Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Ý NIỆM VỀ LINH HỒN

Tất cả đều không có Linh hồn Chừng nào ta nhận thức rõ ràng điều ấy ta sẽ chán nản đời sống vô cùng, Đó là Thanh Tịnh Đạo. Dhammapada (279)

Theo nhà học giả uyên bác, tác giả quyển “The Riddle of Universe” (Sự Bí ẩn của Vũ trụ): “Biện chứng Thần Linh Học chủ trương có một Đấng Tạo hóa thổi vào con người một linh hồn bất diệt (linh hồn của con người thường được xem là một phần của một Đại Hồn của Tạo hóa). Đó là một câu chuyện thần thoại. “Biện chứng Vũ Trụ Luận cho rằng muốn tạo một thế gian điều hòa trong vòng trật tự tinh thần đạo đức, cần phải có một linh hồn trường tồn bất diệt. Đó là một giáo điều vô căn cứ. “Biện chứng Chung Quả Luận chủ trương rằng do sự tiến triển không ngừng của con người để cải thiện vận mạng mình, những khuyết điểm của linh hồn phải được cải tiến mãi mãi trong đời sống và sau kiếp sống.
Đó là một lối hiểu sai lầm của thuyết Sinh Vật Đồng Nhân (Anthropomorphisme) cho rằng tất cả sinh vật đều có những hành động và tư tưởng như người. “Theo Biện Chứng Đạo Đức Luận, những khuyết điểm và những tham vọng chưa được thỏa mãn trong đời sống phải được bổ khuyết và đền bù một cách công bình và vĩnh viễn sau đời sống.
Đó chỉ là một điều mong ước cuồng nhiệt. “Biện Chứng Nhân Chủng Luận cho rằng sự tin tưởng nơi tính cách bất diệt của linh hồn cũng như sự tin thưởng nơi một Đấng Tạo hóa là một chân lý cố hữu trong toàn thể nhân loại. Đó hiển nhiên là một sai lầm. “Biện Chứng Bản Thể Luận chủ trương rằng linh hồn đã là một thực thể vô hình và bất khả phân chia tất không thể bị liên quan đến sự vong hoại do cái chết gây ra. Điều này căn cứ trên quan niệm sai lạc của hiện tượng tâm linh, một ảo mộng của Duy Thần Luận. “Tất cả những biện chứng kể trên cũng như tất cả những giả thuyết tương tự về bản ngã đã lâm vào tình trạng nguy ngập trong vòng mười năm nay và đã bị khoa học chỉ trích và bác bỏ hoàn toàn. Một nhà Bác học khác, ông Hume, sau khi gia công tìm kiếm một linh hồn bất diệt đã viết trong quyển “Religion and Science” (Tôn giáo và Khoa học) như vầy: “Có vài triết gia tưởng tượng rằng trong mỗi chập tư tưởng chúng ta mật thiết nhận thức cái mà chúng ta gọi là Ta và chúng ta cảm giác rằng cái Ta có thật và thật sự tồn tại. Các triết gia ấy, ngoài sự hiển nhiên của mọi luận chứng, cũng quả quyết rằng cái Ta hoàn toàn không biến đổi và không thể phân chia. “Riêng về phần tôi, khi thâm nhập mật thiết vào cái mà tôi gọi là tôi thì luôn luôn tôi vấp phải một vài tri giác đặc biệt như nóng hay lạnh, sáng hay tối, thương hoặc ghét, vui hoặc buồn. Tôi chưa từng bắt được cái Tôi ngoài những tri giác ấy và tôi chưa hề chiêm nghiệm được cái gì ngoài tri giác …” Về vấn đề linh hồn, Giáo sư William James có viết trong quyển “Principles of Psychology” (Những Nguyên tắc về Tâm lý học, trang 351): “…Cái Ta (dùng như một túc từ, complément) là một sự kết hợp do kinh nghiệm cấu tạo với sự vật đã được biết một cách khách quan. Vậy cái Ta (dùng như một chủ từ, sujet) biết được sự vật ấy không thể là một sự kết hợp. Không thể dùng cái Ta ấy trong những mục tiêu thuộc về tâm lý và xem nó như một thực thể siêu hình không biến đổi, một linh hồn trường tồn bất biến cũng không thể xem nó như một nguyên lý, một bản ngã siêu việt vượt ra ngoài thời gian. Cái Ta chỉ là một tư tưởng biến đổi từng chập không một tư tưởng nào giống chập tư tuởng trước kế đó, nhưng luôn luôn thuận ứng theo chập tư tưởng trước để cùng chung hợp lại thành một tư tưởng riêng biệt. Trên hai ngàn năm trăm năm về trước, Đức Phật Gotama đã từng thuyết minh những điều này khi Ngài chu du hoằng pháp trong lưu vực sông Hằng (Gange). Phật Giáo dạy một thứ Tâm lý học trong đó không có tâm linh. Phật Giáo giải thích rằng con người do danh (nāma) và sắc (rūpa) cấu tạo và hai phần nầy ở trong một trạng thái luôn luôn biến đổi như một dòng suối trường lưu bất tức. Phần sắc (rūpa) gồm có những năng lực và đặc tính phát sanh do bốn yếu tố: Nghiệp (kamma), tâm vương (citta), sự biến đổi của vật chất (utu) và vật thực (ahāra). Sắc luôn luôn biến đổi, sanh rồi diệt từng chập và không ngớt. Danh là phần quan trọng nhất trong guồng máy vô cùng phức tạp của con người. Danh do 52 tâm sở hợp thành. Thọ (vedana), cảm giác, là một tâm sở. Tưởng (sanna), tri giác, là một tâm sở khác. Năm mươi tâm sở còn lại gọi chung là hành (sankhara). Những tâm trạng ấy đều phát sanh trong thức (vinnana). Bốn hiện tượng tâm linh ấy (thọ, tưởng, hành, thức) phối hợp với hiện tượng vật chất (sắc) tạo nên năm yếu tố là ngũ uẩn (panca khanda). Vật cấu tạo phức tạp ấy là con người. Cá tính của mỗi người đều do sự phối hợp của năm uẩn ấy. Để cho mọi người được hiểu dễ dàng, đôi khi Đức Phật gọi toàn thể tiến trình của những hiện tuợng tâm vật lý ấy là cái Ta (atta) vì đó là danh từ ước định đã được thông dụng. Thực ra, trong biến đổi của danh và sắc chỉ có sự tiến trình là đồng nhất (không biến đổi) mà không có vật chất đồng nhất (không có cái chi là trường tồn bất biến).

tin hay không tin có một linh hồn, Đức Phật giữ một thái độ mập mờ, không cương quyết. Sự kiện ấy không có chi là lạ. Dầu thông minh và học rộng đến đâu, ta cũng có thể tin nơi một Linh hồn bất hoại. Thật ra vai trò của lý trí có giới hạn trong việc tin hay không tin có một linh hồn trường cửu. Tuy nhiên, dầu lý trí xui ta tin hay không tin có một linh hồn, cũng phải chờ khi nhập lưu, đắc tầng đầu của bậc tứ thánh ‒ Tu-đà-huờn ‒ ta mới gội bỏ được ý niệm riêng của ta. Chừng ấy ta mới dứt được tà kiến và lòng tin tưởng nơi một linh hồn tự nhiên biến mất, không bao giờ trở lại. Chính do nơi hai nhận thức khác biệt giữa phàm và thánh vừa kể trên ‒ và Đức Phật đã dạy như vậy ‒ người có lý trí kết luận rằng ý niệm có một linh hồn là sai lầm. Ta không cần phải lên cao đến bậc Tu-đà-huờn mới có thể dứt bỏ được ý niệm sai lầm ấy. Nếu ý niệm linh hồn là đúng và thật có một linh hồn thường tồn bất diệt thì ra ‒ so với lời dạy của Đức Phật ‒ nguời phàm chúng ta đã sáng suốt hơn bậc Tu-đà-huờn; hơn cả các vị A-la-hán. Không thể được, vì Đức Phật đã dạy ta con đường tiến hóa lên từng bậc và khi lên một bậc, trình độ hiểu biết cũng tăng lên một mức. Trình độ hiểu biết nói đây là là kết quả của sự trưởng thành hơn là của lý trí. Theo Phật Giáo, sự trưởng thành của một chúng sanh từ phàm đến thánh là một tiến trình hết sức chậm chạp. Không thể có sự đốt giai đoạn, không thể có những bước tiến nhảy vọt, không thể có những tiến bộ giả tạo. Nói cho đúng, ta phải đo thời gian bằng vô ngần chu kỳ (eons). Tuy nhiên, Phật Giáo không phủ nhận có sự thay đổi mau lẹ từ phàm ra thánh như trường hợp tên tướng cướp sát nhân Angulimala đột nhiên trở nên một vị A-la-hán. Nhưng sự thay đổi mà ta thấy mau chóng kia chỉ là một biểu hiện phát lộ ra ngoài.

Chúng ta là những quan sát viên phàm tục, chỉ thấy sự thay đổi trước mắt mà không thấy được quá trình của Angulimala trong dĩ vãng, cái khả năng chứng đạo quả của một người như Angulimala đa tiềm tàng nằm sẵn trong bản tính của Ngài, chỉ chờ có ai gọi đến là xuất hiện thành một thực lực. Chỉ có Đức Phật là có đủ uy lực để gợi lên một tiềm năng như vậy. Vì lẽ đó, ta thành kính tôn Ngài là bậc Anutaro purisadhamma sarathi (Vô thượng điều ngự trượng phu). Đôi khi chúng ta cũng quên những lý do thúc đẩy người có ước vọng trở thành Phật phải luôn luôn cố gắng trong vô lượng kiếp, để thành tựu mục tiêu. Chắc chắn không phải các Ngài cố gắng như vậy để tìm ra một học thuyết mới hầu thỏa mãn nhu cầu trí thức hay để tạo nên những vấn đề bàn cãi cho giới học giả. Lý do duy nhất là các Ngài cố tìm cho ra con đường giải thoát cho mình và giúp kẻ khác ra khỏi vòng sanh tử, khỏi cảnh trầm luân. Đức Phật giúp ta bằng Giáo lý của Ngài. Pháp của Ngài (Dhamma), trường tồn vĩnh viễn, là con đường giải thoát mà các vị Phật Tổ khác đã dạy trước Ngài. Lý vô ngã (annatta), nằm trọn vẹn trong Pháp ấy. Giáo thuyết vô ngã không phải cái chi chỉ để thỏa mãn lý trí mà là một thực tế. Chân lý vô ngã là cái chi mà hàng phàm tục như chúng ta chỉ có thể dùng lý trí nhận thấy thoáng qua nhưng mà các bậc thánh thì chứng nghiệm một cách đích xác.
Ananda Pereira
SỐNG TRONG HIỆN TẠI

0 nhận xét:

Đăng nhận xét