Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

NHÂN CHO SỰ GIÁC NGỘ

Câu hỏi: Kính bạch Ngài, xin Ngài từ bi, hoan hỷ cho con biết gieo nhân gì để được giác ngộ? Con xin thành kính tri ân!
Thiền Sư: Đức Phật đã dạy rằng để được giác ngộ, thứ nhất phải có một vị thầy, thứ hai là được nghe chánh pháp, thứ ba là có chánh kiến và thứ tư là phải thực hành. Đa số thiền sinh có được hiểu biết đúng về lời dạy của Đức Phật. Các thiền sinh thường dính mắc rất nhiều và thiếu sự thông minh nên tôi phải hướng dẫn họ làm thiện pháp và hành thiền để buông bỏ những sai lầm của việc không làm thiện pháp và hành thiền. Giữ giới, hành thiền định và thiền tuệ là thiện pháp, không giữ giới, không hành thiền định và thiền tuệ là bất thiện pháp.
Thực hành thiền định làm cho tâm trở nên an ổn, thực hành thiền tuệ hay thiền minh sát sẽ làm cho tâm ngày càng trong sáng và tự do khỏi sự dính mắc. Theo thói quen tự nhiên, tâm của chúng ta luôn bất ổn (phóng dật) và không trong sáng. Do thường xuyên không giữ giới, nên chúng ta cần trì giới, hành thiền định, thiền tuệ để tâm ổn định, trong sáng.
Nếu có một tâm thiện thì sẽ có một thiện pháp. Chúng ta không làm thiện pháp thì chúng ta sẽ làm bất thiện pháp. Tâm bất thiện sẽ tạo ra rất nhiều việc bất thiện, tâm thiện sẽ tạo ra nhiều việc thiện. Bởi vậy, chúng ta nên trì giới và hành thiền để giải quyết vấn đề của mình (không giữ giới, tâm phóng giật và bất thiện) bằng việc chấp nhận như nó là. Đó chính là chánh kiến trong việc giữ giới, làm thiện pháp và hành thiền. Chúng ta không nên vội vã để có được sự giác ngộ mà cần hết sức kiên nhẫn. Cần phải kham nhẫn trên con đường đi đến vinh quang của giác ngộ.
Vấn đề này liên quan đến thói quen xấu của tâm, chúng ta thường mất kiên nhẫn với mọi việc mình làm, không thể chờ đợi lâu. Để giải quyết việc này, chúng ta không nên chỉ hy vọng giác ngộ mà quên đi việc cần phải làm thiện pháp cùng hành thiền nhiều và liên tục hơn nữa. Tôi giúp thiền sinh và mọi người xả ly khỏi sự thật do tâm tạo. Đây không phải là một việc dễ làm nhưng kiên nhẫn thì sẽ làm được. Tôi không vội vã mà tôi làm thiện pháp và hành thiền suốt thời gian. Cũng tương tự, quý vị cần cùng tôi làm các thiện pháp và hành thiền hết lần này đến lần khác và đừng trông chờ vào quả giác ngộ. Mong chờ giác ngộ không phải là cách đúng đắn. Nếu không hội tụ đủ các nhân hay thiện pháp và hành thiền không đủ thì sẽ không có sự giác ngộ. Thiện pháp, hành thiền liên tục là nhân, giác ngộ là quả. Vì vậy, tôi đang hướng dẫn các thiền sinh và mọi người làm thiện pháp, hành thiền liên tục nhiều hơn mà không nắm giữ vào quả hiện tại. Hãy cố gắng là chỉ làm mà thôi, chỉ sử dụng mà thôi, chỉ kinh nghiệm mà thôi, chỉ biết mà thôi, không dính mắc gì cả. Nếu thật sự có khả năng làm được điều này thì chắc chắn giác ngộ sẽ xảy ra trong tương lai.
Điều quan trọng nhất để hiểu sự thật gốc và tự do khỏi mọi khổ đau, trước tiên là cần hộ trì các căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Nếu không hộ trì, kiểm soát các căn và đối tượng của 6 căn thì sẽ có rất nhiều dính mắc khác nhau trong các căn của chúng ta. Chúng ta không nên sử dụng các đối tượng này như chúng ta thích hay chúng ta không làm. Nếu sử dụng các đối tượng này như chúng ta thích, có thể gây ra sự dính mắc trong tâm.

Khi sự dính mắc ngày càng nhiều thì trí thông minh để hiểu về sự thật gốc sẽ dần ít đi. Chúng ta luôn sử dụng 6 căn này nên chúng ta cần sử dụng cẩn thận để không dính mắc. Thứ hai là tiết độ trong ăn uống. Nếu chúng ta ăn quá nhiều thì sẽ dẫn đến bệnh tật và các trạng thái tâm không được minh mẫn. Chúng ta luôn luôn sử dụng thức ăn nên chúng ta cần phải chánh niệm để sử dụng các loại thức ăn thích hợp với lượng vừa đủ. Việc này cũng quan trọng để xả ly khỏi việc sử dụng thức ăn. Thứ ba là việc hành thiền một cách liên tục và không giới hạn. Chúng ta nên cố gắng hành thiền và làm thiện pháp một cách không giới hạn. Việc này cũng rất quan trọng để hiểu được sự thật gốc và tự do khỏi mọi khổ đau. 
[AM, 21/6/2015]
(Thông dịch: Phật tử Lan Nanika)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét