Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2017

CẦN VÀ MUỐN

Mỗi chúng ta đều ở trong một cộng đồng và phải sử dụng hay làm việc trong đó. Chúng ta phải sử dụng phương tiện hay vật dụng trong đời sống. Và ở kiếp này, chúng ta hiểu rằng khi làm và có được một cái gì đó, chúng ta không chỉ sử dụng cho bản thân hay gia đình của mình, mà còn giúp đỡ những người khác. Bởi vì họ cũng cần sử dụng đến. Chẳng những thế, chúng ta còn cần tạo thêm nhiều thiện pháp đối với Ân Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Tài sản như đất đai, nhà cửa,… không phải chỉ để cho riêng mình, chúng ta cần sử dụng cho Pháp Bảo và những người khác nữa.
Thực hành Pháp cũng vậy, Pháp Bảo cũng chỉ là phương tiện để chúng ta sử dụng trong việc thực hành. Những gì chúng ta làm ra không chỉ để cho cá nhân mình mà còn cần làm cho giáo pháp. Chúng ta hướng đến Tam Bảo, những người cần sự giúp đỡ. Khi có tài sản và sự giúp đỡ như vậy, chúng ta không có dính mắc vào đó. Khi thực hành Pháp, chúng ta không nghĩ đến việc sử dụng cho riêng bản thân mình mà phải sử dụng cho người khác. Có tài sản, chúng ta sử dụng nó. Cũng vậy, mục đích sử dụng đối với giáo pháp là gìn giữ ba ngôi Tam Bảo và giúp đỡ người khác. Khi sử dụng tài sản cho mục đích tốt đẹp, nếu không biết cách dùng thì nó lại không đem lại ích lợi. Sử dụng tài sản vào mục đích chân chính sẽ giúp chúng ta tạo ra các hành động thiện cho mình. Với sự không hiểu biết, không có thực hành và không có chánh niệm, chúng ta sử dụng tài sản của mình cho mục đích riêng. Đa phần mọi người trên thế giới khi có được điều gì đó đều chỉ dùng cho mục đích cá nhân. Không có hiểu biết nên chúng ta dính mắc vào tài sản của mình có, chúng ta không thể chia sẻ tài sản cho những người khác.
Nếu cho rằng “tài sản do tôi làm ra thì tôi phải sử dụng nó” thì đây là tâm bất thiện, dính mắc vào tài sản. Không có hiểu biết thì các vấn đề sẽ khởi sinh giữa những người sống trong cùng một cộng đồng xã hội, thậm chí ngay cả chúng ta cũng sẽ gặp rất nhiều rắc rối. Bởi ở trong quá khứ, chúng ta đã có sự hiểu biết sai lệch, hiện tại quả bất thiện đến với chúng ta. Với hiểu biết sai lạc, chúng ta làm sai và các vấn đề xảy ra. Do vậy thận trọng trong từng hành động là rất quan trọng. Vì khi chúng ta hiểu sai, thấy sai, làm sai, mọi rắc rối sẽ nảy sinh trong đời sống, con người và ngay chính trong bản thân chúng ta.
Tôi bắt đầu hành thiền vào năm 1999, lúc đó tôi chưa xuất gia. Tôi cũng làm ra của cải, sử dụng tài sản của mình. Đa phần chúng ta nghĩ tài sản do mình làm ra và phải sử dụng cho chính ta, không được dùng vào những việc như cúng dường, hỗ trợ người khác. Vì không thực hành nên chúng ta hiểu sai, chấp giữ tài sản cho riêng mình mà không muốn sẻ chia. Sự thực hành giúp chúng ta hiểu đúng là chỉ nên sử dụng tài sản như những phương tiện thôi, sử dụng cho người khác, cho những mục đích tốt đẹp khác.
Ở thời đó, trường thiền và thiền sinh còn rất hiếm hoi. Khi không có sự thực hành, chúng ta chấp thủ vào tài sản, chỉ để dùng cho mình và gia đình, không nghĩ đến người khác đang cần được giúp đỡ. Chúng ta không nghĩ về Tam Bảo, đến việc làm thiện pháp đối với Tam Bảo, vì chúng ta dính mắc vào gia đình, chỉ biết đến gia đình mình thôi. Lúc còn là cư sĩ, tôi thọ trì giới, nghe và thực hành Pháp. Chính điều này làm tôi hướng tâm đến ngôi Tam Bảo, nghĩ mình phải làm gì đó cho ngôi Tam Bảo, và muốn giúp đỡ những người khác.
Cố gắng trau dồi những việc thiện (bố thí, trì giới, hành thiền), nếu không làm chúng ta sẽ không bao giờ biết được. Nhưng nếu làm thì các vấn đề rắc rối của chúng ta và với những người trong gia đình, công việc, quốc gia sẽ giảm thiểu, sự hiểu biết sẽ tăng dần. Mỗi hành động được làm với sự cẩn trọng ở hiện tại sẽ là nhân thiện cho ra quả lành. Vì thế, bất cứ hành động nào khi làm, chúng ta cũng cần thận trọng và để tâm. Khi không có được hiểu biết đúng, chúng ta nghĩ rằng mình là tốt và công việc của mình cũng rất tốt, không có việc gì xảy ra cả. Chúng ta nghĩ như vậy vì có hiểu biết sai. Nhưng khi công việc gặp trở ngại, có sai lầm xảy ra, chúng ta lại nghĩ rằng “tôi và công việc của tôi không được tốt đẹp”. Suy nghĩ về “tôi” này và dính mắc vào đó là do hiểu biết sai lệch.
Nếu quá khứ chúng ta thận trọng thì quả trổ ở hiện tại chúng ta cũng không có vấn đề gì bởi đã có hiểu biết chân chánh. Do đó, sẽ có sự đối lập như khó khăn hay dễ dàng, có thể làm hay không thể làm, có thể hiểu hay không thể hiểu, muốn làm hay không muốn làm. Trong việc thọ trì giới, bố thí, hành thiền, tất cả thiện pháp của chúng ta đều phải cẩn trọng, và không bao giờ ngừng làm thiện pháp. Giảng giải về pháp, đó là việc thiện. Tuy nhiên, có những người rất khó nắm bắt, nhưng cũng có người lĩnh hội một cách dễ dàng. Có thể tôi không biết cách truyền đạt để quý vị nắm hết được.
Tất cả những gì dễ hay khó, giảng được hay không giảng được, tất cả những cái đó chỉ cùng bản chất mà thôi. Khi chúng ta thấy cần, chúng ta sẽ cố gắng. Khi cố gắng, chúng ta sẽ làm được. Với sự thực hành, chúng ta sẽ thấy rõ ràng. Chúng ta muốn làm nhiều việc hay không muốn làm gì thì đó cũng chỉ là bản chất của Pháp, chẳng có ai ở đó cả. Việc hiểu hay không hiểu, làm hay không làm, nó chỉ diễn ra như là nó mà thôi, không một có thực thể nào cả. Trong cuộc sống, quá quan tâm đến việc mình làm hay người khác làm, sẽ có nhiều vấn đề “tôi muốn làm, tôi không muốn làm, người đó muốn hay không muốn làm”.
Khi có hiểu biết, muốn hay không muốn làm gì chúng ta sẽ hiểu rất rõ. Chúng ta tự tìm thấy mình qua việc thực hành, chúng ta sẽ hiểu rõ bản thân hơn. Có thể nói rằng, nếu thiền sinh không tự tìm thấy được chính mình mà lại thấy người khác thì có nghĩa là họ đã không có hiểu biết đúng. Chỉ khi nào chúng ta tìm thấy chính bản thân mình, lúc đó chúng ta sẽ hiểu được ta cũng như người khác. Bằng sự thực hành này, chúng ta sẽ dần hiểu và làm được.
Khi có cái hiểu, chúng ta sẽ thấy chỉ có sự làm, chỉ có kinh nghiệm và chỉ sử dụng mà thôi. Thông thường, chúng ta chỉ chăm sóc cho mình và gia đình vì chúng ta dính mắc với điều gì đó ở mình và gia đình. Thực tập bố thí hay hành thiền là chúng ta thực hành cho rất nhiều người, vì khi đó phải hướng đến người khác. Hành thiền chúng ta sẽ dần có hiểu biết đúng, có hiểu biết đúng sẽ không có dính mắc vào việc làm cho mình hay cho gia đình mình. Trì giới, tham thiền là những hành động không chỉ (đem lại lợi ích) cho mỗi cá nhân, gia đình mà còn cho rất nhiều người khác. Và không phải làm chỉ cho mình mà cho những người đang cần giúp đỡ nữa.
Hiểu biết đúng sẽ thấy rằng chỉ có sự làm, sẽ thoát khỏi sự dính mắc trong bất kỳ hành động nào. Điều này rất quan trọng. Hãy để sự việc xảy ra một cách tự nhiên, đúng sai, tốt xấu, tất cả chúng xảy ra theo bản chất của chúng mà thôi. Chúng ta hãy để các pháp sinh khởi tự nhiên, không phân tích, đánh giá tốt xấu hay như nào cả, nó chỉ là bản chất sanh khởi và hoại diệt. Khi thấy đúng thì tâm thiện sinh khởi, khi không chấp nhận sự việc, có sự khó chịu, thì đó là tâm bất thiện sinh khởi. Pháp thực sự là gì? Đó chính là tiến trình sinh và diệt của danh và sắc, đó mới là sự thật. Khi chúng ta cho rằng “tôi, chúng sanh, con người, đàn ông, đàn bà” hay các khái niệm “của tôi, của anh” là thật, đấy là tà kiến. Loài vật không biết và không làm các điều thiện. Còn con người có thể tự tạo thiện nghiệp cho chính mình và người thân hay cho mọi người. Con người khi làm việc gì đó có thể hướng tâm đến Tam Bảo hay người khác, việc này chỉ con người mới có cơ hội làm.
Khi làm những hành động thiện này, chúng ta có thể nói rằng con người có thể làm được việc này, chỉ để làm mà thôi. Chỉ làm cho mình và người thân mà không hướng tâm đến mọi người cũng giống như loài vật chỉ biết đến nó và gia đình nó vậy. Như thế là dính mắc, là tâm bất thiện. Đức Phật dạy rằng, trong 100 ngàn người thì chỉ có một người tái sinh ở cảnh giới an vui, số lượng còn lại rơi vào cõi khổ như địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, atula. Khi tạo hành động thiện, mà chúng ta không sử dụng vào mục đích tốt đẹp thì chắc chắn chúng ta sẽ rơi vào cảnh giới súc sanh. Nếu dính mắc mình sẽ tái sinh thành các con vật như con chó giữ nhà, canh giữ tài sản khỏi bị đánh mất. Khi thực hành đúng Pháp, chúng ta sẽ thấy không có ai hết, không có nam nữ, chỉ có nhân quả hoạt động.
Với hiểu biết đúng này, chúng ta sẽ không còn dính mắc vào bất kỳ đối tượng nào, chúng ta chỉ thấy một chuỗi nhân quả đang hoạt động. Vì có nhân nên có quả sanh khởi. Ngay kiếp hiện tại, khi chúng ta nhìn thấy điều không tốt xảy đến với mình và người khác. Nếu hiểu đúng, chúng ta sẽ biết rằng vì quá khứ đã có những nhân bất thiện nên hiện tại cho ra những quả bất thiện. Với sự hiểu biết đúng, chúng ta cũng thấy được chính mình và người khác, thấy được nhân bất thiện đã gieo nên phải gặt quả xấu. Nếu trong quá khứ chúng ta để tâm và cẩn trọng trong từng hành động, chúng ta làm nhiều điều thiện thì chắc chắn trong hiện tại sẽ cho nhiều quả lành tốt đẹp.
Thường thì chúng ta có những tư tưởng sai lạc như “tôi có cái này, anh ta có cái kia, vật này của tôi, vật kia của bạn”… khi chấp vào “tôi” là chúng ta đã hiểu sai. Làm với hiểu biết chân chánh, chúng ta chỉ thấy có hành động làm, cho dù nó xảy ra theo nhân duyên của nó, nó có tốt hay xấu cũng chỉ là bản chất (của pháp) mà thôi, chúng ta không dính mắc. Khi có việc sanh khởi, chúng ta có thể tìm nguyên nhân mà mình đã làm. Những hành động bố thí, trì giới, tham thiền cần được làm với tác ý không chỉ cho mỗi người mà còn cho mọi người. Làm với tác ý chân chánh như vậy, chúng ta phải hướng tâm đến sự dứt bỏ. Khi làm thiện cho người khác với hiểu biết đúng, chúng ta sẽ thấy từng hành động của mình sanh khởi và diệt đi, khi đó ta thấy được Khổ đế hay Sự thật của khổ. Mỗi chúng ta ai cũng có thể làm được như vậy là điều rất tốt đẹp. Làm việc mà chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân hay cho người thân của mình là chúng ta đang tạo nhân bất thiện. Chỉ sử dụng cho riêng mỗi chúng ta, thỏa mãn nhu cầu ăn uống của mình cũng như gia đình thì tâm bất thiện sanh khởi.

Bố thí, trì giới, tham thiền là các nhân thiện. Điều thiện lớn nhất khi làm các việc thiện này là không có sự dính mắc, chúng ta chỉ thấy có danh sắc và tiến trình sinh diệt của nó. Khi làm chúng ta biết rằng chỉ là làm, chỉ để sử dụng mà không có ai ở đây. Không có nam, nữ, người này, người kia, chỉ có tiến trình sanh diệt là bản chất thật của Pháp, đó là điều thiện tối hậu nhất. Một hành động trọn vẹn là một hành động được làm với chánh niệm tỉnh giác, có hiểu biết đúng, và không có dính mắc ở đó. Với hiểu biết đúng của mình, khi làm bất cứ việc gì chỉ hay biết đơn thuần là làm, là sử dụng, không có dính mắc thì chúng ta mới có sự hiểu biết đúng thật sự. Đó là Pháp thực sự. Tôi mong rằng tất cả chúng ta được tái sinh trong kiếp người này đều cố gắng thực hiện các việc làm với sự hiểu biết chân chánh. Với hiểu biết chân chánh chúng ta sẽ chấm dứt được khổ đau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét