậc chân tu, bạch hỏi rằng: thế nào là lành là dữ v.v..., chết rồi phải sa trong ác đạo, nếu không, sinh lại làm người ngu ngốc. Đấy là pháp hành làm cho người ngu dốt.
14) Người nào hay tìm bậc sa-môn, bà-la-môn để bạch hỏi rằng: cái chi là phước là tội v.v... thác rồi được sinh trong nhàn cảnh, bằng không, trở lại làm người có trí tuệ (khôn ngoan).
Chú thích: Trong kinh có chia các nhân tính ấy ra làm bảy loại ác và bảy loại thiện, như dưới đây, để xem cho dễ hiểu.
Nhân dữ
Cho quả khổ
Nhân lành
Cho quả vui
1. Sát sanh
Yểu tử
Bất sát sanh
Trường thọ
2. Hành hạ người
Nhiều bịnh
Không hành hạ người
Ít bịnh
3. Hay sân
Dung mạo đáng ghét
Ít sân
Dung mạo đáng yêu
4. Hay ghen tỵ
Quyền thế thấp
Ít ganh tỵ
Quyền thế cao
5. Hay keo kiệt
Nghèo khổ
Hay bố thí
Giàu có
6. Kiêu căng
Thấp hèn
Không kiêu căng
Cao sang
7. Không tìm bậc học thức
Ngu dốt
Hay tìm bậc học thức
Khôn ngoan
2. Nghiệp đen, nghiệp trắng
Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong xứ Koliya, đến châu quận Haliddavasana. Thuở ấy, có người Puṇṇakoliyaputta hành đạo như loài bò và Seniyācelaka tu như loài chó, cùng nhau đến hầu Đức Thế Tôn, rồi Puṇṇakoliyaputta bạch hỏi rằng: Bạch Ngài, Seniyācelaka đây hành như loài chó, dùng thực phẩm mà người để trên đất, tu đã lâu không khuyết điểm như thế, vận mệnh của hắn sẽ ra sao? Cõi mà hắn sẽ thụ sinh trong kiếp sau sẽ thế nào?
Đức Thế Tôn không ngăn cho Puṇṇakoliya hỏi đến ba lần, sau rốt Ngài đoán trước rằng: Này Puṇṇa! Có người trong đời này, tu hạnh như chó lâu ngày, không khuyết điểm, hành như chó và tâm quyết định như thế, có bộ tịch như chó, hành đạo không thiếu sót, sau khi chết sẽ sanh trong loài chó, nếu người ấy có ý kiến độc đoán rằng: ta sẽ làm một vị trời có nhiều quyền thế hoặc một vị trời nào, do thái độ mà mình đã thọ trì. Như thế sự hiểu biết của họ là sai lầm, thì số mệnh của họ chỉ có hai, là: địa ngục hay là cầm thú.
Khi Đức Thế Tôn đã dự đoán như vậy, Seniyācelaka liền khóc rống và đồng thời bạch rằng: Tôi không phải khóc vì lời dự đoán ấy, nhưng bởi thấy rằng tu hạnh như loài chó mà tôi đã thực hành từ lâu, không khuyết điểm, là rỗng không, chẳng có lợi ích chi cả.
Tiếp theo Seniyācelaka bạch hỏi đến số mệnh tương lai của Puṇṇakoliyaputta tu hạnh như loài bò, Đức Thế Tôn ngăn, không cho hỏi đến ba lần, sau rồi Ngài tiên đoán như đã giải, khác nhau là người tu hạnh loài bò, sẽ phải sinh trong loài bò. Puṇṇakoliyaputta được nghe xong cũng khóc than như Seniyācelaka, rồi cầu Đức Thế Tôn giảng đạo cho hai người dứt bỏ tu hạnh loài chó và loài bò.
Đức Thế Tôn bèn thuyết rằng: Này Puṇṇa! Bốn thứ nghiệp Như Lai giảng đây, người nên thấy rõ bằng trí tuệ cho thấu chân lý là: nghiệp đen có kết quả đen, nghiệp trắng có kết quả trắng, nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng, nghiệp không đen không trắng có kết quả không đen không trắng. Khi đã thuyết đầu đề như thế rồi, Ngài giảng tiếp rằng:
- Này Puṇṇa! Nghiệp đen có kết quả đen là thế nào? Này Puṇṇa! Trong đời có hạng người làm hại kẻ khác bằng thân, khẩu, ý sau khi thác họ sẽ sa trong khổ cảnh, chịu nhiều nỗi đớn đau rên siết, chỉ phải thụ khổ trăm bề, như chúng sinh trong địa ngục. Đấy là vì nghiệp ác đã tạo. Họ tạo nghiệp nào thì chịu khổ vì nghiệp ấy, như thế. Sự kết quả của nghiệp hằng hình phạt họ. Này Puṇṇa! Như lai gọi rằng: chúng sanh là người kế thừa của nghiệp tức là thụ quả của nghiệp. Cách thụ quả của nghiệp đến như vậy.
- Này Puṇṇa! Nghiệp trắng có kết quả trắng như thế nào? Này Puṇṇa! Trong đời có hạng người không làm hại chúng sinh bằng thân, khẩu, ý, họ sẽ đến cõi ít khó khăn, như vậy, họ sẽ có sự tiếp xúc tình cảnh không nông nổi, rồi sẽ được an vui như Chư thiên vậy. Này Puṇṇa! Sự động tác của thân, khẩu, ý, không làm khổ kẻ khác, Như Lai gọi là nghiệp trắng có kết quả trắng.
- Này Puṇṇa! Nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng là thế nào? Này Puṇṇa! Trong đời có chúng sinh dùng thân, khẩu, ý, hãm hại chúng sinh cũng có, không hãm hại cũng có, như vậy họ sẽ đến cõi khó khăn cũng có, không gặp cảnh khốn khổ cũng có, họ sẽ chịu khổ cũng có, không mang tai cũng có, nghĩa là có khổ lẫn vui. Này Puṇṇa! Khi có thân, khẩu, ý, ác lẫn thiện như vậy. Như Lai gọi là nghiệp đen lẫn trắng, có kết quả đen lẫn trắng.
- Này Puṇṇa! Nghiệp không đen không trắng ra sao? Này Puṇṇa! Trong tất cả ba loại nghiệp: nghiệp đen có kết quả đen, nghiệp trắng có kết quả trắng, và nghiệp đen lẫn trắng có kết quả đen lẫn trắng. Còn tác ý suy nghĩ ngoài ba nghiệp ấy, Như Lai gọi là nghiệp không đen không trắng, có kết quả không đen không trắng, tức là không tạo nghiệp nữa.
- Này Puṇṇa! Bốn loại nghiệp ấy, Như Lai đã tự mình thực hành phân minh bằng trí tuệ cao siêu, rồi phổ độ chúng sinh cùng được thấy rõ.
Khi đã thuyết xong Puṇṇakoliyaputta hoan hỉ tán dương thời pháp và xin thọ quy giới làm cận sự nam.
Seniyācelaka cũng thọ quy giới và xin xuất gia theo Phật giáo. Đức Thế Tôn thuyết tiếp đến Tạng Luật rằng: những người đã quen tu theo ngoại đạo, trước phải chịu phạt cấm phòng bốn tháng, rồi mới có thể xuất gia được. Nhưng Seniyācelaka bạch xin chịu phạt cấm phòng đến bốn năm. Do nhân này, Seniya mới được xuất gia tại chỗ ngụ của Đức Thế Tôn, không phải bị phạt cấm phòng. Không lâu, Seniya cố thực hành Chánh pháp đạt A-la-hán quả, thoát ly sinh tử luân hồi.
3. Năm pháp mà chúng sinh khó được
Thuở kia, Đức Thế Tôn ngự trong Kỳ Viên tịnh xá của trưởng giả Cấp Cô Độc gần thành Xá Vệ. Ông trưởng giả Cấp Cô Độc vào tịnh xá hầu Phật, Đức Thế Tôn giảng rằng: “Này ông trưởng giả! Các pháp mà chúng sinh mong mỏi, hài lòng, nhưng họ rất khó được trong đời là: tuổi thọ, sắc đẹp, an vui, quyền thế, cõi Trời.
- Này ông trưởng giả! Như Lai không gọi chúng sinh được năm pháp ấy bằng sự khẩn cầu, van lơn. Nếu được theo sự nài xin nguyện vọng, thì ai trong đời này, có sự thất vọng, thốn thiếu vật chi?
- Này ông trưởng giả! Các hàng thánh thinh văn mong được sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền thế và cõi trời, họ không cầu khẩn, vui thích với tuổi thọ, sắc đẹp v.v... ấy dù họ có thực tiễn pháp hành cho được trường thọ v.v…, lẽ cố nhiên pháp hành ấy sẽ cho họ tuổi thọ, sắc đẹp, an vui, sức mạnh và cõi Trời”.
Đức Thế Tôn giảng tiếp rằng: Những bậc minh triết hằng tán dương người mong được trường thọ, sắc đẹp, quyền cao, danh vọng, cõi trời, được sinh trong nhà quý tộc, nhưng họ không cẩu thả, trong sự bỏ dữ về lành. Các hàng minh triết, hằng cẩn thận rồi được hai lợi ích là: lợi ích trong kiếp này, lợi ích trong đời tương lai. Vì được hai lợi ích ấy, nên bậc trí thức thường thốt rằng: người có trí tuệ là bậc minh triết.
Chú thích: Trong kinh này, Ngài thuyết về năm pháp: sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền thế, cõi trời.
Tất cả phàm nhân đều mong năm nguyện ước ấy, nhưng họ nan đắc và sự được ấy cũng không phải được bằng cách van xin rằng: cho tôi được sống lâu, sắc đẹp v.v... vì nếu cầu mà được thì có ai là người thiếu thốn vật gì?
Người được năm pháp ấy, cần phải có tạo nhân lành, hợp với sự mong muốn. Pháp hành cho phát sinh tuổi thọ v.v... có thuyết để trong các kinh, như có tích:
1) Có nàng công chúa Sumanā bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: Hai Thinh văn của Ngài có đức tin ngang nhau, song một vị được vật dụng theo lẽ đạo rồi đem dâng đến tỳ khưu khác, còn vị kia không cho chi cả, hai vị này thác rồi sinh lên cõi trời hoặc làm người được hạnh phúc khác nhau hay giống nhau?
Đức Thế Tôn đáp: Hai Thinh văn ấy sẽ được hạnh phúc khác nhau, nghĩa là vị bố thí vật dụng, khi sinh làm trời hay người hằng cao sang hơn vị kia, do năm quả báo là sống lâu, sắc đẹp, an vui, quyền thế trên cõi trời hay trong thế gian.
2) Trong kệ ngôn Anumodana có dạy: āyudo balado dhīro v.v… ‒ Sự cho cơm nước là nhân sanh sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh.
Tóm tắt rằng: sự bố thí, trì giới là pháp hành cho quả sống lâu v.v... Trong kinh Đức Thế Tôn dạy chớ nên lãnh đạm trong việc lành, vì sẽ được thụ quả theo sở nguyện, tức là được các lợi ích: sống lâu, sắc đẹp, an vui, sức mạnh. Bố thí, không sát sanh sẽ được giàu có, sống lâu v.v... Ít sân, không bất bình sẽ có sắc đẹp. Phụng dưỡng cha mẹ, cúng dường các bậc tu hành cho đến làm những việc vô tội sẽ được an vui. Không thiên vị sẽ được quyền thế. Hành chánh pháp (thân, khẩu, ý) liêm khiết sẽ được lên trời.
4. Dhammasamadana - pháp tạo bốn nghiệp
Trong Majjhimanakāya Mulāpaṇṇasaka, Đức Thế Tôn có giảng thuyết về sự thực hành bốn nghiệp là: 1) có thứ nghiệp cho quả khổ trong hiện tại và trong kiếp kế tiếp; 2) có thứ nghiệp cho quả khổ trong hiện tại, nhưng quả vui trong tương lai; 3) có loại nghiệp cho vui trong hiện tại, quả khổ trong tương lai; 4) có loại nghiệp cho vui trong hiện tại và vui trong tương lai.
Loại nghiệp một: là tạo nghiệp ác bằng tâm không thừa nhận (bị động). Khi tạo nghiệp như thế sẽ chịu quả khổ, như người tạo nghiệp ác bị bắt buộc. Loại nghiệp hai: là tạo nghiệp bằng tâm tình nguyện phải chịu cực nhọc trong lúc làm, nhưng sau sẽ được quả vui, như người ưa thích hành thiện pháp, cho đến khi được thụ quả, chịu khổ lúc khởi đầu rồi sẽ hưởng hạnh phúc về sau. Loại nghiệp ba: là tình nguyện làm nghiệp dữ mà được thỏa thích trong thuở đầu, sau nghiệp ác cho quả, thì phải chịu khổ, như người tự ý làm dữ, bắt đầu vui rồi phải chịu khổ về sau. Loại nghiệp bốn: là ưng thuận làm nghiệp lành, thì hằng được vui theo sở nguyện, như người tự ý làm lành được thụ quả vui về sau v.v…
---
THIÊN IV. MƯỜI HAI NGHIỆP
Trong Thanh Tịnh Kinh (Visuddhimagga) quyển III có giải mười hai thứ nghiệp chia ra làm ba loại là:
Loại 1. Nghiệp cho quả theo thời có bốn: ditthadhammavedanīyakamma: nghiệp cho quả hiện tại; upapajjavedanīyakamma: nghiệp cho quả trong kiếp kế tiếp (sau khi thác); aparāparavedanīyakamma: nghiệp cho quả trong các kiếp sau sau; ahosikamma: nghiệp thôi cho quả.
Loại 2. Nghiệp cho quả theo công việc là theo phận sự của nghiệp có bốn: janakakamma: nghiệp sinh sản; upatthambhakakamma: nghiệp vào cấp dưỡng; upapīḷikakamma: nghiệp vào áp chế; upaghātakakamma: nghiệp vào sát hại.
Loại 3. Nghiệp cho quả theo thứ tự là tùy nặng nhẹ của nghiệp cho quả trước hay sau, có bốn: garukamma: nghiệp nặng; bahulakamma: nghiệp thường có; asannakamma: nghiệp cận thời (nghĩa là nghiệp làm hoặc nhớ được trong khi hấp hối); katattakamma: nghiệp vô ý (không cố ý làm).
Loại 1. Nghiệp cho quả theo thời
1. Ditthadhammavedanīyakamma
Tiếng ‘ditthadhammavedanīyakamma’ dịch là nghiệp cho quả trong hiện tại.
Chú thích: Nghiệp có sức mạnh cho quả nhãn tiền, người tạo thụ quả trong đời này.
Nghiệp này chia ra làm hai: cho quả trong bảy ngày gọi là parisattaditthadhammavedanīyakamma; cho quả lâu hơn trước song quả quyết, sau khi thác phải thụ quả cũng gọi là: ditthadhammavedanīyakamma: như trên.
Nghiệp cho quả nhãn tiền có hai: vui, khổ.
a/ Nghiệp lành cho quả nhãn tiền
Chú thích: Trong kinh đô Rājagaha có chàng nhà nghèo tên Puṇṇa phải làm tôi mọi cho một triệu phú gia (làm ruộng mỗi ngày) vợ y thường bữa đem cơm cho dùng.
Ngày kia Đức Xá Lợi Phất xuất diệt thọ tưởng định (nirodhasamāpatti) rồi quan sát thấy rằng: vợ của Puṇṇa có thể cúng dường được và khi Ngài đã thọ rồi, chàng Puṇṇa sẽ thành địa vị triệu phú gia. Thấy như thế, Ngài mặc y, mang bát đi theo đường mà vợ chàng Puṇṇa đang đem cơm cho chồng. Gặp Đức Xá Lợi Phất, nàng rất hoan hỉ đem thực phẩm dành cho chồng dâng hết đến Ngài, rồi trở về nhà lấy thực phẩm khác cho chồng. Khi chồng nàng dùng xong, nàng mới thuật lại việc cúng cơm đến đại đức và cầu chàng hoan hỉ phước thí thực ấy.
Chồng nàng cũng đồng vui thích như vợ, xong rồi chàng Puṇṇa trở ra cày ruộng nữa. Những lằn đất cày đều biến thành vàng tức tốc. Chàng Puṇṇa mới đem câu chuyện tâu cho đức vua rõ. Vua sai người đến chở vàng ấy, nhưng khi chở lên xe thì vàng trở thành đất. Nhà vua biết rằng phước dành riêng cho Puṇṇa, nên vua bèn phong chàng làm đại phú gia Mahādhanaseṭṭhī.
b/ Ditthadhammavedanīyakamma ác:
* Nghiệp ác của Nandagoghātaka (người hàng bò):
Như có tích rằng: Có người hàng thịt giết bò bán để nuôi sống. Y làm nghề này hơn năm mươi năm. Vì đã thường dùng thịt, trong mỗi bữa ăn đều phải có thịt bò y mới ăn cơm được. Ngày kia, vợ hắn bán hết, không có đủ thịt ăn, nên hắn giận không dùng cơm, liền cầm dao ra cắt lưỡi bò sống, bảo vợ đem nướng rồi ngồi chờ ăn. Khi vợ hắn nướng xong đem cho hắn dùng ngay, nhưng miếng thịt lưỡi bò chưa xuống đến dạ dày quả của nghiệp ác phát sinh tức khắc, nghĩa là lưỡi của Nanda rớt liền xuống mâm cơm. Nanda la khóc như tiếng bò, chịu vô cùng khổ sở, chết rồi thụ sinh trong Vô Gián địa ngục (Avicīnakara).
* Ác nghiệp của nàng Ciñcamānavikā:
Trong sơ giác thời Phật giáo (Pathamabodhikāla) lợi danh phát sinh rất nhiều đến chư tỳ khưu trong Phật giáo. Bọn ngoại đạo thì suy vi, kém sút, nên các thầy sanh lòng ghen tỵ, mong được lợi danh về mình, bèn hội họp nhau để trù tính mưu mô, làm cho hư danh mất lợi đến Phật giáo. Rốt cuộc các thầy đồng ý nhau rằng: kế hoạch sẽ được kết quả do nàng Ciñcamānavikā. Như thế, khi nàng Ciñcamānavikā vào chùa các sư ngoại đạo giả bộ bất bình không thốt lời chi cả. Nàng hỏi: “Bạch các Ngài giận tôi về vấn đề gì, nên không tỏ lời chi cùng tôi?”
Các thầy đáp: “Chúng tôi không giận chi nàng đâu, nhưng hiện nay nàng không hiểu sao; chúng ta đâu còn được an vui gì, bởi Đức Gotama (Cồ Đàm) làm cho chúng ta phải khổ sở.”
‒ Vậy, tôi phải làm thế nào cho các Ngài được vui?
‒ Nàng có sắc đẹp, chúng ta thấy nàng có thể làm tội đến Đức Cồ Đàm được.
Nghe các thầy ngoại đạo nói như thế, nàng Ciñcamānavikā hiểu ngay nên nhận lời rồi từ giã trở về nhà.
Từ đấy, trong mỗi buổi chiều mát, hàng Phật tử đã thính pháp xong từ Đức Thế Tôn trở về nhà. Nàng Ciñcamānavikā đi theo con đường vào Kỳ Viên tịnh xá, khi có người hỏi nàng đi đâu? Nàng đáp: “Đi vào Kỳ Viên tịnh xá”.
Đến buổi sáng, khi tín đồ dẫn nhau đến chùa thì nàng lại trở về. Thiện tín hỏi thì nàng đáp: “Tôi từ Kỳ Viên tự trở về”.
Như thế, trải qua nhiều ngày quần chúng đem lòng ngờ vực. Sau rồi nàng có cho họ biết rằng: nàng vào ngụ chung cùng Đức Cồ Đàm. Dần dần nàng độn bụng dường như phụ nữ mang thai, cho đến khi độn bụng to như gần đến kỳ lâm bồn. Xong, nàng đến trước mặt Phật, giữa tứ chúng (chư sư và thiện tín đang nghe pháp), nàng khiển trách Đức Phật rằng: “Này Đức Cồ Đàm! Ngài hãy quan sát coi có xứng đáng không? Tôi nay đã thai nghén gần ngày; Ngài lầm tưởng như không hay biết hử? Vì sao không tội nghiệp tế độ Ciñcamānavikā chút nào vậy. Ngài chỉ có biết khoái lạc, nhưng không biết sắp sửa cho tôi khai hoa nở nhụy được an toàn sao? Dù Ngài không biết cách lo liệu thế nào, thì cũng nên bảo kẻ hộ Ngài như đức vua Pasenadikosala, ông Cấp Cô Độc v.v... trông nom sự sinh đẻ thế sao? Ngài chỉ biết thỏa mãn tình dục, đến lúc tôi mang thai lại chẳng có một lời thăm hỏi đến Ciñcamānavikā chút nào cả”.
Có phương ngôn rằng: “Khi nàng Ciñcamānavikā thốt lời nhiếc mắng đức Phật vậy, ví như người làm hại vầng trăng trên không trung xa vong làm hại được. Vầng trăng không hay biết bị ai làm hại thế nào, hằng lóng lánh sáng ngời như thường; và ví như người dùng cục phẩn nhét vào mồm của chính mình, thật vậy”.
Khi nàng Ciñcamānavikā thốt lời nhục mạ giữa tứ chúng như vậy, Đức Phật đáp rằng: “Ciñcamānavikā! Những lời nàng thốt đây, không rõ rệt đối với kẻ khác mà cũng không hay không thấy, chỉ có Như Lai và nàng rõ câu chuyện ấy, có phải vậy chăng?” Trong lúc ấy, chỗ ngụ của Đức Trời Đế Thích chuyển động (Pháp cú kinh có nói: chỗ ngụ của Đức Đế Thích là một tảng đá màu vàng, dài lối sáu mươi do tuần, rộng sáu mươi do tuần, dày mười lăm do tuần, khi Đức Đế Thích ngự lên thì nó hạ mình xuống, Ngài xuống rồi nó phồng lên). Khi bảo tọa của Ngài có dáng điệu như thế, Đức Đế Thích dùng thiên nhãn quan sát hiểu ngay rằng nàng Ciñcamānavikā đang vu cáo Đức Thế Tôn bằng lời thô lỗ giữa tứ chúng làm cho họ ngờ vực. Ngài liền xuống Kỳ Viên tịnh xá, rồi biến làm con chuột vào cắn dây và vải mà nàng đã độn cho đứt lìa rơi xuống giữa hàng tứ chúng.
Thấy như thế, đại chúng biết rõ rằng nàng Ciñcamānavikā vu cáo Đức Thế Tôn, họ bèn bu chung quanh giết nàng, đất liền nứt ra rút nàng vào trong Vô Gián địa ngục.
* Nghiệp ác của hoàng tử Duttharajakumara
Hoàng tử đi đến vườn ngự uyển thấy chúng dân đang cúng dường Đức Độc Giác Phật, không tỏ lòng tôn kính Ngài, Hoàng tử phát sân xúi voi đuổi Đức Độc Giác Phật cho đến cùng, rồi giựt bát của Ngài đổ bỏ thực phẩm xuống đất rồi nói tiếp rằng: “Đức Thầy giận ta, làm gì đến ta được”.
Khi đó nghiệp dữ cho quả nhãn tiền, khắp thân thể Hoàng tử nóng nảy rất mong được uống nước, nước đem đến từ các nơi cho Hoàng tử uống nhưng các đồ đựng nước đều khô cạn. Không có nước uống nên Hoàng tử thác, rồi đọa vào Vô Gián địa ngục ngay khi ấy.
2. Upapajjavedaniyakamma
Upapajjavedaniyakamma là nghiệp cho quả khi đã sinh ra rồi trong kiếp kế tiếp là nghiệp nhẹ hơn trước, và sẽ cho quả khi đã sinh ra trong kiếp kế bên.
Nghiệp này có hai: thiện, ác.
Trong kinh có ghi rằng: Nghiệp này chỉ về tác ý thứ bảy cho kết quả đến người tạo lành hay dữ theo tác ý tốc lực tâm thứ bảy, cho thành tựu quả, trong cõi kế tiếp đời hiện tại này, tức là trong kiếp thứ nhì tiếp theo.
a/ Upapajjavedaniyakamma thiện lành có tám là: pathamajhāna: sơ thiền, dutiyajhāna: nhị thiền, tatiyajhāna: tam thiền, catutthajhāna: tứ thiền (bốn thiền hữu sắc); akāsāñañcāyatanajhāna: hư không vô biên thiền, viññāñancāyatana: thức vô biên thiền, akiñcaññāyatana: vô hữu sở thiền, nevasaññānāsaññāyatana: phi phi tưởng thiền (bốn thiền vô sắc).
Sơ thiền có năm chi: suy, sát, phỉ, an và định. Nhị thiền có bốn chi: sát, phỉ, an và định. Tam thiền có ba chi: phỉ, an và định. Tứ thiền có một chi: là định, nhưng sự thật thì có xả nữa, như thế thì có hai chi định và xả.
Người đắc thiền không dứt, khi chết sinh trong cõi Phạm thiên. Đắc thiền hữu sắc được lên cõi Phạm thiên hữu sắc. Đắc thiền vô sắc đến cõi Phạm thiên vô sắc.
Có lời hỏi rằng: Người không đắc thiền, nhưng phát tâm làm lành (bố thí, trì giới v.v...) được sanh trong cõi trời, như thế được gọi là upapajjavedanīyakamma lành không, tại sao? Đáp: Cũng gọi là upapajjanīyakamma lành như nhau, vì cho quả trong kiếp kế tiếp, nhưng khác nhau là các nghiệp lành như bố thí, trì giới v.v... không nhứt quyết rằng sau khi chết sẽ được sanh trong cõi trời, bởi có người cũng sa trong ác đạo trước, khỏi rồi mới được lên trời. Nhưng về thiền định, như đã giải trên thì quả quyết rằng, nếu đắc thiền mà không dứt thì phải sinh trong cõi Phạm thiên, sau khi thác.
b/ Upapajjavedaniyakamma ác là: giết mẹ, giết cha, giết Đức A-la-hán (Thinh văn giác), chích máu Phật tổ, chia rẽ tăng.
Người phạm trong ngũ nghịch đại tội ấy (anantarāyakamma) dù có tạo được các phước (như tạo tháp xá lỵ bằng vàng, chùa hoặc trai tăng trong sa bà thế giới) cũng không thể ngăn ngũ nghịch đại tội ấy được, khi thác chắc chắn phải đọa trong Vô Gián địa ngục.
Giải rằng: Hành giả quyết tâm hành thiền được thuần thục, từ tứ thiền hữu sắc đến tứ thiền vô sắc, thác rồi được sanh trong cõi Phạm thiên do năng lực một thiền nào. Khi thiền cao nhất cho quả, rồi các thiền thấp thì ahosikamma là không cho quả. Ngũ nghịch đại tội cũng vậy, nếu người nào phạm cả năm tội, một tội nào cho đầu thai, thì các tội kia cũng ngưng cho quả.
Quả quyết rằng: Upapajjavedaniyakamma cho quả ngay trong cõi thứ nhì, tiếp theo kiếp này.
Upapajjavedaniyakamma ví như thợ săn bắn nhằm thịt rừng như tích Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) và vua A Xà Thế.
3. Aparāparavedanīyakamma
Tiếng ‘aparāparavedanīyakamma’ dịch là nghiệp cho quả trong các kiếp sau (tức là trong các cõi sau), từ cõi thứ ba nối tiếp cõi thứ hai (upapajjavedanīyakamma) khi có dịp thì cho quả ngay, ví như loài chó đuổi theo thú rừng, rượt theo kịp tới nơi nào, nó cắn xé trong nơi ấy.
Chú thích: Người tạo nghiệp nào rồi, sẽ thụ quả trong các kiếp sau không có thể nhất định thời kỳ cho quả. Đây chỉ về tác ý tạo nghiệp, tốc lực tâm nhảy đến năm bực gọi là aparāparavedanīyakamma. Nghiệp này không có ahosikamma nghĩa là chưa đắc A-la-hán đạo, chưa đoạn tuyệt được phiền não luân hồi, thì nghiệp này dính theo mãi, bất cứ là kiếp nào khi được cơ hội thì cho quả ngay; ví như chó đuổi theo kịp thú, nó hằng nhảy đến cắn xé không chịu buông tha. Sớm hay muộn không nhứt định, chó chỉ rượt theo mãi mãi. Aparāparavedanīyakamma hằng dính theo chúng sinh mỗi kiếp, chẳng có một ai thoát khỏi được.
Nghiệp này có hai: thiện, ác.
a/ Aparāpavedanīyakamma ác:
Nếu có nghiệp lành mạnh hơn thì ác chưa cho quả, khi thiện giảm sức ác mới có chủ quyền.
Chú thích: Jatilasetthī (triệu phú gia Jatila) trong kiếp chót triệu phú gia này sinh làm con một kỷ nữ, nàng dạy tỳ nữ để trong nồi rồi đem bỏ giữa đại lộ, đấy là aparāparavedanīyakamma ác.
Tích Đức Bồ tát. Thuở Ngài sinh ra làm Mahājanaka[5] bị chìm thuyền giữa bể phải lội đến bảy ngày. Kiếp làm Suvaṇṇasāma đạo sĩ bị tên của vua Kapilaya đều là quả của aparāparavedanīyakamma ác.
Tích bảy vị tỳ khưu. Trong thời kỳ Đức Phật chúng ta có bảy vị tỳ khưu đi đến hầu Phật, giữa khoảng đường vào nghỉ trong một cảnh chùa. Vị sư cả bèn cho ngụ trong một hang núi, nhưng nửa đêm có một tảng đá rớt xuống che lấp miệng hang, dù là ai đến tiếp mở thế nào cũng không được. Cả bảy thầy tỳ khưu ấy chịu đói khát trong hang đá đến bảy ngày. Đến ngày thứ tám tảng đá ấy tự nhiên ngã ra. Các thầy bạch cho Phật rõ và hỏi về nghiệp cũ của mình. Đức Thế Tôn giảng rằng: ấy là quả của nghiệp cũ của các thầy đã đuổi con kỳ đà vào trong gò mối đến bảy ngày.
b/ Aparāparavedanīyakamma lành:
Nếu nghiệp dữ có sức mạnh hơn đang cho quả thì aparāparavedanīyakamma lành không cho quả được.
Khi nghiệp dữ yếu sức, nghiệp lành này mới là chủ động.
Chú thích: Nàng Mallikā Hoàng hậu của vua Pasenādikosala lúc còn sinh tiền, bà có nhiều đức tin đề xướng cuộc tài thí vô song (asadisadāna) nhưng khi thác phải sinh trong địa ngục bảy ngày rồi mới lên cõi Trời. Đây là aparāparanīyakamma lành.
4. Ahosikamma
Ahosikamma: là nghiệp đã cho quả rồi nghĩa là nghiệp đã qua thời kỳ cho quả, ví như hạt giống hết phát nha[6] vậy.
Loại II. Nghiệp cho quả theo phận sự
1. Janakakamma (nghiệp sinh sản)
Janakakamma dịch là sinh sản. Nghĩa là có thể dẫn người tạo nghiệp từ kiếp này đi sinh ra trong kiếp khác. Ví như cha sinh con gọi là kammayonī (nghiệp sinh sản).
Giải rằng: Lành và dữ dẫn đi thụ sinh, không cho quả trước khi thụ sinh, chỉ cho quả trong thời kỳ thụ sinh. Nghiệp cho quả như vậy gọi là janakakamma. Nghiệp lành và dữ cho quả trước khi thụ sinh về phần các nghiệp khác. Janakakamma, ví như mẹ sinh con, chỉ là người sinh mà thôi, phần vú nuôi săn sóc, trông nom hài nhi.
2. Upaṭṭhambhakakammam (nghiệp vào cấp dưỡng)
Upaṭṭhambhakakamma là nghiệp vào cấp dưỡng, nghĩa là sau khi đã sinh, nghiệp này mới vào cung cấp, cũng gọi là kammabandhu (nghiệp là thân quyến) nếu là janakakamma lành thì nuôi nấng hài nhi được an vui, ví bằng là (yanakamma) dữ thì cung cấp thêm sự khổ.
Chú thích: Upaṭṭhambhakakammam lành ủng hộ cho sự tăng gia sự thịnh lợi và sự thạnh thế.
Tích đức vua Adadhamāsakarāja, có ghi trong kinh chú giải rằng: Đức vua Adadhamārāja trước là một người nghèo gánh nước mướn, dành để được năm cắc. Ngày kia, Đức vua Bārānasī báo cáo cho biết sẽ làm đại lễ hài kịch, ai không dự vào thì bị phạt vạ. Vợ chồng anh nhà nghèo ấy bèn tính góp tiền lại được một đồng. Chia một phần để mua hoa thơm, một phần mua thực phẩm. Đồng ý cùng nhau rồi, chồng định đi lấy tiền đã giấu phía bắc thành phố, xa nhà lối mười hai do tuần. Đi đường lúc trời nắng gắt, nóng nực như hơi lửa, dù như thế y vẫn vui thích, mặt mày hớn hở đi và hát, dường như đi trên đường mát mẻ. Khi qua trước hoàng cung, Đức vua Udayarāja nghe thấy bèn ra lịnh cho quan hầu ra gọi y vào yết kiến và ngài phán rằng: “Vì sao người vui thích ca hát giữa đường, lúc trời nắng chang chang?”
Hắn tâu rằng: “Tâu lịnh Hoàng thượng mặt trời dù nắng gắt đến đâu cũng không sao bằng ánh nóng của tình dục, tâu lịnh hoàng thượng, tôi đi lấy tiền về chung góp với của vợ tôi”.
Nghe như vậy, Đức vua rất hoan hỉ chia nửa giang sang cho và phong cho vợ hắn làm hoàng hậu, rồi bố cáo cho nhân dân rằng: nay có hai vua cùng nhau thống trị trong nước. Đức vua mới ban hiệu cho là Adadhamāsakarāja. Đây là thí dụ nghiệp upaṭṭhambhakakamma lành vào cung cấp.
Nghiệp này vào cấp dưỡng có hai: phá tiêu tai nạn, bổ khuyết của cải.
Như tích: Có một gia đình kia, từ ngày kết hôn đến ba năm không có con, rồi trì trai để cầu con, không lâu người vợ thai nghén, song gia đình nghèo khổ. Sau khi sinh được con trai thì trở nên khá dần dần. Con trai ấy lên bốn năm tuổi thì ngày càng phú túc, đây là upaṭṭhambhakakamma lành vào ủng hộ đứa trẻ đó.
Về upaṭṭhambhakakamma dữ cũng vào cung cấp cho sa sút khốn cùng.
Nghiệp này cũng có hai phận sự: làm cho sinh tai nạn, khiến của cải tiêu tan.
Lời chú giải có nói: nghiệp vào ủng hộ về phần dữ, vì thiếu pháp từ ái, có tâm keo kiết và làm hại kẻ khác.
Như tích: Anandasetthī và quỷ Dạ xoa dưới đây:
Anandasetthī (triệu phú gia Ananda) keo kiệt, không bố thí và trì giới, từ ngày sinh ra, nhưng được làm triệu phú do tiền kiếp có trai tăng đến chư tỳ khưu. Bởi nghiệp bủn xỉn ấy, sau khi y thác phải thụ sinh vào nhà bần khổ. Từ ngày y đầu thai vào lòng mẹ, bọn ăn xin trong nhóm quen hành khất đủ nuôi sống, thì trở nên thiếu thốn. Sau rốt, bọn ăn mày không cho người mẹ mang mển ấy đi chung cùng bọn. Khi sinh được hài nhi, người mẹ rời bỏ con, vì nếu đem theo thì hành khất không được.
Lớn lên nhớ được tiền kiếp, trẻ ấy đi ngay đến nhà mình trong đời trước là triệu phú, song bị các con ngăn không cho vào nhà, còn thêm bị đánh đập khổ sở nữa. Đây là nghiệp cấp dưỡng về phần ác.
Trong kinh chú giải có ghi quả của nghiệp ác này phát sinh đến người bội ân hại kẻ khác rằng: người tính làm dữ kẻ không làm hại lại, phải chịu khổ muôn phần là bị hành phạt nặng nề, tiêu tan của cải, loạn trí, bị vu cáo, lửa cháy nhà v.v…
3. Upapīḷikakamma (nghiệp vào áp chế)
Nghiệp này trái với janakakamma khi janakakamma sinh sản rồi upapīḷikakamma vào ngăn quả của janakakamma không cho nẩy mầm đầy đủ. Nếu janakakamma lành sinh ra cho đẹp thì nghiệp kia vào ngăn cho giảm sức như câu “jotitamaparāyano: sáng tới rồi, có tối đi phía trước”. Nếu janakakamma dữ sanh ra thấp hèn, nghiệp kia cũng vào ngăn như câu: “tamojotiparāyano: tối đến rồi có sáng đi phía trước” gọi là nghiệp ngăn cho giảm.
Upapīḷikakamma là nghiệp vào áp chế quả của nghiệp khác, trong khi nghiệp này cho quả; nghiệp kia theo kịp áp chế sự vui hay khổ, không cho vui và khổ trú vững lâu dài.
Chú giải: Nghiệp nào vào áp chế sự vui và sự khổ của các nghiệp, rồi tự mình cho quả, nghiệp ấy gọi là upapīḷikakamma. Upapīḷikakamma chỉ chờ làm cho giảm bớt quả của các nghiệp khác, chia ra có hai: lành, dữ.
Chú thích: Tích Hoàng tử Sunakkhattalicchavī, ban đầu phát tâm vui thích trong Phật giáo, vào xuất gia theo luật pháp rồi hành thiền đắc nhãn thông, nhưng không được chứng quả cao thêm nữa. Đến ba năm, ngài chán nản, hiểu lầm rằng: “Đức Phật chỉ đắc nhãn thông, nên không dạy ta đạt đến nhĩ thông. Nếu đã đắc nhĩ thông thì Ngài đã dạy ta rồi”. Khi đã nghĩ quấy như vậy, Sunakkhattalicchavī xin hoàn tục rồi tu theo ngoại đạo, đến sau, khi thác bị đọa trong A Tỳ địa ngục.
Về upapīḷikakamma lành đến ngăn, áp chế quả của ác nghiệp, xin xem tích dưới đây:
Chàng Vātakālaka được vua phong làm đao phủ thủ trong thành Rājagaha, có phận sự hạ sát kẻ cướp. Y tựu chức ấy hơn năm mươi năm rồi về hưu. Thường lệ y không mặc y phục mới, đẹp, trong thuở còn tại chức. Nên chi khi được về hưu y mong trang sức cho đẹp, bèn bảo vợ nấu cơm sữa. Y đi tắm rửa xong, mặc y phục mới trở về nhà, giữa đường gặp Đức Xá Lợi Phất đi trì bình, y nảy tâm vui thích, thỉnh Ngài về nhà dâng cơm sữa. Đức Xá Lợi Phất ngọ thực xong chú nguyện rồi Ngài về chùa. Chàng đao phủ thủ ấy theo đưa, rồi trở về bị bò báng chết giữa đường. Do sự thí thực ấy, y được sinh lên cõi Trời.
Theo tích này, cho thấy rằng, thiện nghiệp áp chế ác nghiệp (vì y tạo ác nghiệp không ít) phải sa trong khổ cảnh, nhưng nhờ được làm lành áp chế ác nghiệp, được sinh lên cõi Trời.
4. Upacchedakakamma (nghiệp vào sát hại)
Tiếng upacchedakakamma dịch là nghiệp vào sát hại, nhưng trong Thanh Tịnh Kinh (Visuddhimagga) gọi là upaghātakakamma.
Trong Kinh chú giải có ghi: Upapīḷikakamma như đã giải upaghātakakamma hay upacchedakakamma nói đại khái thì giống nhau, sự cho quả cũng như nhau, chỉ khác nhau về tiếng Pāli là upapīḷikakamma dịch là vào áp chế.
Upacchedakakamma dịch là vào sát hại. Upacchedakakamma này chia ra có hai: lành, dữ.
Chú giải: Dẫn tích Long vương Erākapattanāgarāja đây cho thấy rằng nghiệp dữ cắt đứt nghiệp lành như: Long vương Erākapattanāgarāja này trong kiếp trước là một vị tỳ khưu trong thời kỳ Phật Kassapa. Có đức tin tu Phạm hạnh được hai muôn năm. Ngày kia, đi thuyền, Ngài nắm lá gừa tại một mé sông, khi ghe đi thì lá gừa ấy đứt, rồi ngài quên sám hối. Trong giờ sắp chết, ngài nhớ đến, mong sám hối theo luật định, nhưng tìm không có tỳ khưu, ngài phát tâm bồn chồn lo ngại, chết rồi sanh làm Long vương danh là Erākapatta.
Về nghiệp lành bị nghiệp ác cắt đứt, có tích như vầy. Cha của một vị tỳ khưu là người thợ săn giết thú đem bán để nuôi mệnh, đến tuổi già mới vào xuất gia làm tỳ khưu nơi vị tỳ khưu con trai của y. Vị này cho học thiền nhưng chưa có kết quả chi. Tâm của thầy vẫn nhớ tưởng đến thú đã giết. Thầy bèn bạch cho ông con nghe, ông con khuyên tĩnh cho tham thiền mãi, khi gần chết, ông con nghĩ rằng: cha ta không nên sinh trong khổ cảnh, nên ông liền tìm lễ vật cúng dường Tháp bảo. Vị tỳ khưu cha nhìn xem các lễ vật cúng dường để trên giường ngay trước mắt, ông vui thích rồi dùng lễ vật ấy đem cúng tháp nên được sinh lên cõi Trời.
Loại III - Nghiệp cho quả theo thứ tự
1. Garukamma (nghiệp nặng)
Garukamma là nghiệp nặng, có hai: nghiệp ác nặng thuộc về ngũ nghịch đại tội (pañcāntarāyakamma), nghiệp thiện cao (thuộc về thiền định).
Trong khi thụ quả, nghiệp nặng cho quả trước (ví như các đồ vật) sắt, đá v.v... từ trên cao rơi xuống, đồ vật nào nặng tất nhiên đến mặt đất trước. Nghiệp dữ nặng hằng cho sinh trong khổ cảnh. Nghiệp lành cao cho lên nhàn cảnh. Dù người đã tạo các nghiệp (nghiệp nặng lẫn nhẹ) nghiệp nặng vẫn cho quả trước.
Về nghiệp lành cao như tích đức Bồ tát (tiền kiếp Đức Phật chúng ta). Một kiếp kia, Ngài xuất gia là đạo sĩ tu trong núi tuyết sơn, đắc bát thiền. Ngày nọ muốn được nếm vị ngọt, mặn trong thế gian, nên Ngài đến kinh đô Bārānāsi đi khất thực trước hoàng cung. Đức vua Bārānāsi xem thấy oai nghi bèn phát tâm hoan hỉ của ngài. Đức vua bèn sai quan đến thỉnh vào đền, dâng cúng các món cao lương mỹ vị. Xong đức vua yêu cầu Bồ tát ngự trong vườn thượng uyển và vào hoàng cung ngọ thực mỗi ngày.
Có một lúc, đức vua cần phải thân chinh dẹp giặc ngoài biên thùy, nên dạy bà hoàng hậu phải phụng sự đạo sĩ Bồ tát. Buổi kia, đức Bồ tát bay vào hoàng cung tình cờ thấy nhan sắc kiều diễm của hoàng hậu vì bà quên bổn phận. Vị đạo sĩ bèn đứt giới với hoàng hậu, thiền định cũng không còn. Các quan đại thần biết rõ nhân ấy nên gởi sớ tâu vua. Đức vua Bārānāsi khi đã dẹp an phiến động liền khải ca hồi trào, ghé vào vườn ngự uyển hỏi đạo sĩ. Đạo sĩ thú tội. Đức vua xá lỗi và nhắc nhở Bồ tát hành đạo như xưa. Vị đạo sĩ đắc thiền như trước, rồi bay lên không trung xin từ biệt, dù đức vua thỉnh cầu lại nữa, đức Bồ tát cũng không nhận lời, ngài bay trở về tu trong Tuyết Sơn như trước.
Hành thiền không dứt, thác rồi đức Bồ tát được sinh trong cõi Phạm thiên.
Về garukamma ác, có tích nàng Sunadrī như vầy. Trong thời kỳ Phật giáo, phái xuất gia theo đạo lõa thể thấy rằng lợi danh mỗi ngày càng giảm nhưng bên Phật giáo thì càng tăng, nên chúng tìm dịp để vu cáo Đức Thế Tôn.
Họ hội họp nhau để mưu hại Phật. Họ đồng ý rằng, phải cần nàng Sunadrī giả bộ làm phụ nữ mang mển, rồi cho kẻ cướp giết nàng đem bỏ gần hương thất của Phật, cho quần chúng tin rằng Đức Thế Tôn ám sát nàng để giấu nhẹm nghiệp xấu. Dầu thế, đại chúng vẫn hiểu được sự thật. Nàng Sunadrī thi hành theo kế hoạch ấy. Mỗi buổi chiều mát tứ chúng nghe pháp xong trở về, nàng Sunadrī đi ngay theo con đường ấy vào Kỳ Viên tịnh xá. Nàng giả bộ như mình đã ngụ trong chùa.
Phái lõa thể đi tuyên cáo rằng, nàng Sunadrī ngụ chung cùng Đức Cồ Đàm. Nhiều người nhẹ tai thiếu sự suy xét, không tìm theo nhân quả nên tin theo, không lâu, nàng Sunadrī bị ám sát, thụ sinh trong địa ngục.
Phe lõa thể, khi đã dạy kẻ cướp giết trộm nàng Sunadrī rồi, vào yết kiến Đức vua. Nhà vua bèn sai người điều tra cho đến khi thấy rõ sự thật, rồi ngài ra lệnh bắt bọn tu lõa thể hành phạt và bố cáo cho nhân gian rõ lẽ phải.
2. Bahulakamma
Bahulakamma là nghiệp thường có. Có khi gọi là aciṇṇakamma (nghiệp quen làm).
Nghiệp này có hai: dữ, lành.
Về nghiệp dữ, có tích rằng tên Cunada giết heo để nuôi mệnh đã lâu năm, đến khi nghiệp theo cho quả thì hắn la nghe tiếng như heo bò, trườn vô ra trong nhà. Chư tỳ khưu đi khất thực, nghe tiếng như vậy, tưởng rằng họ giết heo để cúng tế. Các ngài bạch hỏi Đức Thế Tôn, mới hiểu rõ sự thật. Đức Phật giảng thêm rằng: người làm nhiều việc dữ, trong đời này hằng than van rên rĩ, chết rồi càng đau khổ trong kiếp sau.
Về nghiệp lành có giải tích như vầy. Khi gia thế của ông trưởng giả Cấp Cô Độc, dần dần sa sút, chỉ còn có một cô gái cũng nghèo, dù thế, nàng cũng dâng bát mỗi ngày đến một vị sư, cho đến lúc không còn vật gì cúng nữa. Nàng tìm đi làm công mỗi ngày, lấy tiền mua vật thực để cúng dâng. Nhà vua hay câu chuyện này, cho người tìm nàng vào hoàng cung rồi phong cho làm hoàng hậu. Từ đó nàng có dịp, mỗi ngày dâng cúng đến chư tăng càng đông. Cúng dường đến các pháp sư, giáo sư, khi thác, nàng được sinh lên cõi Trời.
Nghiệp lành của hoàng hậu này gọi là bahulakamma. Vì được làm thường thường không ngừng nghỉ. Không cần biết giàu hay nghèo, khi đã năng tạo nghiệp lành thì phước báu càng tăng theo thứ tự, gọi là bahulakamma. Nếu không có nghiệp nặng thì bahulakamma cho quả như thế.
3. Āsannakamma
Āsannakamma là nghiệp cận thời nghĩa là nghiệp tạo hay nhớ được khi gần chết.
Giải rằng: khi không có bahulakamma, là không có tạo nghiệp thường thường, dù là ít thì āsannakamma cũng cho quả. Ví như bò trong chuồng, khi kẻ chăn vừa mở cửa, bò nào đứng gần cửa dù là bò già, yếu, cũng được ra trước các bò khác (có sức lực hơn).
Xin giải cho dễ hiểu rằng: tâm của người, trước khi chết, hằng quyến luyến vợ con, của cải nhiều hơn. Nên chi, nếu không thường niệm tưởng nghiệp lành của mình đã tạo thì ắt lầm lạc, phải sa trong ác đạo.
Āsannakamma là nghiệp cận thời trong việc lành và dữ, nghĩa là người nào nhớ được nghiệp lành nào trong giờ hấp hối, nghiệp ấy sẽ cho quả ngay, như bò đứng gần cửa chuồng vậy.
Theo như hai lẽ đã giải đây, nếu có trí óc thiển bạc[7] thì hiểu rằng là tương phản nhau, nhưng sự thật không phải thế, vì tâm tưởng đến việc lành đã làm trong khi gần chết hoặc đã tạo trước, mà nhớ kịp trong giờ hấp hối gọi là āsannakamma cho quả đi thụ sinh trong nhàn cảnh được.
Có kẻ nghi ngờ rằng: nếu như thế, ta chỉ làm lành chút ít để dành rồi ta không thiết đến sự lành ta (sát sanh, trộm cắp v.v...) đến lúc hấp hối ta sẽ tưởng đến nghiệp lành trước, như vậy cũng được lên nhàn cảnh, cần gì phải cố tâm làm phước cho vất vả.
Giải: Ta không nên lầm rằng nghiệp luật là điều quy định của nhân quả, nó hằng thực thi theo chế độ bất biến của nó, nếu người đã tạo phước chan chứa để dành rồi bỏ qua, không lưu tâm nghĩ đến mỗi ngày, khi hấp hối khó tưởng đến được, bởi tâm của phàm nhơn quen quyến luyến vợ con, của cải, thế sự, từ vô thủy dĩ lai, nên khó rứt để nhớ niệm đến đạo đức trong giờ sắp chết, rồi phải sa trong ác đạo.
4. Katattākamma
Tiếng katattākamma dịch là nghiệp vô ý, nghĩa là thiện và ác không thuộc về garukamma, bahulakamma và cũng không phải là āsannakamma cả và người tạo cũng không rõ là phước hay tội. Vì là nghiệp không biết, chỉ làm thôi.
Nghiệp này không nhất định thời kỳ cho quả. Thí dụ: như tên mà người bắn, nhưng không định bắn đâu. Nếu không có garukamma, bahulakamma và āsannakamma thì nghiệp này cho quả theo thế lực của mình.
---
Thiên V. NGHIỆP TRONG PHẬT GIÁO
Do nhân nào, mới có giáo lý về vấn đề nghiệp? Vì trong thời kỳ ấy vô minh đàn áp toàn thể quốc dân Ấn Độ, dân chúng chỉ tìm ở số mệnh rủi may, không quan tâm đến đạo đức. Đức Thế Tôn mong cởi mở vô mimh ấy, Ngài mới nổi đèn có muôn trùng ánh sáng tức là nhân quả để tỉnh thức chúng dân Ấn Độ.
Lý tưởng về nghiệp trong Phật giáo là sự tiến triển trong đường đạo đức, khiến cho khoa học cũng phải bái phục, nhìn nhận bằng sự đứng yên không phản đối. Phật giáo không mâu thuẫn với khoa học, nói như thế, vì Phật giáo cũng như khoa học không thừa nhận học giả mê tín. Với bất cứ cái gì cần quan sát tỉ mỉ, tinh tế trước, rồi mới nên tin. Vì thế, Phật giáo và khoa học mới không mâu thuẫn nhau. Nói bằng cách vi tế rằng, khoa học có hai môn là: vật thể, vô thể.
Khoa học, về vật thể, phải cần thí nghiệm để xác nhận, nghĩa là khi muốn biết rằng, “đá” gồm có chất gì chẳng hạn, thì phải dùng cách phân tích và thí nghiệm. Nhà khoa học lấy đá chia tách ra xem (gọi là phân tích) cho biết rằng đá ấy có những gì, rồi thí nghiệm lại lấy những chất đã phân giải ấy hoà lại, để xem cho thấy quả quyết rằng nó là đá in nhau như trước chăng. Cách sau này gọi là thí nghiệm.
Phật giáo thuộc về khoa học vô thể có cách thức chú ý tin như khoa học. Như thế, mới gọi Phật giáo là khoa học, người hành theo Phật giáo hằng được thụ quả xứng đáng theo sự thực hành của chính mình, chẳng có ai thay thế được.
Pháp bảo có sáu ân huệ: Phật đã thuyết để lại chân chánh[8] rồi; tự mình thấy xác thực; không chờ thời (khi đắc đạo thì đắc quả không chậm trễ)[9]; chứng minh được[10]; xứng đáng đem vào mình hoặc đáng tìm tòi[11]; tự mình được thấy rõ bằng sự thí nghiệm và thực hành theo. Sáu ân huệ ấy toàn là cơ sở củng cố có tính cách khoa học của nền tảng Phật giáo chân chính. Nếu đã nhận thức như thế, ta nên học hỏi về vấn đề nghiệp trong thiên này.
Tiếng ‘nghiệp’ có nghĩa là làm, hành vi, hành động, động tác, thực hành, thực tiễn, cho đến sự phản ứng hoặc quả dội lại của hành vi nữa.
Trong Phật giáo tiếng ‘nghiệp’ mong lấy tác ý là chủ như câu: Cetanāhaṃ bhikkhave kammaṃ vadāmi - này các tỳ khưu, Như Lai gọi tác ý là nghiệp. Có ý nghĩa rằng: Phật giáo nghĩ theo trung đạo. Dầu, trong luật học Như Lai cũng có chế định những điều luật cho tỳ khưu vô tác ý vi phạm các điều cấm chế, nhưng Ngài cũng không bỏ phép trung đạo. Ngài ngự chế, như thế để phòng ngừa các tỳ khưu có khí chất bất nhã, biết hướng thiện sám hối.
Nghiệp là tiếng trung dung[12] (dữ và lành), nếu lành gọi là kusalakamma (thiện nghiệp); dữ là akusalakamma (bất thiện nghiệp).
Phật giáo lưu tâm rằng nghiệp gồm có ba chi, là: có người làm, làm bằng tác ý, cho quả đến người làm.
Nếu nói theo khoa học, người tức là thân thể; những biến hình là quả do sự đè ép, sự cưỡng lại lẫn nhau. Sự hành động và sức phản ứng có thể xảy ra được, dù là hai thân thể không hút nhau như đá nam châm. Quan sát theo khoa học, ta được thấy rằng sự tạo tác và sức phản ứng hằng cho quả, khiến chúng sanh lay chuyển và có tạo nghiệp thì có phản ứng, hay nói một cách khác thì khi có nhân tất có quả, mãi mãi. Trong khoa học, sự hành động và sức phản ứng hằng phức tạp khó kiểm soát, thế nào, trong Phật giáo, nghiệp và quả của nghiệp cũng phiền phức như vậy. Vì thế, mới có người không tin nhân quả, phản đối vấn đề nghiệp trong Phật giáo rằng, là không chính xác[13]. Sở dĩ như thế là vì người thiếu sự khảo sát, tìm tòi nhân quả, chỉ không thừa nhận vì đã có thành kiến cho rằng: Phật giáo là vấn đề hủ lậu[14] nhưng, thật sự thật chính người ấy, là hủ lậu hơn Giáo lý. Đấy là sợi tóc toan che núi, nhưng hàng học thức hiện đại không nên quan tâm đến sợi tóc ấy.
Phật giáo tin rằng nghiệp là của riêng mình. Kẻ nào tạo nghiệp gì phải chịu quả của nghiệp ấy, đúng với căn bản khoa học cho “hành động và phản ứng” hằng có giá trị ngang nhau, theo nguyên tắc tương phản nhau. Mọi người sinh ra đồng tạo nghiệp như vậy. Lẽ cố nhiên, mỗi người phải làm công việc bằng thân nghiệp, phải nói năng bằng khẩu nghiệp, phải suy nghĩ bằng ý nghiệp. Khi đã làm, nói và nghĩ rồi, quả của nó tức là sức phản ứng phải có: khi ta tạo nghiệp lành, quả phản ứng của nó là sự vui vẻ có đến ta, ta làm ác, quả dữ cũng sẽ trả lại cho ta. Theo Phật ngôn, người gieo giống gì hằng hái quả ấy. Làm lành được vui, gây dữ gặp khổ. Như thế chỉ cho thấy rằng nghiệp có đặc tính in như sự gieo giống lúa, tất nhiên được lúa.
Nếu hỏi trở lại rằng cớ sao, có người trồng xoài, có kẻ gieo lúa hoặc người làm lành, kẻ làm ác? Đấy là quả của sự suy nghĩ của chúng ta. Như tiếng nói rằng, tất cả sự tồn tại của ta được đều do quả của nghiệp mà ta đã làm từ sự trù tính phương pháp cứu chữa điều khổ.
Trong kinh Majjhimanikāyamajjhimapaṇṇasaka, có thuyết về ba loại nghiệp: kāyakamma: thân nghiệp, vacīkamma: khẩu nghiệp, manokamma: ý nghiệp. Thân nghiệp chia ra có: 3 chánh, 3 bất chánh gọi là kāyasucaritā và kāyaducaritā. Ba thân nghiệp chánh là: không sát sanh, không trộm đạo, không tà dâm. Ba thân nghiệp bất chánh là: sát sanh, trộm đạo, tà dâm. Bốn khẩu nghiệp chánh là: không nói dối, không chửi rủa, không nói lời xúi giục (cho người chia rẽ nhau), không nói lời hoang đàng vô ích. Bốn khẩu nghiệp bất chánh là: nói dối, chửi mắng, nói lời xúi giục (cho người chia rẽ nhau), nói lời hoang đàng vô ích. Ba ý nghiệp chánh là: không tham, không sân, không tà kiến. Ba ý nghiệp bất chánh là: tham, sân, tà kiến. Trong cả ba nghiệp (thân, khẩu và ý), ý nghiệp là quan trọng nhứt, vì thân và khẩu hằng ở trong quyền lực của tâm.
Trong tạng Luật có thuyết về cửa, hoặc lỗ hở (qua lại dvāra) của nghiệp lành và nghiệp dữ có ba là: kāyadvāra: cửa thân, vacīdvāra: cửa khẩu, manodvāra: cửa ý.
Giải rằng: Những cái qua lại cửa thân là thân chánh và thân bất chánh; cái qua lại cửa khẩu là khẩu chánh và khẩu bất chánh; cái qua lại cửa ý là ý chánh và ý bất chánh.
Ngoài ba cửa thuộc về phận sự chính như đã giải, còn có thứ nghiệp làm xáo trộn mất thứ tự cũng có. Như sự sát sanh và trộm đạo thuộc về nghiệp chính cửa thân nhưng nếu bảo kẻ khác làm thì thuộc về cửa khẩu. Nói dối thuộc về cửa khẩu, là cái qua lại đường khẩu, bằng không nói, chỉ ra bộ tịch gật đầu (để tỏ ý chịu hoặc không) thì thuộc về cửa thân. Nếu người muốn được một đồ vật mà họ mong mỏi, nhưng không cố ý tính trộm, thì thuộc về cửa thân, ví bằng, xì xào rằng làm thế nào mới được của ấy thì thuộc về cửa khẩu; nếu chỉ tính trong tâm thì về cửa ý. Những lời giải trên toàn là nghiệp bất chánh. Về nghiệp chánh cũng nên hiểu theo sự tương phản nhau. Nhưng vì sự hành vi khác nhau, mới có người được quyền cao giàu có, kẻ lại thấp hèn nghèo khó. Đấy toàn là do nghiệp gây nên cả, nghiệp hằng phân hạng người cao sang hoặc thấp hèn không đồng. Theo lẽ thường, nhân loại hằng tạo nghiệp bất chánh do tính ngu dốt, vô học thức như câu: “Pāpāni kammāni karonti mohā ‒ Người đời phần nhiều tạo nghiệp bất chánh do óc si mê” (trong Mahāparinibbānasutra).
Moha là ngu si hay đần độn tức là không biết lẽ thật, như người lạc đường trong rừng, không biết được phương hướng để thoát khỏi, cho đến không hiểu tội phước, tà chánh là gì.
Những người hiền hằng tạo nghiệp chánh nhiều hơn nghiệp bất chánh kẻ dữ thường làm nghiệp bất chánh nhiều hơn nghiệp chánh. Hơn nữa, khi đã tạo nghiệp, dù chánh hay bất chánh thì khó sửa chữa lại được, như có Phạn ngữ rằng: “Katassanatthipatikāram ‒ Việc đã làm rồi, sẽ làm trở lại chẳng được”.
Đức Phật hằng lập lại cho hàng Phật tử, cố tự tỉnh rằng: 1) Ta có nghiệp là của ta; 2) Ta là người thụ quả của nghiệp; 3) Ta là người sinh ra từ cái nghiệp hoặc có nghiệp là kẻ sinh sản; 4) Ta có nghiệp là huyết thống; 5) Ta là người nương tựa vào nghiệp; 6) Ta phải chịu quả của nghiệp mà ta đã tạo. Đức Phật dạy bảo như thế, cho chư Phật tử tin chắc rằng, vui, khổ mà ta đã được đều là quả dính theo từ nghiệp chánh và nghiệp bất chánh. Nếu không nhớ nghĩ như vậy, thì sẽ cẩu thả rằng nghiệp mà mình đã gây không cho quả.
Những kẻ ngu độn không hiểu nghiệp và quả của nghiệp, không có sự khảo sát rằng quả này sinh từ nghiệp nào và từ đâu mà có. Vì không nhận thấy nghiệp và quả nên họ lầm tưởng là kẻ khác làm cho họ khổ. Sự nghĩ xét đến nghiệp cho thường như đã giải hằng ban cho ta nhiều lợi ích. Khi gặp quả tốt hay xấu nên hiểu rằng là “quả của nghiệp xảy đến là bởi tự mình sáng tác” (attasanbhavaṃ). Như thế ta không quên mình, khiển trách kẻ khác và thừa nhận rằng quả vui hoặc khổ hằng phát sanh từ nghiệp của mình. Đấy là nguyên nhân cho mình vui hay khổ, vả lại sự hiểu biết bất chánh là thấy quả quyết rằng điều vui hay khổ sinh từ kẻ khác hay vật khác, đó là nguyên nhân làm cho bức rức khó chịu, trở lại gây nghiệp như cũ, rồi phải thụ quả khổ mãi mãi.
---
Thiên VI. SỰ TẠO NGHIỆP
Quả của nghiệp xảy ra từ sự hành vi của chính mình. Khi mình tạo lành, quả lành sẽ trả lại, làm dữ, quả khổ cũng sẽ đến, như nhau. Vì thế không nên sưu tầm cái chi tốt hoặc xấu từ nơi nào khác, hay người nào khác, ngoài mình.
Những hàng trí tuệ nói rằng, các việc lành mà người ao ước cần dùng nhất là đức tin hướng thiện từ bi, hoặc Chánh pháp thì phải tìm xét cẩn thận trong chính mình, nếu có cũng có trong chính mình, nếu kiếm trong nơi nào hay trong kẻ khác là không được. Vì các pháp ấy hằng sinh từ nơi mình. Nó đến do lòng từ bi, bằng Chánh pháp và tâm chân thật v.v... chẳng có ai cho (vui khổ được). Chỉ tự mình phải gây dựng nghiệp và quả theo đức từ bi hay chánh pháp mà thôi.
Hơn nữa, lành hay dữ không định chỗ và không kỳ ngày, người có thể làm lành hay gây dữ được trong mỗi nơi, trong mỗi thời. Việc lành mà người mong được, không cần phải chia nhau cùng làm, vì nó là vô lượng không có mức cùng tột. Trong đời, ai làm phải được hưởng quả vui, nếu mọi người đều giúp đỡ lẫn nhau trong việc lành thì ai ai cũng đều được vui. Ngoài ra, xã hội, quốc độ cũng thịnh đạt, thế giới đều an lành.
Trong Kinh Tikanipāta Anguttara nikāya có thuyết ba pháp chủ trong việc làm là: attādhipateyya: lấy mình là chủ, lokādhipateyya: lấy đời là chủ, dhammādhipateyya: lấy pháp là chủ.
1) Lấy mình là chủ như: người làm lành hằng đề cập đến mình là chủ đứng đầu, hay chỉ mong được quả vui đến mình rồi mới làm, theo sự hiểu biết của mình, mong được kẻ khác tôn trọng kính vì v.v.
2) Lấy đời là chủ: như lúc muốn làm phước, trước khi khởi công, thường noi theo thế lực của đời, mong được kẻ khác ca tụng, nếu không thì sợ họ chê trách, hay hành theo thói quen của quần chúng.
Lokādharateyya cao hơn attādhipateyya, vì còn tùy phần đông, căn cứ vào sự hiểu biết của họ. Sự hành thiện lấy đời là chủ có ba đặc tính: làm vì ao ước được người khen, nếu không e sợ người chê, làm theo thói quen của đại chúng.
3) Lấy pháp là chủ như: người làm phước, không đề cập đến mình và đến đời là chủ, hành theo thế lực của chánh pháp. Hễ thấy là đúng, là đáng rồi khởi sự, hoặc làm bằng tâm từ bi như bố thí, trì giới v.v... Kẻ tạo phước lấy pháp là chủ hằng không sai lầm, hối hận.
Dhammādhipateyya có hai chi là: làm vì sự thích hợp hoặc chân chính, vì thế lực tâm từ bi. Phương pháp làm lành gồm có hai đặc tính quan trọng là: sự tự tỉnh hay tự quan sát tức là tự vấn rằng: Nay ta là hạng người nào? Ta có phận sự gì? Ta đã làm tròn phận sự chưa? Phận sự ấy có làm cho người phiền muộn chăng?
Xin dẫn tích căn bản và cách thực hành hoặc tạo nghiệp dưới đây cho độc giả khảo sát. Trong Kinh Bāhitiyasutra Majjhimanikayapaññāsaka có tích rằng: Trong Phật giáo chúng ta, có đức vua Pasenādikosala được trò chuyện cùng đức Ānanda tại mé sông Acīravadī, như vầy: Đức vua Pasenādikosala hỏi rằng:
- Bạch Đức Ānanda! Phạm hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn[15] người hiểu biết cao siêu đáng dung thứ được, Đức Thế Tôn có hành thân hạnh như thế chăng?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh ấy, các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu tha thứ được, Đức Thế Tôn không hành thân hạnh ấy.
- Bạch Đức Ānanda! Khẩu hạnh nào mà chư Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên tha thứ được, Đức Thế Tôn có hành khẩu hạnh ấy chăng?
- Tâu Đại vương! Khẩu hạnh nào mà chư Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu xá tội được, Đức Thế Tôn không hành khẩu hạnh ấy.
- Bạch Đức Ānanda! Ý hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu xá lỗi được, Đức Thế Tôn có hành ý hạnh như thế chăng?
- Tâu Đại vương! Ý hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên dung tha được, Đức Thế Tôn không hành ý hạnh ấy.
- Thật là phi thường, cái chưa từng có mà xảy ra được, tôi quẩn bách[16] trong điều nào, Ngài đã giảng giải cho nghe bằng cách đầy đủ. Bạch Ngài, những kẻ si mê, không sáng trí, chưa được quan sát hằng thốt lời ca tụng hay khiển trách kẻ khác. Tôi không ngoan cố cho những lời ấy là có giá trị v.v… Phần các bậc minh triết là hạng sáng suốt có trí tuệ đã khảo sát rồi mới nói đến đạo đức và tội lỗi của những kẻ khác, tôi thường tôn trọng lời nói ấy là có giá trị. Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên khiển trách?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào ác thì hạng Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu cao siêu khiển trách được.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào là ác?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào hành có tội, thân hạnh ấy là ác.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào hành có tội?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào hành để hãm hại, thân hạnh ấy là có tội.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào hành để hãm hại?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào có khổ là quả, thân hạnh ấy gọi là hành để hãm hại.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào có khổ là quả?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào hành để hại mình hoặc hại kẻ khác hay hại cả mình và kẻ khác và các pháp ác của kẻ có thân hạnh hành cho sự hãm hại tăng gia, cho các pháp lành tiêu diệt, thân hạnh như vậy các bậc Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên khiển trách được.
- Bạch Đức Ānanda! Khẩu hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn nên khiển trách?
- Tâu Đại vương! Khẩu hạnh nào ác, khẩu hạnh ấy các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên khiển trách được.
- Bạch Đức Ānanda! Ý hạnh nào mà các bậc Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu nên khiển trách?
- Tâu Đại Vuơng! Ý hạnh nào ác, ý hạnh ấy các bậc Sa-môn và Bà-la-môn nên khiển trách được.
- Bạch Đức Ānanda! Đức Thế Tôn chỉ ca tụng sự trừ tuyệt các pháp ác phải chăng?
- Tâu Đại vương! Đức Thế Tôn đã trừ tuyệt tất cả ác pháp rồi, Ngài gồm có đủ thiện pháp.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào mà các bậc Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không nên khiển trách?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào lành, thân hạnh ấy các bậc Sa-môn và Bà-la-môn, hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào là lành?
- Tâu Đại Vuơng! Thân hạnh nào vô tội, thân hạnh ấy là lành.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào là vô tội?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào vô hại, thân hạnh ấy là vô tội.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào là vô hại?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào có vui là quả, thân hạnh ấy là vô hại.
- Bạch Đức Ānanda! Thân hạnh nào có vui là quả?
- Tâu Đại vương! Thân hạnh nào hành không hại mình, không hại kẻ khác hay không hại cả mình và kẻ khác; các pháp ác có hại đến mình v.v... hằng tiêu diệt, các pháp lành thường tăng gia, thân hạnh ấy các hạng Sa-môn và Bà-la-môn, hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách được.
- Bạch Đức Ānanda! Khẩu hạnh nào mà các bậc Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách được?
- Tâu Đại vương! Khẩu hạnh nào lành, khẩu hạnh ấy các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách được.
- Bạch Đức Ānanda! Ý hạnh nào mà các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không nên khiển trách được?
- Tâu Đại vương! Ý hạnh nào lành, ý hạnh ấy các Sa-môn và Bà-la-môn hạng hiểu biết cao siêu không khiển trách được.
- Bạch Đức Ānanda! Đức Thế Tôn tán dương sự gồm có đủ các pháp lành phải chăng?
- Tâu Đại vương! Đức Thế Tôn đã diệt tuyệt tất cả ác pháp rồi và Ngài có đầy đủ thiện pháp.
Ngoài ra, ta có một căn bản là sự tạo nghiệp do cửa thân, cửa khẩu và cửa ý, nếu nghiệp ấy không hiệp theo ba nhân, thì nên tạo ba nhân này là: hại mình, hại kẻ khác, hại cả mình lẫn kẻ khác.
Tóm tắt trong thiên này là sự tạo nghiệp đúng đắn theo nền tảng là: nghiệp không hại mình, nghiệp không hại kẻ khác, nghiệp không hại mình lẫn kẻ khác. Như thế thì nên làm và phải hành theo dhammādhipateyya (lấy pháp là chủ) không nên hướng theo attādhipateyya (lấy mình là chủ) và lokādhipateyya (lấy đời là chủ).
---
Thiên VII. QUAN NIỆM VỀ NGHIỆP TRONG KINH SANDAKA
Trong kinh Sandakasūtta Majjhimanikāya Majjhimapanarāsaka, Đức Ānanda có thuyết những quan niệm về nghiệp trong các tôn giáo khác đối với Phật giáo, cho Sandakaparibbājaka rằng ta có thấy sự chế định của các giáo chủ khác trăm muôn ngàn lần xa Phật giáo, vì lòng cố chấp và buông thả theo sự rủi may, số mệnh cũng có như:
1) Giáo chủ Paraṇakassapa thuyết rằng: không có nghiệp, không có phước, không có tội gọi là akiriyādiṭṭhi nghĩa là làm thế nào cũng như không làm, vì không có phước, tội.
2) Giáo chủ Makkhaligosala cho rằng: sự trong sạch hay nhơ bợn vô nhân quả tức là sự hành vi cho trở nên liêm khiết không có, người với sự luân hồi như cuộn dây nhỏ, họ nắm mối đầu rồi liệng đi. Khi cuộn dây ấy tháo ra hết thì, tự nó ngừng. Quan niệm này gọi là ahetukadiṭṭhi. Nghĩa là ý kiến độc đoán vô nhân.
3) Giáo chủ Ajitakesakambala dạy rằng, (tiếng gọi là) phước, tội, cha, mẹ, người, thú ấy chẳng có chi cả, họ lầm gọi nhau như vậy. Cả tứ đại: đất, nước, lửa, gió hòa nhau, khi tan rã thì tiêu mất. Đây là ucchedadiṭṭhi và natthikadiṭṭhi: ý kiến độc đoán tiêu diệt và ý kiến độc đoán hư vô. Nghĩa là hiểu rằng trống không, không có chi.
4) Giáo chủ Pakuddhakaccāyana giảng rằng: trong thân thể chúng ta có bảy khối: khối tức là đất, khối tức là nước, khối tức là gió, khối tức là lửa, khối tức là vui, khối tức là khổ, khối tức là sinh mệnh. Tất cả bảy khối ấy dù bị ai làm thế nào cũng như không làm, vì là khối với khối, gọi là natthikadiṭṭhi ý kiến độc đáo hư vô.
5) Giáo chủ Sañjavavelatthaputra bảo rằng: thế này cũng chẳng có, thế kia cũng chẳng có, nghĩa là phủ nhận bất kỳ cái gì, gọi là vikkhepaladdhi quan niệm lúc lắc, trở đi trở lại, hay ý niệm hòa lộn.
6) Giáo chủ Nigandhanātaputra có căn bản gần với nền tảng Phật giáo, chỉ khác nhau chỗ hành vi sái nhau, nghĩa là phái này chế định rằng người tu ngoài Phật giáo phải gồm có bốn phương pháp là: cấm làm tội lẫn nhau, gồm có “thiên” pháp, tiêu diệt tội lỗi, đạt quả cuối cùng của Phạm hạnh. Người hạnh như vậy gọi là chứng atmaṃ (cái ta).
Những quan niệm của giáo chủ ấy được xán lạn trước thời kỳ Đức Phật giác ngộ, nhưng không đem lợi ích đến các tín đồ vừa với sự tôn thờ, sùng bái của họ. Khi Đức Phật tuyên bố Chánh pháp, phổ cập trong khắp nơi rồi, Phật giáo có ánh sáng chói lọi, có sức chi phối các giáo phái ấy. Vì Ngài giảng thuyết cho mọi người hiểu rằng: “nghiệp của tự mình, chỉ có bấy nhiêu, áp bức mình cho thấp hèn và nghiệp của chính mình, ngần này, chống đỡ mình cho cao sang”. Ai là kẻ tạo nghiệp? Cũng tức là tự mình vậy.
Khi Đức Ānanda giải như thế rồi, Sandakaparibbajaka (bần tu hội) rất ca tụng, rồi xin Ngài thuyết thêm rằng:
- Bạch Đức Ānanda! Giáo chủ mà hành giả nương theo sẽ được giải thoát như thế nào?
- Này Sandaka! Trong đời này, Đức Thế Tôn giáng thế là đấng Chánh đẳng Chánh giác, gồm có Minh hạnh túc (pháp thực hành để đến sự giác ngộ), Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Thế tôn[17]. Ngài làm cho thế gian này: Chư thiên, Ma vương và Phạm thiên, tất cả chúng sinh, Sa-môn và Bà-la-môn thấy rõ bằng trí tuệ cao siêu. Ngài thuyết pháp nghe du dương chặng đầu, chặng giữa và nơi cuối cùng, đầy đủ ý nghĩa hòa nhịp, tuyên bố phạm hạnh trong sạch hoàn toàn.
Những gia chủ, con gia chủ, con nhà gia giáo được nghe pháp, khi đã nghe xong hằng phát tâm tín ngưỡng trong Đức Như Lai, rồi quan sát thấy rằng: “Ðời cư sĩ là nơi chật hẹp bị hạn chế, là lối đến của bụi bặm. Xuất gia là một cơ hội trong sạch sáng sủa. Sự ở nhà lo giữ gìn gia thế, khó hành phạm hạnh được điều đủ, trong sạch được như vỏ ốc đã trau dồi, như thế, ta nên cạo tóc và râu, mặc y cà sa ra khỏi nhà, thọ giới đàn, không bận lòng đến sự trị gia nữa.”
Sau rồi họ có dịp được ly gia cắt ái[18] không còn phải săn sóc gia đình, khi đã thành một vị xuất gia và tinh tấn nuôi mệnh chân chính theo luật định, là người chữa cải: sự sát sinh, bỏ hẳn những võ khí, có sự hổ thẹn tội lỗi, có tâm từ bi, mong tìm lợi ích cho tất cả mọi loài; không trộm cắp, chỉ dùng những vật mà họ cho; không hành dâm, không có đôi vợ chồng như người cư sĩ; không nói dối, chỉ thốt lời ngay thật, không chửi mắng kẻ khác, chỉ nói lời mát mẻ; không xúi giục người cho bất hòa nhau, chỉ nói lời hòa thuận, không nói lời thô lỗ, chỉ thốt lời ngọt dịu; không nói chuyện hoang đàng vô ích; không ăn sái giờ; không xem múa hát, không nghe đờn kèn, không dồi phấn đeo hoa, xoa nước thơm; không nằm ngồi trên chỗ cao đẹp v.v…; không thọ lãnh cất giữ vàng bạc, châu báu, không thọ ngũ cốc; không thọ thịt và cá sống; không nhận phụ nữ và tôi trai tớ gái, ruộng vườn, nhà trại[19] các cầm thú, không làm kẻ đem tin tức v.v…; không bán buôn đổi chác v.v... (xem trong luật xuất gia về tà mệnh).
Các ngài là bậc tri túc trong bốn món vật dụng (y, bát, thực phẩm, chỗ ngụ, thuốc men), đi đến trong nơi nào cũng được nhẹ nhàng như loài điểu thú chỉ có cặp cánh bay đến đâu như sở nguyện, thế nào, tỳ khưu tri túc trong bốn vật dụng trải đi đến nơi nào hằng được như mong muốn.
Hằng gồm có giới hạnh tức là thánh đức, như thế, hằng hưởng quả vui, vô tội. Mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân đụng chạm, Ngài không phạm luật, và không lưu tâm đến sắc, thinh, hương, vị, xúc (tốt xấu, hay dở, thơm, thối, ngon, dở, mềm, cứng v.v...) tức là Ngài cố chế ngự lục căn, không cho tiếp xúc lục trần, như thế. Ngài gồm có lục căn thu thúc là thánh đức ấy rồi hằng thụ vui, vô phiền não.
Ngài thường ngụ trong nơi thanh vắng dưới bóng cây, hang núi hay nơi mộ địa, rừng cây, tịnh thất vắng. Sau khi đã thọ thực, Ngài đi kinh hành xong, tọa thiền. Ngài dứt được sự tham lam bỏ ác pháp, không bất bình nóng giận, có tâm từ bi mong điều lợi ích đến tất cả chúng sinh. Trừ được năm pháp cái (tham sắc, nóng giận, phóng dật, hôn trầm, hoài nghi) là năm pháp ô nhiễm tâm, an tỉnh khỏi những dục vọng, yên lặng các ác pháp rồi Ngài đắc sơ thiền pathamajhāna có: suy, sát, phỉ và an sinh từ sự ẩn tu, như thế.
Này Sandaka! Các hàng thinh văn đắc pháp cao quý nan đắc của đấng giáo chủ nào rồi, là người hiểu biết cũng phải hành phạm hạnh theo đấng giáo chủ ấy. Hàng thinh văn ấy sẽ đắc pháp giải thoát chắc chắn.
Này Sandaka! Ngoài ra có lời giải thêm rằng, tỳ khưu đắc nhị thiền (dutiyajhāna) có tâm trong sáng chỉ có phỉ lạc sanh từ thiền định. Này Sandaka! Bậc thinh văn hằng đạt đến pháp cao quý, như thế, trong đấng giáo chủ nào, người được hiểu biết phải hành phạm hạnh ấy. Như vậy họ sẽ được giải thoát.
Này Sandaka! Ngoài ra tỳ khưu vì chán ngán phỉ, thường có tâm yên lặng, trung lập có trí nhớ, và thận trọng thụ vui bằng loại danh pháp (nāmakāya) đắc tam thiền (tatiyajhāna) mà các thánh nhân gọi là bậc trầm tỉnh[20] (upekkhā) có trí nhớ, ở yên như thế. Này Sandaka! Hạng thinh văn đắc pháp cao siêu như vậy, trong đấng giáo chủ nào, người hiểu biết phải hành phạm hạnh, trong đấng giáo chủ ấy họ sẽ đến thiện pháp và được giải thoát hẳn như thế.
Này Sandaka! Có lời giải thêm rằng, tỳ khưu đắc tứ thiền (catutthajhāna) không vui, không khổ, vì dứt được vui và khổ, đã vượt qua nỗi vui và buồn, chỉ có trí nhớ điều tra[21] pháp thanh tịnh bằng tâm xả. Này Sandaka! Bậc thinh văn hằng đạt đến pháp cao siêu trong đấng giáo chủ nào, người hiểu biết phải thực hành phạm hạnh trong đấng giáo chủ ấy, như thế họ sẽ đắc pháp giải thoát chắc chắn.
Hạng ấy khi có tâm định vững và thanh tịnh, trong sáng, vô phiền não, khỏi tùy phiền não, là tâm mềm dẻo, vừa hành sự. Họ có tâm bất động rồi phấn khởi tuệ trực giác dùng trí nhớ hồi tưởng đến các tiền kiếp như vầy: Nhớ được một kiếp, hai kiếp, ba kiếp, bốn kiếp, năm kiếp … mười kiếp, hai chục kiếp, ba chục kiếp, bốn chục kiếp, năm chục kiếp, một trăm kiếp, một ngàn kiếp, mười ngàn kiếp, nhiều muôn kiếp cho đến nhiều kiếp hoại (sanvattakappa)... kiếp thành (vivattakalapya) v.v... rằng ta đã sinh ra trong cõi kia, danh hiệu như kia, dòng dõi như kia, giai cấp như kia, dùng thực phẩm như kia, thụ vui, khổ như kia, sống đến bấy nhiêu tuổi, sau khi thác tái sanh trong cõi nọ v.v... Bậc ấy hồi tưởng đến những kiếp sống trong các cõi đã qua, được hoàn toàn đầy đủ. Này Sandaka! Bậc thinh văn hằng đạt đến pháp cao siêu như vậy, trong đấng giáo chủ nào người hiểu biết phải hành phạm hạnh trong đấng giáo chủ ấy, khiến các thiện pháp được tăng gia cho đến kỳ giải thoát thực hiện.
Bậc thinh văn khi tâm đã trú vững, thanh tịnh trong sáng vô phiền não, khỏi tùy phiền não, có tâm mềm dẻo, vừa hành sự và bất động, như thế rồi phấn khởi, dùng tuệ trực giác điều tra sự luân hồi của tất cả chúng sinh. Ngài đắc nhãn thông cao siêu, hơn phàm nhơn và thấy rõ nhiều loại sanh linh, sanh ra hạng thấp hèn cao sang, xấu xa xinh đẹp khổ vui. Ngài biết phân minh rằng, chúng sanh này có hạnh kiểm, thân bất chánh, khẩu bất chánh, ý bất chánh thốt lời khinh bỉ khiển trách bậc thánh nhơn, là hạng tà kiến, thác rồi phải đọa trong ác đạo (cầm thú, địa ngục v.v...)
Hạng chúng sanh khác, do hạnh kiểm tốt bằng thân thanh bạch (trong sạch) khẩu thanh bạch, ý thanh bạch, không phỉ báng các bậc thánh nhân là hạng chánh kiến, chết rồi được sinh trong thiên giới, có thiên nhãn vượt khỏi phàm nhơn. Ngài thấy rõ chúng sinh, sinh ra thấp hèn, cao sang, xấu xa, xinh đẹp, vui khổ và nhận thức rằng, chúng sinh đều do nghiệp tạo ra như thế. Này Sandaka! Bậc thinh văn hằng đạt pháp cao siêu hiểu thấu triệt (thông suốt) như vậy, trong đấng giáo chủ nào, người hiểu biết phải hành phạm hạnh, như thế, thì hằng đắc thiện pháp cho đến thời kỳ giải thoát.
Bậc Thinh văn khi tâm đã trú vững, thanh tịnh trong sáng, vô phiền não, xa tùy phiền não, có tâm mềm dẻo vừa hành sự, và bất động rồi, phấn chấn dùng tuệ trực giác trong sự trừ tuyệt các lậu phiền não[22] (āsavakkhāya). Ngài được quán triệt[23] chân lý rằng, đây là khổ, đây là nhân sinh khổ, đây là diệt khổ, đây là đạo diệt khổ. Được thông suốt rằng, đây là lậu phiền não, đây là nhân sinh lậu phiền não, đây là diệt lậu phiền não, đây là đạo diệt lậu phiền não. Khi Ngài biết như thế, thấy như thế, tâm giải thoát cao siêu khỏi kamāsava (dục lậu phiền não), bhavāsava (hữu lậu phiền não; mong được như vậy, như kia), avijjāsava (vô minh lậu phiền não). Khi tâm đã giải thoát cao siêu thì sinh trực giác thông suốt mọi lẽ rằng tâm giải thoát cao siêu rồi, kiếp này dứt rồi, phạm hạnh viên mãn rồi, chẳng còn phận sự nào khác phải tu hành nữa, như vậy. Này Sandaka! Bậc thinh văn đắc pháp cao siêu trong đấng giáo chủ nào, người hiểu biết phải hành phạm hạnh trong đấng giáo chủ ấy thì thiện pháp sẽ đưa họ đến giải thoát hẳn như vậy.
Sandaka liền hỏi: Bạch Đức Ānanda! Tỳ khưu ấy là đức A-la-hán diệt lậu phiền não rồi, hành tròn phạm hạnh rồi, phận sự nên hành đã thành tựu rồi, hạ vật nặng rồi, những lợi ích đã được theo thứ tự rồi, giải thoát cao siêu bằng trí tuệ quán triệt chân chánh rồi, tỳ khưu ấy còn có nhục dục chăng?
- Này Sandaka! Tỳ khưu là bậc A-la-hán dứt hẳn lậu phiền não rồi, phạm hạnh viên mãn rồi, phận sự phải làm đã hành đầy đủ rồi, đã hạ vật nặng rồi, những pháp trói buộc trong luân hồi đã tuyệt rồi, được giải thoát cao siêu bằng trí tuệ chân chánh rồi, tỳ khưu ấy không còn vi phạm năm điều là: sát sanh, trộm đạo, hành dâm, nói dối, tìm nhục dục để dành thụ dụng như kẻ thế nữa.
- Này Sandaka! Đấy là vị tỳ khưu bậc A-la-hán diệt lậu phiền não rồi, hành tròn phạm hạnh rồi, hạ vật nặng xuống rồi, được giải thoát cho cao siêu bằng trí tuệ, hiểu biết đến nơi đến chốn rồi.
- Bạch Đức Ānanda! Tỳ khưu ấy là bậc A-la-hán, dứt lậu phiền não rồi, hành phạm hạnh viên mãn rồi. Giải thoát cao siêu bằng trí tuệ thấu triệt rồi, khi tỳ khưu ấy đi đứng, ngồi, nằm, ngủ hay thức có sự hiểu biết sáng suốt rồi, rằng các lậu phiền não của ta dứt rồi như vậy chăng?
- Này Sandaka! Ta thí dụ để ngươi hiểu. Có người trong đời này sẽ biết đuợc lời tỷ dụ như vầy. Này Sandaka! Như tay và chân của người đã cụt, khi người ấy trải đi, ngừng, ngủ, hoặc thức, tay và chân cũng đều cụt (đứt hẳn). Khi họ quan sát cũng rõ rằng, tay và chân của ta đã cụt rồi, như vậy, thế nào, này Sandaka! Tỳ khưu là bậc A-la-hán hết lậu phiền não rồi, khi tỳ khưu ấy đi, đứng, ngủ hay thức, các lậu phiền não cũng dứt hẳn rồi. Và khi vị ấy quan sát, cũng được hiểu rằng “các lậu phiền não của ta cũng hết rồi như vậy”.
Theo như đã giảng thuyết trong kinh Sandaka đây, chúng ta thấy sự chế định nghiệp của các đấng giáo chủ ngoại đạo đều khác với Phật giáo muôn ngàn lần xa. Có giáo chủ chấp hẳn ý kiến độc đoán, có phái lại buông thả theo vận mệnh, không giống như Phật giáo.
---
Thiên VIII. NGƯỜI NHƯ THẾ NÀO CŨNG DO NGHIỆP
Có tích ghi chép trong Kinh Vāsetthasūtra Majjhimanīkayā Majjhimapañnāsaka rằng có hai thanh niên Vāsetthamānaba và Bhāradvājamānaba trò chuyện và phản đối nhau. Vāsetthamānaba cho rằng: người có giới đức và đầy đủ hạnh kiểm gọi là Bà-la-môn. Bhāradvājamānaba thấy rằng: người quý tộc cả hai bên (cha và mẹ) trong sạch đến bảy đời, không có ai phản đối, khiển trách được về dòng dõi, người ấy mới gọi là Bà-la-môn.
Nhưng cả hai không thể đồng ý thừa nhận về vấn đề ấy, bèn dẫn nhau vào hầu Phật nơi một cụm rừng, gần xóm Juhānaṃgaha, rồi Vāsetthamānaba bạch hỏi Đức Thế Tôn rằng: “Bạch Phật, hai chúng tôi đây là người được giáo sư xác nhận là hạng học thức và tự mình cũng xét nhận là có học thức. Bạch Phật, tôi là đệ tử của Pokakharasāti Bà-la-môn, thanh niên này (Bhāradvājamānaba) là môn đồ của Tarukakha Bà-la-môn, chúng tôi đã học đủ Tam Phệ Đà (Trayabheda‒ Tam tạng Bà-la-môn giáo) và thấu triệt đạo lý Bà-la-môn. Nhưng hai chúng tôi không đồng ý thừa nhận nhau về vấn đề này. Bạch Ngài, Bhāradvājamānaba nói rằng người được gọi là Bà-la-môn do dòng dõi, còn tôi, bạch Ngài, cho rằng do nghiệp. Bạch Ngài, chúng tôi chưa tìm được người giải nghi, nên chi, chúng tôi đến hầu Ngài để cầu hỏi Đức Thế Tôn, là đấng Chánh Biến Tri rõ rệt, những kẻ được lễ bái Đức Gotama, hằng sáng tỏ như vầng trăng trong đêm rằm. Hai chúng tôi cầu hỏi Đức Gotama là bậc có tuệ nhãn đã giáng thế chân chính trong đời. Bạch Đức Gotama người được gọi là Bà-la-môn ấy, được bằng dòng dõi hay bằng nghiệp, xin Ngài giải cho hai chúng tôi là hạng chưa thông hiểu, cho chúng tôi quán triệt theo lẽ phải.”
Đức Thế Tôn đáp: “Này Vāsettha, Như Lai dự đoán những điều ấy, chia chủng tộc chúng sanh theo thứ tự cho thấy rõ rằng dòng giống có tình trạng khác nhau. Các người nên hiểu tất cả chủng loại (loài giống của sự vật) nảy nở đều dính với đất, dù có lõi bên ngoài, da bên trong là loại cỏ (tinajāti) hoặc cây có lõi bên trong, da bên ngoài gọi là (rukkhajāti). Các loại ấy dù không có phận sự hiểu biết trả lời, thệ nguyện rằng chúng ta là loại cỏ, “chúng ta là loại cây” được “song tính” (giống đực, cái) của loại cỏ và loại cây cũng kết quả theo giống là nhân cho biết rằng các loại có tình trạng khác nhau. Các ngươi hãy hiểu rằng loại không dính đất, vượt khỏi đất được, đấy là những loại có thức tính, có sinh mệnh, có hình thể vi tế như ong, muỗi, kiến đen, kiến vàng, tính của chúng cũng thành tựu theo loại, là nguyên nhân cho biết rằng tất cả các loại đều có trạng thái khác nhau.
Lại nữa, các ngươi nên hiểu những thú bốn chân nhỏ lẫn lớn, tính của chúng cũng thành tựu theo loại. Có loại bò, trườn v.v... tính của loại ấy cũng thành tựu theo loại. Các ngươi nên hiểu rằng thủy tộc là loại ở trong nước, tính của chúng cũng thành tựu theo loại. Tính của các chủng loại ấy thành tựu theo loại, có rất nhiều như thế.
Tính trong loại người thành tựu theo loại, như thế, không có, là: không quan hệ đến như: tóc không quan hệ đến đầu, không quan hệ đến cả hai tai, không quan hệ đến hai mắt, không quan hệ đến mặt, không quan hệ đến mũi, không quan hệ đến hai môi, không quan hệ đến hai lông mày, không quan hệ đến cổ, không quan hệ đến hai vai, không quan hệ đến bụng, không quan hệ đến xương sống, không quan hệ đến xương hông, không quan hệ đến ngực, không quan hệ đến chỗ hẹp, không quan hệ đến hai tay, không quan hệ đến hai chân, không quan hệ đến mười ngón, không quan hệ đến mười móng, không quan hệ đến hai phần trước của ống quyển, không quan hệ đến màu da, không quan hệ đến tiếng, là tính thành tựu theo dòng dõi, trong các kiếp nữa thế nào, phần trong thân thể của người như thế không được. Vì trong loại người họ gọi tư thể[24] theo tên.
Này Vāsettha! Trong loại người, kẻ nào làm việc chăn nuôi bò để dưỡng sinh, ngươi hãy hiểu rằng kẻ ấy là nông dân, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Người nào nuôi mệnh bằng sự làm việc khó nhọc hầu hạ kẻ khác, ngươi hãy hiểu rằng ấy là người phục dịch, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Kẻ nào trộm cắp của người, ngươi hãy hiểu rằng đó là đạo tặc, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Người nào nuôi mệnh bằng võ khí, ngươi hãy hiểu rằng đó là quân nhân, chiến sĩ, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Người nào để hỏi ý kiến hoặc góp giùm ý kiến giúp cho một kẻ khác, ngươi hãy hiểu rằng đó là cố vấn, không phải là Bà-la-môn. Này Vāsettha! Người nào thống trị một nước, ngươi hãy hiểu rằng, đó là đức vua, không phải là Bà-la-môn.
Như Lai không gọi là Bà-la-môn là những người sinh ra từ đâu hoặc từ người nào, mặc dù người ấy mong tìm sự tấn triển (tiến tới, mở mang) vì người ấy vẫn còn ô trọc, không tinh khiết là nguyên nhân khiến người phải lo âu phiền muộn. Như Lai tuyên bố rằng, người không ô nhiễm (dính dơ, bẩn thỉu, cái xấu xa) là không có mưu kế lo ngại, không có phiền não là lòng cố chấp, ấy là Bà-la-môn. Như Lai phát biểu rằng, người ngay thật, đoạn tuyệt tất cả thúc phược phiền não (buộc trói trong nẻo luân hồi ‒ samyojana) được rồi không bối rối băn khoăn lo lắng, đã vượt qua phiền não, đã lìa khỏi võ khí bó buộc rồi là Bà-la-môn. Như Lai cho biết rằng, người đã cắt đứt ác tâm (upanāna) cùng ái dục (tanhā) và mối nhân duyên (như nhân quả) được giác ngộ rồi là Bà-la-môn. Như Lai phát biểu rằng, người không làm thiệt hại, có tâm nhẫn nhục với lời chửi mắng do sự hành ác của kẻ dữ, đó là Bà-la-môn. Như Lai nói người không biết giận có giới trong sạch đã tự hóa rồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không quyến luyến trong dục cảnh như nước không đọng trên lá sen đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người hiểu pháp, diệt khổ của mình trong kiếp hiện tại, đã liệng bỏ vật nặng rồi là Bà-la-môn. Như Lai gọi người có trí tuệ thực hành theo trí nhớ, sáng suốt trong phương pháp lợi và hại và đã được lợi ích đến mức cùng tột, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không chung chạ cùng các gia chủ không liệt vào hạng xuất gia có dính mắc trong ngũ dục, có sự ham muốn ít đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không sát sinh, không xúi kẻ khác sát sinh, không làm hại chúng sinh, có tâm kiên cố, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không giận bị kẻ đổ lỗi cho mà nhịn được, khi kẻ khác cố chấp thế này thế kia, mà chính mình là người không câu nệ đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã diệt tham, sân, si được như bụi cát không dính vào lưỡi gươm đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người thốt lời ngay thật và êm dịu cho kẻ khác hiểu lẽ phải là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không trộm của cải dù dài hay vắn, nhỏ hoặc lớn, tốt hay xấu đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã thoát ly sự thèm khát trong đời này và trong cõi sau đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã đắc pháp bất diệt theo thứ tự rồi, là người không thương tiếc vì người đã thấu triệt rồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không còn than van rên siết, dứt hẳn bụi trần rồi, đã vượt qua hai pháp thúc phọc tức là phước và tội, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã dứt hẳn pháp nhơ nhuốc (maladina) như vầng trăng ra khỏi đám mây, xán lạn là người trong sáng cao siêu, không dơ đục, không có sự khoái lạc trong cõi đời nữa, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã vượt qua vô minh như kẻ bị mắc bùn lầy khó triệt thối (rút lui, về) được, là người qua khỏi rồi, đến bờ kia rồi, có sự trầm tư mặc tưởng, vô ái dục, không còn sự ngờ vực, không câu nệ, con người đã dập tắt rồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã được diệt dục là bậc xuất gia, không nhà ở, không dục vọng và dứt luân hồi rồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người đã vượt qua và diệt ái dục dứt sự thèm khát rồi là bậc xuất gia, không trị gia, không còn dục vọng và hết luân hồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người ấy đã bỏ ngũ dục, mối bận bịu của hàng gia chủ đã thoát ly phiền não, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người bỏ sự yêu thích, và sự giao hợp, người vô tư lự thản nhiên không còn quyến luyến ái mộ cảm tình, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người hiểu biết sự sanh tử của chúng sanh hoàn toàn vô ngại đã đến nơi an lạc rồi, giác ngộ rồi, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người mà chư Thiên, Càn Thát Bà và nhân loại không biết rõ được gati (nơi mà chúng sinh phải đi lại sinh), người chẳng còn lậu phiền não là bậc A-la-hán, đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi người không có phiền não làm bận lòng phía trước, phía sau và khoảng giữa là người thản nhiên bất câu (không câu nệ), đó là Bà-la-môn. Như Lai gọi bậc vô song đáng lựa chọn, có tinh tấn, người tầm đạo đức cao siêu, đã thắng tối thượng rồi, là người bất động, đã tắm rửa sạch rồi, giác ngộ rồi, đó là Bà-la-môn.
Danh hiệu thông thường ấy chỉ là lời đàm thoại trong đời mà thôi, do nhân nào? Chỉ vì danh và tộc, đầu tiên là biệt hiệu mà thân quyến của người có tên tuổi, dòng họ đã xác định, lúc người ấy sinh ra, rồi phỏng gọi nhau truyền khẩu thành ý hiểu độc đoán, không biết mình. Khi đã quên mình thì đem nhau kêu gọi là Bà-la-môn, là được theo dòng dõi như vậy.”
Khi Đức Thế Tôn thuyết rằng danh và tộc chỉ là phỏng đoán nhau theo câu chuyện thường, vừa để hiểu nhau trong tạm thời, như thế rồi Ngài giảng về sức thấy hiệu quả của nghiệp rằng: “ai là thế nào cũng do nghiệp” như dưới đây:
“Người là hạng hèn chẳng phải do huyết thống. Người là Bà-la-môn chẳng phải do dòng dõi. Người là hạ tiện cũng vì nghiệp, hạng Bà-la-môn cũng vì nghiệp, nông phu cũng bởi nghiệp. Bậc có giới đức cũng tại nghiệp, thường nhân cũng do nghiệp, công nhân cũng tại nghiệp; đạo tặc cũng bởi nghiệp; quân nhân cũng vì nghiệp; cố vấn cũng bởi nghiệp; đế vương cũng tại nghiệp. Những bậc minh triết về thuyết Thập nhị duyên khởi, quán triệt trong nghiệp và sự kết quả của nghiệp thấy rõ được nghiệp ấy theo chân lý rằng: đời hằng thực hành theo nghiệp, chúng sinh thường thực hành theo nghiệp; chúng sinh bị điều buộc trói ràng rịt cũng vì nghiệp như cây nêm ngăn chận xe đang chạy. Song được là Bà-la-môn cũng do nghiệp xuất chúng là: tapa: tu hành nghiêm khắc, brahmacariya: phạm hạnh, saññama: tự chế, tự hóa, dama: chinh phục tình dục.
Bốn nghiệp siêu nhân (vượt lên trên cả người thường) này mà người thực hành đầy đủ bằng trí tuệ để đàn áp được phiền não, hết sinh tử luân hồi. Này Vāsettha! Ngươi hãy hiểu rằng người mà được gọi là Bà-la-môn theo các nhà học thức nhận thấy là được bằng nghiệp như thế.”
---
Thiên IX. ĐẠO PHÁP[25] ĐỂ TẨY[26] NGHIỆP
Nghiệp nếu nói đại khái thì có hai là: thiện nghiệp, ác nghiệp. Chia theo cửa tức là lối tạo nghiệp thì có ba, là: kāyakamma: thân nghiệp, vacīkamma: khẩu nghiệp, manokamma: ý nghiệp.
Có lời hỏi rằng: phương pháp nào giúp ta cải hóa ác nghiệp và chỉ tạo được thiện nghiệp mãi mãi? Đức Thế Tôn tùy lời hỏi ấy, có giảng ghi trong Kinh Cūlarāhulavadasūtra Majjhimanikāya Majjhimapaṇṇasaka bằng cách quan sát tẩy nghiệp. Theo Phật ngôn đó là đạo pháp để rửa nghiệp mà chư Phật đã giáo huấn rồi, dù tiếp theo cũng sẽ dạy bảo như thế.
Nhân đó, đạo pháp để rửa nghiệp, và cho chúng ta chỉ tạo nghiệp lành, vậy chúng ta nên dò xét theo tích sẽ bày giải dưới đây:
Tại thành Rājagaha, Đức Rāhula bổ túc (thêm vào chu đủ), Sa-môn pháp tại Balaṭṭhi Kāprāsāda (dinh thự) và Đức Thế Tôn ngụ tại Trúc Lâm tịnh xá (Veluvana). Khi ấy, Đức Thế Tôn ngự đến chỗ ngụ của Đức Rāhula. Thấy Phật tới, Đức Rāhula bèn trải chỗ và nước rửa chân. Đức Phật khi tọa xong, Phật phán rằng:
- Này Rāhula! Ngươi thấy chút ít nước trong đồ đựng này chăng?
- Bạch Phật, tôi thấy.
- Này Rāhula! Sa-môn pháp là sự không hổ thẹn trong lời nói dối của người rất hiếm có vậy.
Rồi Đức Thế Tôn đổ bỏ nước ấy, phán hỏi Đức Rāhula nữa rằng:
- Này Rāhula! Ngươi thấy nước còn dư đã đổ bỏ ấy chăng?
- Bạch Phật, tôi thấy.
- Này Rāhula! Sa-môn pháp là sự không hổ thẹn trong lời nói dối của người là vật đổ bỏ rồi, giống nhau như vậy.
Đức Thế Tôn bèn úp đồ đựng nước ấy, rồi phán hỏi nữa rằng:
- Này Rāhula! Ngươi thấy đồ đựng nước úp rồi ấy chăng?
- Bạch Phật, tôi thấy.
- Này Rāhula! Sa-môn pháp là sự không hổ thẹn trong lời nói dối của người là vật đã úp rồi, như vậy.
Thế Tôn bèn lật ngửa đồ đựng nước, xong phán hỏi nữa rằng:
- Này Rāhula! Ngươi thấy đồ đựng nước trống rỗng này chăng?
- Bạch Phật, tôi thấy.
- Này Rāhula! Sa-môn pháp là sự không hổ thẹn trong lời nói dối của người là vật trống rỗng như vậy. Này Rāhula! Như Lai phát biểu rằng ác nghiệp chút ít mà người không hổ thẹn, cố tâm nói dối, không thể chừa được, (nghĩa là kẻ không hổ thẹn), cố ý nói dối rồi, họ không làm nghiệp ác ấy nữa không được.
Này Rāhula! Ví như tượng mà nài voi đã luyện tập thuần thục quen vào chiến địa. Voi ấy ra trận hằng quấy nhiễu quân địch, bằng hai chân trước, hai chân sau, bằng thân trước, thân sau, bằng đầu, bằng hai ngà, bằng hai tai, bằng đuôi chỉ giữ thân mà thôi, bằng thái độ như vậy. Nài voi thấy rằng voi chưa hy sinh tính mạng với Đức Vua đâu. Này Rāhula! Trừ khi voi chiến vào trận bằng cách dùng tất cả tứ chi cho đến toàn thân thể, nài voi mới hài lòng rằng, voi chiến đã hy sinh với Đức Vua.
Này Rāhula! Đã gọi là tội rồi mà người có tính chất hay cố tâm nói dối thì không thể bỏ được. “Đó là nhân mãnh liệt của ngươi, ngươi nên tự hóa rằng ta sẽ không nói dối, dù là nói giỡn. Này Rāhula! Ngươi hãy tự chế như thế, cho kỳ được.” Này Rāhula! Ngươi nên hiểu yếu điểm của điều này, như thế nào “kiếng”[27] có lợi ích gì?
- Bạch Phật, có lợi để soi, trông nom.
- Này Rāhula! Nghiệp đáng cho người chú ý, điều tra rồi mới nên thực hành bằng thân, bằng khẩu, bằng ý, như thế.
1. Kāyakamma (thân nghiệp)
Này Rāhula! Thân nghiệp của ngươi nghĩa là ngươi mong sẽ tạo nghiệp nào bằng thân, ngươi hãy dò xét kỹ rằng thân nghiệp của ta tức là ta muốn sẽ làm việc ấy bằng thân, nếu thực hành để hại mình, hoặc hại kẻ khác hay hại cả mình và người, thân nghiệp ấy là ác, có khổ là chung kết (kết thúc) có khổ là quả, như vậy.
Này Rāhula! Nếu ngươi đã xem xét kỹ, được biết như vậy rằng: thân nghiệp của ta ao ước tạo nghiệp nào bằng thân, thực hành để hại mình hoặc hại người, hay hại cả mình và người, thân nghiệp ấy là ác, có khổ là chùng kết, có khổ là kết quả như thế.
Này Rāhula! Nghiệp thấy được như vậy, tuyệt nhiên ngươi không nên hành bằng thân.
Này Rāhula! Nếu ngươi đã khảo sát được biết rằng, thân nghiệp của ta tức là ta mong mỏi tạo nghiệp nào bằng thân, sẽ thực hành để không hại mình hoặc hại người hay hại cả mình và người, thân nghiệp ấy là lành, có vui là chung kết, có vui là kết quả như vậy.
Này Rāhula! Nghiệp như vậy, người nên hành bằng thân. Này Rāhula! Thân nghiệp của ngươi, dù ngươi đang làm bằng thân, ngươi hãy điều tra rằng: thân của ta tức là ta đang tạo nghiệp này bằng thân, thực hành để hại mình hoặc hại người hay hại cả mình và người, thân nghiệp là dữ, có khổ là chung kết, có khổ là kết quả.
Này Rāhula! Nếu ngươi khảo cứu và nhận rằng: Thân nghiệp của ta tức là tạo nghiệp ấy bằng thân, ta không thực hành theo để hại mình hoặc hại người hay cả mình lẫn người, thân nghiệp ấy là lành sẽ đem đến kết quả vui. Này Rāhula! Ngươi nên bổ sung[28] thân nghiệp ấy.
Nếu ta thực hành để hại người, hoặc hại mình hay hại cả mình lẫn người, thân nghiệp ấy là dữ sẽ đưa đến quả khổ.
Này Rāhula! Ngươi nên phổ cập giáo pháp trong phạm hạnh, bậc hiểu biết cao siêu. Khi đã thuyết rộng để đánh thức quần chúng rồi ngươi nên thu thúc tự chế đi.
Này Rāhula! Nếu ngươi nhận rằng, thân nghiệp lành sẽ đưa đến quả vui là đúng; ngươi nên phát tâm phỉ lạc, an vui và hồi tưởng trong thiện pháp ấy cả ngày lẫn đêm.
2. Vacīkamma (khẩu nghiệp)
Này Rāhula! Khẩu nghiệp của ngươi nghĩa là ngươi tạo nghiệp bằng khẩu; ngươi phải tìm xét rằng: Ta tạo nghiệp thực hành để hại người, hoặc hại mình hay hại cả mình lẫn người; khẩu nghiệp ấy là dữ sẽ đưa đến quả khổ. Này Rāhula! Nếu ngươi nhận thấy điều trên là đúng, tuyệt nhiên, ngươi chẳng nên hành khẩu nghiệp dữ ấy.
Này Rāhula! Nếu ngươi quan sát biết rằng: Ta không thực hành bằng khẩu để hại người, hoặc hại mình hay hại cả mình lẫn người, khẩu nghiệp ấy là lành sẽ đưa đến quả vui. Này Rāhula! Ngươi nên hành khẩu nghiệp lành ấy đi. Ngươi phải bổ sung khẩu nghiệp ấy như thế.
Này Rāhula! Ngươi nên thuyết rộng khẩu nghiệp lành để đánh thức các hàng phạm hạnh, bậc hiểu biết cao siêu. Khi đã phổ cập để đánh thức rồi, ngươi phải thu thúc, tự chế đi.
Này Rāhula! Toàn nhiên, ngươi phải phát tâm phỉ lạc, an vui và hồi tưởng trong các thiện pháp cả ngày lẫn đêm theo khẩu nghiệp ấy.
3. Manokamma (ý nghiệp)
Cũng như trên, chỉ đổi thân nghiệp hay khẩu nghiệp thành ý nghiệp.
Này Rāhula! Chư Sa-môn hay Bà-la-môn sinh ra lâu trong quá khứ đã tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp rồi, những Sa-môn và Bà-la-môn ấy cũng được quan sát rồi mới tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp, và ý nghiệp như thế thật.
Này Rāhula! Dù chư Sa-môn hay các Bà-la-môn nào sẽ sinh ra trong tương lai cũng sẽ tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp … chư Sa-môn và Bà-la-môn ấy cũng đã khảo sát rồi và sẽ tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp... như vậy thật.
Này Rāhula! Dù những Sa-môn và Bà-la-môn đã còn trong hiện tại cũng đang tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp... chư Sa-môn và Bà-la-môn vẫn tìm xét rồi đang tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp như vậy thật.
Này Rāhula! Vì thế ngươi phải tu học hồi tưởng rằng: Ta đã dò xét rồi tẩy thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp như thế cho được.
---
Thiên X. DO NHÂN NÀO CHÚNG SINH BỊ ĐỌA TRONG KHỔ ĐẠO VÀ ĐƯỢC LÊN NHÀN CẢNH
Bạch Đức Gotama! Do nhân nào, do duyên nào có những chúng sinh trong đời này, sau khi chết phải đọa trong khổ cảnh (cầm thú, a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục)? Bạch Đức Gotama! Do nhân nào, do duyên nào có hạng chúng sinh sau khi thác được lên nhàn cảnh?
Câu hỏi trên đây là lời của các Bà-la-môn và gia chủ ngụ tại làng Sāla, bạch hỏi Đức Thế Tôn, có ghi rõ trong kinh Saleyyakasutra Majjhimanikāya Mūlapaṇṇāsaka. Đức Thế Tôn bèn đáp đại khái rằng: “Này các gia chủ! Có loại chúng sinh trong đời này, sau khi chết hằng sa trong khổ cảnh vì sự hành vi bất hợp pháp và hành nghiệp bất chánh. Này các gia chủ! Có loại chúng sinh trong đời này, sau khi tan rã ngũ uẩn được lên nhàn cảnh, do sự hành động hợp pháp và tạo nghiệp chân chánh.”
Các gia chủ ấy nghe rồi, nhưng chưa đạt Phật lý, bèn bạch rằng: “Chúng tôi chưa thông hiểu được lời giải tóm tắt của Đức Gotama. Bạch cầu Ngài giải rộng thêm cho chúng tôi được lãnh hội.”
Theo lời hỏi ấy, Đức Thế Tôn bèn thuyết tiếp rằng: “Này các gia chủ! Có hạng chúng sanh trong đời này, sau khi thác hằng đến khổ cảnh (cầm thú,a-tu-la, ngạ quỷ, địa ngục) như vậy do sự bất hợp pháp và hành nghiệp bất chánh. Này các gia chủ! Có hạng chúng sanh trong đời này, sau khi chết thường được lên nhàn cảnh (người, trời) như thế vì sự hành vi hợp pháp và sự tạo nghiệp chân chánh.”
Những dân làng ấy nghe Phật ngôn rồi, nhưng vẫn chưa lãnh hội nên bạch rằng: “Thiện ngôn ấy Đức Phật Gotama thuyết khái lược (tóm tắt, đại lược), Ngài không giảng vi tế, chu đáo, chúng tôi chưa thông hiểu, cầu xin Đức Gotama thuyết thêm cho chúng tôi nhận thức được (nhận hiểu được nghĩa lý) và thấu rõ tỉ mỉ, theo lẽ ấy.
Đức Thế Tôn giảng tiếp rằng: “Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và tạo nghiệp bất chánh bằng thân có 3, bằng khẩu có 4, bằng ý có 3. Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và tạo nghiệp bất chánh bằng thân có 3 là. Này các gia chủ! Có hạng người trong đời này sát sanh không hổ thẹn tội lỗi, là người không từ bi đối với chúng sinh có thức tánh; thường trộm đạo của kẻ khác, tại trong nhà hoặc trong rừng gọi là đạo tặc; thường tà dâm với vợ con kẻ khác. Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và tạo nghiệp bất chánh bằng thân có ba như vậy.
Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp bằng khẩu có 4 là: có hạng người trong đời này thường nói dối, đi trong nơi đô hội, vào giữa thân bằng, trong quân binh, trong giữa tòa án v.v... có người hỏi đến thì đáp bằng lời không thật: có nói không, không nói có, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy v.v...; dùng lời xúi giục cho bất hòa nhau, được nghe bên này nói đến bên kia cho họ chia rẽ nhau, khiến người hòa thành bất hòa; nói lời thô lỗ làm cho người phải phiền muộn, bực tức sanh nóng giận; hay nói những lời vô ích, hoang đường, không hợp thời vô nhân quả, bất hợp pháp, vô căn cứ, không có lợi ích. Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và sự hành nghiệp bất chánh bằng khẩu có 4 như vậy.
Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và sự hành nghiệp bất chánh bằng ý có ba là: có hạng người trong đời này mong được tiền bạc và vật dụng không lựa chọn, nhìn chăm chăm của ấy với tấm lòng ước ao được làm sở hữu; có lòng oán thù, có ác tâm hãm hại kẻ khác đến chết hay làm tán gia bại sản; có ý kiến độc đoán, có sự hiểu biết lầm lạc rằng: Sự bố thí, sự cúng dường không cho quả lành, không có sự kết quả của các nghiệp. Đời này, đời sau không có, mẹ cha không có, chúng sinh sanh hoặc tử cũng chẳng có. Trong đời này chẳng có Sa-môn hay Bà-la-môn nào tu hành chân chánh cả, cũng không thấu triệt tâm chúng sinh trong đời này. Này các gia chủ! Sự thực tiễn không hợp pháp và sự hành nghiệp bất chánh bằng ý có 3 như vậy.
Này các gia chủ! Có hạng chúng sinh trong đời này, sau khi thác hằng vào đến khổ cảnh là do các nguyên nhân trên.
Này các gia chủ! Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng thân có 3, bằng khẩu có 4, bằng ý có 3. Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng thân có ba là: có hạng người trong đời này, không sát sanh, đã bỏ khí giới, có tâm từ bi, mong điều lợi ích cho chúng sinh; không trộm đạo, không đoạt tài sản kẻ khác để trong nhà hoặc trong rừng, gia chủ không cho thì không cầm lấy; không tà dâm phụ nữ có mẹ, cha, anh, chị, em, thân quyến và chồng trông nom gìn giữ.
Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng khẩu có 4 là: có hạng người trong đời này, không nói dối, bỏ sự nói dối rồi, bất cứ trong nơi nào, dù trong thân quyến, giữa tòa án v.v... nếu không biết nói không biết, biết nói biết, không có nói không có, thấy nói thấy, không thấy nói không thấy v.v…; không xúi giục người cho bất hòa cùng nhau, được nghe bên này, không đến nói bên kia, cho họ bất hòa cùng nhau, tránh sự gây chia rẽ, khuyến khích những người đã hòa nhau, vui thích khi đảng phái hòa nhau, luôn luôn thốt lời hòa giải nhau; không chửi mắng, không thốt lời thô lỗ, không tỏ lời bất nhã đến kẻ khác; không nói lời hoang đường vô ích, chỉ bàn về những chuyện hữu ích, ngay thật, có giá trị, nói theo Chánh pháp, theo giới luật, có căn cứ và hợp thời.
Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng ý có 3 là: có hạng người trong đời này, không tham, không mong được tiền bạc và vật dụng của kẻ khác, không nhìn chăm chăm của ấy với tấm lòng ao ước được làm sở hữu; không oán ghét, không làm hại kẻ khác, hằng cầu cho chúng sinh vô oan trái, đừng hãm hại lẫn nhau, đừng có khổ, cho được vui và hãy giữ mình đi; có chánh kiến: bố thí có phước, cúng dường có quả lành, kết quả của nghiệp dữ và lành có thật, tin có đời này, cõi sau, mẹ cha, chúng sinh tử rồi sinh, trong đời này có Sa-môn và Bà-la-môn, hạng tu hành chân chánh và thấu triệt chân lý.
Này các gia chủ! Sự thực tiễn hợp pháp và sự hành nghiệp chánh bằng thân có 3, bằng khẩu có 4, bằng ý có 3 như vậy. Này các gia chủ! Có hạng chúng sinh trong đời này, sau khi thác hằng sanh vào nhàn cảnh do sự thực tiễn pháp và sự hành nghiệp chánh như thế.
Này các gia chủ! Nếu người thực tiễn pháp, hành nghiệp chánh nguyện rằng: Sau khi chết sẽ thành vị vua hay đại phú gia. Có thể nguyện như thế được, cớ sao? Vì người thực tiễn pháp, hành nghiệp chánh ấy sẽ được như mong muốn.
Nếu người thực tiễn pháp, hành nghiệp chánh nguyện rằng: Sau khi thác sẽ trở thành bậc Bà-la-môn, triệu phú gia, vị trời trong cõi Đạo Lợi thiên cung, vị trời trong cõi Dạ Ma, vị trời trong cõi Đâu Suất Đà, vị trời trong cõi Lạc Hóa thiên, vị trời trong cõi Tha Hóa Tự Tại thiên, vị trời trong cõi Phạm Thiên hữu sắc, vị trời trong cõi Phạm Thiên vô sắc. Như thế cũng được, tại sao? Vì là sự thực tiễn pháp và sự hành nghiệp chánh. Hoặc nguyện rằng: Xin cho tôi sẽ đắc tâm giải thoát (cetovīmutti), trí tuệ giải thoát (paññāvīmutti), vô lậu phiền não (āsavakkhaya), nguyện như vậy cũng được, cớ sao? Vì người thực tiễn hợp pháp, hành nghiệp chân chánh, nhứt quyết sẽ được như ý.”
Sưu Tầm
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét