Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

NGHIỆP BÁO VÀ TÁI SINH



Ta cảm thấy bất toại nguyện vì đời sống đầy dẫy bất công như người giàu sang hạnh phúc, kẻ bệnh tật đau yếu, cha mẹ hiền sanh con dử, người lành gặp nạn v.v.. Do đó, chúng ta cần tìm kiếm nguyên nhân sự bất công ấy. Nguyên nhân ấy là nghiệp. Danh từ Phạn ngử Kamma là nghiệp, hành động.
"Nầy tỳ khưu! tác ý là nghiệp (cetanaham bhikkave kammam vadami)". Tác ý là hành uẩn, là một yếu tố của tâm. Nghiệp là hành động, là nhân; kết quả của hành động được gọi là karma-vipaka tức là quả. Tùy theo tác ý có tham-sân-si hay không, hành động sẽ đưa ra quả thiện hay ác. Chính tiến trình hành động, phản ứng, nhân-quả liên tục là  tiến trình của hiện tượng tâm-vật lý, là cõi sa bà (samsara).
Tác ý được phân chia thành ba loại tham ái: ái dục theo căn, theo sự hiện hửu, theo hư vô. Tham ái đưa ra hành động, hành động tạo ra quả, quả sẽ sinh ra tham ái mới. Tiến trình nhân quả là định luật tự nhiên. Ðây là định luật tự nó có, không do ai làm chủ. Không có một vị thượng đế ban thưởng hay xử phạt cho người hiền, kẻ dử. Tác ý là động lực khiến hành động trở thành cao thượng hay thấp hèn, thiện hay ác. Chúng sanh là người thừa hưởng kết quả hành động của mình. Nghiệp không phải là định mệnh cố định hay định mệnh vô định. Chúng sanh lãnh trách nhiệm về hành động của mình (quả) nhưng chúng sanh hoàn toàn làm chủ điều khiển mọi hành động của mình (nghiệp). Cho nên đời sống xấu hay tốt hoàn toàn nằm trong lòng tay ta. Nên nhớ, không phải bất cứ sự việc nào xảy ra trong đời sống đều do nghiệp quá khứ tạo. Các hành động hiện tại đóng vai trò lớn ảnh hưởng đến đời sống chúng ta. Nếu sợ đau khổ do nghiệp ác mang đến, hãy chú ý đến đời sống hiện tại để tạo nghiệp lành và chuyển hóa đời sống.
Tái Sanh
Tái sanh là sự tiếp diễn đời sống (sanh vào kiếp sau) khi kiếp sống hiện tại chấm dứt. Theo đạo Phật, không có đời sống vĩnh viễn trên thiên đàng hay địa ngục. Sanh rồi tử, tử rồi sanh, tái sanh tùy thuộc nơi nghiệp báu, hai cập nầy đi đôi với nhau.
Ðời sống không phải chấm dứt lúc chết mà tiếp diễn tái sanh vào kiếp kế. Luồng nghiệp và lòng tham ái khát khao là động lực làm cho đời sống trôi chảy.
Sự sanh hiện tại do nghiệp tham ái quá khứ (tanha upadana) đưa đến. Sự bám víu vào đời sống hiện tại sẽ trổ quả là sự tái sanh vị lai.
Trong tiến trình sanh tử không có linh hồn thường còn, bất biến chuyển sinh từ kiếp nầy đến kiếp khác. Con người là tổng hợp của danh-sắc, không phải là bản ngã thường còn. Tâm là nguồn lực linh động trôi chảy liên tục, chứa đựng tất cả kinh nghiệm ghi nhận trong hiện tại và vô lượng kiếp quá khứ.
Theo các nhà khoa học, vật chất là năng lực thay đổi không ngừng. Theo tâm lý học, tâm cũng không phải là một thực thể cố định. Khi Ðức Phật đề cập đến chúng sanh hay một cá nhân, là tổng hợp danh-sắc, là sự thay đổi liên tục của các động năng, điều nầy rất phù hợp với khoa học ở thế kỷ 20.
Có thể nói chúng ta sống và chết từng khoảnh khắc. Sự sanh và diệt trong đời sống luôn tiếp nối nhau như các ngọn sóng tiếp nối nhau trên đại dương. Tâm lý và vật lý thay đổi không ngừng tạo ra tiến trình liên tục, không có một khoảng cách nào ở giữa.
Nếu không có bản ngã hay linh hồn thì cái gì đi tái sanh ?
Cái mà ta gọi đời sống là sinh hoạt tham ái của năm uẩn. Trong tiến trình luân chuyển, năm uẩn thay đổi từng khoảnh khắc, không có gì thường còn nhưng cũng không có gì hoàn toàn khác biệt. Trong tiến trình thay đổi liên tục, người già hôm nay không phải là trẻ thơ năm xưa, nhưng cũng không phải là một người khác. Ðó gọi là sự tái-sanh, tái-hiện-hửu, hay cái-đang-trở-thành (puna-bhava).
Tiến trình nghiệp là động lực của đời sống hiện tại ảnh hưởng đến đời sống vị lai không chấm dứt. Ðây là một tiến trình liên tục, không đứt đoạn. Vì năm uẩn tạo thân-tâm chỉ là một tiến trình duyên hợp, không có bản ngã tự tánh thường còn, nên không có cái gì chuyển từ kiếp nầy sang kiếp khác. "Người vừa mới chết và người vừa mới tái sanh không phải cùng một người và cũng không phải hai người khác nhau (na ca so na ca anno). Có sự tái sanh nhưng không có "người" tái sanh. Ðây là tánh không trong tái sanh.
Trong tiến trình sanh tử, chập tư tưởng cuối cùng (vinnana) lúc lâm chung rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến đời sống kế. Chập tư tưởng đó gọi là thức-nối-liền (patisandhi): chập tư tưởng cuối cùng của kiếp trước là chập tư tưởng đầu tiên của kiếp sau.
Thông thường, vì tham ái, chúng sanh bám víu vào bản ngã nên chập tư tưởng cuối cùng là khát vọng muốn tiếp tục sống trong cảnh giới đã quen thuộc. Tư tưởng nầy nằm sâu trong tiềm thức rất vi tế nên rất khó kiểm soát. Chính vì thức-nối-liền nầy, ta tái sanh trong sáu cảnh giới trời, người, thần, súc sanh, ngạ quỉ, địa ngục.
Ta dùng danh từ "sanh và chết" để diễn tả hai giai đoạn đặc biệt trong tiến trình dòng thức. Vì vô minh không nhìn rỏ tiến trình sanh diệt tự nhiên, ta chấp vào sự hiện hửu riêng biệt của đời sống. Vì thế, khi cái chết xảy đến, ta phải đối diện với một sự thật phủ phàng khắc nghiệt, đau khổ vô cùng. Thật ra, câu hỏi "cái gì đi tái sanh" cũng bắt nguồn từ lòng tham ái bản ngã của ta, cố tìm cho được một thực thể nào đó để ôm giử sau khi chết.
Ðối với một người thường quán niệm về ngũ uẩn, nhìn thấy bản chất vô ngã, tánh không của hiện tượng và sự vật, câu hỏi nầy không cần đặt ra nữa. Vô minh là không hiểu biét về vô ngã và tánh không, là động lực sinh ái dục. Ðức Phật dạy: "Làm cách nào không tái sanh? Khi vô minh chấm dứt, tham ái chấm dứt tất nhiên tái sanh chấm dứt".
Khi giác ngộ, Ðức Phật đã thốt lên kệ chiến thắng:
Ta đã tái sanh luân hồi
Tìm mãi không thấy người thợ làm nhà
Nầy hởi người thợ làm nhà
Ngươi không cần xây nhà cho ta nữa!
Tất cả sườn nhà đều gãy,
Ðòn cột không còn,
Tâm ta đã chiến thắng
Diệt trừ ái dục hoàn toàn.


Trích: Con đường cổ xưa

0 nhận xét:

Đăng nhận xét