SÁCH: TUYẾT GIỮA MÙA HÈ - SAYADAW U.JOTIKA - CHƯƠNG V | Thiền Giữa Đời Thường

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

SÁCH: TUYẾT GIỮA MÙA HÈ - SAYADAW U.JOTIKA - CHƯƠNG V



CHƯƠNG V: Học hỏi và dạy dỗ
Có cái gì ở đó để mà tin? Cuối cùng thì có cái gì ở đó để mà sống vì nó? Hãy thường xuyên tự hỏi mình những câu hỏi đó. Đừng vội vàng tìn câu trả lời.
Phản ứng làm chúng ta tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Khi mình yếu ớt, bất cứ một suy nghĩ tiêu cực nào
cũng đủ làm cho mình kiệt sức.
Chính phản ứng của tâm bạn thiêu đốt bạn đến kiệt quệ. Hãy quan sát và buông bỏ. Mọi thứ trong cuộc đời tôi trở nên tốt đẹp hơn bởi vì tôi không phản ứng. Tôi đã vô cùng nhẫn nại.
Quá vội vàng đạt kết quả có thể lại là
can thiệp vào tiến trình phát triển của mình.
Hãy làm những việc đúng đắn và kiên nhẫn chờ đợi.

Tôi nói năm nay tôi đã thay đổi rất nhiều, rất khác; tôi nghĩ đó là vì tôi không còn quá quan trọng về kết quả tu tập nữa.
Khi chúng ta còn chưa thể chấp nhận được là mình chỉ có một mình, chưa thể tự đứng trên đôi chân của mình, thì chúng ta vẫn chưa thể có được một quan hệ lành mạnh, ý nghĩa với người khác. Mối quan hệ phụ thuộc, lợi dụng và thao túng nhau chẳng có chút ý nghĩa nào và không thể tồn tại lâu dài. Một quan hệ tốt đẹp là rất hiếm, ngay cả trong cùng một gia đình.
Chúng ta cứ nghĩ rằng mình biết cái gì là tốt, và bởi vì nghĩ mình biết cái gì tốt, chúng ta nghĩ mình cũng tốt. Nếu không biết được mình xấu xa đến mức nào, thì chúng ta vẫn không thể nào sống một cách thực tế được. Bạn có luôn luôn chánh niệm không? Hầu như lúc nào bạn cũng nghĩ “sao người ta xấu xa thế”.
Tôi biến đau khổ trở thành có ý nghĩa.
Tôi vui vì thấy hiểu biết của mình về cuộc đời ngày càng trở nên thực tế hơn.
Tất cả chúng ta ít nhiều đều lý tưởng hóa cuộc sống.
Bạn có thể nhìn cuộc đời mình không qua bất cứ một góc nhìn tôn giáo nào được không?
Bạn cay đắng nhưng vì không thể thể hiện sự cay đắng của mình nên bạn uất ức.
"Hầu hết tất cả mọi người đều vật lộn dưới hình thức này hay hình thức khác để xây dựng hoặc bảo vệ hình ảnh của riêng mình, và cái cảm giác có ý nghĩa của một con người.
Cái tốt tạo ra sự đòi hỏi đối với chúng ta, và những kẻ ngây thơ vẫn tin rằng con người ta chỉ đơn giản là yêu cái tốt. Đó là một trong những ảo tưởng nguyên thủy nhất của chúng ta.
 Thêm vào đó ngây thơ là một nguyên nhân của sự bất lực. Một trong những vấn đề của chúng ta là phải thiết lập giới hạn lợi ích mà những kẻ ngây thơ được hưởng từ sự bất lực đó. Vấn đề là sự ngây thơ đó được sử dụng như một cách sống đầy tính toán đến mức như thế nào?”
                                                                             ROLLO MAY 
Tôi không ngây thơ: tôi biết mình có cả tốt lẫn xấu.
Tôi đã nói chuyện với rất nhiều người trong cả một thời gian dài vừa qua. Tâm tôi tăng tốc độ - tôi nghĩ nhanh và nói nhanh. Cái tốc độ này rất không tốt; nó làm cho tâm tôi xáo động.
Nhưng bây giờ thì tôi đã được ở nơi đây, thật tĩnh lặng và bình an. Tôi cần phải kết nối với sự tĩnh lặng sâu thẳm trong tim mình. Quá quan tâm đến những công việc thế tục làm cho con người ta ít quan tâm đến ý nghĩa đích thực của cuộc đời. Tôi đang sống cho cái gì đây?
Đối với tôi độc cư rất cần thiết để kết nối với con người sâu kín nhất bên trong của tôi.
Nếu chúng ta không chạm tới được
và hiểu được con người của chính mình,
làm sao chúng ta có thể hiểu được người khác?
Không kết nối và hiểu được chính mình là
 nguyên nhân khiến mình không thể hiểu được người
 khác, đó là lý do hầu hết tất cả mọi người đều cô đơn.

Hôm nay trời nắng ráo. Cây cối đã lớn lên khá nhiều. Nơi đây giờ rất râm mát. Bụi tre có thêm nhiều ngọn măng lớn, trông rất khỏe và rất đẹp; chúng lớn nhanh thật. Chúng có rất nhiều sức mạnh, sức mạnh sinh trưởng.
Chim chóc hót vang; tiếng chim bồ câu gù từ những ngọn cây xa xa; mấy con chim nhỏ đang ríu rít; mấy con khác thì đang hót thật ngọt ngào. Chúng thật vui vẻ quá. Và tiếng gió trên đầu ngọn cây – thật êm dịu với trái tim và tâm hồn làm sao. Một con bướm rất đẹp đang lượn qua lượn lại.
Bạn có thích nhạc cổ điển không? Khi còn trẻ tôi nghe rất nhiều nhạc cổ điển. Tôi vẫn còn nhớ vài bản. Có thể bạn sẽ cảm thấy lạ lùng khi nghe tôi nói về nhạc cổ điển: Mozart, Chopin, Strauss, Beethoven, Rachmanivov… Hãy kiếm lấy mấy đĩa hay nhất ấy: rất nên thơ và sâu sắc. Nếu bạn có thể kiếm được bản Nocturne của Chopin, hãy nghe mà xem: nó sẽ nói cho bạn hay về cuộc đời.
Suy nghĩ tạo ra vô số vấn đề.
Ấy thế mà chính nó lại cố gắng đi tìm cách
 giải quyết vấn đề.
Những vấn đề tưởng tượng và những giải pháp
tưởng tượng. Cứ xoay vần mãi như vậy.
Càng thất niệm bạn sẽ càng mê mờ, u tối.
Tôi đang đọc cuốn KÝ ỨC, GIẤC MƠ VÀ SUY NGHĨ của Carl Jung lại lần nữa. Có lần bạn đã viết thư cho tôi nói về cuốn này. Tôi muốn bảo bạn hãy đọc những trang 33-34, 44-45 mà xem. Tôi cũng có cảm nhận rất rõ về hai con người khác biệt nhau trong mình, tôi cảm nhận được điều đó từ khi còn rất trẻ. Mặc dù cha mẹ tôi sinh ra cái thân này của tôi, nhưng tôi già hơn cha mẹ tôi rất, rất nhiều. Tôi nói điều đó với T.T bởi nếu không nó sẽ không thể hiểu được tôi. Lúc đầu tôi không thể hiểu được tại sao mình lại có những nhất định nào đó. Khi tôi ý thức được về cái “tôi già” đó, thì nó trở nên rõ ràng: “tôi già” hiểu rằng cuộc đời rất ngắn ngủi. Có những việc cần phải làm. Hiểu biết sâu sắc mang lại sự thỏa mãn lớn hơn nhiều những “phút vui rẻ tiền”. Sống một cuộc đời ý nghĩa là điều quan trọng nhất. Tôi dự tính sẽ dạy dỗ cho các con gái tôi. Tôi nói vậy nghĩa là tôi sẽ dạy chúng về: Cuộc đời, Tâm, Mối quan hệ, Sự giao tiếp, Thái độ chân chánh, Ý nghĩa, Sự trưởng thành, Đấu tranh và trên tất cả: Chánh niệm về tâm mình. T.T quan sát tâm mình rất tốt. Chính vì vậy nên mọi việc trong cuộc đời nó trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều. Chúng tôi là những người bạn rất tốt của nhau. S.S cũng ngày càng hiểu biết hơn về các cảm xúc và tình cảm của mình. Nó cũng đang thực hành phương pháp thiền thư giãn.
Tôi cầu xin bạn hãy kiên nhẫn với tất cả mọi thứ chưa được giải quyết trong tâm mình và hãy cố gắng yêu thích chính bản thân những câu hỏi, như thể chúng là những căn phòng khóa cửa hay những cuốn sách viết bằng một loại ngôn ngữ lạ. Đừng tìm kiếm câu trả lời, nó chưa thể đến với bạn ngay bây giờ đâu, bởi vì bạn chưa thể sống với nó. Và vấn đề là bạn phải sống với tất cả mọi thứ. Hãy sống với câu hỏi bây giờ. Rồi có thể, một ngày xa xôi nào đó ở tương lai, bạn sẽ dần dần sống với con đường đi vào tương lai của mình mà thậm chí cũng chẳng hề nhận ra điều đó nữa”.
                                         RAINER MARIA RILKE[48]
Đoạn văn ấy quá hay phải không? Thật ý nghĩa và sâu sắc biết bao.
Thái độ chân chánh là rất quan trọng
khi làm mọi việc. Hãy cố gắng tìm hiểu xem
thế nào là thái độ chân chánh.
Làm việc với thái độ chân chánh là đang thúc đẩy
sự phát triển. Chỉ làm những việc thích hợp và
 đúng đắn mà không quá quan tâm đến kết quả.

Tôi mãi mãi là một người học hỏi[49]. Tôi sẽ không bao giờ là một bậc đạo sư, nhưng tôi sẵn sàng chia sẻ những sự học hỏi của mình, điều đó không có nghĩa là dạy dỗ.
Bạn nói ăn măng không tốt cho sức khỏe. Tôi thấy bạn nói đúng đấy. Vì vậy tôi tránh không ăn măng nữa. Tôi cho rằng nó không tốt cho sức khỏe (ít nhất là đối với tôi); nhưng tôi không chỉ trích măng tre đâu. Tôi không ghét măng, chỉ tránh không ăn thôi, mặc dù tôi thích chúng lắm. Tôi không tìm lỗi của chúng. Tôi nói với các bạn tôi là ăn măng khó tiêu lắm, những người tiêu hóa kém ăn vào không hợp đâu.
Không có sự trung thực tuyệt đối,
 sẽ không có cơ hội để thấy được chân lý.
Thiếu trung thực sẽ che mờ tâm trí.
Bất cứ người nào có xu hướng đi cải hóa người khác, kẻ đó sẽ trở thành một mối họa, một kẻ dối trá. Bất cứ người nào mong muốn có được đệ tử, kẻ đó chỉ là một diễn viên, một kẻ hành nghề kinh doanh biểu diễn[50]. Thế giới này nhan nhản những bậc đạo sư như vậy, những kẻ chỉ muốn trưng ra một màn diễn thật xôm cho thiên hạ nhìn.
Có một nơi nào không cần đi mà vẫn đến được không nhỉ?
Thực hành Pháp là việc sống cuộc đời mình
 như thế nào, không phải là ở trong sách vở.
Nếu bạn không hiểu cuộc đời bạn, tức là không hiểu những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại này, bạn không thể hiểu được Pháp, dù có bao nhiêu kiến thức sách vở chăng nữa. Không hiểu biết cuộc đời mình, thì đàm luận Pháp cũng chỉ là một trò chơi trí óc mà thôi.
Một số người nghĩ rằng chỉ cần hiểu biết về mặt lý thuyết cách thức vận hành của sự việc nào đó, là coi như đã hiểu rõ tất cả về nó rồi. Còn xa mới đến sự thật.

Không lý thuyết nào có thể giải thích được cách
thiên nhiên vận hành ra sao.
Tất cả mọi sự giải thích về lý thuyết đều là
 rời rạc, chắp vá.
Thật là chán khi phải nói chuyện với những người không biết chính mình, những người chỉ nói từ sách vở, không biết nghi ngờ, bất cứ cái gì cũng mù quáng tin theo. Thậm chí nói chuyện với anh A… cũng chán ngắt mặc dù anh ta dễ mến và rất ngây thơ. Tôi đã hết ngây thơ rồi.
Người xem bản đồ thường có nhiều cách hiểu rất khác nhau về quang cảnh thật trên thực địa. Bản đồ thì rất hữu ích, không có bản đồ bạn có thể bị lạc đường, nhưng bạn phải tự mình bước đi và khám phá để hiểu được cái được vẽ trên bản đồ trông như thế nào trên thực tế, và hai hình ảnh này thường rất khác nhau, mặc dù chúng có liên quan với nhau. Có sự khác biệt lớn giữa bản đồ và con đường thực tế: bản đồ chỉ là một phiên bản giản lược của thực tế mà thôi.
Tôi nghĩ cách tốt nhất để chuẩn bị cho mình trở thành một người thầy là hãy làm sâu sắc sự hiểu biết về Pháp của bạn. Nếu thật sự say mê trong Pháp, bạn sẽ có đủ động lực để đi sâu khám phá, không bao giờ ngừng nghỉ chút nào. Đừng bao giờ thỏa mãn và dừng lại, cho đến khi bạn chạm tới được phần cốt lõi sâu nhất của nó. Bạn biết không, một trong những nguyên nhân khiến Phật Pháp suy đồi là có những người thầy thiếu kinh nghiệm cả về học lẫn hành đi thuyết dạy Pháp.
Quá vội vàng để làm thầy có thể là một trở ngại rất lớn đối với việc tu tập của bạn. Nếu muốn làm thầy, bạn phải là một người sáng tạo. Chỉ có mỗi việc học ở chỗ này rồi đi dạy lại ở chỗ kia thì không đủ. Bạn phải hiểu mọi người, hiểu cuộc sống của họ, những vấn đề của họ, khả năng và thiên hướng của họ, và rồi phải biết cách nói để họ có thể hiểu và áp dụng được. Giúp họ hiểu ra vấn đề của họ từ cách nhìn thuận Pháp. Hướng dẫn họ một cách dần dần để họ có thể thấy ra được bản chất thực sự của chính cuộc đời họ, bản chất thực sự của các kinh nghiệm[51]. Để làm được điều đó, đầu tiên bạn phải hiểu rõ cuộc đời mình và các kinh nghiệm của mình, những vấn đề, những nỗi đau khổ, sự hạnh phúc, niềm vui và hy vọng, thực ra là phải hiểu toàn bộ mọi mặt cuộc sống của bạn. Vì vậy, việc đầu tiên là phải hiểu chính mình, rồi sau đó mới đi giúp người.
Bạn cũng cần phải hiểu rằng Pháp là
 quy luật phổ quát của thế gian;
Không bao giờ trở thành lạc hậu.
Nó phù hợp với tất cả mọi nền văn hóa.
Tôi đã từng nghe nhiều vị thầy xuyên tạc Giáo Pháp để hợp khẩu vị với cách sống của họ nhằm thu hút được nhiều tín đồ. Xuyên tạc Pháp thì chẳng còn gì là Pháp nữa cả. Họ không có đủ can đảm để sống với sự thật, họ không hiểu được thế nào là tâm thiện và thế nào là tâm bất thiện. Bạn không thể biến một tâm bất thiện trở thành một tâm thiện được, cho dù bạn được sinh ra ở bất cứ một nền văn hóa nào.
Vì vậy, bạn cần phải có rất nhiều can đảm để
 chấp nhận sự thật (chân lý), thấy sự thật,
thực hành sự thật và nói sự thật.
 Tôi chỉ có thể hoặc là dạy sự thật, hoặc là không dạy một cái gì hết. Không có kiểu dạy lý thuyết suông, nhạt phèo như nước ốc. Nhưng trước hết tôi phải chính mình thấy sự thật và sống với nó.
Vô thường (anicca) thực sự vượt xa bên ngoài mức hiểu biết thông thường. Đọc trên sách vở mà hiểu được vô thường thì đó chỉ là cái vô thường của tầm kiến thức mà thôi. Khi bạn thực sự thấy được vô thường, nó là cái bạn kinh nghiệm được ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Không có suy nghĩ. Thật là khó để có thể viết hết những điều đó trong một bức thư – quá nhiều để nói, quá ít chỗ để viết.
Nếu những gì tôi nói có ý nghĩa đối với bạn thì tôi rất hoan hỷ. Tôi muốn là một người hoàn toàn tự do trong hành động. Tôi không nghĩ điều này là ngã mạn: đó là sự tự trọng của tôi.
Tôi còn nhớ việc một số người đánh giá phán xét tôi, bàn luận về việc tôi đi dạy và tư vấn ở Mỹ như thế nào. Tôi làm công việc tư vấn tâm lý từ ngày còn học trung học. Tôi nghĩ khi bạn càng có nhiều kiến thức và trí tuệ, bạn sẽ càng trở thành một người tư vấn giỏi. Người ta không thể biến người khác trở thành một bác sỹ tâm lý, trừ phi họ có thiên hướng tự nhiên về tư vấn.  Nó giống như làm một nghệ sỹ. Chỉ khi bạn có sự hứng thú sâu sắc với con người và cuộc đời, với những vấn đề của họ, thì bạn mới trở thành một người tư vấn giỏi được.
Có gì khác nhau giữa một người thầy dạy Phật Pháp và một người tư vấn tâm lý giỏi? Tôi không thấy có sự khác biệt nhiều; cả hai đều làm việc với những vấn đề của con người. Một vị thầy giỏi là một nhà tư vấn tâm lý giỏi. Theo tôi hiểu, Đức Phật là một nhà tư vấn tuyệt vời nhất. Bạn nghĩ thế nào, bạn thân mến của tôi?
Một cách tiếp cận cuộc sống chuyên biệt và rời rạc sẽ không hiệu quả. Chúng ta cần phải có cách hiểu toàn diện về cuộc sống. Trong cơ thể, mỗi bộ phận đều có liên quan đến các bộ phận khác. Cuộc sống cũng như vậy. Mỗi mặt của cuộc sống đều có liên quan đến các mặt khác. Mọi mặt trong cuộc sống của bạn, từ kinh tế, tình dục, cảm xúc, xã hội và tinh thần, đều có liên quan chặt chẽ với nhau. Bạn không thể tách rời chúng ra được. Nếu bạn cố tách riêng từng phần, cuộc sống của bạn sẽ không thể đầy đủ và mãn nguyện được. Sẽ không thể có sự hòa hợp, mà chỉ có xung đột và chia rẽ. Tê liệt.
Đừng làm việc gì mà bạn không thực sự thích làm. Chúng ta phung phí qúa nhiều thời gian làm những việc mình không thực sự thích làm. Vì nghĩa vụ, vì để cho người khác hài lòng, vì cảm thấy xấu hổ, vì cảm thấy buồn chán, vì cảm thấy phải có nghĩa vụ làm điều đó… quá đủ rồi!
Tôi đang ngày một già đi. Bạn cũng thế. Không có thời gian đâu mà phung phí. Hiểu được sự mê tín và ngu ngốc của người đời là một phần của sự học hỏi của tôi, nhưng nếu tôi cứ tự làm mình buồn bực bằng cách nghĩ ngợi về lỗi lầm của người khác, thì điều chắc chắn là tôi sẽ làm điều đó suốt cả phần đời còn lại cũng chưa đủ. Nó rất dễ. Tôi có muốn làm điều đó không? Đó mới là câu hỏi. Một câu hỏi quan trọng đối với tôi trong lúc này. Sân si (dosa) thật là đau khổ.
Đừng phung phí thời gian bàn luận sự ngu ngốc của người đời, hãy chánh niệm hơn về những phiền não của chính mình.
Đừng mong đợi sẽ làm thay đổi cả thế gian. Động lực mù quáng (avijjā pacccayā sankhārā – vô minh sinh hành) dẫn đến hành động mù quáng.
Chúng ta bực mình về những kẻ quá thiển cận, hẹp hòi, quá giáo điều mang danh chính thống; chúng ta bực mình với những kẻ hay dao động, nghi ngờ thái quá (đó cũng lại là một hình thức khác của sự hẹp hòi, thiển cận). Thậm chí họ cũng chẳng chịu thử thực hành chánh niệm. Đến khi nào họ mới trở thành những người như chúng ta mong muốn? 
Bạn biết không, tôi rất hứng thú với ngành tâm lý học trị liệu, bởi tôi biết tâm lý học có tác dụng như thế nào. Một bác sỹ tâm lý giỏi nếu đồng thời cũng là một thiền sinh giỏi, có khả năng giúp bệnh nhân được rất nhiều. Anh ta sẽ giúp bệnh nhân ý thức được về cái kho phiền não của chính họ.
Bạn biết đấy, tôi rất say mê khám phá con người. Tôi đã làm công việc tư vấn tâm lý gần hai mươi năm nay.  Nó là bản chất con người tôi, không phải là nghề nghiệp. Tôi đã từng nghiên cứu rất nhiều về  các vấn đề tâm lý ở các nước phương Tây. Tôi không nói là mình có thể giải quyết được tất cả mọi vấn đề tâm lý, nhưng tôi có thể hiểu được nó. Tôi có mong muốn tìm hiểu nó. Tôi đã từng làm việc với rất nhiều người với những vấn đề tâm lý khác nhau và giúp họ hiểu được chính bản thân mình.
Bạn có rất nhiều đức tính tốt; bạn chỉ cần phát triển nó lên. Nếu bạn hiểu biết về Phật Pháp, cả về Pháp học lẫn Pháp hành, bạn sẽ có khả năng giúp đỡ được nhiều người và khiến cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa và hiệu quả hơn. Bạn có cảm thấy là mình muốn bày tỏ một điều gì đó nhưng không thể bày tỏ được không? Như thể bạn có một kho báu nhưng không thể tìm ra chìa khóa để mở cửa kho báu ấy?
Khi bạn cảm thấy OK về chính mình và cách sống của mình, chỉ khi đó bạn mới thực sự giúp đỡ được người khác. Vì vậy, điều rất quan trọng là bạn phải kết nối một cách sâu sắc với tâm mình. Chỉ khi bạn nhìn thấy mọi việc một cách rõ ràng trong tâm mình, bạn mới tìm ra được cách sống hòa hợp với chính mình. Với sự hòa hợp của nội tâm, bạn có thể làm bất cứ điều gì: giúp đỡ mọi người, hay chỉ là chẳng làm gì cả.
Xin bạn đừng vội lao vào việc giúp đỡ người khác và hoằng dương Phật Pháp ở phương Tây. Việc đầu tiên là bạn hãy tìm được sự bình an trong chính mình đã. Hãy thấu hiểu những  hạn chế và phiền não ở bên trong mình. Sau khi đã học được cách sống bình yên và ý nghĩa, thì lúc đó mới nên nghĩ đến việc giúp đỡ người khác làm như vậy.
Lo lắng quá mức về người khác, về việc giúp đỡ người khác, về Phật Pháp ở phương Tây, quan ngại về sự suy đồi của Phật Pháp tây Phương, đó có thể lại là một cách để chạy trốn khỏi cuộc sống vô nghĩa của chính mình.
Giúp người mà không để mình trở thành
một kẻ đi giúp người.
Có thể nào không làm gì cả mà vẫn cảm thấy hạnh phúc về điều đó không? Tôi đang cố gắng để tìm ra điều ấy đấy.
Không làm gì cả thật không dễ, nhất là ở Mỹ, nơi làm việc là một việc chủ yếu trong cuộc sống. Không có sự hộ độ, giúp đỡ của người thân, bạn sẽ rất khó được sống ở một nơi yên tĩnh để chỉ làm mỗi việc hành thiền. Bạn cần phải có một cái tâm thật mạnh để làm điều đó. Nhưng nếu một khi bạn đã chắc chắn về điều mình muốn làm, hãy quên tất cả những gì người khác nghĩ về bạn đi. Cứ tiếp tục đi và làm điều đó. Đức Phật đã làm như thế. Hãy báo cho tôi biết nếu bạn tìm được một ngôi nhà yên tĩnh như vậy nhé.
 Tôi rất vui khi biết bạn có thời gian để hành thiền. Ở một đất nước như ở Mỹ, nơi người ta có thể làm rất nhiều việc và có vô số thứ khiến tâm mình phân tán, hành thiền được không phải là chuyện dễ. Con người ta ngày càng già đi, vẫn loanh quanh làm hết việc này việc nọ, chẳng tìm ra sự thỏa mãn trong bất cứ công việc gì.
Tôi chỉ là một con người ngồi không.
Tôi không muốn bận rộn. Bận rộn là một cách sống phí hoài. Khi bạn bận rộn, bạn bị cuốn đi quá mức đến nỗi không thể thấy được những gì đang diễn ra trong tâm mình. Bạn trở thành một con người thất niệm, quên mình. Chính vì vậy tôi không muốn trở thành một vị thầy bận rộn. Không bao giờ. Tôi nói đi nói lại điều này nhiều lần bởi vì tôi muốn bạn hiểu tôi. Tôi tôn trọng ý muốn của bạn. Bạn muốn tôi đến Mỹ. Nhưng tại sao? Để dạy à? Để phải bận rộn ư? Dạy cái gì? Những điều tôi đã đọc trong sách vở ư?
Kinh điển tiếng Pāli là một kho báu vĩ đại, trong đó chứa đựng rất nhiều lời hướng dẫn và chỉ dạy rất rõ ràng.
Bạn có thể học một số từ Pāli; nó không khó đâu. Trong vòng một năm là bạn có thể học đủ để tự mình đọc kinh điển cho đến tận cuối đời. Chỉ thực hành đơn độc một mình thì không đủ nếu bạn muốn trở thành một thiền sư. Và sự tự tin bạn có được khi tự mình có thể đọc những lời dạy của Đức Phật là không thể tả được. Không phải dựa dẫm vào những bản dịch của người khác mang lại sự nhẹ nhõm rất lớn. Dù sao thì, tất cả mọi bản dịch đều không thể hoàn toàn đầy đủ và chính xác.
 Khi bạn sống khác, bạn nhìn mọi việc theo một cách khác; khi bạn sống ở một nền văn hóa khác, bạn học được những điều khác, thậm chí ngay cả nền văn hóa của chính bạn cũng trở nên khác đối với bạn. Con mắt của bạn trở nên sắc sảo hơn. Bạn thấy được những điều mà trước kia mình không hề nhận ra. Các giá trị thay đổi; bạn trở nên ít cứng nhắc hơn, cởi mở hơn. Môi trường mới khiến bạn tỉnh giác hơn. Nó đánh thức những phần khác trong bản chất con người bạn. Bạn buộc phải sử dụng những nguồn năng lực mà bạn không sử dụng đến khi ở trong môi trường sống quen thuộc, những năng lực mà ngay chính bản thân bạn cũng không hề biết là mình đang sở hữu. Chính vì vậy, sống ở một đất nước khác, trong một nền văn hóa khác, với những con người khác là điều rất lợi ích.
Sách vở là người bạn tốt nhất của tôi. Nó làm cuộc sống của tôi phong phú hơn, mang lại cho tôi sự hiểu biết sâu rộng hơn về thế giới mà tôi đang sống. Tôi nghĩ tôi sẽ đọc đến khi nào mắt tôi còn thấy được. Đọc sách, hành thiền, đi thiền hành trong rừng, nói chuyện đôi lúc với vài người, sống một cuộc sống đơn giản và tĩnh lặng, không có gì phải lo lắng: đó là cách tôi sẽ sống cho đến tận cuối đời, cho dù sống ở bất cứ nơi đâu.
Ngày hôm qua tôi nói chuyện với một nhóm học sinh cấp một vào buổi tối. Một số đứa đọc thơ, đứa thì hỏi tôi mấy câu hỏi. Một đứa hỏi tôi tại sao tôi xuất gia làm một nhà sư. Tôi trả lời chúng tốt nhất đến mức có thể. Tôi kể cho chúng nghe những ngày thơ ấu của mình.
Buổi tối rất nhiều người đến. Hầu hết họ đều là người có trình độ. Họ có rất nhiều điều để nói và rất nhiều điều để hỏi. Chúng tôi nói chuyện đến hai tiếng rưỡi. Giờ thì tôi không thể phàn nàn rằng mọi người không hứng thú với thiền. Chúng tôi tổ chức tư vấn chung cả nhóm. Mọi người kể về cuộc đời của họ và tôi chia sẻ với họ về cuộc đời và những kinh nghiệm của tôi.
Rất nhiều người đến nói chuyện với tôi. Có một điều lạ là hầu hết họ đều rất trẻ, ở độ tuổi hai mươi, ba mươi. Chúng tôi tổ chức thảo luận chung cả nhóm vào mỗi buổi tối. Trong ngày tôi cho thiền sinh trình pháp. Điều đáng mừng là rất nhiều người ham thích tìm hiểu về Phật Pháp và thiền, để học hỏi. Một số người là những thiền sinh giỏi. Vì vậy tôi rất bận trong những ngày này. Nhưng tôi hạnh phúc.
Tôi sẵn lòng gặp gỡ và nói chuyện với mọi người. Tôi rất hoan hỷ vì mình có thể là một người bạn tốt của mọi người. Thời gian tôi dành cho họ không hề uổng phí. Đi lại đối với tôi không thuận tiện lắm, nhưng nó cũng đáng. Mọi người đã làm rất nhiều điều cho tôi. Vì vậy tôi cũng muốn đền đáp lại tấm lòng của họ. Tất cả những gì tôi có thể cho họ là tâm từ (mettā), sự hiểu biết và những lời khuyên. Do vậy, nếu họ không tới được với tôi, thì tôi sẽ đến với họ.
Rất nhiều người đến gặp tôi; hầu hết họ là những người mới đến. Giờ đây tôi đã thấy được họ đang tìm kiếm điều gì; họ đang tìm kiếm một người bạn tốt, và một người thầy để họ có thể đàm đạo thỏa mái theo cách mà họ có thể hiểu được. Tôi hy vọng sẽ lấp đầy cái khoảng trống đó đến một mức độ nào đó.
Tôi đến thăm nhà của mọi người vào buổi sáng; độ ngọ ở nhà họ; lắng nghe những nỗi đau khổ của họ và cho họ những lời khuyên mà tôi thấy thích hợp. Trên thế giới này có quá nhiều đau khổ. Chấp nhận những điều không thể tránh được là rất quan trọng đối với sự bình an của tâm hồn.
Nếu tôi tới chỗ của bạn, tôi cũng sẽ chỉ lắng nghe và nói chuyện với bạn và những bạn bè của bạn. Tôi không phải là một đạo sư, tôi chỉ là một người bạn, một người anh. Tôi không thể khiến mọi người phải thực hành Pháp, nhưng nếu họ thực hành và muốn có những lời khuyên thì tôi cũng rất sẵn lòng giúp đỡ.
Vai trò của một người thầy đầy những nỗi khổ. Tôi luôn luôn cảnh giác xem mình có bị rơi vào một cái vai nào đó hay không. Tôi đã đủ hạnh phúc khi là một vị tỳ kheo (nhà sư) giản dị, sống ở một ngôi chùa rừng đơn giản và xa vắng.
Tôi đã quên hầu hết những gì đã học trong sách vở. Tôi không muốn nhớ quá nhiều thứ. Tôi muốn để tâm mình trống rỗng, trong sáng và nhẹ nhàng, không nặng nề vì học hành. Tôi chẳng có gì để chứng tỏ, chẳng có gì để bảo vệ, và cũng chẳng có gì để mà truyền bá cả.
Con người đầy những mong muốn và khát vọng
 mâu thuẫn nhau. Hầu hết mọi người không biết
mình thực sự muốn gì. Tâm họ thay đổi như
 chong chóng. Không nhất quán là quy luật.

Bạn có biết mình là người rất nhạy cảm không?

Bạn biết không, người nhạy cảm thì đau khổ hơn
 nhưng cũng học hỏi sâu sắc hơn người khác rất nhiều.
Bạn hỏi: “Thầy có tin tưởng được nhiều người không?”. Tin tưởng có nghĩa là bạn chắc chắn rằng người đó sẽ không làm hại mình, không lợi dụng mình. Nếu hiểu theo nghĩa đó, tôi có thể nói rằng có rất ít người tôi có thể tin tưởng được.
Một vị thánh A-la-hán sống không so sánh mình với người khác. Những người khác không thể làm được điều đó. Chắc chắn cuộc đời sẽ bình an hơn rất nhiều nếu chúng ta không so sánh “có và không”. Nhưng khi đó cách sống của chúng ta sẽ phải rất khác biệt so với cách chúng ta đang sống bây giờ.
Chúng ta vẫn cứ tiếp tục sống cuộc đời mình
với đầy sự chống đối: chống đối cuộc đời
và chống đối cái chết; chống đối sự đau đớn
 và mất mát; chống đối cả tình thương nữa
(đúng, quả thực là như thế).
Sự chấp nhận thật là khó khăn biết mấy.
Trẻ con thì lại không như thế.
Lớn lên chúng ta mới học được cách chống đối này.
Tôi đang nghĩ về bạn và cảm thấy hơi lo lắng về những gì đang diễn ra với bạn bây giờ. Sự không chắc chắn là điều khiến người ta mệt mỏi nhất. Tôi lo lắng nhất là về sức khỏe của bạn. Khi bạn khỏe mạnh, bạn có thể làm được bất cứ điều gì, dù nặng nhọc, vất vả đến đâu. Hãy đi kinh hành nhiều – nó giúp cho máu lưu thông tốt trong cơ thể, đừng đi nhanh quá, và cũng đừng chậm quá. Mỗi khi sức khỏe tôi yếu, hoặc là phổi hay dạ dày có vấn đề, hay khi không ngủ được, hoặc đau đầu, chóng mặt, tôi thường đi bộ với tốc độ bình thường khoảng vài tiếng, và nó luôn luôn có tác dụng; ngay cả khi tôi bị nhiễm bệnh, tôi phát hiện ra rằng cách đó luôn làm cho tôi bình phục nhanh hơn.
Buổi tối, tôi và sư U.I đi dạo với nhau khoảng hai tiếng như thường lệ. Hầu hết thời gian chúng tôi nói chuyện với nhau về bản chất của tâm. Đôi khi chúng tôi bàn luận với nhau về những thứ con người ta coi là giá trị nhất trên đời, và cách những thứ đó định hình suy nghĩ và tình cảm của họ như thế nào.
Trong mọi thứ, ở mọi nơi và mọi con người luôn có những cái tốt và cái xấu. Khi chúng ta nhìn thấy cái xấu ở một nơi chốn hay một con người nào đó, chúng ta không nên quên những cái tốt trong họ. Chúng ta thường có xu hướng nhìn phiến diện, chỉ thấy mỗi một mặt mà thôi. Khi buồn bực, chúng ta hay phóng đại những cái xấu, và khi vui vẻ, chúng ta lại thường tô vẽ những cái tốt của người ta lên.
Khả năng thích nghi là rất quan trọng để tồn tại.
Sự cứng nhắc là điều nguy hiểm nhất.
Thỏa hiệp và uyển chuyển trong mọi việc,
ngoại trừ sự trung thực của chính mình là
không bao giờ được đánh mất.
Bạn nói: “Tôi đã thay đổi rất, rất nhiều”. Vâng, quá trình đó chỉ mới bắt đầu. Nếu bạn không chấp giữ hình ảnh tự phóng chiếu trước nay về bản thân mình, sự thay đổi đó sẽ còn tiếp tục. Bạn sẽ cảm thấy như mình là một con người mới, luôn luôn thay đổi và trưởng thành, và bạn cũng sẽ cảm thấy mình trẻ trung hơn. Cái cũ thì luôn già cỗi; cái mới thì luôn luôn tươi trẻ.

Sự học hỏi thì luôn luôn đau đớn, và nhận rõ
đâu là cái đúng cũng đau đớn không kém, nhưng
chỉ như thế chúng ta mới thực sự trưởng thành.

Bạn cần tách ra một khoảng cách nhất định nào đó để nhìn thấy rõ sự việc, để tiêu hóa được bài học đó. Khi bạn bị lôi theo cảm xúc trong sự việc đang diễn ra, bạn sẽ không thể nào thấu hiểu được nó.

Hãy hiểu rõ mức độ giới hạn của mình.
Bạn chỉ có thể làm được đến thế.
Tôi không muốn giam mình vào một cái chuồng chim chật hẹp; nó quá chật đối với tôi. Tôi muốn được tự do, thoát khỏi sự trói buộc của tên tuổi và nhãn mác.  Tôi là chính tôi. Tôi không cần được xếp hạng và vinh danh. Bạn có biết gốc của từ “phân loại” (categorise) trong tiếng Anh không? Nó có gốc từ tiếng Latinh và Hy Lạp. (Latinh categoria, Hy Lạp kategoria, sự kết tội. Và suy đoán = kategor, kẻ kết tội, kẻ buộc tội. Kategor kết tội, buộc tội, lên án ai đó trước công luận).
Vì vậy, những sự xếp loại (khẳng định, xác nhận một con người) đang ngày càng trở nên ít có ý nghĩa đối với tôi, một người theo đạo Phật chẳng hạn – đó cũng là xếp loại.
Tôi không thích bị xếp loại, dù là xếp loại tích cực hay tiêu cực.
Tâm tôi ngày càng trở nên giải thoát, tự do khỏi mọi tiêu chuẩn, mọi bậc thang xếp loại, kể cả tốt hay xấu, và những thứ đại loại như vậy. Tôi muốn thấy rõ bản chất thực của tất cả mọi sự vật, hiện tượng mà không cần đặt tên cho nó. Tôi hy vọng không có ai hiểu sai tôi. Tại sao cái tên lại quan trọng đến thế? Trong một số trường hợp, gán tên (cho một sự việc, một con người nào đó) lại giống như là một câu chửi hay một lời kết tội vậy.
Một điều nữa tôi muốn nói, đó là sự mong đợi. Làm sao mà biết được những thứ chúng ta đang mong đợi là có được hay không? Tại sao chúng ta lại cần phải mong đợi? Tại sao chúng ta không thể sống với những gì đang là?  Mong chờ và khát vọng làm cho con người ta cảm thấy vui, cảm thấy tốt đẹp. Khi con người ta mong chờ và khao khát hướng đến một điều gì đó tốt đẹp và cao thượng, họ cứ nghĩ rằng như thế họ sẽ là người tốt. Đôi khi mong chờ và khát vọng lại là tự lừa dối chính mình. Chúng cũng có thể mang lại sự thất vọng.
Đức Phật nói rằng khi một người đắc quả A-La-Hán, vị ấy vượt qua được mọi quan kiến ở đời. Đầu óc chúng ta mới chất chứa đầy những quan kiến làm sao, đầy rẫy quan điểm và ý kiến. Thế nhưng chúng ta lại chẳng bao giờ chắc chắn được về bất cứ điều gì cả; chỉ tối ngày khua môi múa mép;  những ngôn từ hoa mỹ - bla, bla, bla…
Ngay cả khi đầu óc tôi tràn đầy những quan điểm và sự việc, nhưng tôi vẫn muốn biết thêm nữa. Tâm tôi trở nên quá chật chội, nhưng những điều có ý nghĩa nhất, tinh yếu nhất trong sự học hỏi của tôi, thì lại chẳng thể diễn đạt một cách thực sự, trực tiếp bằng ngôn từ được.
Tôi biết sự nông cạn của ngôn từ, và tôi biết mình chẳng thể làm được gì để cải thiện điều đó cả. Đôi khi chính bản thân tôi cũng nông cạn và hời hợt. Không có chánh niệm, con người ta có thể là gì khác hơn ngoài sự nông cạn và hời hợt.
Tôi đang đọc cuốn sách bạn gửi tặng, Châu Âu thời Phục Hưng. Điều quan trọng là đọc lịch sử để có được sự hiểu biết sâu rộng hơn về con người: những tư tưởng và lý tưởng của con người đã thay đổi ra sao; con người đang tạo ra đau khổ như thế nào; sự chấp thủ vào các loại quan điểm và ý kiến của con người ta mạnh mẽ và dai dẳng đến đâu, mà đáng thương thay, những quan kiến đó lại đang luôn luôn thay đổi. Sự đồng hóa mình với các loại quan kiến, các loại tôn giáo và quốc gia đã tạo ra vô số đau khổ và xung đột trên thế giới này. Hình ảnh tự phóng chiếu về chính bản thân mình tạo nên sự chia rẽ và cô đơn.
Bạn có nhận ra rằng, khi người ta viết ra một điều gì đó – bạn biết những điều họ viết ra là do họ suy nghĩ trong đầu, hoặc do cóp nhặt đâu đó trong sách vở họ đã từng đọc? Và khi họ viết ra từ chính kinh nghiệm thực và từ chính trong trái tim họ - bạn có thấy sự khác biệt giữa hai cái đó không?
Bạn đã bao giờ chịu bỏ công suy nghĩ xem những khó khăn của mình từ đâu mà đến chưa? Và như thế nào mà việc bạn làm ngơ không chịu nhìn sâu vào gốc rễ của vấn đề đã đưa bạn đến hoàn cảnh như thế này? Có chút đau đớn, hối hận hay nuối tiếc nào ở đó không?
Bạn có thể đặt mình vào địa vị của người khác mà suy nghĩ hay không? Nếu một người đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và thử cảm nhận xem họ đang cảm thấy ra sao, thì kết quả sẽ như thế nào?
Đã bao giờ bạn quan sát cái hình ảnh tự phóng chiếu của chính mình chưa? Hình ảnh lý tưởng hóa, hình ảnh thần tượng hóa, hình ảnh thực tế, rất nhiều hình ảnh khác nhau để trưng ra cho những người khác nhau. Tất cả có bao nhiêu khuôn mặt? Làm thế nào để bạn dung hòa được tất cả các con người khác nhau đó trong mình? Làm thế nào mà bạn gộp chung tất cả chúng lại thành một hình ảnh duy nhất của chính mình? Và khi đó thì ai là “cái tôi lớn” này? Bạn đã từng gặp người nào chỉ mang một hình ảnh duy nhất không thay đổi, dù họ gặp gỡ bất cứ ai hay ở bất cứ nơi nào, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào hay chưa?
Khi người ta bắt đầu gán cho bạn một cái nhãn nào đó, bạn có tin vào cái nhãn đó và sống uốn mình theo những gì họ nói về bạn hay không? Bao nhiêu phần trăm những điều họ tưởng tượng về bạn là đúng và bao nhiêu phần trăm là không đúng sự thật, sai trái và xuyên tạc? Và bao nhiêu phần trăm những điều bạn nghĩ về người khác cũng là sai trái, méo mó và xuyên tạc nữa?
Bạn có nhận ra một điều rằng: một số người ghét cái xấu dường như chính họ cũng là người rất xấu đó không? Tại sao lại như thế? Tôi đã từng thấy rất nhiều người chỉ thích bới lông tìm vết, vạch ra cái xấu của người, nhưng chẳng bao giờ nhìn thấy cái xấu trong chính mình cả. Cái xấu xa của chính họ thì họ chạy trốn. Có đúng không khi nói rằng: khi lên án người khác, họ cảm thấy mình cao thượng hơn những con người họ cho là xấu xa ấy, và chính cảm giác cao thượng hơn người đó đem lại cho họ một cảm giác giả tạo là con người họ không có chút xấu xa nào?

Một kẻ dối trá có thể làm bất cứ điều gì
Bạn có đồng ý với ý kiến đó không? Bạn cảm thấy thế nào khi có người nói dối bạn? Bạn nghĩ thế nào là sự thật? Khi một người vi phạm sự thật, anh ta sẽ đánh mất điều gì? Con người nhận được gì nếu phải sống một cuộc đời toàn sự dối trá và tự lừa dối chính mình? Ai có thể phát triển tâm linh và trưởng thành về tâm lý nếu họ không sống một cuộc đời chân thật? Con người ta sẽ đạt được gì nếu vẫn còn ở một giai đoạn rất ấu trĩ – ấu trĩ và non nớt cả về cảm xúc, tâm lý và tinh thần? Sống ấu trĩ như thế, có thể nào đạt được những niềm vui, sự thỏa mãn đích thực và bền vững nào không?
Bạn sẽ đối xử như thế nào với một người cùng lúc có cả hai tính cách rất cực đoan và khác biệt? Một cá tính nhân hậu và chu đáo, biết quan tâm đến người khác; một cá tính khác lạnh lùng, nhẫn tâm, ích kỷ, thiếu tế nhị, thiếu suy nghĩ, không biết điều, không biết tự kiềm chế và hay làm hại người. Bạn đã từng gặp người nào như vậy bao giờ chưa? Tôi đã từng gặp một số người như vậy và tôi chẳng biết phải đối xử với họ ra sao nữa.
Ngôn từ rất mơ hồ về ý nghĩa và khi dùng để diễn đạt, trao đổi. Có rất nhiều điều không thể diễn đạt được bằng ngôn từ. Trong nhiều trường hợp, người ta chỉ sử dụng ngôn từ để gây ấn tượng, còn sự thật thì rất xa ngôn từ đó.
Làm thế nào để hiểu mình thật tường tận?
Nếu không hiểu được mình, liệu chúng ta có thể
hiểu được người khác và mong người khác
hiểu mình hay không?
 Bạn đã bao giờ suy nghĩ và tự hỏi mình tại sao mình làm việc này việc kia, làm với động cơ gì, hay là bạn làm việc đó chỉ vì có một sợi dây nào đó đang điều khiển, lôi kéo bạn phải làm mà không hề cân nhắc việc đó là thiện hay bất thiện, lợi hay hại? Có phải bạn bị thói quen và sự ham muốn kiểm soát mình, chứ không phải kiểm soát được những thói quen và lối mòn suy nghĩ chẳng hề lợi ích và chẳng mang lại hạnh phúc cho bản thân mình hay không?
Trên đời này có một cái gì là nhân cách cố định hay không? Chẳng lẽ con người yếu ớt đến mức không bao giờ và không thể thay đổi tốt hơn, mà cứ phải làm nô lệ cho những thói quen và lối mòn suy nghĩ cũ kỹ như vậy sao?
Không có sự thay đổi, sẽ không có trưởng thành…
Đối với bạn, thế nào là tha thứ?
Bạn có tha thứ cho chính mình và cho
 người khác hay không?
Đã có bao nhiêu điều bất công người ta
 đã làm với bạn?
Đã có bao nhiêu điều bất công bạn đã
 gây cho người khác?
Bạn có nghĩ việc đáng làm là sửa chữa những khuyết điểm và thiếu sót của mình hay không? Hay bạn thích cứ chấp chặt vào hình ảnh cũ kỹ của chính mình; sợ rằng nếu thay đổi, bản ngã của bạn sẽ bị tổn thương quá mức? Bạn có thấy được lợi ích của việc buông bỏ bản ngã và hình ảnh tự tạo của chính mình, những thứ đã gây ra quá nhiều đau khổ cho bản thân mình và người khác hay không?
Tình thương là gì? Làm thế nào để chuyển hóa nó thành hành động cụ thể trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta? Cuối mỗi ngày, bạn có xem xét lại những việc mình đã làm, cả việc thiện và bất thiện hay không? Bạn có quyết tâm tránh xa không làm những việc bất thiện nữa hay không?
Làm thế nào giải quyết được những khó khăn và những điều bí ẩn nếu bạn cứ từ chối không chịu công nhận nó?  Bạn có đủ can đảm để gọi đúng tên nó ra, đưa nó ra ánh sáng và rồi buông bỏ nó mà bước đi không?
Hãy luôn luôn tỉnh giác. Nếu có điều gì đó mà bạn chối bỏ, không công nhận và tránh xa (đầu tiên là sự sợ hãi sẽ khởi sanh), đó chính là lúc bạn cần phải thực sự nhìn thẳng vào nó. Nó luôn luôn có mặt trong tiềm thức của chúng ta và có thể khởi lên bất cứ lúc nào. Bạn có dám đối diện với nó không? Bạn có nhận thấy rằng khi khởi sự làm một việc gì đó, ban đầu bao giờ cũng khó khăn, nhưng sau vài lần cố gắng, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Cũng như việc thực hành chánh niệm,
lúc đầu bạn thấy khó vì tâm đã quen với
nếp sinh hoạt cũ, luôn phóng dật và bất cẩn.
 Nhưng nếu kiên trì tập,
bạn sẽ thấy chánh niệm đến một cách rất tự nhiên.
Chỉ có thực hành mới đem lại sự hoàn hảo.

Bạn có nghĩ như thế không?
Làm thế nào để thấy được quy luật của nghiệp đang vận hành trong cuộc sống của chúng ta? Nó giống như trò chơi ném cung quăng của thổ dân Úc, cái cung quăng ném đi sẽ bay một vòng và quay về đập vào đúng vị trí người đã ném nó.
 Cuộc đời có ý nghĩa gì đối với bạn? Cuộc đời mong muốn điều gì từ bạn? Bạn nghĩ tại sao mình lại có mặt ở đây, trong kiếp sinh tồn gọi là cuộc đời này? Bạn có nghĩ đó là một cơ hội vô cùng quý giá được sinh ra làm người chứ không phải làm một con vật hay một loại chúng sanh thấp kém hơn không?
Khi bạn làm một việc gì đó, bạn làm chỉ vì muốn, vì bốc đồng hay chỉ làm sau khi đã cân nhắc đến mọi hậu quả và hệ lụy? Bạn có thấy mình thường bị thúc ép phải ra quyết định trong cuộc sống như thế nào không? Những tiêu chí nào bạn có trong tâm khi ra quyết định?
Mọi người ai cũng muốn nhận được sự hiểu biết, tấm lòng nhân hậu, tình thương và lòng từ bi của người khác. Chúng ta sẵn lòng trao tặng bao nhiêu những điều tương tự như vậy cho người?



0 nhận xét:

Đăng nhận xét